Những đồng tiền ảo như Bitcoin đáng ra phải được sử dụng đúng chức năng của nó là công cụ thanh toán điện tử. Tuy nhiên, chúng lại trở thành những công cụ đầu cơ phổ biến.
Ngoài việc tốn kém nguồn lực và gây lãng phí tài nguyên, tiền ảo còn biến động vô cùng mạnh. Thị giá của những đồng tiền ảo lớn nhất là Bitcoin (BTC) và Ethereum (ETH) đều đã giảm hơn 55% chỉ trong vòng 6 tháng, làm dấy lên nhiều ý kiến cho rằng cần có các chế tài để kìm hãm sự hỗn loạn của thị trường.
Nhiều người đổ lỗi ngòi nổ cho việc trượt giá gần nhất là sự sụp đổ của một stablecoin tên TerraUSD (UST) khi nó bị gỡ neo khỏi đồng USD. Tuy vậy, trên thực tế màn "tắm máu" mới đây của thị trường tiền ảo là hậu quả từ sự kết hợp của nhiều yếu tố khác nhau.
Suốt nhiều năm, mức lãi suất thấp khiến các tài sản đầu tư như trái phiếu ngân hàng và tín phiếu kho bạc trở nên kém hấp dẫn với nhà đầu tư. Trong khi đó, thị trường tiền ảo và NFT có sức hút hơn rất nhiều.
Tuy vậy, khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ và Ngân hàng Anh tăng lãi suất ở mức cao nhất từ năm 2000, kết hợp với các biện pháp kiểm soát COVID kéo dài và sự biến động của tình hình quốc tế, thị trường tiền ảo đã bị dội một gáo nước lạnh.
Bitcoin vốn được thiết kế để không bị ảnh hưởng bởi ngân hàng và các chính phủ, nhưng các nhà đầu tư thì không. Trong nỗ lực giảm thiểu rủi ro khỏi danh mục, họ đang bán tháo tiền ảo.
Sự sụp đổ của tiền ảo là tin tốt
Những đồng tiền ảo dựa trên "bằng chứng công việc" (proof of work) như Bitcoin (BTC), Ethereum (ETH) và Dogecoin (DOGE) có bản chất gây ô nhiễm, tiêu tốn tổng cộng tới 300 terrawatt giờ (TWh) mỗi năm.
Bitcoin có dấu chân carbon là khoảng 114 triệu tấn mỗi năm. Con số đó tương đương với lượng khí nhà kính tạo ra từ 380.000 vụ phóng tên lửa vũ trụ, hoặc tổng số dấu chân carbon của cả Cộng hòa Séc.
Việc đào tiền ảo sử dụng thuật toán proof of work có thể được xem là một cách lãng phí năng lượng có kiểm soát. Quá trình sử dụng đến những máy tính chuyên dụng với công việc xử lý những bài toán rất phức tạp, vốn tiêu tốn rất nhiều điện năng và sức mạnh tính toán (hash rate).
Khi hash rate bị giảm vì bất cứ lý do gì như cắt điện hay giá thị trường giảm, thuật toán đào tiền ảo sẽ được điều chỉnh sao cho cứ 10 phút sẽ có một thợ đào được "thưởng" 6.25 Bitcoin mới. Lợi nhuận phụ thuộc rất nhiều vào chi phí đầu tư dàn máy cày và điện năng tiêu thụ.
Phần lớn nguồn điện năng tiêu thụ cho hoạt động đào tiền ảo đến từ nhiệt điện than. Khi giá tiền ảo càng tăng cao, các thợ đào càng có nhiều động lực tiêu tốn thêm điện để đào. Ngược lại, khi giá Bitcoin xuống thấp, động lực đào sẽ giảm sút vì khi đó chi phí có thể vượt quá lợi nhuận đạt được.
Về lý thuyết, giảm bớt điện năng tiêu thụ sẽ là tin tốt cho môi trường và biến đổi khí hậu. Tuy nhiên theo quan sát, ở mức giá hiện tại Bitcoin vẫn tạo ra lợi nhuận cho các thợ đào.
Điểm ngoặt và vòng xoáy tử thần cho Bitcoin
Giá trị của Bitcoin đã nhiều lần giảm xuống mức mang lại lợi nhuận đào mà không có tác động tiêu cực lâu dài nào đối với hash rate. Nhưng nếu thị trường đình trệ đủ lâu, sẽ càng có nhiều thợ đào tiền ảo proof of work bắt đầu "đào ngũ".
Những thợ đào phải chịu chi phí cao sẽ có nhiều khả năng bán tháo dự trữ Bitcoin khi lợi nhuận giảm sút, tạo ra càng nhiều áp lực bán lên thị trường.
Một hiệu ứng domino diễn ra với việc các công ty đào lớn dần phải đóng cửa sẽ dần dẫn đến giá tiền ảo và cả phát thải carbon giảm về 0. Sự kiện này được gọi là "vòng xoáy tử thần" của Bitcoin trong giới tiền ảo.
Ngoài việc giá đào Bitcoin gặp thế khó, áp lực sẽ tăng thêm từ phía lực "xả" của các nhà đầu tư nắm giữ lượng tiền ảo lớn đang nỗ lực cắt lỗ.
Thị trường tiền ảo giá cao gây thiệt hại không chỉ tới môi trường
Theo nhiều nghiên cứu, thiệt hại môi trường từ giá tiền ảo tăng cao rất đáng lo ngại. Tuy nhiên, đó không phải tác động tiêu cực duy nhất.
Thiệt hại tạo ra từ việc đào Bitcoin tác động bất tương xứng lên người nghèo và những cộng đồng dễ bị tổn thương. vì những thợ đào tiền ảo lợi dụng tình hình kinh tế bất ổn, cơ chế quản lý yếu và giá năng lượng thấp.
Nguồn năng lượng đáng ra được sử dụng cho những mục đích thiết thực sẽ bị cạnh tranh bởi hoạt động đào Bitcoin. Chưa kể, những cộng đồng này cũng sẽ chịu hậu quả nhất từ khủng hoảng khí hậu, được thúc đẩy bởi việc lãng phí điện năng.
Nhiều chính phủ trên thế giới muốn coi tiền ảo là một công cụ để thúc đẩy phát triển kinh tế. Tuy nhiên, sự sụp đổ của thị trường chỉ càng chứng minh Bitcoin vừa vô dụng với vai trò công cụ thanh toán hay lưu trữ tài sản, vừa gây thiệt hại cho đa số nhà đầu tư thay vì lợi nhuận.
Theo Peter Howson, giảng viên tại Đại học Northumbria, cần một nỗ lực quốc tế để kiểm soát tiền ảo, như cách mà các chính phủ đã áp dụng đối với các công cụ tài chính có hại sau khủng hoảng kinh tế 2008-2010.
Nguồn: Theconversation