Rất lâu trước khi có đại dịch Covid-19, bóng đá Việt Nam đã từng 2 lần "dẹp bóng đá"

Thủ Khúc | 31-03-2020 - 08:35 AM

(Tổ Quốc) - Hôm nay 31/3 VFF và VPF sẽ họp trực tuyến để tìm ra phương án tổ chức cho các giải đấu bóng đá Việt Nam. Phương án cuối cùng có thể là... hủy giải.

Trong lịch sử bóng đá Việt Nam đã từng có 2 mùa giải VĐQG không được tổ chức vào năm 1988 và 1999. Sau những mùa bóng đó, đều có những giải pháp tốt để duy trì hệ thống giải quốc nội, thậm chí đã còn mang tính bước ngoặt.

Nhìn vào bài học từ quá khứ - khi có biến cố xảy ra và không thể tổ chức được giải đấu chính thức, chắc hẳn là điều mà VFF và VPF cần lưu tâm trong tình cảnh hiện tại, đại dịch Covid-19 vẫn chưa có dấu hiệu lắng xuống.

Trong khi đó, đã có một vài ý kiến từ các lãnh đạo đội bóng về việc hủy giải V.League 2020 để đảm bảo an toàn ở mức tối đa cho đội bóng nói riêng và cộng đồng nói chung.

Rất lâu trước khi có đại dịch Covid-19, bóng đá Việt Nam đã từng 2 lần dẹp bóng đá - Ảnh 1.

Năm 1988, giải VĐQG (khi đó có tên giải bóng đá A1 toàn quốc) đã không được tổ chức do có kiến nghị của nhiều đội bóng, muốn có thêm thời gian củng cố tổ chức và lực lượng. Trong năm này, chỉ có một số giải khu vực và giao hữu, không có lên lên/xuống hạng.

Điểm đặc biệt là sau năm 1988, bóng đá Việt Nam thực hiện cải tổ hệ thống giải đấu vào năm 1989, làm tiền đề cho sự ra đời của giải đội mạnh toàn quốc 1990. Năm 1989, tất cả 32 đội của 2 hạng A1 và A2 cùng thi đấu, chọn ra 18 đội tham dự giải các đội mạnh, 11 đội ở hạng A1 và các đội còn lại sẽ xuống hạng A2.

Đến năm 1999, giải VĐQG có lần 2 không được tổ chức do VFF và các cơ quan chức năng chưa kịp xây dựng những phương án phòng - chống tiêu cực. Năm nay chỉ có giải mang tính giao hữu có tên "Giải tập huấn mùa Xuân" - SLNA là đội vô địch.

Khi tình hình khả quan hơn, đến tháng 10/1999, giải hạng Nhất 1999-2000 được khởi tranh, kết thúc vào tháng 5/2000. Đây là lần đầu tiên giải đấu cao nhất bóng đá Việt Nam thi đấu vắt qua 2 năm, cũng là giải cuối cùng trong giai đoạn "tiền chuyên nghiệp" trước khi V.League chính thức ra đời ở mùa giải 2000-2001.

Rất lâu trước khi có đại dịch Covid-19, bóng đá Việt Nam đã từng 2 lần dẹp bóng đá - Ảnh 2.

Xây dựng lứa kế cận "thế hệ Vàng" U23 Việt Nam đang là lưu tâm hàng đầu của HLV Park Hang-seo. Ảnh: Hoàng Tùng

Chắc chắn khi V.League 2020 nhận kết quả "hủy giải" thì sẽ có nỗi lo dành cho HLV Park Hang-seo, với công việc tại U23 và tuyển Việt Nam.

Nhưng cần lưu ý rằng, tình hình đại dịch Covid-19 vẫn chưa có dấu hiệu lắng xuống ở nhiều nước trên thế giới, kéo theo các giải đấu quốc tế đang bị hoãn vô thời hạn và hoàn toàn có khả năng cũng sẽ hủy hoặc dời lịch sang năm 2021 - EURO 2020 và Olympic Tokyo là ví dụ điển hình.

Trong cái rủi vẫn có cái may nếu chúng ta biết tùy cơ ứng biến, hơn nữa vẫn còn một mục tiêu cụ thể là bảo vệ tấm HCV SEA Games 2021 trên sân nhà.

Thử đặt trường hợp, bóng đá Việt Nam có thêm một giải mang tính chất giao hữu như "giải Tập huấn mùa Xuân" 1999. Khi đó VFF và VPF chắc hẳn sẽ tạo điều kiện cho thầy Park lập ra một đội dự tuyển U22 Việt Nam - tập trung lứa cầu thủ sinh năm 1999 trở về sau, tham dự giải đấu giao hữu cùng các CLB trong nước.

Các tuyển thủ vẫn có cơ hội thi đấu để chuẩn bị cho AFF Cup 2020, trong khi HLV Park Hang-seo cũng có thêm nhiều trận đấu để tạo ra được lứa kế cận "Thế hệ Vàng" U23.

Đừng coi chuyện hủy giải là một bước lùi, vì mọi sự việc đều có cách giải quyết và theo lời bầu Đức thì: "Bóng đá chỉ là trò vui chơi giải trí, làm sao nghĩ mình đứng trên xã hội được?".

Rất lâu trước khi có đại dịch Covid-19, bóng đá Việt Nam đã từng 2 lần dẹp bóng đá - Ảnh 3.

CÙNG CHUYÊN MỤC
XEM