Để thực hiện báo cáo này, McKinsey đã nghiên cứu các báo cáo tình hình tài chính quốc gia của 10 nước đại diện cho hơn 60% thu nhập của thế giới. Nhóm nghiên cứu của công ty xây dựng báo cáo bằng cách cộng tất cả tài sản thực trong nền kinh tế, cũng như tất cả tài sản tài chính trên tất cả các lĩnh vực, trong đó có lĩnh vực tài chính, tương tự cách một công ty xây dựng báo cáo tình hình tài chính.
Báo cáo nêu rõ, tại hai nền kinh tế lớn nhất thế giới là Mỹ và Trung Quốc, hơn 66% tài sản đang nằm trong tay khoảng 10% hộ gia đình giàu có nhất. Đồng thời, tỷ trọng của nhóm này ngày càng tăng cao hơn.
McKinsey tính toán, khoảng 68% giá trị tài sản ròng toàn cầu đang được cất giữ trên thị trường bất động sản. Số tài sản ròng còn lại hiện đang nằm trong cơ sở hạ tầng, máy móc, thiết bị, cũng như trong bằng sở hữu trí tuệ và bằng sáng chế (hay còn gọi là tài sản vô hình).
Dữ liệu: Báo cáo McKinsey
Cùng với đó, các hộ gia đình nắm giữ khoảng 95% tổng lượng tài sản ròng. Vì vậy, hầu hết mức tăng trong khối tài sản ròng toàn cầu giai đoạn 2000 - 2020 đến từ khu vực hộ gia đình.
Một nửa phần tăng thêm là nhờ thị trường chứng khoán bùng nổ, đặc biệt là tại Trung Quốc, Thụy Điển và Mỹ. 40% khác đến từ việc giá bất động sản lên cao.
Thêm vào đó, tổng giá trị tài sản ròng của các hộ gia đình cũng cao hơn do lượng tiền gửi của người dân tại nhà băng và các định chế tài chính khác tăng lên, trong bối cảnh chính phủ các nước bơm tiền để kích thích kinh tế. Song, mức nợ của các hộ gia đình toàn cầu vẫn không giảm so với GDP.
Mặc dù báo cáo không thống kê số liệu riêng với thị trường chứng khoán và bất động sản của Việt Nam, nhưng thực tế, đây cũng chính là hai thị trường "nóng" nhất giai đoạn vừa qua.
Theo số liệu của Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam (VSD), tính đến cuối tháng 10, thị trường có hơn 3,86 triệu tài khoản của nhà đầu tư trong nước và nước ngoài. Con số này tăng hơn 130.150 tài khoản so với tháng trước, cao thứ hai trong lịch sử.
Nhà đầu tư trong nước đã mở mới hơn 129.750 tài khoản, trong đó cá nhân chiếm đến 129.200 tài khoản. Số lượng tài khoản mới của nhà đầu tư nước ngoài là 400. Lượng tài khoản mới tham gia thị trường chứng khoán tăng tháng thứ 3 liên tiếp.
Với thị trường bất động sản của Việt Nam, từ đầu năm 2021, dòng tiền đổ vào thị trường này tăng đáng kể, nhiều nơi còn xảy ra tình trạng sốt đất. Bất động sản cũng là kênh đầu tư được ưu tiên ở Việt Nam.
Nếu nhìn vào danh sách top 20 người giàu nhất trên sàn chứng khoán Việt Nam, thì có tới 7 tỷ phú đến từ lĩnh vực bất động sản, chiếm 35%.
Tổng giá trị tài sản vốn hóa trên thị trường chứng khoán của 7 tỷ phú này tại thời điểm ngày 7/10/2021 là 308.026 tỷ đồng. Trong khi đó 13 tỷ phú còn lại có tổng tài sản là 276.760 tỷ đồng. Như vậy, nhóm 7 tỷ phú bất động sản sở hữu khối tài sản cao hơn tổng tài sản của 13 người ở các lĩnh vực còn lại.
Hay như báo cáo hồi đầu năm của Knight Frank chỉ rõ, Việt Nam đang có khoảng 390 người trong nhóm siêu giàu (ultra-high-net-worth individual - UHNW, những người có tài sản ròng từ 30 triệu USD trở lên), 19.491 người có giá trị tài sản ròng từ 1 triệu USD trở lên vào năm 2020.
Trao đổi với Trí thức trẻ, chuyên gia của một quỹ đầu tư thuộc nhóm lớn nhất Việt Nam nhấn mạnh, Việt Nam "giàu" hơn thế, bởi số liệu hãng Knight Frank vẫn chưa bao quát hết mọi khía cạnh. Cụ thể là cơ sở dữ liệu về bất động sản theo giá trị trường vẫn chưa được đưa vào thống kê.
"Luật thuế và hệ thống thông tin của Việt Nam vẫn chưa thích hợp để có thể đánh giá chính xác và kịp thời, do vậy con số 160.000 USD (khoảng 3,7 tỷ đồng) để lọt top 1% người giàu nhất Việt Nam là chưa phản ánh thực tế. Đặc biệt là khi bất động sản tại Việt Nam là tài sản lớn nhất của mỗi người dân", vị chuyên gia này nhận định.