Tại nơi làm việc, để thuận tiện cho giao tiếp trực tuyến, mỗi công ty thường sẽ có một nhóm chat nội bộ của riêng mình. Suy cho cùng, công việc hàng ngày đã đủ bận rộn, chẳng mấy ai có thời gian để ý đến nhóm chat công việc này cả, họ chỉ thỉnh thoảng kiểm tra xem nhóm trưởng có thông báo gì mới hay không thôi.
Dù chẳng mấy ai coi trọng nhóm chat này, nhưng thực tế cho thấy không ít người sau khi từ chức vẫn thích ở lại trong nhóm không đi, trừ khi nhóm trưởng chủ động đuổi họ ra khỏi nhóm, còn không thì họ sẽ không bao giờ chủ động đăng xuất. Lý do họ ở lại cũng rất hợp lý, đó là muốn giữ liên lạc với các đồng nghiệp cũ, duy trì tình cảm bạn bè.
Tuy nhiên, cũng có nhiều người chọn rời nhóm làm việc của công ty càng sớm càng tốt sau khi đã hoàn tất thủ tục thôi việc. Hoặc là rời nhóm sau khi nói lời tạm biệt, hoặc là âm thầm mà rời đi.
Nói đến đây, chắc hẳn có nhiều người sẽ rất thắc mắc rằng, rốt cục thì sau khi từ chức, họ nên tự giác rời khỏi nhóm chat của công ty hay là ngồi yên đó chờ bị "đá" mới là tốt? Những người thông minh thường làm như thế này đây!
1. Âm thầm chủ động rời khỏi nhóm sẽ đỡ mất mặt hơn
Trên thực tế, hầu hết dân công sở đều tán thành với phương án chủ động rút khỏi nhóm. Và khoảng thời gian lý tưởng chính là vài ngày sau khi các thủ tục từ chức đã được hoàn tất.
Nhưng trước khi rời nhóm, nếu bạn cảm thấy một số thông tin về nguồn công việc trước đây của công ty hữu ích cho việc xin việc trong tương lai của mình, thì bạn có thể tự tải xuống và lưu trước khi rời nhóm.
Sau một thời gian dài làm việc trong công ty, việc nảy sinh tình bạn với đồng nghiệp và lãnh đạo công ty là điều không thể tránh khỏi, vì vậy nhiều người thích cảm ơn, hàn huyên vài câu, thậm chí là hẹn dùng cơm cùng nhau trước khi rời nhóm.
Nhưng thực ra điều này là không cần thiết, không phải vì tiếc tiền mà là nếu làm vậy sẽ khiến các sếp cảm thấy bạn giả tạo. Nhất là những người thường ngày trong công ty có tính cách hướng nội, nếu sau khi từ chức lại bỗng hướng ngoại như thế, sẽ rất dễ khiến người khác hiểu lầm rằng bạn giả tạo.
Chủ động rút khỏi nhóm sẽ tạo cho bạn một lợi thế về mặt tâm lý, rằng bạn ra đi vì muốn tìm một công việc khác chứ không phải vì bị công ty sa thải, điều này tránh được bóng ma tâm lý cho bản thân khi tái ứng tuyển cho một công việc mới trong tương lai.
Vì vậy, sau khi rời công ty, nếu phải chào tạm biệt lãnh đạo và đồng nghiệp, bạn có thể trực tiếp nói với họ ở bên ngoài, không cần phải nhắn vào nhóm công ty làm gì.
2. Ngồi chờ bị đá sẽ rất nhục nhã
Dù là tự nguyện từ chức hay bị sa thải, thì có một số người trọng tình cảm sẽ không nỡ rời khỏi nhóm của công ty, một phần là vì muốn khi nào rãnh rỗi sẽ liên lạc vài câu với đồng nghiệp cũ, phần còn lại là khi gặp vấn đề ở công ty mới cũng có thể lên nhóm để nhờ bọn họ giúp đỡ.
Nhưng những thứ "tình cảm sâu nặng" đó chỉ có mình bạn biết mà thôi, có thể lãnh đạo công ty và đồng nghiệp cũ của bạn không hề nghĩ vậy, họ cho rằng người đã từ chức thì chính là "người dưng", dù là đồng nghiệp cũ, nhưng lâu ngày không gặp cũng sẽ rất khó có được cảm giác an toàn.
Tuy bạn là nhân viên cũ của công ty, nhưng dù sao thì bạn cũng đã từ chức rồi, công ty thì luôn phát triển, sẽ không tiện để bạn tiếp tục biết quá nhiều chuyện nội bộ, nên người lãnh đạo bắt buộc phải "dọn dẹp" nhóm công việc, vì thế nên đá bạn ra cũng là một việc rất hợp lý.
Ngoài ra còn có một số người rất kỳ lạ, họ chọn ở lại nhóm của công ty cũ nhưng lại không bao giờ mở miệng nói một lời, chỉ lặng lẽ quan sát mọi người trong nhóm trò chuyện với nhau mà thôi.
Nếu làm như vậy, nghĩa là bạn đang không tôn trọng công ty cũ, vì bạn đã rời công ty rồi, nhưng bạn vẫn tiếp tục ở lại nhóm chat, không những không nói gì mà còn để ý đến từng động thái của mọi người trong nhóm. Đây là một kiểu hành vi giám sát hay còn gọi là gián điệp, cho nên công ty cũ chắc chắn sẽ không cho phép điều này xảy ra.
Nếu bạn cảm thấy những đồng nghiệp hoặc sếp cũ rất tốt, thì hãy xin họ phương thức liên lạc cá nhân, như thế thì khi rãnh rỗi bạn và họ vẫn có thể hàn huyên mà không ảnh hưởng đến sự phát triển của công ty, cũng như sẽ không làm bạn bị bẽ mặt vì bị đá ra khỏi nhóm.
3. Nếu như không kịp thời "lọc" nhóm công việc của công ty, sẽ để lại hậu quả rất nghiêm trọng
Có nhiều người sau khi từ chức thường cảm thấy việc rời hay không rời nhóm chẳng mấy quan trọng, chẳng hại vào đâu cả. Thậm chí nếu như muốn hàn huyên cùng đồng nghiệp hay sếp cũ thì cứ nhắn thẳng vào nhóm làm việc, không chút để tâm.
Nhưng họ đã bỏ qua một điều rất quan trọng, vì đã là công ty nên phải có những bí mật nội bộ mà người ngoài, kể cả đồng nghiệp cũ cũng không được phép biết. Không phải họ không tin tưởng bạn mà là vì sự phát triển bền vững của công ty, họ bắt buộc phải có những quy định rõ ràng, đó là tuyệt đối không cho phép người ngoài ở trong nhóm chat nội bộ.
Tôi còn nhớ, một đồng nghiệp cũ của tôi sau khi từ chức, vẫn không rời khỏi nhóm nội bộ của công ty. Mọi người vì quá bận rộn với công việc nên cả tháng trời cũng quên không "lọc thành viên" trong nhóm công việc, khi chợt nhớ ra thì mới phát hiện người đồng nghiệp đó từ sau khi từ chức đã vẫn lặng lẽ ở lại nhóm của công ty, không nói không rằng.
Sau này mới biết, khi đó anh ta đã nhảy sang một công ty cùng ngành và còn chuyển một số tài nguyên của công ty tôi cho công ty mới của anh ấy sử dụng, tuy sự việc này không gây tổn thất gì cho công ty nhưng những kẻ ăn cắp tài nguyên như vậy thật là đáng ghê tởm.
Vì vậy, sau khi rời công ty, người thông minh sẽ đích thân nói lời từ biệt với đồng nghiệp và sếp, sau đó sẽ lặng lẽ rút khỏi nhóm, như vậy thì dù sau này họ có phát hiện bạn đã rời nhóm thì họ cũng sẽ không trách bạn bỏ đi mà không nói lời từ biệt.
Nếu bạn đã từ chức rồi, mà vẫn ở lại nhóm chat công việc cũ, sẽ rất dễ khiến người khác hiểu lầm bạn đang có mưu đồ xấu. Do đó, tự nguyện ra đi sẽ thoải mái hơn là bị động để cho người ta "đá".