Ngày 9/12 vừa qua, triển lãm nhóm mang tên Những Trường Thị Giác | Chương I: Sinh Cảnh trưng bày 35 tác phẩm của 3 nghệ sĩ Phan Thị Thanh Nhã, Phạm Xeen và Hà My đã chính thức khai mạc tại Ana Mandara Đà Lạt. Triển lãm, kéo dài từ 9/12/2023 đến hết ngày 21/2/2024 để những người yêu nghệ thuật có thể đến thưởng lãm.
Ở vai trò của ban tổ chức, hoa hậu Ngọc Hân rất vui bởi sự kiện nhận được sự quan tâm lớn của nhiều người trong giới mỹ thuật và cả những khán giả trẻ yêu hội họa.
"Có những loài thực vật quen thuộc mỗi ngày với tôi nhưng qua ngòi bút của các nghệ sĩ trẻ, chúng trở nên thật thơ mộng và mang tính nghệ thuật cao. Tôi như được mở mang thêm nhiều kiến thức bổ ích về thực vật nhờ các nghệ sĩ trẻ thông qua dự án lần này", Ngọc Hân cho biết.
Nhờ những phản hồi tích cực của quan khách tại triển lãm, ngọc hân và các cộng sự ấp ủ về kế hoạch sẽ tổ chức Art Trail (trại sáng tác) mang tầm vóc quốc tế vào năm sau tại Đà Lạt với sự tham gia của các họa sĩ thực vật học của khu vực và thế giới. Hoạt động nhằm góp phần quảng bá về vẻ đẹp thiên nhiên của thành phố cao nguyên, qua đó thúc đẩy du lịch cho Đà Lạt nói riêng và Việt Nam nói chung.
Trong số những khách mời tại sự kiện khai mạc hôm 9/12, ông xã Phú Đạt – chồng hoa hậu Ngọc Hân cũng đến ủng hộ vợ. Gần hai năm theo làm việc ở lĩnh vực tổ chức các triển lãm mỹ thuật tại Đà Lạt, đây là lần đầu tiên ông xã đồng hành ủng hộ nàng hậu.
"Bình thường chồng tôi rất bận rộn với công việc nên chỉ được nghe vợ kể về những dự án đang thực hiện. Dịp cuối tuần này anh bớt bận hơn, lại trùng với kỷ niệm 1 năm ngày cưới nên đã thu xếp để vào Đà Lạt cùng tôi. Anh cũng là người có đam mê lớn với hội họa và khi trực tiếp đi thưởng lãm tranh về thảm thực vật Đà Lạt do vợ tổ chức, anh rất thích thú", Ngọc Hân chia sẻ.
Ngoài thời gian tất bật lo điều hành, tổ chức sự kiện, người đẹp cũng tranh thủ cùng ông xã thưởng thức thêm nhiều món ăn ngon của thành phố ngàn hoa.
Với triển lãm Những Trường Thị Giác | Chương I: Sinh Cảnh – đây sẽ là chương đầu tiên trong chuỗi triển lãm Những Trường Thị Giác được khởi xướng bởi. Trường thị giác là toàn bộ khu vực có thể nhìn thấy khi mắt tập trung vào một điểm cố định duy nhất.
Mỗi cá nhân sở hữu một trường thị giác và một quang phổ riêng, những gì từng người nhìn thấy là đặc trưng, và độc bản, kể cả khi họ đang quan sát cùng một vật thể. Chính đặc điểm này tạo nên sự đa dạng trong những tạo tác của mỗi nghệ sĩ.
Phạm Xeen là một họa sĩ tốt nghiệp chuyên ngành Lụa tại Đại học Mỹ thuật TP.HCM nhưng lại dũng cảm bắt đầu lại với chất liệu sơn dầu. Trong các tác phẩm của anh tại triển lãm, mọi thứ như được lọc qua một lớp sương mù, toàn bộ khung cảnh hiện ra từ từ, như trước khi ống kính máy ảnh được điều chỉnh về tiêu cự chuẩn, cảm giác về sự nhòe lúc này hiện diện rõ hơn bao giờ hết.
Hà My là một trong số ít những họa sĩ trẻ theo đuổi thể loại Trung Quốc họa, không ngần ngại tìm tòi những bút pháp của Đông Phương để sau này có thể gây dựng nên những tác phẩm điêu luyện nhưng vẫn truyền tải những câu chuyện cá nhân mang tính địa phương.
Qua những bức tranh trong triển lãm lần này của Hà My, người xem có thể cảm nhận được vẻ đẹp khi màn sương tan dần, các sinh vật trở mình và hiện lên rõ nét. Dàn cây rạng đông lấp lánh dưới ánh nắng sớm, bông súng bẽn lẽn san sát bên mặt hồ, khóm chuỗi ngọc óng ánh như tên gọi của chúng...
Nghệ sĩ trẻ thứ ba của triển lãm là Phan Thị Thanh Nhã, một nhà thực vật học kiêm họa sĩ. Cô là một trong số ít những người trong khu vực châu Á theo đuổi cả hai lĩnh vực về khoa học và nghệ thuật của thực vật. Qua lăng kính của Thanh Nhã, người xem như đi vào những lớp bóc, tách và từng giai đoạn phát triển của mỗi loài cây. Nữ họa sĩ có một sự tỉ mẩn tới nghiêm khắc, khó có một loài cây nào lướt qua lại không lọt vào tầm quan sát của cô.