Thẳng thắn nhìn nhận những lý do khiến sân khấu kịch nghệ dần bị khán giả bỏ rơi, NSND Lệ Ngọc – người phụ nữ 40 năm luôn đau đáu với sứ mệnh đưa hơi thở cuộc sống vào nghệ thuật – cho rằng: sân khấu không còn là món ăn tinh thần đầu bảng trong nghệ thuật thường thức của khán giả bởi thiếu vắng những kịch bản hay, những tác phẩm lớn, những ngôi sao rực rỡ. Nhiều tác phẩm kịch rơi vào lối mòn, khuôn mẫu, nặng về rao giảng triết lý. Minh chứng rõ nhất là thực trạng 15 sân khấu kịch đang hoạt động tại TP.HCM nhưng không phải sân khấu nào cũng sáng đèn và sáng đèn bằng các tác phẩm chất lượng. "Cuộc sống này ngồn ngộn những chất liệu dành cho nghệ thuật và sân khấu, vì vậy, nếu một tác phẩm sáo mòn, trước hết đó là lỗi của người làm ra nó", NSND Lệ Ngọc nhận định.
Nhận thức rõ những cú vấp mà một số tác phẩm nghệ thuật hiện nay gặp phải, NSND Lệ Ngọc đặt tiêu chuẩn cao nhất cho các vở diễn mình dàn dựng – bằng mọi giá, phải chạm vào tim khán giả bằng những chi tiết, những cảm xúc thật đời. Hiện thực hóa khát vọng ấy, bà cùng cộng sự dốc tâm nghiên cứu chất liệu đời sống thường ngày để đưa vào kịch bản, đồng thời, chọn lọc các chi tiết phù hợp với trải nghiệm chung của khán giả.
Bởi thế, sau khi gây dựng chỗ đứng vững chắc trong lòng khán giả Thủ đô, sân khấu kịch Lệ Ngọc – đơn vị sân khấu xã hội hoá đầu tiên của miền Bắc đưa ra quyết định táo bạo: mang 3 vở kịch Cây tre thần, Hoa sen lửa và Chí Phèo – Thị Nở đến với khán giả TP.HCM.
Vở kịch Hoa Sen Lửa khắc hoạ hình tượng người chiến sĩ Công an nhân dân trên nhiều mặt trận
Trong vở kịch Hoa Sen Lửa, ekip đã dùng chất liệu thật về những án tích từng chấn động dư luận; kể những câu chuyện thật về người chiến sĩ; soi chiếu những góc sâu u tối của con người với mưu toan, lợi ích nhóm, quyền lực, cơ hội… sẵn sàng chà đạp đạo đức và tính mạng hòng vơ vét hư vinh và tiền bạc. Bằng nghệ thuật dàn dựng "tả chân" cùng phương cách biểu đạt giàu kịch tính, sân khấu kịch Lệ Ngọc đưa khán giả từng bước dấn thân vào thế giới của tội ác, tình thù và lòng thanh khiết, quả cảm trong tác phẩm.
Trong Hoa Sen Lửa, người chiến sĩ Công an nhân dân được trả về đúng bản chất, phẩm cách của họ với bộn bề lo toan thường nhật, với mệt nhọc, suy tư trong công tác giữ gìn trật tự an ninh xã hội, giữa được – mất của lựa chọn công - tư. Và biết đâu đấy, xem kịch ngẫm đời, chúng ta sẽ càng hiểu hơn về công việc đầy hiểm nguy, vất vả của những người chiến sĩ ấy trên tuyến đầu chống dịch trong đại dịch Covid-19 vừa qua.
Hay ngược dòng thời gian về xã hội Việt Nam những năm 1930-1945 rối ren, biến động khi phận người bị rẻ rúng, coi khinh, thì vẫn còn đó một tình yêu bất thường, điên đảo, tròn trặn ngây thơ của Chí Phèo và Thị Nở.
NSND Lệ Ngọc hoá thân thành một Thị Nở "độc bản" trên sân khấu
Bước từ văn học lên rèm nhung kịch nói, Chí Phèo – Thị Nở của sân khấu Lệ Ngọc phong phú tầng bậc cảm xúc, phơi bày chi tiết bức tranh hiện thực xã hội với những oán than và hoan ca, những đau khổ về kiếp người bị bần cùng hoá và giấc mơ được yêu, được sống đúng nghĩa phận Người.
Không chỉ dừng lại ở các đề tài giàu tính hiện sinh, người nghệ sĩ gạo cội còn dành tình yêu đặc biệt cho văn hoá truyền thống dân gian với kho tàng cổ tích màu sắc, độc đáo, bởi đó là "vốn liếng" văn hoá tinh tuý cần được nuôi dưỡng, truyền thụ cho muôn đời. Trong con mắt của nhà làm nghề, hiểu rõ đề tài cổ tích hồn hậu như suối nguồn nhưng thiếu liên kết với công chúng hiện đại, nhất là các bạn nhỏ, NSND Lệ Ngọc cùng ekip đề ra phương án cải biên truyện cổ tích, giữ lại "xương sống" quan trọng, lược bỏ, cải biến các nội dung khác cho phù hợp với tư duy trẻ em đương đại.
Trên sân khấu, cái tên nguyên bản "Cây Tre Trăm Đốt" được thay bằng "Cây Tre Thần" màu nhiệm, kích thích trí tưởng tượng, tò mò của các bạn nhỏ. Rồi, vẫn còn đó một anh Khoai thật thà ngơ ngác, vẫn là tên phú ông lật lọng, xảo tà, cả ông Bụt với câu thần chú kì diệu… nhưng tầng sâu biểu đạt thấy thấp thoáng hình ảnh cây tre, luỹ tre trong văn hoá đời sống Việt cùng thông điệp bảo vệ môi trường rất mới mẻ mà Lệ Ngọc đã dụng công gửi gắm khi dựng vở.
Những lớp lang ẩn ý phía sau vở kịch Cây Tre Thần được NSND Lệ Ngọc và cộng sự dụng công gửi gắm khi dựng vở
Cây Tre Thần, Hoa Sen Lửa và Chí Phèo – Thị Nở sẽ được công diễn tại Nhà hát TP.HCM từ ngày 25/6 – 5/7 tới đây, tuy là 3 vở kịch, 3 màu sắc, 3 giai đoạn lịch sử, nhưng có mẫu số chung là tâm sức và lòng tin tuyệt đối vào sản phẩm tử tế đậm chất thơ, giàu chất đời. Như nghệ sĩ gạo cội bày tỏ: "Tôi nỗ lực làm tất cả mọi thứ, chỉ để khi nhìn lên sân khấu, khán giả nhìn thấy chính cuộc đời chứ không thấy bất kỳ điều gì giả dối khác. Chỉ có như thế, chúng tôi mới có cơ hội chạm vào sâu thẳm trái tim họ".
Bản thân NSND Lệ Ngọc và những người chắp bút luôn tâm niệm, họ sẽ không bao giờ bỏ rơi các giá trị nhân bản, nhân văn trường tồn tạo nên hồn cốt dân tộc này để chạy theo những giải trí dễ dãi, hời hợt nửa vời. Bà có một niềm tin tuyệt đối về việc sân khấu cần cho người ta thấy được sự sáng trong lương thiện, khao khát hướng tới vẻ đẹp Chân – Thiện – Mỹ, ước mong hạnh phúc muôn thủa của con người.
Cũng chính niềm tin ấy, người đàn bà của sân khấu chưa bao giờ từ bỏ lòng tin vào công chúng tử tế - những người ra rạp, bỏ tiền mua vé vì muốn xem một tác phẩm hay. Chính họ - một tiểu thương bình dị, một sinh viên tỉnh lẻ lên thành phố trọ học, một nhân viên văn phòng nhỏ bé hay các em nhỏ vẫn cần cha mẹ nắm tay mỗi khi bước chân ra đường… là người quyết định sức sống của nghệ thuật sân khấu. Và, với hoài bão khiến sân khấu chảy đúng nhịp điệu cuộc đời, góp lửa giữ gìn những giá trị văn hoá nhân văn sâu sắc, Lệ Ngọc và cộng sự vẫn ngày đêm miệt mài nối dài kịch trường từ Bắc tới Nam, nối dài đông – tây – kim – cổ, dẫu cho sân khấu còn lắm nỗi nhọc nhằn, gian truân.
Phiêu lưu vào "Vũ trụ cổ tích Việt" trên sàn diễn nghệ thuật. Mua vé trên MXH Lotus - trang Săn quà cùng Lotus nhận ngay ƯU ĐÃI đặc biệt 30%.
Cài app tải đây: https://bit.ly/Lotus_véxemcotich