Như chúng ta đều biết hiện nay dịch viêm phổi cấp do virus Corona đang có diễn biến phức tạp và đã trở thành tình trạng khẩn cấp toàn cầu. Trước thực trạng đó, 63/63 tỉnh, thành phố cùng nhiều Học viện, Viện, các trường Đại học, Cao đẳng, Trung cấp chuyên nghiệp, các đơn vị trực thuộc trên cả nước đã liên tục có những công văn kịp thời cho sinh viên nghỉ học để phòng tránh dịch bệnh viêm phổi cấp do virus corona chủng mới gây ra, đảm bảo mục tiêu cao nhất là vì sự an toàn của học sinh và của cộng đồng.
Theo đó, các trường học cho học sinh ở nhà để tránh dịch bệnh, mọi hoạt động hạn chế đến mức tối đa, việc bảo vệ an toàn sức khoẻ được đặt lên hàng đầu và liên tục được nhắc đến trong "cuộc chiến" chống dịch. Ở thời điểm này, việc tìm hiểu thông tin cũng như kiến thức nhanh chóng, chính xác là đặc biệt quan trọng vì nó sẽ giúp bạn cùng cộng đồng vượt qua "cơn bão" virus Corona một cách an toàn, kịp thời, tỉnh táo nhất.
Vậy đối với sinh viên ở nhà trọ trong thời gian nghỉ học cần trang bị cho bản thân những "bí kíp sống sót" gì trong dịch virus corona?
1. Vệ sinh nhà trọ sạch sẽ, mở cửa đón ánh nắng mặt trời
Theo khuyến cáo của PGS.TS Lê Huy Nga - Nguyên Cục Trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, để phòng bệnh thì một trong những cách đơn giản nhất là giữ nơi ở sạch sẽ thoáng khí. Virus Corona rất nhạy cảm với ánh sáng, nhiệt độ, tia cực tím và sợ cả gió, sợ môi trường thông thoáng khí, do đó nên mở các cửa sổ, tận dụng điều kiện tự nhiên để diệt virus.
Nhiều người cũng thắc mắc rằng: "Xông nhà bằng tinh dầu có tác dụng chống lại virus corona không?". Theo Nhà Khoa học, Lương y Bùi Đắc Sáng – Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam, Hội Đông y Hà Nội không có bằng chứng khoa học nào cho thấy tác dụng của tinh dầu hay việc đốt bồ kết có thể chống lại virus corona. Virus corona là chủng đặc biệt. Bồ kết hay các loại tinh dầu tỏi, bạc hà chỉ dùng để hỗ trợ phòng chống những loại virus bình thường, kháng khuẩn để môi trường sạch hơn, cơ thể mạnh khỏe hơn.
2. Ăn uống như thế nào, có nên ăn ngoài hàng quán hay không?
Theo TS.BS Đào Thị Yến Phi, Trưởng bộ môn Dinh dưỡng ĐH Y Phạm Ngọc Thạch, với những diễn biến phức tạp của dịch bệnh, để cho yên tâm nhất thì chúng ta nên hạn chế ăn ngoài vào thời điểm này và tự chuẩn bị đồ ăn.
Cũng theo TS.BS Đào Thị Yến Phi, việc ăn uống đúng cách vẫn là một phần rất quan trọng để hỗ trợ cho hệ miễn dịch của chúng ta làm việc hiệu quả và ít thương vong nhất trong những ngày nCoV đang là mối lo ngại rập rình, giống như là cách mà hậu phương chi viện cho tiền tuyến trong những ngày chiến trận đang diễn ra ác liệt nhất vậy. Thực phẩm từ động vật có thể an toàn để tiêu thụ nếu được nấu chín kĩ và xử lý cẩn thận trong quá trình chuẩn bị đồ ăn.
"Bạn nên bổ sung vitamin C thông qua các loại thực phẩm như kiwi, cam, đu đủ, súp lơ xanh, cải xanh... Việc uống vitamin C dạng viên không được khuyến khích, vì nó chỉ tạo ra tác dụng giống một loại giả dược, khiến bạn yên tâm hơn.", Tiến sĩ N. Ganabaskaran, Chủ tịch Hiệp hội Y khoa Malaysia cho biết.
Thực phẩm nhiều vitamin C được các chuyên gia khuyên nên sử dụng để hỗ trợ cho hệ miễn dịch.
Vitamin C và các vitamin khác giúp nâng cao sức đề kháng để miễn dịch cơ thể mạnh mẽ chống lại tác nhân gây bệnh. Đó là cách để giúp cơ thể “gia cố” hệ miễn dịch chống chọi với bệnh tật không phải cách phòng lây nhiễm.
Cung cấp đủ chất đạm (protein) cho cơ thể để tạo nên các kháng thể. Ăn phối hợp cả thực phẩm giàu protein động vật và protein thực vật. Đồng thời, cung cấp đủ các vitamin và khoáng chất cần thiết, như vitamin A; C; D; E; Sắt; Kẽm; Selen, đây là những chất quan trọng góp phần tăng cường hệ miễn dịch cho cơ thể
Tăng cường sử dụng một số thực phẩm/gia vị chứa các hoạt chất đặc biệt giúp tăng cường miễn dịch như: tỏi, hành, nghệ, sả, nấm, tảo biển, các loại rau gia vị, súp lơ xanh, cải xanh, táo, trà xanh... Bổ sung vi chất dinh dưỡng nếu khẩu phần ăn không đủ các chất dinh dưỡng nói trên, hoặc khi cơ thể được bác sỹ dinh dưỡng chẩn đoán là bị thiếu vi chất dinh dưỡng.
Thực hiện tốt 10 Lời khuyên dinh dưỡng hợp lý; Các khuyến cáo về tiêu thụ thực phẩm phù hợp cho mỗi nhóm tuổi (theo Tháp dinh dưỡng dành cho các lứa tuổi khác nhau, do Viện Dinh dưỡng – Bộ Y tế ban hành).
3. Lau chùi bề mặt, rửa tay thường xuyên với xà phòng dưới vòi nước
Không dùng chung đồ dùng cá nhân: như khăn mặt, bàn chải đánh răng, cốc uống nước. Giặt khăn thường xuyên và giữ khăn luôn khô, sạch, không treo khăn mặt, khăn tắm ẩm ướt trong nhà tắm. Rửa tay ngay sau khi sử dụng nhà vệ sinh công cộng; sau khi rửa tay, tránh tiếp xúc vào khoá vòi nước, tay nắm cửa (có thể lót tay bằng một chiếc khăn giấy sạch để khoá vòi nước, hoặc để đóng/mở cửa, sau đó vứt khăn vào thùng rác).
Cẩn thận khi chạm vào các đồ vật: nên chú ý đến các vật dụng, hoặc các vị trí hay được mọi người thường xuyên tiếp xúc, sử dụng ở nơi công cộng như: tay nắm cửa, tay vịn cầu thang, hay bất kỳ đồ vật nào có bề mặt tiếp xúc với tay. Tại phòng trọ, chú ý giữ gìn vệ sinh các vật dụng như bàn phím máy tính, điện thoại để bàn, điện thoại di động, đồ chơi, laptop…: lau sạch các vật dụng này thường xuyên.
Ngoài ra, tránh để tay tiếp xúc với mặt, mắt, miệng: Trong thời gian còn dịch bệnh, nên hạn chế bắt tay hoặc ôm người khác. Nên dùng khăn giấy sạch khi cần dụi mắt hoặc lau vết bẩn. Hãy rửa tay đúng cách với xà phòng và nước ấm hoặc dùng nước rửa tay khô trước khi đeo găng tay.
Bạn có thể chọn nhiều mục. Bình chọn của bạn sẽ được công khai.
Nếu còn băn khoăn về kiến thức của mình, hãy thực hiện ngay Bộ câu hỏi trắc nghiệm "Học sinh, sinh viên cần nhớ trong sinh hoạt tập thể" được cung cấp bởi Chiến dịch Lá chắn virus Corona (Mạng xã hội Lotus) dưới đây:
Hệ thống câu hỏi trắc nghiệm của Lá chắn Virus Corona trên MXH Lotus có 11 bộ câu hỏi xoay quanh những chủ đề thực tế với cuộc sống giúp bạn vừa kiểm tra được kiến thức của mình, vừa bổ sung thêm rất nhiều kiến thức mới hữu ích và chuẩn xác.
Những câu trả lời trong bộ trắc nghiệm đều dựa theo khuyến cáo của WHO, Bộ Y tế và có tham vấn từ chuyên gia đầu ngành của Việt Nam. Cụ thể đồng hành với bộ 11 trắc nghiệm này là 6 chuyên gia hàng đầu của Việt Nam:
PGS - Tiến Sĩ Đỗ Duy Cường Giám đốc Trung tâm Bệnh nhiệt đới Bệnh viện Bạch Mai, chuyên gia đầu ngành về dịch tễ và bệnh truyền nhiễm. Có những nhận định chuẩn xác và đáng tin cậy về tình hình dịch bệnh, được giới chuyên môn theo dõi.
Thạc sĩ - BS Chuyên khoa II Nguyễn Trung Cấp, Trưởng khoa cấp cứu Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương, người cung cấp các nhận định chuyên môn và tư vấn từ kinh nghiệm thực tế ứng phó dịch bệnh tại bệnh viện về bệnh truyền nhiễm và nhiệt đới hàng đầu Việt Nam.
TS Nghiên cứu Ung thư Nguyễn Hồng Vũ Viện Nghiên cứu Ung thư Quốc gia City of Hope (California, Mỹ), có hàng chục công trình nghiên cứu đăng trên các tạp chí Chuyên ngành Quốc tế, và được trao nhiều giải thưởng về sử dụng vi khuẩn trong điều trị ung thư. Cố vấn chuyên môn cho nhóm Ruy băng Tím - Tổ chức phi lợi nhuận về phòng chống ung thư tại Việt Nam.
Tiến sĩ - Bác Sĩ Nguyễn Kiên Cường Chủ nhiệm Khoa Vệ sinh Quân đội - Viện Y học Dự phòng Quân đội Tiến sĩ chuyên ngành y học dự phòng, chuyên gia trong các lĩnh vực tư vấn về y học dự phòng, phòng chống bệnh nghề nghiệp, bệnh truyền nhiễm, bệnh do yếu tố môi trường.
Bác sĩ Trương Hữu Khanh , Khoa Nhiễm - Thần kinh Bệnh viện Nhi đồng 1 TP. HCM.
PGS.TS Trần Đắc Phu, Nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, Chuyên gia cao cấp của Trung tâm đáp ứng dịch khẩn cấp (Bộ Y tế).