Khi bóng còn chưa lăn ở Dragao, NHM và cả giới chuyên môn đã có những bất bình với cách HLV Pep Guardiola lựa chọn đội hình ra sân cho Man City. Mọi người đều biết việc dự đoán những toan tính của một bộ não thiên tài như Pep là điều không thể, nhưng thử nghiệm để chơi "tất tay" trong một trận chung kết mang tích lịch sử CLB thì chỉ có ông mới dám làm.
Toan tính tổng lực bất thành của Man City
Trên giấy tờ, Man City chỉ có một sự thay đổi thực sự, khi Raheem Sterling đá chính từ đầu, trong khi tiền vệ phòng ngự Fernandinho hoặc Rodri không được trọng dụng. Chỉ với duy nhất một "cú đấm" đó, Guardiola đã tự tay phá vỡ toàn bộ cấu trúc từng làm nên công thức "bách chiến bách thắng" mùa này của nửa xanh thành Manchester.
Ở trận chung kết Champions League đầu tiên của mình sau 10 năm, Pep ra sân mà không có một tiền vệ phòng ngự thuần túy nào. Thay vào đó, Ilkay Gundogan, tay săn bàn hàng đầu của Man City mùa này, bị xếp đá thấp nhất trong hàng tiền vệ.
"[Ilkay] Gundogan đã từng chơi ở đó trước đây", Guardiola nhún vai trong buổi họp báo, về quyết định lựa chọn của mình ở vị trí tiền vệ phòng ngự. Không ai phủ nhận Gundogan là một cầu thủ giỏi, nhưng lần gần đây nhất anh đá ở vị trí này, tuyển Đức bị Tây Ban Nha hủy diệt với tỷ số 0-6.
Hãy xét đến những điểm hạn chế trong cách tiếp cận trận đấu này của HLV Pep Guardiola. Nó mang đến sự uyển chuyển, mềm mại, một kiểu nhịp điệu có thể giải phóng toàn bộ tinh hoa của các tiền vệ sáng tạo bên phía Man City. Tuy nhiên, điều đó cũng đồng nghĩa các cầu thủ phải thi đấu rất nhuần nhuyễn, đặc biệt là bộ ba giữa sân phải có khả năng đọc trận đấu cực tốt.
Trong năm phút đầu tiên, viễn cảnh về một chiến thắng tổng lực tàn khốc ở giữa sân của Man City đã phát huy phần nào hiệu quả. Tuy nhiên, khi Chelsea đã bắt nhịp, "The Cityzens" bắt đầu tan vỡ. Thiếu một chốt chặn trước hàng hậu vệ, những khoảng trống và kênh chuyền bóng ở tuyến sau Man City cứ thế mở ra. Nếu chỉn chu và sắc bén hơn, Timo Werner đã có thể ấn định chiến thắng ngay từ 20 phút đầu tiên của trận đấu.
Khi Man City chơi dao và đứt tay
Nếu Fernandinho có mặt ở trên sân, liệu Kai Havertz có thể thoải mái chạy thẳng vào khoảng trống mênh mông sau lưng hàng phòng ngự dâng rất cao của Man City? Và nếu có một tiền vệ phòng ngự đích thực, đường chuyền của Mason Mount có lẽ cũng chẳng thể dễ dàng mà xuyên thẳng qua các tuyến như vậy. Chelsea đã nhắm đúng khoảng trống mà Man City và Pep Guardiola tự tạo ra, và chỉ một lần thành công là quá đủ để đem về chiếc cúp.
Có một thông số đáng chú ý khi đây mới chỉ là lần thứ hai ở Premier League, FA Cup hoặc Champions League mùa này mà cả Fernandinho và Rodri đều không được góp mặt trong đội hình ra sân. Có quá ít thời gian thực nghiệm để các cầu thủ Man City có thể nhuần nhuyễn với cấu trúc chiến thuật hoàn toàn mới này.
Phải đến hơn một giờ thi đấu, Fernandinho mới xuất hiện trên sân, sải bước lấp vào những lỗ hổng ở trung tâm và lập lại trật tự khi Man City bắt đầu muộn màng công cuộc tìm kiếm bàn thắng. Hiệu quả thấy rõ, Man City luôn chơi quá nửa sân, nhưng khi mất bóng, tiền vệ người Brazil với khả năng phòng ngự của mình luôn là chốt chặn đầu tiên. Chelsea vì thế chỉ có duy nhất một cơ hội rõ rệt thật sự trong suốt 45 phút hiệp hai.
Tuy nhiên, phòng thủ là không đủ bởi Man City phải trả giá cho canh bạc mà họ đã chơi "tất tay" từ đầu trận. Đến lúc này, Raheem Sterling, người khiến Pep Guardiola phải phá vỡ mọi thứ, "đáp lễ" ông thầy người Tây Ban Nha bằng màn trình diễn không thể tệ hơn.
Tiền đạo người Anh được kỳ vọng sẽ tạo nên áp lực cho hàng thủ 3 người của Chelsea bằng ưu thế tốc độ, nhưng anh lại bị Reece James cho "tắt điện" hoàn toàn ở biên phải. Những pha đột phá quen thuộc của Sterling thường kết thúc bằng một tình huống Reece James tì đè và húc văng khỏi trái bóng.
Canh bạc của Pep Guardiola vì thế phá sản một cách triệt để. Cách ông tung vào sân Fernandinho và rút Sterling ra chính là lời thừa nhận rõ ràng nhất.
Căn bệnh nan y của Pep Guardiola
Nỗi lo của các CĐV Man City đã thành sự thật. Bộ não thiên tài của Pep Guardiola lần này lại tiếp tục làm hại ông, với lý tưởng "không sẵn sàng thỏa hiệp với thời cuộc". Công thức chiến thắng của Man City mùa này dường như không đủ để khiến Guardiola hài lòng và căn bệnh suy nghĩ "quá đà" lại khiến ông thay đổi nó một cách triệt để.
Ở Champions League năm ngoái, Man City với khí thế hừng hực sau khi hạ gục Real Madrid, tiến vào gặp Lyon ở tứ kết. Nhưng rồi thảm họa xảy ra khi Guardiola quá cầu toàn trong quyết định lựa chọn nhân sự khi cất cả David Silva, Riyad Mahrez và Bernando Silva trên ghế dự bị. Man City trận đó chơi như gà mắc tóc và thất bại với tỷ số 1-3 trước Lyon đang ngụp lặn ở Ligue 1.
Guardiola là thế. Ông sẽ thay đổi mọi thứ khi chỉ cần nhìn ra một điểm yếu nhỏ nhất, ưa thích những phát kiến và tạo ra sự bất ngờ cho đối thủ. Đó là cách tiếp cận rất hiệu quả cho một cuộc đua dài hơi như các giải đấu quốc nội, bởi ở đó chiến lược gia người Tây Ban Nha có thừa thời gian để sửa chữa và vá những lỗ hổng.
Nhưng ở thể thức đấu cúp, sẽ chẳng có cơ hội nào để làm lại, nhất là ở một trận chung kết. Giấc mơ của Man City vì thế đành phải dang dở thêm nữa, cùng với những cơn "đau đầu" trầm kha của Pep Guardiola về cách để chiến thắng Champions League mà không có thiên tài Lionel Messi trên sân.