Sau hơn 300 ngày bị lưu đày khốn khổ, Napoleon lấy lại ngôi vị hoàng đế Pháp như thế nào?

Nguyễn Hằng (biên tập) | 25-09-2017 - 12:33 PM

(Tổ Quốc) - Napoleon, vị hoàng đế tài ba đã có hành trình trở về đầy ngoạn mục ở Pháp, chính thức lên ngôi lần nữa và đánh dấu giai đoạn "Vương triều 100 ngày" khó quên trong lịch sử.

Sau thất bại nặng nề của quân Pháp trong trận thư hùng đậm máu với quân Liên minh thứ sáu ở Leipzig (Đức) vào tháng 10/1813, nước Pháp buộc phải rời khỏi lãnh thổ Đức.

Tiếp sau đó, quân Liên minh đã xâm lấn Pháp vào năm 1814, buộc hoàng đế Napoleon phải thoái vị và lưu đày tới đảo Elba, nhường ngôi báu lại cho vua Louis XVIII của Pháp thuộc vương triều Bourbon.

Tuy nhiên, cựu hoàng đế Napoleon quyết định quay trở lại Pháp để gây dựng đế chế của mình vào thàng 3/1815. Đây được coi là một trong những dấu mốc khó quên trong lịch sử nước Pháp.

Napoleon quay trở về và lên ngôi một lần nữa, đánh dấu bước ngoặt cho "Vương triều 100 ngày" của ngài trước khi sụp đổ sau trận chiến Waterloo khốc liệt vào 18/6/1815.

Những thông tin dưới đây sẽ chia sẻ về cuộc khải hoàn trở lại đầy ấn tượng của Napoleon Đại đế - một trong những tài năng quân sự kiệt xuất, có ảnh hưởng lớn nhất trong lịch sử nước Pháp vào 20/3/1815.

Tin Napoleon trở về Paris vào trưa ngày 5/3/1815 theo đường tín hiệu Chappe, nhưng chính quyền đã giữ bí mật về nó cho tới tận ngày 7/3/1815. Ney, Macdonald và Saint-Cyr được Soult, tân Bộ trưởng Chiến tranh, ủy quyền giải quyết vấn đề, về việc này Ney đã nói với vua Louis XVIII:

"Thần sẽ bắt Bonaparte, thần hứa với bệ hạ, và thần sẽ mang ông ấy về đây cho bệ hạ trong một cái lồng sắt."

Tuy nhiên những người được cử đi để bắt vị cựu hoàng vĩ đại của nước Pháp – Napoleon lại tình nguyện gia nhập đội quân của ông.

Napoleon Bonaparte (15/08/1769-05/05/1821) là một trong những vị tướng tài ba và kiệt xuất nhất trong lịch sử thế giới.

Cuộc đời và tài năng lỗi lạc của Napoleon là nguồn cảm hứng bất tận cho hàng ngàn cuốn sách ra đời trong suốt hai thế kỷ qua.


Mệnh lệnh của Soult gửi cho quân đội nói rõ chỉ những kẻ phản bội mới gia nhập cùng Napoleon, và "Người này giờ đây chỉ là một kẻ phiêu lưu. Hành động điên rồ cuối cùng của ông ta đã để lộ bản chất con người này."

Tuy nhiên, bất chấp mọi chuyện này, hai thống chế duy nhất chiến đấu bên cạnh Napoleon trên chiến trường Waterloo sẽ là Ney và Soult.

Vào ngày Napoleon rời Lyon, 13 tháng Ba (7 ngày trước khi Napoleon về tới Paris), Đồng minh, vốn vẫn đang nhóm họp tại Hội nghị, đã đưa ra Tuyên bố Vienna.

Bằng việc xuất hiện trở lại ở Pháp với những dự định gây hỗn loạn và bất ổn, các cường quốc tuyên bố rằng đặt Napoleon Bonaparte ngoài vòng pháp luật và cho rằng ông đã tự nộp mình cho sự báo thù của công chúng.

Hành trình trở về Pháp, được mọi người hết lòng ủng hộ

Napoleon tiếp tục tiến lên phía bắc, trải qua buổi tối tiếp theo ở Chalon-sur-Saône, tối 15 ở Autun, tối 16 ở Avallon, và tối 17 ở dinh tỉnh trưởng tại Auxerre. Ông được những đám đông lớn nhiệt tình chào đón, và có thêm các đơn vị quân đội khác gia nhập trên đường.

Sau hơn 300 ngày bị lưu đày khốn khổ, Napoleon lấy lại ngôi vị hoàng đế Pháp như thế nào? - Ảnh 2.

Napoleon quyết định quay trở lại Pháp và lên ngôi thêm một lần nữa. Ảnh: Fanpop

Ông phái hai sĩ quan cải trang tới gặp thống chế Ney, người đang chỉ huy 3.000 quân tại Lons-le-Saunier, nói với ông ta rằng nếu ông ta đổi bên, "Ta sẽ đón nhận ông như ta đã làm vào hôm sau trận Moskowa."

Ney đã hoàn toàn có dự định chống lại Napoleon khi ông rời Paris, nhưng ông ta không hề mong muốn bắt đầu một cuộc nội chiến, kể cả khi ông ta có thể thuyết phục người của mình nổ súng. "Tôi đã ở chính giữa cơn bão tố," sau này ông ta nói về quyết định của mình, "và tôi đã mất trí."

Ngày 14 tháng Ba, Ney quay sang phía Napoleon cùng các Tướng Lecourbe và Bourmont (cả hai đều rất miễn cưỡng) và gần như toàn bộ binh sĩ của mình, trừ một số ít sĩ quan bảo hoàng.

"Chỉ có Hoàng đế Napoleon là đủ tư cách cai trị trên đất nước tươi đẹp của chúng ta," Ney nói với người của mình. Sau này ông ta nói là làn sóng cảm xúc ủng hộ Bonaparte trong binh lính quá mạnh, và ông ta không thể "kìm lại biển cả bằng hai bàn tay mình."

Sau hơn 300 ngày bị lưu đày khốn khổ, Napoleon lấy lại ngôi vị hoàng đế Pháp như thế nào? - Ảnh 3.

Sức ảnh hưởng của vị thống soái, thiên tài quân sự của nước Pháo là rất lớn. Ảnh: Armchair General Magazine

Napoleon gặp Ney vào sáng 18 ở Auxerre, nhưng vì Ney đã mang theo một tài liệu cảnh báo ông rằng ông cần "nghiên cứu vì phúc lợi của người dân Pháp và nỗ lực sửa chữa những tham vọng của ông đã mang tai họa đến cho ông," nên đó là một cuộc hội ngộ lạnh lẽo, mang tính công việc.

Vào ngày 19, Napoleon ăn trưa tại Joigny, tới Sens lúc 5 giờ chiều và ăn tối rồi ngủ lại tại Pont-sur-Yonne. Sau đó, lúc 1 giờ sáng thứ hai ngày 20/3/1815, ông lên đường tới Fontainebleau, và tới sân White Horse sau khi rời khỏi đó được 11 tháng.

Vào lúc 1:30 sáng hôm đó, Louis XVIII bị thống phong hành hạ được bê lên cỗ xe ngựa của ông ta tại Tuileries – không dễ dàng nếu xét đến cân nặng của ông ta – và chạy trốn khỏi Paris.

Không làm đổ một giọt máu, Napoleon trở về Pháp trong niềm phấn khích của dân chúng

Với sự tôn kính quen thuộc của mình dành cho các ngày lễ, Napoleon muốn tiến vào Paris ngày 20 – sinh nhật lần thứ tư của Vua La Mã – nên lúc 9 giờ tối hôm đó, ông đường hoàng bước vào Tuileries, một lần nữa lại trở thành hoàng đế trên thực tế của người Pháp.

Sân của Tuileries đông nghịt binh lính và thường dân đã tới để chứng kiến sự trở về của ông. Có một số bản tường thuật về những gì diễn ra tiếp theo, tất cả đều nhất trí về những tiếng hò reo phấn khích và sự tán thưởng nói chung mà Napoleon tạo nên khi ông tới nơi.

Sau hơn 300 ngày bị lưu đày khốn khổ, Napoleon lấy lại ngôi vị hoàng đế Pháp như thế nào? - Ảnh 4.

Hành trình trở lại của Napoleon được dân chúng hết sức ủng hộ. Ảnh: History

Đại tá Léon-Michel Routier, người đã chiến đấu ở Italy, Calabria và Catalonia, đang tản bộ và trò chuyện với các đồng ngũ gần tháp đồng hồ tại Tuileries thì "đột nhiên những cỗ xe rất giản dị không có đội hộ tống nào xuất hiện tại cổng ngách cạnh sông và tên Hoàng đế được xướng lên…

Những cỗ xe chạy vào, tất cả chúng tôi cùng ùa tới quanh chúng và chúng tôi thấy Napoleon bước ra. Sau đó mọi người đều phát cuồng; chúng tôi hỗn loạn lao về phía ông, chúng tôi vây quanh ông, chúng tôi ôm ghì lấy ông, chúng tôi gần như khiến ông ngạt thở…

Ký ức về khoảnh khắc độc nhất vô nhị này trong lịch sử thế giới vẫn còn khiến tim tôi đập rộn vì vui sướng. Hạnh phúc thay những ai, giống như tôi, là nhân chứng của sự xuất hiện kỳ diệu này, kết quả của một quãng đường hơn 800 km được vượt qua trong 18 ngày trên đất Pháp mà không làm đổ một giọt máu."

Ngay cả Tướng Thiébault, người trước đó trong ngày đã được giao nhiệm vụ phòng thủ phía nam Paris chống lại Napoleon, cũng cảm thấy rằng "Có một sự vỡ òa tức thời và không thể cưỡng lại được…anh có thể nghĩ các trần nhà đang đổ sụp…

Tôi dường như đã trở thành một người Pháp thêm lần nữa, và không gì có thể sánh ngang sự hoan hỉ và những tiếng hô mà tôi đã ra sức thể hiện cùng với nhóm người tôi gia nhập vào sự tôn kính dành cho ông ấy."

napo

Lavalette nhớ lại rằng Napoleon bước lên cầu thang Tuileries "chậm rãi, với đôi mắt nhắm hờ, hai cánh tay ông ấy vươn ra phía trước, như một người mù, và bày tỏ niềm vui của mình chỉ bằng một nụ cười."

Những người ủng hộ đang hân hoan chen lấn mạnh mẽ tới mức phải khó khăn lắm cánh cửa dẫn vào khu phòng của ông mới có thể được đóng lại sau lưng Napoleon. Khi Mollien tới nơi tối hôm đó để bày tỏ lời chúc mừng của mình, Napoleon đã ôm hôn ông ta và nói, "Đủ rồi, đủ rồi, bạn thân

mến, thời điểm cho những lời chúc mừng đã qua; họ đã để ta đến như họ đã để chúng đi." Sau những kịch tính của chuyến đi từ Golfe-Juan, việc thay đổi chế độ tại Paris diễn ra thật dễ dàng.

Trong buổi tối đầu tiên đó, nhận thấy nếu gỡ bỏ đi những hình hoa huệ trên bề mặt tấm thảm trải sàn ở phòng tiếp tân của cung điện, thì bên dưới vẫn có thể thấy những con ong trước đây của thời Napoleon; nên "Ngay lập tức tất cả các quý bà bắt tay vào việc," một người chứng kiến đã nhớ lại cảnh đó với Hoàng hậu Julie của Tây Ban Nha, Hoàng hậu Hortense của Hà Lan và các hầu gái vừa trở lại, "và trong chưa tới nửa tiếng, trước sự vui vẻ của cả nhóm, tấm thảm lại trở lại với dáng vẻ đế chế."

Cũng từ dấu mốc 20/3/1815, Napoleon chính thức bắt đầu "Vương triều 100 ngày" đầy khó quên trong lịch sử nước Pháp.

Cuộc khải hoàn trở lại ngoạn mục từ nơi bị lưu đày cho thấy Napoleon là một trong những người có tầm ảnh hưởng rất lớn ở Pháp. Bằng cách dân chúng chào đón Napoleon trở về và việc ông lên ngôi báu một lần nữa có thể thấy rằng vị thế, nghị lực và tham vọng của thiên tài quân sự nước Pháp là không hề nhỏ.

Bài viết trên được trích từ cuốn sách "Napoleon Đại đế" của tác giả Andrew Roberts.

Cuốn sách này đứng đầu bảng xếp hạng bán chạy nhất của New York Times nhiều tuần liên tiếp. The Telegraph (Anh) gọi cuốn sách là "số ít tác phẩm toát lên khí chất Napoleon".

Cuốn sách là một chuỗi các câu chuyện, tư liệu lịch sử quý giá được tác giả dày công nghiên cứu để bộc lộ những bí ẩn, bước ngoặt thay đổi trong nhận thức và hành động của Napoleon, một con người lỗi lạc đầy mê hoặc trong lịch sử thế giới.

Sách do Omega Plus phối hợp với NXB Thế giới xuất bản, Alphabooks phát hành. "Napoleon Đại đế" sẽ được phát hành trên toàn quốc vào ngày 25/9/2017.

CÙNG CHUYÊN MỤC
XEM