Trong các buổi phỏng vấn xin việc, khi được hỏi: "Công việc này cần thời gian linh hoạt, và luôn sẵn sàng hỗ trợ khách hàng, em thấy như thế nào?".
"Em làm được ạ" là câu trả lời mà nhiều bạn trẻ sẽ chẳng ngần ngại khẳng định. Không chỉ mới bắt đầu công việc, rất nhiều người không thể từ chối những yêu cầu như vậy dù đã đi làm rất lâu.
Thế rồi, để chứng minh cho câu "em làm được" đó, chúng ta háo hức và sẵn sàng đánh đổi bất cứ thời gian nào của chính mình, và thậm chí còn hơn thế nữa.
Từ thế hệ Millennials trở đi, thông tin được phủ rộng hơn bao giờ hết. Bất kì một câu chuyện về người trẻ tài năng trong lĩnh vực nào đó đều dễ dàng được lan tỏa, nhận được sự quan tâm, chia sẻ như một cách truyền cảm hứng cho nhau để phấn đấu trong vài năm ít ỏi mang tên "xuân xanh" trong sự nghiệp. Giống như chúng ta khởi đầu đường đua với một chiếc xe mới, dạt dào nhiên liệu, trơn tru và chưa hề hỏng hóc, sẵn sàng lao đi thách thức mọi gập ghềnh trên đường đời. Chiếc xe mới đó chính là cơ thể, là sức khỏe, là tuổi trẻ mà ai cũng từng đã có, đang có…
Cách đây không lâu, câu chuyện về một thanh niên làm nghề dựng phim ra đi ở tuổi 31 vì làm việc quá sức đã khiến nhiều người giật mình. Công việc dựng phim với những đêm cày cuốc, thâu đêm tới sáng để kịp deadline khách hàng đã bào mòn sức khỏe và lấy đi tuổi trẻ cùng tương lai của chàng trai này. Sự ra đi đột ngột ấy khiến cho bạn bè bàng hoàng và tiếc thương. Trên các bài viết và chia sẻ của cộng đồng, tin buồn về chàng trai được đồng cảm vô cùng, bởi đang có quá nhiều người trẻ như vậy, không chỉ tại Việt Nam mà ở nhiều quốc gia khác.
"YOLO" – bạn chỉ sống một lần. Với nhiều người, đó như một câu khích lệ cứ liều lĩnh và dại khờ. Nhưng, cũng chính vì có một lần để sống, nên đừng quên rằng mình cần phải trân trọng cơ hội duy nhất này.
Giữa thời đại mà ai cũng muốn chứng tỏ năng lực, muốn khẳng định giá trị để người khác công nhận và nhớ đến thì mỗi cá nhân lại càng phải hi sinh gấp 2, gấp 3. Thành tựu công việc luôn tỉ lệ nghịch với tình trạng sức khỏe và chỉ số hạnh phúc – đây chính là một góc tối bi kịch của nhiều người trẻ trong thế hệ Millennials. Job kéo đến nhưng cả tháng không nói chuyện cùng bố mẹ. Bạn có tiền mua hàng hiệu nhưng vừa ăn cơm vừa trả lời khách hàng hoặc lo lắng công việc. Đi du lịch, check-in nơi sang trọng nhưng thời gian nghỉ ngơi thực sự tính bằng phút. Có một phòng ngủ "chill sương sương" nhưng chưa thật sự có một giấc ngủ no đủ 8 tiếng.
Không thể phủ nhận "hard work paid off", sự chăm chỉ, cần củ sẽ trao tặng bạn những giá trị tương xứng khác. Sự đánh đổi không phải lúc nào cũng tệ bạc, tuy nhiên đánh đổi bao nhiêu là đủ, và lúc nào nên dừng lại thì là câu hỏi làm khó nhiều người.
Những người trẻ, đặc biệt là thế hệ Millennials đã từng chia sẻ rộng rãi tựa đề "lời trăn trối của Steve Jobs" sau khi cha đẻ của Apple qua đời. Tại thời điểm công bố đã có hơn 20 nghìn lượt thích và hơn 14 nghìn lượt chia sẻ bài viết với quá nhiều đồng cảm (số liệu này có thể vượt xa đến hiện tại). "Giường đắt nhất trên thế giới là gì? – Đó là "giường bệnh". Bạn có thể sử dụng một người lái xe cho bạn, kiếm tiền cho bạn nhưng bạn không thể có một người nào đó phải chịu bệnh tật cho bạn. Cho dù giai đoạn trong cuộc đời chúng ta đang ở có huy hoàng tới mức nào, với sự tàn phá của thời gian, chúng ta sẽ phải đối mặt với những đi xuống…" – Một người nổi tiếng, thừa tầm sức ảnh hưởng như Steven Jobs khi viết những lời cuối cùng, vẫn là đau đáu đấu tranh giữa "sự nghiệp" và "sức khỏe".
Trong cuộc đời có biết bao dự định và kế hoạch đầy triển vọng. Bạn luôn khao khát chinh phục được những đỉnh cao mới, và tham vọng là thứ dễ dàng làm lu mờ đi nhiều giá trị khác. Nhưng cuộc sống thì luôn ẩn chứa những biến cố bất ngờ không hề báo trước. Điều không may đó có thể sẽ khiến bạn không bao giờ thực hiện được điều mình muốn.
Ngoài công việc, bạn còn cả một cuộc đời, vì thế đừng đánh đổi
Thức xuyên đêm cho kịp deadline, tùy tiện bỏ bữa… chúng ta đang "tạm ứng" sức khỏe của mình, mà quên rằng số tiền mà bạn kiếm ra được hôm nay, có thể sẽ phải dùng để "mua" lấy sức khỏe sau này.
Ai cũng có 24h để làm việc và tận hưởng mỗi ngày cuộc sống. Không có công thức chung nào cho tất cả, ngoại trừ việc bạn phải luôn nhắn nhủ với chính mình rằng: bạn yêu bản thân mình hơn công việc. Hãy thử làm khác đi so với chu trình mỗi ngày giống nhau của bạn, xem có gì nghiêm trọng nếu bạn ngừng làm việc sau 6 giờ tối hay không?
Không.
Nhưng có thể cuộc đời bạn sẽ dừng lại nếu tiếp tục làm việc sau 6 giờ tối, 10 giờ tối, 1 giờ sáng hay 4 giờ sáng. Hãy tắt điện thoại, tắt gmail, hay tin nhắn công việc. Buổi tối thực sự là thời gian để bạn sạc pin cho bản thân mình sau ngày dài làm việc.
Với thế hệ Millennials, sức khỏe là một lối sống chứ không phải là một mối quan tâm nhất thời
Bạn có thực sự cần nhiều tiền để được hạnh phúc? Áp lực bởi bạn bè xung quanh, nỗi sợ bị lãng quên trong những bức hình chụp chung trên mạng, cảm giác bản thân mình bị thụt lùi trong khi xã hội đang tiến lên… Một cảm giác bị bỏ rơi trong cuộc đua mà thời gian trở thành vị giám khảo khốc liệt nhất. Những hạt mầm bất an và nhiều nỗi sợ đó án ngữ trong trí óc, để mỗi người thật khó để can đảm từ bỏ một thói quen công việc dễ dàng.
Trong 5 tầng tháp nhu cầu nổi tiếng của Maslow, bạn đặt bản thân mình ở đâu, sức khỏe và tinh thần của mỗi người trẻ có chăng sẽ đặt đúng vị trí cần được quan tâm nhất. Sức khỏe chính là nền tảng quan trọng và vững chãi nhất để chúng ta có thể theo đuổi các mục tiêu khác trong cuộc sống. Hiểu được mối tương quan hai chiều giữa sức khỏe và sự nghiệp luôn là điều cần thiết để mỗi người vạch ra kế hoạch dự phòng về sức khỏe cho riêng bản thân mình.
Tuy nhiên, bên cạnh nhóm người trẻ bỏ quên sức khỏe, giới trẻ ngày nay còn có một bộ phận rất chăm chỉ chia sẻ kiến thức để nâng cao thể chất và tinh thần, giữ cán cân cân bằng giữa cuộc sống và công việc. Phong cách sống lành mạnh đó đang được các bạn trẻ nghiêm túc nhìn nhận là một trào lưu mới có ích cho bản thân và cộng đồng. Giữa điểm nóng dịch bệnh Covid-19, Châu Bùi là celeb đầu tiên của Việt Nam phải đi cách ly tập trung 14 ngày sau khi tham gia chuỗi sự kiện Milan Fashion Week Thu Đông 2020 tại Ý. Từ khu cách ly, Châu Bùi vẫn giữ tinh thần sống tích cực và chủ động cho sức khỏe của mình, thường xuyên cập nhật tình hình một cách hài hước, lạc quan và đưa ra lời khuyên để mọi người bảo vệ sức khoẻ của bản thân cũng như cộng đồng.
Không chỉ Châu Bùi, mà rất nhiều bạn trẻ thuộc thế hệ Millennials nói chung vẫn đang cùng cộng đồng làm rất tốt việc bảo vệ sức khỏe bản thân và truyền tải thông điệp tích cực nâng cao sự nhận thức về bảo vệ sức khỏe. "Chủ động" là từ khóa key-word với thế hệ Millennials chính vì thế họ không ngồi yên để chờ vấn đề xuất hiện. Đừng đợi dịch bệnh đến rồi mới tìm cách phòng tránh, mà hãy luôn bảo vệ sức khỏe và cơ thể bạn trước mọi biến cố khác trong đời. Từ mỗi suy nghĩ, hành động như thói quen ăn uống, rèn luyện cơ thể đến một giải pháp tài chính dự phòng cho những rủi ro bệnh tật, chúng ta đều có thể tạo nên sự thay đổi tích cực giúp bảo vệ sức khỏe của mình và những người thân yêu. Sự cần thiết có các khoản dự phòng "back-up" về sức khỏe hay kế hoạch ngăn ngừa rủi ro cũng nên được cho vào "to do list" để các bạn trẻ có thể tự tin thực hiện các mục tiêu còn lại trong cuộc sống.
Thế hệ Millennials ngày nay đã bước những bước tiến xa hơn thế hệ đi trước, bởi tầm nhìn và hành động của họ, trách nhiệm với bản thân mình trước khi bước xa hơn ra cộng đồng. Bi kịch của người trẻ là thách thức để họ đi tìm con đường mới và trong vòng luẩn quẩn giữa nhiều lựa chọn công việc – sức khỏe – hạnh phúc, và họ sẽ luôn có phương án thích hợp cho chính mình.