Sơ cấp cứu là hoạt động hỗ trợ ban đầu đối ᴠới người gặp nạn, bị thương tích, bệnh cấp tính trước khi có sự can thiệp của y tế chuyên nghiệp. Sơ cứu đã được nhiều quốc gia xem là cần thiết và căn bản như học chữ hay học bơi. Tại Mỹ, học sinh học sơ cứu từ bậc trung học; còn ở Anh, kỹ năng này được đưa vào chương trình tiểu học. Tại Pháp, ngoài ngành y, rất nhiều công việc yêu cầu phải có chứng chỉ PSC1, chẳng hạn sinh viên đi làm thêm tại trại hè cho trẻ em.
Tuy nhiên, tại VN không ít người vẫn thờ ơ với kỹ năng này. Họ vẫn giữ cho mình tư tưởng các vụ tai nạn cần phải sơ cứu "chắc chừa mình và gia đình ra". Hoặc họ cho rằng đây là những kiến thức chuyên môn về cấp cứu chỉ dành cho bác sĩ...
Vì vậy ở nước ta nổi bật chỉ có một số đơn vị tổ chức dạy về sơ cứu cho cộng đồng một cách bài bản, như Hội Chữ thập đỏ các tỉnh thành; nhóm các giảng viên, bác sĩ của Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch (TP.HCM)
Trong số đó, có một doanh nghiệp xã hội (DNXH) thành lập vào năm 2018 đã nổi lên, trở thành doanh nghiệp duy nhất ở Việt Nam cung cấp chương trình giáo dục sơ cấp cứu phi lợi nhuận thường xuyên và là đơn vị duy nhất có một loạt sản phẩm số để phổ cập kiến thức sơ cấp cứu đến cho mọi người. Đó chính là Survival Skills Vietnam (Kỹ năng sinh tồn Việt Nam - SSVN).
Doanh nghiệp này kì vọng vào một tương lai năm 2028, 10.000.000 người sẽ tiếp cận được sơ cấp cứu, trong đó có ít nhất 1 người trong gia đình biết sơ cấp cứu và ít nhất 1/10 người đi ngoài đường biết sơ cấp cứu.
Nhà kinh doanh khao khát tạo tác động xã hội
Câu chuyện bắt đầu từ khi còn nhỏ, anh Hồ Thái Bình (SN 1990) đã sống sót qua nhiều tai nạn nghiêm trọng nhờ vào mẹ của mình, là một y sĩ, đã có mặt sơ cứu đúng cách và kịp thời, anh nhận ra ý nghĩa sống còn của kỹ năng này đối với cộng đồng. Đến năm 2016, anh đã được tham gia một khóa học Sơ cấp cứu từ Survival Skills Vietnam (SSVN), lúc đó mới là một dự án phi lợi nhuận được thành lập bởi bác Toney Coffey và chị Trang Jena Nguyễn.
Nhận thấy tầm quan trọng của những hoạt động như vậy đối với người Việt, anh quyết định dùng hết kiến thức và kĩ năng mình học được để tạo ra 1 chiếc app có thể giúp mọi người tra cứu về sơ cấp cứu một cách dễ dàng.
Cơ duyên giúp anh gắn bó với SSVN và để tổ chức này phát triển hơn lại đến từ năm 2017, khi dự án SSVN đã dần hết vốn hoạt động. Áp dụng phương châm sống mà anh đã học được từ thời còn ngồi trên ghế giảng đường - thất bại thật nhanh, thật rẻ và thật thường xuyên, anh Bình bấy giờ lóe lên một ý tưởng mà chính anh cũng chưa hiểu rõ về nó - đăng kí chuyển sang mô hình doanh nghiệp xã hội - vì anh "biết mình vừa muốn kinh doanh giỏi, vừa muốn đóng góp cho xã hội". Và cứ như vậy vào năm 2018, anh Bình trở thành co-founder và giám đốc của SSVN.
Nhờ kiến thức học được từ chuyên ngành Thương mại Đại học RMIT, Hồ Thái Bình áp dụng thành công các chiến lược kinh doanh vào quá trình giải quyết các vấn đề xã hội của doanh nghiệp mình để đảm bảo tạo ra tác động xã hội bền vững và hiệu quả.
"Sau khi tốt nghiệp, mục tiêu của tôi là vào năm 30 tuổi làm thế nào đó để kết hợp việc kinh doanh với niềm đam mê công tác xã hội của mình vào một sự nghiệp duy nhất. Và tôi đã đạt được điều đó trước ba năm," anh Bình chia sẻ trên báo Tuổi trẻ Thủ đô.
Từ khi trở thành DNXH, nhờ doanh thu từ kinh doanh, SSVN từ dự án dạy từ thiện cho trường học đã phát triển ra hàng loạt các giải pháp truyền thống và phi truyền thống để giúp hơn 55.000 người Việt Nam tiếp cận kiến thức sơ cấp cứu.
Anh Bình từng đi chu du nhiều nơi, thử làm rất nhiều công việc ở các lĩnh vực khác nhau trong suốt 6 năm trước khi tìm được bến đỗ của mình.
"Tôi đã thử nhiều công việc mà tôi nghĩ có thể phục vụ cho xã hội, nhưng không có công việc nào thực sự thoả mãn mong muốn của tôi. Tôi từng là công chức nhà nước, sáng lập tổ chức phi lợi nhuận, giảng viên, chủ doanh nghiệp trong rất nhiều lĩnh vực như đầu tư, sản xuất, giáo dục, môi trường, marketing.
Một ngày nọ, trong một lớp dạy về sơ cấp cứu, tôi đã gặp một bạn học sinh cùng học lớp với tôi. Bạn ấy chia sẻ rằng ba bạn ấy đã mất vào hai tháng trước. Khi đó, bác ấy ngưng tim và cả gia đình không biết làm gì, nên khi xe cấp cứu đến thì bác đã mất. Bạn đó nói nếu như em biết sơ cứu trước đó hai tháng, ba em có thể đã không mất.
Tôi lập tức có suy nghĩ rằng nếu tôi không làm điều gì đó, sẽ có người phải nhìn thấy người thân của mình, bạn bè của mình mất trong vô vọng. Và tôi cũng không muốn một đứa trẻ khác cũng có trải nghiệm kinh khủng như vậy.
Tôi có thể rời đi và về lại văn phòng vào ngày hôm sau, rồi vờ như chưa bao giờ gặp cậu bé đó. Nhưng điều này sẽ ám ảnh tôi đến cuối đời nếu tôi không làm điều gì để có thể cứu người, nên tôi đã quyết định chuyển hai dự án mình đang thực hiện thành hai doanh nghiệp như hiện nay", anh Bình kể lại.
Sứ mệnh giúp người Việt học để biết "Cứu mình và cứu người"
Các đối tượng mục tiêu của chương trình xã hội của SSVN là những nhóm yếu thế, dễ bị tổn thương hoặc những người chăm sóc đối tượng dễ bị tổn thương như: học sinh, sinh viên, người khuyết tật, giáo viên hoặc người chăm sóc người khuyết tật, những người làm công tác cứu hộ thiện nguyện v.v.
Anh Bình trong các lớp học, buổi chia sẻ kiến thức.
Trong quá trình tạo tác động xã hội của mình, SSVN cũng gặp được những đối tác đặc biệt, với những câu chuyện cảm động, khi con người ta phải đối mặt với cái chết. F.A.S. Angels chính là một tổ chức được đào tạo bởi SSVN. Nhà sáng lập của F.A.S Angels đã từng một lần phải đau xé tim vì cảm giác cô độc, bị ngã xe không thể cử động nhưng chẳng ai đi qua cứu giúp. Nỗi ám ảnh đó đã khiến anh lập ra đội "cứu hộ thiên thần" vào năm 2019.
Cứ tối tối, từ 21h30 – 1h30 sáng các thành viên của đội đi tuần luân phiên tại các cung đường, trong khi các thành viên ở nhà có nhiệm vụ thu thập thông tin, báo vị trí tai nạn cho đội đang đi tuần. Hình ảnh này sau đó cũng được cung cấp cho Công an và người nhà nạn nhân để nắm tình hình. Tất cả đều thực hiện với phương châm 5 Không: Không bỏ rơi - Không thu phí - Không phân biệt - Không tranh cãi - Không kết án.
Cảm động câu chuyện của đối tác SSVN - biệt đội F.A.S. Angels - ban đầu bị dè bỉu là "rỗi hơi", “ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng”, chỉ có 5 thành viên là các tài xế xe ôm, với nguồn lực tài chính đều tự thân mọi người trong nhóm trích ra, từ khoản tiền chạy xe ít ỏi của mình; đến nay, đã hơn 50 người đến từ nhiều ngành, nghề khác nhau đêm đêm căng mắt dò đường với niềm tin vào sự tử tế.
So với sứ mệnh giảm thương vong có thể phòng tránh được tại Việt Nam, nguồn tài trợ SSVN hiện nhận được là rất ít. Với danh nghĩa là DNXH, SSVN vẫn tìm mọi cách để có nguồn tài chính cho các chương trình xã hội của mình thông qua các hoạt động thương mại như cung cấp khóa học sơ cứu có chứng nhận cho trẻ em, doanh nghiệp và các cá nhân.
Một lớp học của SSVN dành cho doanh nghiệp.
Hơn 2.000 trẻ em đuối nước thương tâm mỗi năm, 200.000 người đột quỵ, 51% nạn nhân ngưng tim tử vong trước khi kịp nhập viện. Những con số cảnh báo này khiến việc chuẩn bị kiến thức tốt để phòng ngừa rủi ro, tự cứu mình và những người xung quanh trong lúc tai nạn là điều cấp thiết.
Ngoài SSVN, vào năm 2014, anh cùng cha của mình đã thành lập SiGen để thương mại hóa phát minh Hố ga ngăn mùi chống muỗi trong hệ thống thoát nước mưa đô thị, nhận được sự ủng hộ của chính quyền địa phương, giới khoa học và người dân địa phương.
Cả 2 công ty anh Hồ Thái Bình đang điều hành đều nằm trong Top 10 và Top 5 của giải thưởng doanh nhân vì cộng đồng Blue Venture Award 2019, chứng minh được khả năng thương mại của mình. Là một doanh nhân điều hành DNXH, anh Bình hiện tại đang ấp ủ cho mình những dự định để mở rộng mô hình kinh doanh sao cho tạo ra tác động lớn hơn đối với xã hội, đồng thời hỗ trợ, chia sẻ kinh nghiệm để mô hình doanh nghiệp này tiến xa hơn tại Việt Nam.
Ảnh: NVCC