Tết là dịp mà trẻ em thích nhất trong năm bởi vừa được nghỉ học, được đi chơi lại còn được tiền mừng tuổi. Trước kia, khi điều kiện kinh tế chưa tốt, tiền mừng tuổi của các em chỉ ở mức tượng trưng, và thường các bé bị bố mẹ tịch thu lại với lý do "giữ hộ".
Ngày nay, tiền mừng tuổi của nhiều bé khiến người lớn phải giật mình bởi nhiều đến mức bằng cả tháng lương, thậm chí vài tháng lương của người đi làm. Không những thế, trẻ em bây giờ còn được bố mẹ đối xử thoáng hơn nên một số bé được phép giữ toàn bộ số tiền lì xì mà không phải nộp lại cho bố mẹ.
Mạng xã hội Trung Quốc mới đây xôn xao hình ảnh một bé gái tầm 7-8 tuổi, thành thạo ngồi đếm từng xấp tiền lì xì bằng máy đếm tiền.
Khác với những đứa trẻ khác khi thấy tiền mừng tuổi sẽ mừng vui, phấn khích, nhưng cô bé này tỏ ra rất bình tĩnh trước một số tiền lì xì lớn.
Cô bé cứ chậm rãi rút từng tập tiền trong mỗi phong bao lì xì, rồi xếp gọn gàng vào máy để đếm. Động tác đếm tiền bằng máy của cô bé rất thành thục chứng tỏ bé đã quen với việc này nhiều năm nay.
Nhiều cư dân mạng khi xem những hình ảnh này đều thốt lên: "Ôi, tiền mừng tuổi nhiều hơn cả lương tháng của tôi", "Bé đếm tiền điêu luyện thế này chắc đã quá quen với việc được nhiều tiền lì xì", "Thái độ rất dửng dưng trước những bao lì xì dầy cộm"; "Cho con sở hữu số tiền lớn sẽ rất nguy hiểm, lì xì không nên quá nhiều khiến trẻ hiểu sai lệch ý nghĩa của việc này"...
Làm thế nào để trẻ nhận thức đúng về tiền mừng tuổi?
Mừng tuổi số tiền vừa phải
Người lớn hãy giải thích cho trẻ hiểu ý nghĩa của tiền lì xì đầu năm mới đó là câu chúc cho trẻ những điều tốt lành, may mắn, sức khỏe.
Số tiền mừng tuổi mà người lớn lì xì cho trẻ đầu năm mới cũng chỉ nên ở mức tượng trưng để trẻ không sinh tính ham vật chất, so sánh tiền mừng tuổi ít hay nhiều giữa người nọ với người kia.
Tận dụng việc lì xì để dạy trẻ cách tự quản lý tài chính
Khi con còn nhỏ, cha mẹ thường thu lại tiền mừng tuổi của con sau khi hết tết. Nhưng khi trẻ bước vào tuổi thiếu niên, nhu cầu nhiều hơn, đã có nhận thức về tiền bạc, các con sẽ đòi tự mình giữ "quỹ".
Nhân cơ hội này, hãy dạy con cách quản lý tiền hợp lý. Nếu số tiền lì xì tương đối lớn, hãy nói chuyện với con để con giữ lại một phần nhỏ đủ chi tiêu cá nhân, nhưng yêu cầu con phải có kế hoạch sử dụng hợp lý, rõ ràng, tiết kiệm. Số tiền còn lại cha mẹ sẽ giữ cho con bằng cách lập một quyển sổ tiết kiệm.
Hoặc cha mẹ có thể dạy con quản lý tiền bạc hiệu quả bằng cách phân bổ tiền. Với số tiền mà con đang có, con có thể phân ra thành bốn phần: tiết kiệm, đầu tư, từ thiện, tiêu dùng.
Tiền tiết kiệm: cha mẹ hãy hướng dẫn bé để ít nhất 10% số tiền mà con có để mở sổ tiết kiệm, đầu tư sinh lãi.
Tiền đầu tư: số tiền này có thể chiếm tới 10% ngân quỹ của con và cha mẹ nên hướng dẫn con đầu tư vào một loại tài sản nào đó vừa túi tiền, phù hợp.
Tiền từ thiện: trẻ có thể tiêu 10% tiền mình có cho các hoạt động từ thiện như giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn, bị bệnh hiểm nghèo…
Tiền chi tiêu: Phần tiền còn lại sau khi trừ đi các quỹ nói trên thì sẽ là số tiền trẻ được chi tiêu. Cha mẹ nhắc con không được dùng ba số tiền nói trên vào việc chi tiêu và phải để tiền vào ba quỹ đó xong mới tính đến tiền tiêu cá nhân.
Trong số tiền con được phép chi tiêu, cha mẹ dạy con biết tiêu tiền theo thứ tự ưu tiên cho những thứ cần trước thứ muốn.
Hãy cùng con lên danh sách những thứ cần phải mua như đồ dùng học tập, sách vở, quần áo rồi sau đó mới tới những thứ chúng muốn mua như đồ chơi, thẻ game…
Hình thành thói quen tính toán này sẽ giúp trẻ biết cân nhắc trước khi mua một món gì và không bị nhiễm thói quen tiêu dùng lãng phí.