Trong những năm qua, Comicola đã đạt được nhiều thành tựu đáng kể với vai trò người đi đầu trong phong trào "số hóa" truyện tranh tại Việt Nam. Ở những nước lớn như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn hay Âu Mỹ, các phầm mềm truyện tranh như Webtoon, Tapas và nhiều ứng dụng đọc truyện khác không còn xa lạ. Như một xu hướng tất yếu, nền tảng đọc truyện Comi đã ra đời, là một trong những ứng dụng truyện đầu tiên tại Việt Nam.
Trong một buổi phỏng vấn với đại diện của Comicola, GameK đã nhận được một số tiết lộ thú vị của những người trong ngành truyện tranh Việt.
PV: Bây giờ, em xin hỏi câu đầu tiên. Năm 2020 không phải một năm suôn sẻ do đại dịch toàn cầu, tuy nhiên lĩnh vực truyện tranh, đặc biệt là webtoon, lại có cơ hội phát triển mạnh mẽ. Đây có lẽ cũng là dịp mà Comicola có cơ hội phát triển, vậy thì anh có thể cho biết các hoạt động của Comi với Webtoon trong thời gian qua được không?
Comi: Bên Comicola đã làm Webtoon từ năm 2018. Lúc đấy phong trào Webtoon là cái xu hướng chung của toàn thế giới, hướng tới truyện tranh số, nên bên anh cũng đã quyết định làm từ năm 2018. Tất nhiên, có nhiều khó khăn trong giai đoạn đấy, mà chúng ta sẽ nói sau. Ban đầu anh dự tính là điểm bùng phát của năm nay sẽ bắt đầu vào dịp tết, thường tết năm nào các bạn trẻ cũng chi tiêu nhiều hơn, đọc truyện và chơi game. Nhưng có một điều bất ngờ của năm nay là tháng sau tết lại cao hơn tháng trước, cứ thế liên tục.
Cũng thực sự may mắn vì không nhờ có doanh thu khá là ổn định, thậm chí là khá nhiều từ Webtoon trong đợt dịch bệnh, Comicola mới có đủ nguồn vốn xoay vòng để tiếp tục phát triển. Ngay sau khi dịch bệnh xuất hiện, hầu hết các doanh nghiệp kinh doanh sách trong nước đều gửi thư xin phép hoãn trả nợ vô thời hạn, để giải quyết dịch bệnh. Việc có nguồn thu nhập thường xuyên trở nên khó khăn hơn với sách giấy. Webtoon đã mang một điều may mắn là cứu sống được Comicola trong thời điểm dịch bệnh này.
PV: Điều thứ hai em muốn hỏi là, một trong những điểm thú vị nhất của ứng dụng Comicola hiện nay là không chỉ có những đầu truyện nước ngoài như Hàn, Nhật, Trung, mà có cả các sản phẩm truyện tranh đến từ Việt Nam. Theo anh, các sản phẩm truyện tranh Việt Nam có đủ sức hút để cạnh tranh sòng phẳng với các tựa truyện đến từ nước ngoài hay không? Nó có điểm mạnh gì so với truyện tranh nước ngoài?
Comi: Nếu mọi người theo dõi thì từ khi thành lập đến nay, Comicola gần như là công ty duy nhất phát hành truyện tranh của các tác giả Việt Nam. Số lượng truyện tranh của tác giả Việt Nam đến từ Comicola trên thị trường có lúc chiếm đến 80%. Bản thân cũng là tác giả truyện tranh, anh cũng mong muốn hỗ trợ được cho anh chị em họa sĩ trong nước. Việc ra mắt Comi/Webtoon cũng là để có cơ hội đi đầu trong xu hướng toàn thế giới, để anh chị em họa sĩ Việt Nam có thể đưa sản phẩm của mình đến với công chúng. Có các truyện tranh Nhật, Hàn, nước ngoài nói chung trên ứng dụng Comi, anh hy vọng là để có thêm một lượng độc giả và nhờ thế, truyện tranh Việt Nam được biết đến nhiều hơn.
Mục đích ban đầu của Comi là đưa truyện tranh người Việt đến với độc giả. Thành thật mà nói, chúng ta chỉ mới bắt đầu làm truyện tranh, còn họ đã đi trước mình 10 năm, 20 năm. Nên độ hấp dẫn, độ phủ và cách làm truyện tranh của người Việt chưa thể bằng được Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản. Doanh số truyện tranh trên Comi, truyện nước ngoài vẫn nhiều hơn so với truyện Việt Nam. Và nếu như đầu tư cho truyện tranh Việt Nam, đầu tư mười truyện thì nếu may mắn, sẽ có được 2-3 truyện thành công, 7 truyện còn lại không thể làm được nữa. Nếu đầu tư truyện tranh nước ngoài sẽ dễ dàng hơn rất nhiều. Sang nước ngoài lựa chọn những truyện đã ăn khách, mua về dịch thuật, chi phí sản xuất thấp, tuy nhiên anh vẫn hy vọng truyện tranh nước ngoài sẽ chỉ là nguồn tiền nuôi sống nền tảng, để đầu tư nhiều hơn cho anh chị em trong nước.
Dù sao thì trong tương lai, khi các cơ quan quản lý quan tâm đến nội dung trong nước, các anh chị em làm nghề truyện tranh, sáng tác sẽ có cơ hội phát triển hơn.
PV: Hiện tại, không thể phủ nhận vấn đề truyện lậu đang rất nhức nhối, khá nhiều độc giả vẫn trung thành với trang web truyện lậu hơn. Thậm chí, thấy những ứng dụng như Comicola thu tiền, họ sẵn sàng quay đầu. Đúng là có những ứng dụng truyện tranh có lượng độc giả sẵn sàng trả tiền, nhưng lượng độc giả không sẵn sàng trả, từ chối trả tiền vẫn đông hơn hẳn. Vậy Comicola có sẵn sàng đương đầu và tiếp tục đi theo con người làm truyện tranh về lâu dài không?
Comi: Nó cũng sẽ tương tự như nhiều sản phẩm văn hóa, sản phẩm điện tử thu phí. Nước mình cũng có tiếng xấu ở chỗ, về truyện tranh tỉ lệ đọc lậu hàng đầu thế giới. Trong nội bộ giới đều biết rằng ứng dụng đọc truyện tranh lậu số một trong nước, số một thế giới là do một nhóm ở Việt Nam phát triển. Khi làm, Comicola cũng đã lường trước các tình huống này, có bất ngờ là phản ứng tiêu cực của các bạn, khi thấy các tác phẩm nổi tiếng được mua bản quyền và không thể đăng tải lậu nữa, các bạn ấy có phản ứng rất mạnh mẽ và tiêu cực.
Tuy nhiên, có một may mắn của Comicola có được là sự ủng hộ của các nhóm dịch. Nhiều nhóm dịch cũng lấy truyện trên mạng và dịch lậu, cái đó chúng ta phải thẳng thắn thừa nhận. Tuy nhiên, các bạn ấy làm hầu hết vì đam mê, và là những người cực kỳ yêu truyện tranh. Nên chất lượng sản phẩm làm ra, cũng như độ lan tỏa của các sản phẩm ấy rất tốt. Nên khi làm ứng dụng Comi, bên anh gặp gỡ các bạn nhóm dịch để chia sẻ về các kế hoạch tương lai, cũng khá bất ngờ khi hầu hết các bạn đều ủng hộ. Rất nhiều truyện trên ứng dụng Comi/Webtoon được các nhóm dịch nổi tiếng dừng việc dịch lậu lại, chuyển bản dịch sang cho Comi, dịch lại, edit lại toàn bộ, Comi vẫn trả thù lao cho các bạn như các hợp đồng bình thường. Sau khi ra mắt, fanpage hoặc các group cộng đồng của nhom dịch đó cũng kêu gọi mọi người đọc truyện có bản quyền của Comi.
Nhờ sự ủng hộ của các bạn ấy, thậm chí là một số trang web đọc truyện lậu ở Việt Nam, sau khi bên anh chủ động liên lạc để đảm bảo hỗ trợ nhau, họ cũng biết đến Comicola đang làm truyện tranh Việt Nam, đã hỗ trợ anh chị em tác giả trong nước, họ sẵn sàng gỡ những truyện mình yêu cầu xuống một cách hợp tác. Nên các vấn đề về web lậu, dịch lậu bên anh không quá nhiều, có điều nhiều bạn độc giả vẫn chưa quen, chúng ta phải xác định là sẽ cần thời gian. Đây đã là thói quen suốt 20 năm nay rồi, không thể thay đổi một sớm một chiều.
Với sự xuất hiện của Comicola, cùng nhiều nền tảng đọc truyện tranh có bản quyền khác trên thế giới sẽ giúp thói quen của mọi người dần dần thay đổi.
PV: Hiện tại, Comicola là một trong những đơn vị dẫn dầu thị trường về ứng dụng truyện tranh online, webtoon. Tuy nhiên trong khoảng vài năm gần đây, đã xuất hiện nhiều ứng dụng đọc truyện tranh online mới. Thậm chí, một số nhà xuất bản đang dự định phát triển nền tảng đọc truyện tranh online của riêng mình. Anh nghĩ sao về sự cạnh tranh này, liệu nó có ảnh hưởng đến hướng đi của Comicola không?
Comi: Trong thời gian tham dự festival truyện tranh, hoạt hình ở Trung Quốc vào tháng 11 năm ngoái, anh đã đi cùng với Cường, liên tục thuyết phục là bảo bên nhà xuất bản Kim Đồng làm truyện tranh online đi vì đó là tương lai. Anh mong muốn là Kim Đồng và các nền tảng khác nhảy vào. Càng nhiều đơn vị tham gia thị trường, thì cái bánh mới to ra được.
Giả sử Comicola hiện tại đang chiếm phần lớn thị trường, khoảng 60% của một mảng rất nhỏ, nếu thị trường lớn hơn, phầm trăm của Comicola nhỏ đi, nhưng nó nhỏ ở một lĩnh vực rất lớn. Truyện tranh Webtoon là tương lai, và hiện giờ thị phần quá nhỏ để tạo ra sự cạnh tranh. Càng nhiều đơn vị nhảy vào, chắc chắn nó sẽ còn mở rộng. Lượng độc giả rất lớn, những người quay lưng lại với việc làm truyện tranh trả tiền còn rất nhiều và vì thế chúng ta cần nhiều đối tác tham gia.
Kim Đồng tham gia là một điều rất mừng, vì fans của Kim Đồng rất nhiều. Những bạn ấy sẽ ủng hộ truyện tranh bản quyền. Các đơn vị nước ngoài tham gia cũng sẽ nhiều hơn. Comicola cũng có lợi thế của mình, đó là đi trước. Lợi thế lớn nhất là có các bạn tác giả truyện tranh trong nước, điều anh rất tự hào là rất ít đơn vị nào có nhiều bạn tác giả truyện tranh làm việ cùng như Comicola. Bản thân đã làm truyện tranh 15 năm nay, anh cũng có kinh nghiệm nhất định để hiểu xem anh chị em tác giả trong nước muốn gì. Nên thị trường càng phát triển, càng nhiều đơn vị tham gia, thì cơ hội của mình càng lớn hơn.
PV: Anh có thể tiết lộ cho độc giả GameK những kế hoạch với các đầu truyện ăn khách nhất của Comicola thời điểm hiện tại, đồng thời là kế hoạch ngắn hạn trong năm 2020, cũng như các kế hoạch lâu dài của Comicola, liệu công ty sẽ phát triển như thế nào?
Comi: Như anh đã nói, các đầu truyện tranh nước ngoài khá ăn khách và mang lại doanh thu chính. Truyện tranh Việt Nam thì có khoảng 5-6 bộ nổi tiếng nhất. Vào đầu năm nay, có một đơn vị - một công ty giải trí lớn ở trong Nam đã mua lại bản quyền của những đầu truyện tốt nhất của bên anh. Họ hy vọng có thể đăng tải, chuyển thể những bộ truyện này thành hoạt hình, truyện tranh động và thậm chí là live action. Sau khi trao đổi, anh thấy đó là một kế hoạch nghiêm túc và có sự đầu tư lâu dài, nên đã bán cho họ những đầu truyện tranh tốt nhất của Comicola. Sau khi bán bên anh có thể đã có tiền, nhưng bây giờ phải tiếp tục gây dựng cùng các bạn tác giả mới, và cũng đã tìm được một vài bạn tốt, nuôi dưỡng các bạn ấy để hy vọng có một thế hệ tác giả trẻ.
Đó là cái anh đã mong muốn từ đầu, rằng truyện tranh Việt Nam không chỉ dừng lại ở sách giấy, mà còn sẽ là đồ chơi, hoạt hình, phim ảnh, những cái mà thế giới đã đi trước và thành công. Nếu chúng ta có những cơ hội như thế thì rất tốt. Tiết lộ thêm rằng trong năm nay, một vài tác phẩm của Comicola được một vài studio phim nổi tiếng ở Việt Nam quan tâm và liên hệ, nghiên cứu về việc chuyển thể thành điện ảnh. Đó là một chặng đường dài, nhưng anh cũng hy vọng và chờ đợi xem kết quả như thế nào.
Sự xuất hiện của Webtoon cũng tạo ra sự thay đổi nhất định với việc sáng tác. Các bạn trẻ sẽ kịp thời thích nghi với các việc đấy. Có một số bạn họa sĩ hơi lớn tuổi một chút sẽ thấy khó khi chuyển thể từ định dạng giấy sang định dạng dọc của Webtoon. Các bạn trẻ sẽ thích nghi nhanh hơn, và có một thế hệ tác giả mới xuất hiện.
Khi anh đi gặp gỡ các bạn tác giả nước ngoài, các công ty truyện tranh lớn của thế giới, họ đều nói là không ai muốn bỏ sách giấy cả. Nhưng doanh số sách giấy cứ đi xuống, và webtoon đi lên, mọi người phải chấp nhận rằng webtoon là tương lai không thể tránh khỏi. Và thay vì cố tìm cách chối bỏ, thì phải thích nghi, và nếu giỏi ra thì phải hiểu trước đám đông, thì sẽ đạt được thành công lớn.
PV: Em xin cảm ơn anh.
Như vậy, với xu hướng phát triển tất yếu của truyện tranh số, chắc chắn những ứng dụng điện tử như Comic, Webtoon sẽ còn phát triển mạnh tại Việt Nam. Hy vọng trong tương lai, Comicola cũng như các nhà xuất bản sẽ đầu tư nhiều hơn cho truyện tranh Việt, đưa các tác phẩm của Việt Nam đến với công chúng.