Một nhóm các nhà khoa học đã tìm thấy ít nhất 2 loại khoáng chất chưa từng biết tới trên Trái Đất trong một khối thiên thạch khổng lồ nặng 15 tấn được tìm thấy tại Somalia năm 2020. khối thiên thạch này cũng là khối thiên thạch xếp thứ 9 trong các khối lớn nhất từng được tìm thấy.
Giáo sư Chris Herd tại Khoa Khoa học Trái đất & Khí quyển, Đại học Alberta, Canada hào hứng cho biết: "Với khối thiên thạch này, bạn có 2 loại khoáng chất đã được miêu tả là mới với khoa học".
Một mẩu nặng 70 gam của thiên thạch này đã được gửi tới Đại học Alberta, Canada để phân loại, và đây cũng là nơi mà các nhà nghiên cứu tìm thấy 2 khoáng chất mới. Rất có thể, mẩu thiên thạch này cũng chứa một khoáng chất mới khác. Giáo sư Chris Herd cho rằng nếu như nhóm các nhà nghiên cứu có thể có thêm các mẫu vật khác từ khối thiên thạch này thì nhiều khả năng, họ sẽ tìm thêm được nhiều khoáng chất khác nữa.
Hai loại khoáng chất mới này được các nhà khoa học đặt tên lần lượt là elaliite và elkinstantonite. Khoáng chất đầu tiên, elaliite, được đặt tên phỏng theo tên "El Ali" của khối thiên thạch, vì khối thiên thạch này được tìm thấy ở một thị trấn của El Ali, Somalia; còn tên elkinstantonite thì được Giáo sư Herd đặt theo tên Lindy Elkins-Tanton - Phó Chủ tịch của Trung tâm Sáng kiến Liên hành tinh, trực thuộc Đại học Arizona, Mỹ.
Giáo sư Herd giải thích: "Bà Lindy đã có rất nhiều công trong nghiên cứu cách hình thành lõi hành tinh, cách mà lõi sắt-niken được hình thành, và thứ tương đồng nhất chúng ta có chính là thiên thạch sắt. Vì thế, đặt tên khoáng chất theo tên bà và ghi nhận công sức của bà với khoa học là một việc hợp lý".
Cùng với các cộng sự từ Đại học California, Los Angeles (UCLA) và Viện Công nghệ California (Caltech), Giáo sư Herd đã xếp thiên thạch El Ali vào dạng thiên thạch "Sắt, phức hợp IAB" - là 1 trong hơn 350 khối thiên thạch cùng dạng.
Việc tìm thấy khoáng chất mới cũng rất tình cờ. Trong lúc nghiên cứu, Giáo sư Herd đã nhận thấy một điều bất thường và đã nhờ Andrew Locock, Trưởng phòng thí nghiệm vi phân tích đầu dò điện tử (Electron Microprobe) trợ giúp. Giáo sư Herd chia sẻ: "Ngay trong ngày đầu tiên nghiên cứu, ông ấy [Andrew Locock] đã nói 'Ông có ít nhất 2 khoáng chất mới trong mẩu thiên thạch này'. [...] Đây là một điều hết sức ngạc nhiên. Thường phải mất rất nhiều nghiên cứu mới có thể khẳng định được đó là một khoáng chất mới".
Andrew Locock có thể khẳng định nhanh như vậy là bởi 2 loại khoáng chất này đã được tổng hợp (sản xuất nhân tạo) trước đó, nên chỉ cần so sánh thành phần của khoáng chất tự nhiên với khoáng chất nhân tạo là có thể khẳng định được.
Hiện tại, các nhà khoa học vẫn đang tiếp tục nghiên cứu các khoáng chất này với hy vọng chúng có thể lý giải thêm về cách mà khối thiên thạch được hình thành.
Giáo sư Herd cho biết thêm: "Đó là công việc của tôi - chỉ ra các quá trình địa lý và lịch sử địa lý của thiên thể mà khối thiên thạch này từng thuộc về. Tôi chưa từng nghĩ tới việc phát hiện ra khoáng chất mới qua nghiên cứu thiên thạch".
Giáo sư cũng cho rằng bất cứ phát hiện khoáng chất mới nào cũng có thể mang tới kỳ vọng về các cách sử dụng thực tiễn: "Bất cứ khi nào phát hiện ra khoáng chất mới, các nhà khoa học vật liệu cũng đều rất hứng khởi vì tiềm năng ứng dụng vào cuộc sống".
Trong khi tương lai của khối thiên thạch vẫn chưa rõ, giáo sư Herd cho biết rằng các nhà nghiên cứu đã nhận được tin rằng khối thiên thạch đã được chuyển tới Trung Quốc nhằm tìm người mua tiềm năng, và cũng không rõ liệu sẽ có thêm các mẩu thiên thạch nào được tách ra phục vụ khoa học hay không.