Takuya Homma và startup Manabie – Tân binh đáng gờm trên trên đấu trường ed-tech Việt Nam và châu Á

Quỳnh Như | 01-08-2020 - 16:52 PM

(Tổ Quốc) - Mới 32 tuổi, nhưng Takuya Homma đã có một hành trình dài và vất vả trước khi bắt đầu cuộc phiêu lưu kỳ thú với Manabie tại Việt Nam. Nhờ background long lanh của founder cùng khả năng giữ được cam kết chất lượng giáo dục cao liên tục, Manabie đã thành công gọi được vốn dù mới hơn 1 năm tuổi.

Cách đây khoảng vài tháng, trong thời cao điểm của ‘làn sóng thứ nhất" đại dịch Covid-19 tại Việt Nam, đã có kha khá thông tin về startup giáo dục tên Manabie xuất hiện trên truyền thông. Bởi, đây là một trong những công ty khởi nghiệp được hưởng lợi nhiều nhất từ đại dịch Covid-19, nhờ các chương trình dạy học online mới lạ - hấp dẫn. Hầu hết bài báo đều cho rằng, Manabie là startup đến từ Nhật Bản và mới mở rộng thị trường sang Việt Nam.

Tuy nhiên, thật ra thì thông tin sau cùng không chính xác. Trong cuộc phỏng vấn với chúng tôi, Takuya Homma – founder Manabie tiết lộ rằng, dù startup này đăng ký thành lập tại Singapore nhưng khởi hành ở thị trường Việt Nam và đang chuẩn bị mở rộng đến Nhật Bản. Với những công dân toàn cầu như Takuya, khởi nghiệp ở đất nước nào không quan trọng, quan trọng là cơ hội lớn đến mức nào?!

Khởi điểm từ vùng quê hẻo lánh của Nhật Bản, trau dồi kiến thức ở trường đại học hàng đầu Anh Quốc và thành danh tại Indonesia


"Cũng như rất nhiều người châu Á khác, thời cấp III của tôi luôn ngập ngụa trong việc học. Tôi sinh ra và lớn lên ở một vùng quê hẻo lánh tại Nhật Bản, nên để đậu trường hàng đầu Nhật Bản là Đại học Tokyo tôi đã phải tự học ngày học đêm. Lúc đó, tôi chủ yếu là tự mày mò học chứ không được tiếp cận những giáo viên hàng đầu như các học sinh ở thành phố lớn.

Khi học ở Đại học Tokyo, nhờ internet, tôi mới có thể trau dồi tiếng Anh và các bài giảng ở các trường đại học hàng đầu châu Âu. Với nền tảng đó, tôi đã nhận được học bổng liên thông Cử nhân Khoa học ở trường Đại học College London – nước Anh.

Từ những trải nghiệm của bản thân, tôi muốn làm cái gì đó nhằm mang lại cơ hội học tập tốt nhất cho các em học sinh dù ở nơi hẻo lánh nhất của thế giới. Đó là nguyên do mà tôi tham gia xây dựng Quipper với những anh em đồng chí hướng và bây giờ là tự khởi hành với Manabie", Takuya Homman chia sẻ.

Có thể nói, kể từ khi bước vào đời đến nay, chàng trai 32 tuổi này chủ yếu gắn bó với ngành ed-tech.

Sau khi rời trường học vào năm 2012, Takuya đã gia nhập Quipper và là một trong những thành viên sáng lập của startup giáo dục này. Trong hơn 6 năm làm việc tại Quipper, Takuya đã kinh qua rất nhiều vài trò khác nhau, từ markerting, phát triển thị trường, quản lý sản phẩm, PR, HR đến tài chính.

Takuya Homma và startup Manabie – Tân binh đáng gờm trên trên đấu trường ed-tech Việt Nam và châu Á - Ảnh 1.

Một buổi học nhóm tại một trung tâm trải nghiệm offline của Manabie.

Năm 2015, sau khi Quipper được sáp nhập với công ty Nhật Bản tên Recruit với thương vụ lên đến 40 triệu USD, anh đã được cử đến khai phá thị trường Indonesia. Trước khi rời Quipper năm 2019, anh đã giúp startup này có được chỗ đứng vững chắc tại Indonesia thông qua chi nhánh văn phòng có hơn 500 nhân sự. Quipper thành lập tại London – nước Anh, nhưng thị trường chủ lực của họ là ở châu Á. Hiện họ đang hoạt động mạnh mẽ tại Indonesia, Phillipines, Nhật Bản, Mexico…

Tháng 3/2019, Takuya rời Quipper và đăng ký thành lập công ty riêng tại Singapore và sau gần nửa năm phát triển - xây dựng sản phẩm, vào tháng 1/2020, anh cùng co-founder Christy Wong lần đầu giới thiệu nền tảng học tập trực tuyến Manabie ở thị trường Việt Nam.

Đăng ký kinh doanh tại Singapore, khởi hành tại Việt Nam và sắp mở rộng thị trường sang Nhật Bản


"Sở dĩ tôi chọn Việt Nam để bắt đầu hành trình khởi nghiệp của mình thay vì quê mẹ Nhật Bản hay ‘thiên đường’ Singapore là bởi thị trường ed-tech ở đây đang ở giai đoạn sơ khai, còn nhiều dư địa để phát triển và người Việt rất coi trọng giáo dục – khi họ dành tới 20% ngân sách gia đình cho chi tiêu học tập của con cái.

Sau rất nhiều năm hoạt động trong mảng ed-tech ở khu vực Đông Nam Á, tôi tích lũy được nhiều kiến thức và kinh nghiệm cũng như phần nào thấu hiểu văn hóa, nhu cầu, thói quen tiêu dùng của người Việt Nam", founder Manabie giải thích.

Và vì đi ra từ Quipper nên chẳng có gì ngạc nhiên khi Takuya chọn thị trường ngách là học sinh cấp III để khởi nghiệp. Tuy nhiên, mô hình của Manabie không giống Quipper 100%.

Thoạt trông thì mô hình kinh doanh của Quipper và Manabie tương đối giống nhau: cũng để phục vụ những bạn trẻ là học sinh cấp III trau dồi các kiến thức cơ bản, nhằm củng cố kiến thức giúp họ thi đậu vào các trường đại học mong muốn; tuy nhiên cách thể hiện của cả 2 hoàn toàn khác biệt.

Về cơ bản, Quipper chủ yếu liên hệ với các giáo viên, sau đó quay lại các bài giảng của họ để bán cho các học viên; thông qua nền tảng của này, các giáo viên có thể quản trị học sinh cũng như tối ưu hóa các bài giảng online của mình tốt nhất. Với Manabie, các giáo viên không trực tiếp đứng giảng mà những bài giảng của họ được thể hiện qua các thước phim minh họa sinh động và giọng đọc của các tài năng lồng tiếng. Ngoài sản phẩm các bài học trực tuyến, Manabie có tích hợp sẵn dịch vụ gia sư hỗ trợ học trực tuyến – hỏi nhanh đáp gọn và cố vấn học tập.

Takuya Homma và startup Manabie – Tân binh đáng gờm trên trên đấu trường ed-tech Việt Nam và châu Á - Ảnh 2.

Một bài giảng sinh động của Manabie.

Trong khi Quipper chỉ dạy online thì Manabie kết hợp cả online lẫn offline một cách toàn diện, theo xu hướng của giáo dục hiện đại. Hiện startup này có 5 trung tâm học trải nghiệm offline (learning experience hubs) tại TP. HCM, vì Covid-19 nên họ đang rất thận trọng trong việc mở rộng các trung tâm offline ra Hà Nội và Đà Nẵng.

Ngoài các dịch vụ học online trực tuyến, startup này còn có nguồn thu từ việc bán hệ thống Manabie Teaching Empower Program (MTEP) cho các trường học và tổ chức.

Nâng cao chuyên môn trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo là một trong những đòn bẩy quan trọng nhất để tạo ra sự thay đổi. Và chúng ta đều biết rằng, chìa khóa đến với các nội dung đào tạo chất lượng và hướng tới người học nằm ở việc thúc đẩy, trao quyền cho giáo viên bằng các công cụ hỗ trợ cần thiết. Tuy nhiên, tất cả đều đòi hỏi một khoản đầu tư lớn rất từ hệ thống giáo dục. Manabie Teaching Empower Program ra đời nhằm giải quyết bài toán nói trên.

Startup này đã liên hệ với các hệ thống trường học cấp III ở cả khu vực công lẫn tư tại Việt Nam và Nhật Bản để hợp tác triển khai hệ thống này. Thế nên, trong tương lai gần, sản phẩm đầu tiên mà họ chào hàng tại thị trường Nhật Bản sẽ là hệ thống MTEP chứ không phải các chương trình học online.

Ngoài thị trường giàu tiềm năng, thì sự bao dung của người Việt với người nước ngoài đang sinh sống tại đây, cũng là một trong những nguyên do khiến Takuya Homma chọn mảnh đất này để lập nghiệp.

Theo lời kể của Takuya, dù là người nước ngoài, song anh chẳng gặp bất cứ trở ngại nào khi sinh sống và kinh doanh tại Việt Nam, có chăng chỉ một chút ở ngôn ngữ. Tại Indonesia hay Philippines, anh có thể dễ dàng trao đổi trực tiếp với ba mẹ học sinh bằng tiếng Anh, nhưng tại Việt Nam không thế. Thế nên, anh cảm thấy mình vẫn chưa thể truyền đạt trọn vẹn những tính năng và lợi ích vượt trội mà nền tảng Manabie có thể mang lại cho các khách hàng của mình.

3 bí quyết thành công và mục tiêu trở thành nền tảng giáo dục toàn diện cho học sinh cấp III


Dù Manabie được sáng tạo bởi một người Nhật và lấy cảm hứng từ mô hình kinh doanh đã thành công ở châu Á, nhưng về bản chất nó không mới, tại Việt Nam cũng có vài mô hình dạy học - nhất là ở mảng trực tuyến, tương tự Manabie. Vậy tại sao dù khá non trẻ, Manabie vẫn thu hút được các nhà đầu tư, ví dụ như Quỹ Genesia Ventures đến từ Nhật Bản? Phải chăng tất cả là nhờ background long lanh của founder Takuya?

Takuya Homma và startup Manabie – Tân binh đáng gờm trên trên đấu trường ed-tech Việt Nam và châu Á - Ảnh 3.

Manabie vừa được Holon IQ bầu chọn vào Top 50 ed-tech Đông Nam Á.

"Sở dĩ Manabie nhận được sự tin tưởng, yêu quý của nhiều khách hàng Việt Nam lẫn các nhà đầu tư là bởi chúng tôi có thể tạo ra nội dung học tập chất lượng cao, kết hợp mang tới trải nghiệm học tập tốt cho các em học sinh. Và cuối cùng, khó nhất là luôn duy trì những điều này trong một thời gian đủ dài để mang tới hiệu quả học tập cao nhất tới các học viên.

2 tiêu chuẩn đầu tiên thì rất nhiều doanh nghiệp có thể làm được, nhưng với tiêu chuẩn thứ 3 - nếu không có đủ kinh nghiệm lẫn sự kiên trì cùng với quyết tâm cao, thì rất khó thực hiện", founder Manabie khẳng định.

Hơn nữa, họ còn áp dụng những công nghệ hiện đại như AI, machine learning hay dịch vụ lưu trữ đám mây để cá nhân hóa và tối ưu hóa trải nghiệm học tập cho mỗi học viên. Những công nghệ này sẽ giúp Manabie hiểu phần nào đó năng lực, nhu cầu và nguyện vọng cụ thể của từng học viên khi đến với nền tảng học tập online kết hợp offline này. Từ đó, Manabie sẽ đề nghị các chương trình và phương cách học tập phù hợp với từng người, giúp học viên thi đậu vào trường đại học hoặc cao đẳng mong muốn.

Vào tháng 6 vừa qua, Manabie đã được trang Holon IQ bình chọn là 1 trong 50 ed-tech startup ở Đông Nam Á.

Mục tiêu cụ thể của Manabie trong giai đoạn đầu tiên là để các học viên làm quen với mô hình học tập online kết hợp offline; giai đoạn thứ hai là giúp các học viên duy trì được động lực học tập liên tục và giai đoạn cuối là cung cấp kiến thức cùng kỹ năng toàn diện, cần thiết và đầy đủ cho các em học sinh trong thời đại mới. Các học sinh cấp III nếu có bất cứ thắc mắc hoặc bối rối gì về kiến thức, định hướng nghề nghiệp trong tương lai đều có thể tìm đến với team Manabie.

Theo đó, sự phát triển của các công nghệ như AI, machine learning sẽ giúp ích cho Manabie rất nhiều trong việc hoàn thành những mục tiêu cụ thể nói trên.

"Bức tranh lớn là Manabie muốn trở thành một nền tảng hỗ trợ kiến thức, kỹ năng thậm chí là định hướng nghề nghiệp toàn diện cho các học sinh cấp III trước khi họ vào các trường đại học hoặc vào đời. Ngoài các kiến thức về các môn học căn bản trong nhà trường như toán lý hóa hoặc anh văn hiện tại; trong tương lai, Manabie sẽ có thêm các chương trình học về kỹ năng mềm hoặc kiến thức cần thiết cho các thanh thiếu niên Việt Nam trong thời đại mới", Takuya tiết lộ thêm.

CÙNG CHUYÊN MỤC
XEM