1. Xem nhẹ các tính năng ẩn của sản phẩm
Đối với một sản phẩm, chúng ta cần nói ít hơn về việc nó phải bao gồm những chức năng gì, mà nên nghĩ nhiều về việc tôi muốn cung cấp một dịch vụ gì, sản phẩm đó có các tính năng gì để phục vụ cho dịch vụ đó?
Hãy để tôi lấy máy ATM làm ví dụ.
Câu hỏi đầu tiên: máy ATM cung cấp những dịch vụ gì?
Đáp: dịch vụ cốt lõi của nó là rút tiền mặt.
Câu hỏi thứ hai: thiết kế của một máy ATM có những đặc tính gì?
Đáp: về vấn đề này, nhiều giám đốc sản phẩm sau khi quan sát và suy nghĩ cẩn thận sẽ trả lời với thái độ chuyên nghiệp rằng, giao diện mặt trước của máy ATM là hình ảnh công ty hoặc lời nhắc hoạt động, từ thao tác đầu tiên đến khi lấy được tiền giấy, cần vài phút để hoàn thành. Những lời nhắc trong từng bước thao tác, lời nhắc âm thanh hay lời nhắc phụ đề, lấy thẻ trước hoặc tiền mặt trước, v.v.
Trên thực tế, những đặc điểm này được gọi là đặc điểm trội. Nhưng, liệu dịch vụ của máy ATM chỉ có thế? Câu trả lời là không, máy ATM còn có mục đích quan trọng nữa, và những thứ đó nằm trong tính năng ẩn.
Ví dụ, một máy ATM cần bỏ 200.000 đồng tiền mặt vào trong đó, nếu một ngân hàng cung cấp 100 máy ATM thì ngân hàng đó sẽ phải đưa ra bên ngoài 20 triệu đồng tiền mặt. Vì vậy, có vẻ như máy ATM đã làm giảm áp lực hoạt động của ngân hàng và nâng cao khả năng tiếp xúc thương hiệu.
Do đó, làm thế nào để thống kê và đồng bộ hóa dữ liệu, hỗ trợ việc ra quyết sách, để máy ATM phát huy giá trị chiến lược, đồng thời ngăn chặn việc để quá nhiều đồng tiền nhàn rỗi cũng là một dịch vụ quan trọng mà một máy ATM cung cấp.
Và vấn đề chiến lược quan trọng hơn là Tại sao ngân hàng phải cung cấp dịch vụ ATM?
Đầu tiên là chuyển hướng áp lực rút tiền mặt từ các điểm kinh doanh. Thứ hai là để có thêm cơ hội tiếp xúc với thương hiệu. Vì vậy, với cương vị là nhà cung cấp dịch vụ, bạn không những phải phục vụ tốt khách hàng của ngân hàng, mà còn phải hỗ trợ tốt ngân hàng. Đó chính là ý nghĩa của hoạt động thống kê dữ liệu. Nó không chỉ đơn giản là để cho những người quản lý và vận hành biết rằng có máy nào hết tiền hay không, điều quan trọng ở đây là nếu bạn không nạp thêm tiền vào đó, khách hàng sẽ phàn nàn. Cũng cần hiểu rõ nên thiết lập điểm cung cấp dịch vụ ở đâu là hợp lý, có đáp ứng yêu cầu chiến lược hay không, có tăng thêm dịch vụ không?
Do đó, việc xem trọng những tính năng trội thái quá là một tư duy sơ cấp. Nhìn thì tưởng nó chính là mấu chốt giúp sản phẩm các bạn hoàn thiện hơn, nhưng thực chất bạn chỉ đang tạo ra một sản phẩm rỗng ruột mà thôi.
2. Đoán nhu cầu của người dùng
Nhu cầu của người dùng là linh hồn của sản phẩm, nghe thì có vẻ rất đơn giản, nhưng thường thì việc đơn giản nhất sẽ luôn là việc khó làm nhất.
Một trong những sai lầm dễ mắc phải nhất trong quá trình phát triển sản phẩm đó là các nhà phát triển thường rất nâng niu và chăm chút cho sản phẩm mà họ đã tạo ra, cho rằng đó là đứa con tinh thần của mình. Và nhiều người trong chúng ta luôn cảm thấy rằng mình là trung tâm, nên khi thiết kế sản phẩm thì họ đa phần sẽ luôn dựa trên nhận thức và cảm nhận của riêng mình, nhưng điều quan trọng ở đây không phải là phục vụ khách hàng hay sao? Dịch vụ của bạn đúng ra nên tập trung vào nhu cầu và sự hài lòng của khách hàng, lấy đó để xác định mọi thứ nên được thực hiện như thế nào. Giám đốc sản phẩm nên buông bỏ cái tôi và nghiên cứu nhiều hơn về đối tượng khách hàng của mình chứ không phải là chỉ phán đoán qua loa.
3. Không quan tâm đủ nhiều đến các khả năng cốt lõi của sản phẩm
Bất kỳ sản phẩm nào cũng có các khả năng cốt lõi và mục đích của nó là giúp người dùng giải quyết một số nhu cầu của họ, chẳng hạn như tiết kiệm thời gian, giải quyết vấn đề và nâng cao hiệu quả.
Nhiều giám đốc sản phẩm không quan tâm đủ nhiều đến những khả năng cốt lõi này, tức là họ có quan tâm, nhưng quan tâm không đến nơi đến chốn. Khả năng cốt lõi không chỉ là chức năng, mà còn là hiệu suất mà sản phẩm mang lại.
Ví dụ, khi chúng tôi thực hiện tối ưu hóa tốc độ trang web và tốc độ thật sự đã được cải thiện rất nhiều ngay sau đó. Vì thế, tôi thực sự có chút hối tiếc, nó vốn có thể chạy tốt như thế, vậy sao trước đây chúng tôi đã không làm thế sớm hơn? Thật lãng phí thời gian và tài nguyên để người dùng phải chịu đựng sự trì trệ đó lâu như vậy. Nếu bạn không quan tâm thì sẽ không ai quan tâm nữa. Vì vậy chúng ta phải nỗ lực và bỏ nhiều tâm huyết hơn vào phương diện này.
4. Xem cạnh tranh nội bộ là sự lãng phí tài nguyên
Trong quá trình phát triển sản phẩm, tôi cũng từng gặp phải một tình huống không biết phải xử trí như thế nào, đó là nếu sản phẩm mình làm ra bị thất bại thì sao? Kinh nghiệm của tôi là trong quá trình sáng tạo phải chấp nhận bản thân sẽ bị tổn thất ở một mức độ nhất định. Có nghĩa là, trong điều kiện nguồn lực cho phép, có thể chấp nhận được việc có hai nhóm phát triển một sản phẩm cùng một lúc, chỉ cần bạn cho rằng đó là sản phẩm quan trọng là được.
Có thể bạn sẽ cho rằng đây là một sự lãng phí tài nguyên? Nhưng tôi không nghĩ vậy, không có cạnh tranh đồng nghĩa sự sáng tạo cũng sẽ chết đi. Ngay cả khi một vài đội thất bại, thì nó vẫn sẽ là nguồn cảm hứng cho những người chiến thắng, có thể hiểu đơn giản đó là sự thử nghiệm các phương pháp khác nhau trong nội bộ. Không phải tất cả sự dư thừa nào cũng là lãng phí, sẽ không có thành công nếu không có thất bại, và thực tế nếu chúng ta không thử nhiều khả năng khác nhau thì đồng nghĩa chúng ta cũng chọn bỏ lỡ nhiều cơ hội khác nhau.
5. Coi việc ra mắt sản phẩm là một thành công
Chúng ta thường thấy những hiện tượng sau: một số người vừa bắt đầu kinh doanh thì đã lập tức mở một cửa hàng thật hoành tráng, một số thì quen theo đuổi sự hoàn hảo, họ luôn chỉnh sửa sản phẩm rất nhiều lần trước khi ra mắt, một số còn lại rất có ý thức về tầm quan trọng của sự đổi mới, nhưng lại luôn lo lắng về sự thất bại hoặc sợ lãng phí vốn.
Nhưng sự thật tàn nhẫn là thị trường chưa bao giờ là một người kiên nhẫn. Trong cạnh tranh thị trường, một sản phẩm tốt thường bắt đầu từ sự không hoàn hảo. Đồng thời, đừng nghĩ rằng một khi đã chen chân được vào thị trường rồi thì bạn có thể yên tâm. Đối thủ của bạn sẽ nhanh chóng thức giấc và bắt kịp bạn, họ thậm chí sẽ làm tốt hơn bạn và mọi thứ mà bạn bảo mật có thể sẽ bị họ xâm phạm bất cứ lúc nào.
Lời khuyên của tôi là "chạy bước nhỏ và đổi mới một cách nhanh chóng". Có thể mọi bản cập nhật sản phẩm đều không hoàn hảo, nhưng nếu bạn kiên trì tìm kiếm và sửa chữa một hoặc hai vấn đề nhỏ mỗi ngày, về cơ bản bạn sẽ có thể hoàn thiện tác phẩm trong vòng chưa đầy một năm. Do đó, đầu tiên bạn phải chấp nhận sự không hoàn hảo để thực hiện bước đột phá đầu tiên, sau đó là không ngừng tăng tốc hướng đến sự hoàn hảo.