Sức mạnh vũ trụ Trung Quốc: Phóng thành công tên lửa đẩy mạnh nhất lịch sử nước này, nuôi tham vọng khiến Mỹ sốt sắng

Trang Ly | 07-05-2020 - 18:22 PM

(Tổ Quốc) - Đây là bước đệm hướng tới các kế hoạch đầy tham vọng của Trung Quốc trên Mặt Trăng và sao Hỏa.

1. Long March-5B "trình làng" thành công mỹ mãn

Theo tin tức vũ trụ mới nhất của SpaceFlightNow.com, vào 18 giờ ngày 5/5/2020, Trung Quốc phóng thành công tên lửa đẩy mạnh nhất trong lịch sử của nước này, Long March-5B, từ Trung tâm phóng vũ trụ Văn Xương ở Hải Nam.

Tên lửa Long March-5B (Trường Chinh-5B) dài gần 54 mét, được thiết kế để đưa các phi hành gia lên quỹ đạo Trái Đất thấp, thậm chí có thể tiến đến quỹ đạo Mặt Trăng. Long March-5B là tên lửa hạng nặng đời mới, là dòng tên lửa đẩy phiên bản thứ 4 thuộc Hệ thống tên lửa đẩy hạng nặng Long March-5 do Viện Công nghệ Tên lửa đẩy (CALT) của Trung Quốc phát triển.

Sức mạnh vũ trụ Trung Quốc: Phóng thành công tên lửa đẩy mạnh nhất lịch sử nước này, nuôi tham vọng khiến Mỹ sốt sắng - Ảnh 1.

Hình ảnh tên lửa Long March-5B rời bệ phóng. Nguồn ảnh: XINHUA NEWS AGENCY / GETTY IMAGES

Theo các phương tiện truyền thông Trung Quốc, tên lửa Long March-5B được cung cấp bởi một cặp động cơ lõi YF-77 chạy bằng nhiên liệu hydro và 8 động cơ tăng áp chạy bằng dầu hỏa. Tên lửa có khả năng chở theo 25 tấn hàng hóa lên quỹ đạo với lực đẩy gần 2,4 triệu pound. Để so sánh, tên lửa Falcon 9 của SpaceX có lực đẩy khoảng 1,7 triệu pound khi phóng đi.

Long March-5B được thiết kế để chở theo phi hành gia, tuy nhiên, trong sứ mệnh phóng lần đầu tiên này, nó mang theo một phiên bản tàu vũ trụ (cho 6 người) và một khoang chứa hàng lên quỹ đạo.

Asia Times cho biết, sứ mệnh lần này của Long March-5B là bước đệm để Cục Vũ trụ Quốc gia Trung Quốc (CNSA) hoàn thành việc lắp đặt Trạm Vũ trụ Tianhe (Trạm Vũ trụ Thiên hà có người sống) dự kiến sẽ xong vào năm 2022.

Sứ mệnh ra mắt thành công của tên lửa Long March-5B mở đường cho Trung Quốc khám phá sâu hơn vào Hệ Mặt Trời. Các nhiệm vụ cho cả Mặt Trăng và sao Hỏa của Trung Quốc dự kiến ​​sẽ sử dụng Long March-5B làm tên lửa đẩy, The Verge cho biết.

Đây không phải là lần đầu tiên Trung Quốc xây dựng một trạm không gian trên quỹ đạo Trái Đất tầm thấp. CNSA đã phát triển hai trạm vũ trụ nguyên mẫu là Tiangong-1 và Tiangong-2 (Thiên cung 1 và 2), quay quanh Trái Đất lần lượt từ năm ​​2011 đến 2018; và từ năm 2016 đến 2019. Các phi hành gia Trung Quốc đã đến thăm Tiangong-1 trong các nhiệm vụ vào năm 2012, 2013 và Tiangong-2 vào năm 2017.

2. Mặt Trăng và sâu hơn nữa

Trong cuộc đua chinh phục không gian với các cường quốc vũ trụ, Trung Quốc hiện đang nổi lên là một đối thủ đáng gờm của Mỹ, Nga và châu Âu.

Sức mạnh vũ trụ Trung Quốc: Phóng thành công tên lửa đẩy mạnh nhất lịch sử nước này, nuôi tham vọng khiến Mỹ sốt sắng - Ảnh 2.

Sau thành công không thể phủ nhận của nước này vào đầu tháng 1/2019 - đưa tàu đổ bộ Chang'e 4 lần đầu tiên hạ cánh thành công xuống nửa tối Mặt Trăng - Trung Quốc trở thành quốc gia đầu tiên trong lịch sử làm được điều mà cả Mỹ và Nga chưa làm được. Tàu đổ bộ và robot tự hành Yuta 2 của nó đã gửi lại những bức ảnh đáng kinh ngạc về phía xa bí ẩn của bề mặt Mặt Trăng.

Không dừng ở đó, Trung Quốc đang đặt mục tiêu phóng tàu đổ bộ Chang'e 5 lên Mặt Trăng vào cuối năm 2020. Sứ mệnh của Chang'e 5 là thu thập 2 kg mẫu đất ở nửa tối Mặt Trăng rồi đưa nó trở lại Trái Đất để phân tích.

So sánh với sứ mệnh lấy mẫu đất đá tại nửa sáng Mặt Trăng của Liên Xô thực hiện năm 1976, các nhà khoa học nhận định, hành trình và sứ mệnh của Trung Quốc mạo hiểm hơn nhiều. Đây là bằng chứng cho thấy người Trung Quốc đặt mục tiêu cao nhất cho sứ mệnh đưa người đổ bộ Mặt Trăng trong tương lai gần. [Đọc chi tiết: Màn lột xác ngoạn mục của vũ trụ Trung Quốc].

Các kế hoạch tiếp theo của Trung Quốc trên Mặt Trăng là khai thác tài nguyên khoáng sản tại đây (dự kiến Mặt Trăng có Helium-3, đất hiếm, bạch kim...) và đặt tham vọng xây dựng cơ sở phóng tàu vũ trụ có người ở để khám phá không gian sâu hơn. Đây là mục tiêu mà cả NASA của Mỹ, ESA của châu Âu và nhiều cường quốc vũ trụ khác nuôi tham vọng.

Hành tinh đỏ (sao Hỏa) cũng nằm trong kế hoạch chinh phục không gian của Trung Quốc. Vào tháng 7/2020 tới đây, Trung Quốc lên kế hoạch phóng Tianwen-1, gồm tàu đổ bộ và xe tự hành và tàu quỹ đạo sao Hỏa đầu tiên của nước này để nghiên cứu hành tinh tiềm ẩn sự sống này.

Với hàng loạt động thái này, Trung Quốc đang khiến Mỹ và NASA sốt sắng hơn bao giờ hết cho Chương trình Artemis (tái đưa người trở lại Mặt Trăng năm 2024). 

Tổng thống Donald Trump từng tuyên bố: "Dưới chính quyền của tôi, NASA sẽ vĩ đại trở lại. Nước Mỹ sẽ quay lại Mặt Trăng, rồi sau đó đổ bộ sao Hỏa..." (đọc chi tiết). Sau tuyên bố, ông Trump đã yêu cầu Quốc hội tăng thêm ngân sách cho NASA, nâng tổng mức chi tiêu cho NASA trong năm tài khóa 2020 lên tới 22,6 tỷ USD, Reuters thông tin.

Có thể nói, cuộc đua chinh phục không gian thế kỷ 21 giữa các cường quốc vũ trụ đang trở nên "nóng" hơn bao giờ hết.

Bài viết sử dụng nguồn: Popular Mechanics

* Đọc bài cùng tác giả Trang Ly tại đây.

CÙNG CHUYÊN MỤC
XEM