Nhắc đến trái tim của đất nước tỷ dân Trung Quốc, hẳn nhiều người sẽ nghĩ ngay đến thủ đô Bắc Kinh, song ít ai biết rằng còn một vùng đất lừng danh khác cũng từng được chọn làm thủ phủ của 13 triều đại phong kiến Trung Hoa, đó chính là Lạc Dương, tỉnh Hà Nam, Trung Quốc.
Vùng đất Lạc Dương không chỉ là cố đô mà còn nơi khởi đầu của con đường tơ lụa phương Đông, nơi sản sinh ra bốn phát minh vĩ đại của Trung Quốc.
Với phong thủy đắc địa, Lạc Dương rất được các hiền nhân thời cổ đại chọn là nơi an nghỉ. Các khu mộ nổi tiếng ở Lạc Dương có thể kể đến như: Thúc Tề, Tô Tần, Lã Bất Vi, Trần Bình, Quan Vũ, Bạch Cư Dị, Đỗ Phủ… Thật không quá lời khi Lạc Dương được đặt cho cái tên là ‘Kinh đô mộ cổ’ của Trung Quốc.
Mộ cổ được tìm thấy ở Lạc Dương được bảo quản tại bảo tàng mộ cổ (Nguồn: Baike.baidu)
Năm 1981, một nhà máy quyết định xây dựng chi nhánh tại núi Long Môn ở phía nam Lạc Dương. Ngay khi đội xây dựng của họ tiến hành nổ mìn ở sườn bắc của núi Long Môn, họ không ngờ rằng sau một tiếng nổ, một hố sâu lộ ra bên trong còn có một ngôi mộ cổ.
Ngay khi phát hiện, chủ thầu xây dựng đã báo cáo với ban quản lý di tích văn hóa tỉnh Hà Nam và một đoàn chuyên gia đã được cử về để tiến hành khai quật lăng mộ.
Đi trên mộ đạo, các chuyên gia đã không khỏi giật mình trước những bức tượng thần canh cửa đang lẩn khuất trong bóng tối. Thời cổ đại, trong lăng mộ có đặt một số con thú hung dữ, với mục đích để đe dọa mộ tặc, xua đuổi ma quỷ, ma quái quấy rầy linh hồn.
Khi đoàn khảo cổ bước vào lăng, cảnh tượng trước mắt khiến những chuyên gia lâu năm trong ngành cũng phải xúc động. Họ đã tìm thấy một kho báu vẹn nguyên, ngôi mộ đầy ắp đồ tùy táng này chưa từng bị xâm phạm bởi mộ tặc, đây đồng thời là ngôi mộ nghìn năm tuổi duy nhất tại Lạc Dương chưa bị trộm mộ xâm phạm!
Trải qua 10 ngày khai quật, các nhà khảo cổ đã tìm ra văn bia, giúp xác định danh tính chủ nhân ngôi mộ. Qua văn bia, đây là lăng mộ chung của vợ chồng tướng quân An Bố thời nhà Đường.
An Bố - Chủ nhân ngôi mộ cổ nghìn năm tuổi là ai?
An Bố sinh vào khoảng năm 600, ban đầu là thủ lĩnh của An Quốc (là quốc gia cổ đại của Tây Vực, ngày nay lãnh thổ thuộc Iran). Đến năm 630, ông cùng cha trở về nhà Đường, xung phong đi bảo vệ biên cương, lập được công lớn, được phong là Định viễn tướng quân.
Văn bia giúp chuyên gia xác định chính xác chủ nhân ngôi mộ nghìn năm tuổi (Nguồn: Kknews)
Năm 664 sau Công Nguyên, An Bố qua đời tại tại Trường An. 40 năm sau khi An Bố qua đời, con trai của ông là An Kim Tàng đã chuyển hài cốt của ông từ Trường An đến Lạc Dương để được an nghỉ gần vợ ông.
Chuyên gia khảo cổ đã khai quật được tổng cộng 129 di tích văn hóa từ lăng mộ An Bố. Đồ tùy táng khai quật được rất đa dạng, phản ánh sự giao lưu giữa các nền văn minh châu Á và châu Âu.
Một số đồng tiền vàng được đúc trong thời kỳ Hoàng đế Phocas của Đế chế Đông La Mã được khai quật - minh chứng cho sự giao thương mạnh mẽ giữa phương Đông và phương Tây trong thời nhà Đường.
Đồng tiền vàng Đông La Mã được khai quật từ lăng mộ (Nguồn: Baike.baidu)
Tượng Đường Tam Thái (Nguồn: Sohu)
Đồng thời cũng phải kể đến các bức gốm sứ được trang trí theo kiểu Đường Tam Thái - gốm sứ sử dụng 3 men chính, thịnh hành vào thời nhà Đường (618–907). Số lượng gốm trang trí theo kiểu Đường Tam Thái khai quật được lên tới 50 món, với hoạ tiết vô cùng tinh xảo, màu sắc tươi mới dù đã trải qua hàng nghìn năm nằm dưới lòng đất.
Các chuyên gia di tích văn hóa thẩm định cổ vật khai quật được trong mộ An Bố đề là di tích văn hóa cấp quốc gia và hiện đang được trưng bày ở Bảo tàng Lạc Dương.
Bài viết tổng hợp từ Sohu, Kknews