PGS. TS được giải Nhà khoa học nữ xuất sắc 2022: “Mình dùng thuốc trước, tin tác dụng thì mới thuyết phục người ta”

Phương Thuý - TK: Vũ Nhật | 03-12-2022 - 07:20 AM

(Tổ Quốc) - Đảm nhận vị trí Trưởng phòng Hóa dược, Viện Hóa học các hợp chất thiên nhiên của Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, PGS. TS. Lê Minh Hà vẫn luôn xác định: “Làm khoa học là làm cả đời”. Chính vì thế, dù vẫn biết hành trình nghiên cứu luôn vất vả, cần nhiều hy sinh, PGS. Hà cũng chưa từng nghĩ đến việc “bẻ lái” sang hướng khác.

Từ một sinh viên đam mê môn Hóa, từng bước tích lũy kiến thức, nâng cao chuyên môn để trở thành Trưởng phòng Hóa dược của Viện Hàn lâm, đó là một hành trình kéo dài hàng chục năm và không hề đơn giản. Hành trình này còn khó khăn hơn nữa khi PGS. Hà lựa chọn theo đuổi các nghiên cứu về thảo dược.

Chính nhờ vậy, PGS. Hà đã dùng khoa học ứng dụng để chiết xuất các hoạt chất tự nhiên trị bệnh hiệu quả, nghiên cứu thành công nhiều sản phẩm thực phẩm chức năng từ dược liệu và chuyển giao công nghệ cho các doanh nghiệp thương mại hóa sản phẩm ra thị trường. Những công trình đó đã góp phần giúp ích cho hàng ngàn bệnh nhân.

Với đề án nghiên cứu về bài thuốc của người Dao đỏ trong hỗ trợ đau nhức xương khớp, PGS. TS. Lê Minh Hà được trao giải thưởng Nhà khoa học nữ xuất sắc 2022 do L’Oréal - UNESCO vinh danh.

PGS. TS. được giải Nhà khoa học nữ xuất sắc 2022: “Mình phải là người dùng thuốc trước, tin vào tác dụng thì mới thuyết phục được người ta” - Ảnh 1.

- Cơ duyên nào đã thúc đẩy chị đến với con đường nghiên cứu?

Bản thân tôi đến với việc nghiên cứu chỉ có một nguyên nhân chủ yếu. Đó là do niềm yêu thích môn Hóa ngay từ thuở nhỏ luôn thôi thúc trong lòng. Từ ngày học phổ thông, cho tới khi chuẩn bị bước vào đại học, đam mê ấy vẫn kéo dài. Do đó, tôi quyết tâm thi vào Khoa Hóa của Đại học Khoa học Tự nhiên.

Từ một sinh viên, tôi đã nỗ lực hết mình để tốt nghiệp đại học với tấm bằng Giỏi, được chuyển thẳng lên Nghiên cứu sinh, sau đó lại có cơ hội thực tập sau Tiến sĩ tại các nước Italia, Pháp, Hàn Quốc, Anh, Thái Lan...

Sau này, khi đã tốt nghiệp, tôi về làm việc tại Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam. Trong quá trình không ngừng thực hiện nghiên cứu, nhận được kết quả và tính khả quan của những ý tưởng vốn chỉ nằm trong đầu, bản thân tôi càng thêm say mê và khao khát sáng tạo hơn nữa. Đó chính là những động lực để tôi tiếp tục con đường nghiên cứu của mình.

- Trong rất nhiều sự lựa chọn, tại sao chị lại nghiên cứu bài thuốc lá tắm của người Dao đỏ?

Trong một lần đi du lịch Sa Pa, tôi đã thấy một bài thuốc lá tắm cổ truyền được bày bán ở khắp mọi nơi. Sau khi tìm hiểu, tôi mới biết đây là một bài tắm rất nổi tiếng của người Dao đỏ ở tỉnh Lào Cai, được cho là hỗ trợ trị đau nhức xương khớp.

Tuy nhiên việc sử dụng bài lá tắm rất cầu kỳ và mất nhiều thời gian. Mỗi lần sử dụng, mọi người đều mất công đun dược liệu thành nước tắm, sau đó phải ngâm mình từ 35 đến 40 phút thì mới có thể phát huy tác dụng.

Bên cạnh đó, các thành phần và công thức của bài lá tắm còn chưa được xác định rõ ràng. Đồng thời, bài thuốc này cũng chưa có bất cứ bằng chứng khoa học nào chứng minh về tác dụng, độ an toàn và tính hiệu quả khi mà sử dụng cho rất nhiều người khác nhau.

Với chuyên môn nghiên cứu về cây dược liệu cũng như các bài thuốc cổ truyền của mình, điều này đã thôi thúc tôi cần phải có đi sâu vào nghiên cứu. Có như vậy, bài thuốc lá tắm này mới có thể được hiện đại hóa, đa dạng hóa thành các sản phẩm thuận tiện, dễ sử dụng hơn, mà vẫn đảm bảo hiệu quả cho tất cả mọi người.

Quá trình này cũng giúp người Dao đỏ có ý thức bảo tồn và gìn giữ những bài thuốc cổ truyền như vậy hơn. Việc thương mại hóa sản phẩm còn góp phần tạo thêm công ăn việc làm và giúp thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương.

PGS. TS. được giải Nhà khoa học nữ xuất sắc 2022: “Mình phải là người dùng thuốc trước, tin vào tác dụng thì mới thuyết phục được người ta” - Ảnh 2.

- Khó khăn lớn nhất trong quá trình này là gì?

Mỗi khi bắt tay vào nghiên cứu các bài thuốc cổ truyền, công trình khó khăn nhất chính là gọi tên và định hình tất cả các loại dược liệu được cấu thành bên trong. Nhiều khi người dân địa phương vào rừng, thu thập được loại nào thì hay loại ấy nên cùng một bài thuốc, chưa chắc thành phần đã đồng nhất 100%. Trong quá trình khảo sát sơ bộ, chúng tôi nhận ra có rất nhiều vị dược liệu cấu thành nên bài là tấm này. Con số có thể lên đến 35 đến 40 loại dược liệu khác nhau.

Tuy nhiên, có rất nhiều tên gọi dược liệu chỉ là cách gọi dân dã của địa phương, của dân tộc. Do đó, chúng tôi vẫn cần thêm nhiều thời gian để tiếp tục thu thập mẫu và xác định thực vật học, tên khoa học rồi mới tổng hợp được hồ sơ khoa học chuẩn xác của các loại dược liệu này.

Quá trình nghiên cứu sâu hơn sẽ chỉ ra được đâu là những loại dược liệu đem tới hiệu quả tốt nhất. Sau đó, chúng tôi sẽ phát triển nhân giống, trồng cùng với bà con để tạo ra nguồn nguyên liệu ổn định cho việc sản xuất sản phẩm sau này.

- Khi nhận được học bổng nghiên cứu trị giá 150 triệu đồng từ Giải thưởng L’Oréal - UNESCO, chị có kế hoạch sẽ sử dụng như thế nào?

Khoản tiền 150 triệu đồng sẽ chủ yếu sử dụng cho việc đi lại, tiếp tục tìm kiếm các mẫu dược liệu ở huyện Sa Pa, tỉnh Lào Cai. Quá trình thu thập và khảo sát sử liệu sẽ là nền tảng đầu tiên cho công trình nghiên cứu của tôi. Từ đó, để đi đến thành phẩm cuối cùng yêu cầu cả một chặng đường dài, đòi hỏi cần có sự hỗ trợ kinh phí rất lớn. Học bổng nghiên cứu này chính là bước khởi đầu cần thiết, giúp tôi có thể tiếp tục phát huy đề án của mình.

PGS. TS. được giải Nhà khoa học nữ xuất sắc 2022: “Mình phải là người dùng thuốc trước, tin vào tác dụng thì mới thuyết phục được người ta” - Ảnh 3.

- Trên hành trình theo đuổi đam mê hàng chục năm ròng, chị đã vượt qua những thách thức và khó khăn nào?

Khó khăn trong nghiên cứu thật ra rất nhiều, điều đầu tiên là phải có ý tưởng. Ý tưởng đó phải đảm bảo tính mới mẻ, sáng tạo nhưng cũng phải có tính ứng dụng vào thực tiễn. Việc này hoàn toàn không dễ dàng vì hiện nay, đã có rất nhiều các đề tài nghiên cứu, rất nhiều các khía cạnh khác nhau được khai thác. Muốn tìm ra một hướng đi mới lạ, đủ tâm huyết để mình theo đuổi đến cùng là một trong những điều khó khăn nhất.

Thứ hai, đó là vấn đề sức khỏe. Đôi khi thể chất của một người phụ nữ không đáp ứng được những yêu cầu về công việc. Chẳng hạn như, trong những chuyến đi khảo sát, chúng tôi thường phải đi liên tục 300-400 cây số bằng ô tô trong vài tuần, đến rất nhiều nơi khác nhau để có thể khảo sát dược liệu từng vùng. Nhiều khi phụ nữ không thể đủ sức để đi hết hành trình này.

Hay như khi đi chuyển giao công nghệ cho các doanh nghiệp, có những mẻ sản xuất sẽ phải làm cả đêm mới hoàn thành một quy trình công nghệ cho một chiết xuất nào đó về dược liệu. Tất cả những công đoạn này đều yêu cầu nền tảng thể lực rất tốt mà không phải phụ nữ nào cũng có được.

Đặc biệt, vấn đề về thời gian cũng là một trở ngại trong quá trình công tác. Bên cạnh công việc nghiên cứu trong phòng thí nghiệm vào giờ hành chính, khi về nhà, tôi cũng phải thực hiện nhiều công việc khác của gia đình, chẳng hạn như chăm sóc con cái, quản lý bếp núc, nội trợ... Cho nên, lúc nào tôi cũng cảm thấy "rất rất" thiếu thời gian.

Dần dần, tôi cũng tìm ra cách để có thể giải quyết vấn đề này. Trong cả công việc lẫn đời sống cá nhân, tôi luôn cố gắng bố trí mọi việc một cách khoa học hợp lý, vạch ra những kế hoạch cực kỳ cụ thể và chi tiết. Điều này giúp tôi vẫn đạt được thứ mà mình muốn, trong khi cân bằng cả công việc và gia đình. Đương nhiên vẫn không thể bỏ qua sự đồng lòng ủng hộ và hỗ trợ đến từ những người thân yêu..

PGS. TS. được giải Nhà khoa học nữ xuất sắc 2022: “Mình phải là người dùng thuốc trước, tin vào tác dụng thì mới thuyết phục được người ta” - Ảnh 4.

- Làm nghiên cứu khó như vậy, khi chứng kiến nhiều người "bẻ lái" sang hướng đi khác vì " cơm áo gạo tiền", chị nghĩ sao?

Bản thân tôi xác định, mình sẽ làm khoa học cả đời. Nhưng không vì thế mà tất cả mọi người đều phải có suy nghĩ giống hệt tôi. Nếu có người thực sự phải tạm biệt đam mê nghiên cứu khoa học, chuyển hướng sang một công việc khác, đó cũng là câu chuyện bình thường thôi.

Thật sự con đường khoa học rất gian nan và đòi hỏi sự kiên trì, bền bỉ vô cùng. Mỗi một nhà khoa học để làm ra thành tựu đều cần có một tinh thần thép, không bao giờ bỏ cuộc và nản chí. Có như vậy, họ mới đối mặt được vô vàn thất bại, lặp đi lặp lại trong quá trình thí nghiệm.

Chẳng hạn như bản thân tôi, để đi đến ngày hôm nay, số lượng thất bại đã trải qua là vô số kể. Thậm chí, có đôi lúc còn tự lấy bản thân ra để làm thí nghiệm. Khi nghiên cứu công nghệ chiết suất KGA1 từ củ địa liên, tôi thường xuyên thử chính sản phẩm ấy lên cơ thể mình.

Chỉ khi mình thử và mình đánh giá được thì mình mới tin. Khi mình có niềm tin thì mới có thể thuyết phục và nhận được niềm tin từ người khác. Bản thân mình phải sử dụng thì mới có thể "vỗ ngực" bảo người khác sử dụng.

PGS. TS. được giải Nhà khoa học nữ xuất sắc 2022: “Mình phải là người dùng thuốc trước, tin vào tác dụng thì mới thuyết phục được người ta” - Ảnh 5.

- Từ kinh nghiệm bản thân, chị có lời khuyên nào cho người trẻ để có thể không ngừng kiên trì, giữ lửa đam mê?

Bí quyết để có thể gắn bó với nghiên cứu cả đời của tôi chính là niềm tin. Phải có lòng tin sẽ đưa những ý tưởng nghiên cứu trở thành hiện thực, ứng dụng vào thực tiễn thì mới có thể kiên trì với nghề. Bên cạnh đó, cũng không thể bỏ qua những yếu tố như là lòng nhiệt huyết, sáng tạo đồng thời phải vô cùng chăm chỉ.

Các bạn trẻ trước khi bước chân vào nghề đều cần biết rằng, làm khoa học luôn đòi hỏi vất vả và hy sinh. Đó là những điều mà chúng ta phải hết sức cân nhắc rồi mới đưa ra lựa chọn. Nhưng đổi lại, khi đã lựa chọn làm nghiên cứu, bạn sẽ được sống với chính mình và thỏa đam mê, dùng chính bàn tay và trí tuệ của mình để cống hiến nâng cao đời sống kinh tế - xã hội của tất cả mọi người.

- Cảm ơn những chia sẻ của chị!

CÙNG CHUYÊN MỤC
XEM