Vừa mới đây, Shark Tank Việt Nam – Thương vụ bạc tỷ mùa 4 đã hội ngộ khán giả yêu kinh doanh – khởi nghiệp bằng tập phát sóng thứ 10. Tập này chứng kiến sự góp mặt của 4 startup mang những màu sắc khác biệt nhau: một iGreen cung cấp giải pháp bảo vệ môi trường, một CNV Holdings mang đến giải pháp chuyển đổi số cho lĩnh vực chăm sóc khách hàng, một Jackma English Homestay kết hợp dạy tiếng Anh và lưu trú hay đặc biệt hơn cả là Seawalker- đơn vị duy nhất đủ điều kiện chứng nhận cho bộ môn "Đi bộ dưới đáy biển".
Mở đầu màn gọi vốn một cách vô cùng ấn tượng thông qua màn đồng diễn quá đỗi đáng yêu của các bạn nhỏ, founder Lê Quang Duy của Namaste – đơn vị cung cấp dịch vụ "seawalker" đến với chương trình để kêu gọi số vốn 1 triệu USD (hơn 23 tỷ VND) để đổi lấy 7% cổ phần của công ty.
Tính đến nay, Namaste đã phục vụ được hơn 30.000 du khách, qua đó mang về 20 tỷ đồng doanh thu, tương đương mức lợi nhuận 4 tỷ đồng. Hơn cả việc cung cấp dịch vụ "đi bộ dưới đáy biển", Namaste còn mong muốn có thể qua việc đầu tư, chăm sóc và nhân rộng rặng san hô để bảo vệ môi trường biển.
Sứ mệnh nhân văn vì môi trường này nhanh chóng nhận được sự quan tâm và thích thú từ phía các Shark. Tuy nhiên, theo như Shark Bình chia sẻ, mức định giá của startup này đang khá cao, cao nhất từ đầu mùa 4 đến thời điểm hiện tại.
Là "cá mập" luôn quan tâm đến các vấn đề môi trường, Shark Liên quan ngại sự phát triển của dịch vụ này sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến rặng san hô tự nhiên, gây mất cân bằng sinh thái. "Cá mập bà Ngoại" chất vấn founder Lê Quang Duy về giải pháp bảo vệ môi trường khi song song đưa dịch vụ của mình vào vận hành.
Về phần mình, Shark Phú lại không đồng quan điểm. "Ông chủ Sunhouse" cho rằng cần tách bạch, trong khuôn khổ chương trình Shark Tank, nhà đầu tư đến với mục đích đầu tư sinh lời, còn về khía cạnh môi trường sẽ có những hoạt động riêng rẽ.
Tuy nhiên, Shark Liên lại không đồng ý. "Cá mập bà Ngoại" khẳng định khuyến khích mô hình kinh doanh của Lê Quang Duy, nhưng quan ngại cách làm của nam founder chưa thật sự đúng vì với đà tăng trưởng của startup, khi lượng khách quá nhiều sẽ khó có thể kiểm soát, chưa kể việc các startup khác học theo xây dựng mô hình tương tự, cuối cùng từ mục đích kinh doanh khuyến khích bảo vệ môi trường lại chuyển thành hình thức kinh doanh trên chính các tài nguyên thiên nhiên cần phải bảo vệ, đây là cái kết cực kỳ tồi tệ và dễ sa vào nhất của những startup tương tự.
Khuyến khích "hãy nhìn san hô đẹp thế nào để bảo vệ san hô" là định hướng của người điều hành startup nhưng đối với nhiều thành phần khách hàng trải nghiệm dịch vụ khác nhau, làm sao ngăn họ suy nghĩ chệch hướng "san hô đẹp thế này, chạm vào nó, bẻ nó mang về chắc sẽ không sao"? Rồi các câu chuyện truyền miệng, khiến cho hành vi bẻ trộm san hô, phá huỷ hệ sinh thái biển phổ biến vượt ra khỏi phạm vi nuôi trồng của startup, xuất hiện ở các nơi du lịch biển tự nhiên, hệ luỵ kéo theo này chẳng ai có thể kiểm soát. Cho nên, suy cho cùng, điều Shark Liên lo lắng hoàn toàn có cơ sở.
Sự căng thẳng của hai doanh nhân có quan điểm đầu tư trái ngược sau đó mới có dấu hiệu hạ nhiệt khi Shark Hưng và Shark Bình đưa ra đề nghị đầu tư. Shark Hưng đề nghị đầu tư 1 triệu USD đổi lấy 25% cổ phần. Khẳng định bản thân mình là người hiểu startup nhất vì từng có cơ hội sử dụng dịch vụ, Shark Bình offer 1 triệu USD đổi lấy 20% cổ phần. Sau những phần thương thuyết lên xuống về phần trăm quy đổi nhưng không đạt được thỏa thuận, founder Lê Quang Duy đành ra về tay trắng.