Olympic Tokyo bị hoãn: Thành trì cuối cùng của thể thao thế giới "sụp đổ" trước Covid-19 và lần hiếm hoi người Nhật bị chỉ trích

HIẾU LƯƠNG | 26-03-2020 - 09:35 AM

(Tổ Quốc) - Olympic là nơi quy tụ những nhà vô địch của thế giới, là sự kiện thể thao lớn nhất toàn cầu, đem lại sự tự hào cho nơi được trao cờ đăng cai. Thế nhưng, trước dịch bệnh, tất cả chỉ còn quan tâm đến sự an toàn hơn hết thảy.

Thể thao thế giới "đóng băng" vì dịch bệnh

Ngày 31/1, Liên đoàn bóng đá Trung Quốc (CFA) phát đi thông báo hoãn vô thời hạn các giải đấu chuyên nghiệp trên toàn quốc. Giải bóng đá VĐQG Trung Quốc được coi là giải đấu lớn đầu tiên phải tạm dừng vì sự hoành hành của Covid-19. Kể từ ngày hôm ấy, hàng loạt giải thể thao ở Trung Quốc phát đi thông báo tạm dừng trước khi lan rộng ra khắp thế giới.

Roland Garros, 1 trong 4 giải Grand Slam danh giá của tennis thế giới, dời lịch từ 24/5 sang 20/9. Chặng đua tại Melbourne (Australia), mở màn Giải đua xe danh tiếng F1 mùa giải 2020, hoãn vô thời hạn dù chỉ còn 2 ngày nữa là đến ngày bánh lăn. Chặng đua tại Bahrain, Trung Quốc, Việt Nam cùng chung số phận.

Olympic Tokyo bị hoãn: Thành trì cuối cùng của thể thao thế giới sụp đổ trước Covid-19 và lần hiếm hoi người Nhật bị chỉ trích - Ảnh 1.

Covid-19 tác động trực diện đến thể thao thế giới. Hàng ngàn giải đấu lớn nhỏ đều phải tạm dừng. Ảnh: Reuters.

Ngày 17/3, Liên đoàn bóng đá châu Âu (UEFA) tuyên bố Giải bóng đá cấp ĐTQG của lục địa già, sẽ chuyển từ tên EURO 2020 sang EURO 2021. Copa America, Giải bóng đá cấp quốc gia của Nam Mỹ, cũng đi theo tiếng gọi từ phía bên kia Đại Tây Dương.

Trước đó, những giải đấu cấp CLB lớn nhất trên thế giới ở châu Âu đồng loạt đóng cửa, từ thi đấu không khán giả chuyển sang hoãn có thời hạn và cuối cùng là vô thời hạn. Không phải Trung Quốc, châu Âu giờ mới là bị dịch Covid-19 hoành hành dữ dội nhất. Trong bối cảnh ấy, việc hoãn Olympic Tokyo được xem chỉ còn là vấn đề thời gian.

Sáng 24/3, Uỷ ban Olympic quốc tế (IOC) và chủ nhà Nhật Bản phát đi những thông tin về quyết định hoãn vô thời hạn. Tối cùng ngày, Thủ tướng Abe Shinzo và Chủ tịch IOC Thomas Bach thống nhất Olympic sẽ khai mạc vào năm 2021.

Từ thời điểm ấy, thành trì cuối cùng của thể thao thế giới "sụp đổ" trước sức ảnh hưởng của dịch bệnh. Chưa hết, chính danh tiếng của xứ sở mặt trời mọc và Olympic cũng bị ảnh hưởng trong câu chuyện này.

Olympic Tokyo bị hoãn: Thành trì cuối cùng của thể thao thế giới sụp đổ trước Covid-19 và lần hiếm hoi người Nhật bị chỉ trích - Ảnh 2.

Olympic Tokyo 2020 cũng không nằm ngoài tầm ảnh hưởng của Covid-19 và chính thức bị hoãn vào tối 24/3. Ảnh: AFP.

Nếu Olympic Tokyo vẫn tổ chức trong năm 2020 là "vô cảm và thiếu trách nhiệm"

Ngày 20/3, Chủ tịch Thomas Bach tuyên bố Olympic vẫn diễn ra bình thường trước hàng loạt câu hỏi của các quốc gia thành viên lẫn báo chí quốc tế. Ông dĩ nhiên chịu nhiều chỉ trích.

Một ngày sau, tờ Washington Post giật tiêu đề: "Olympic phải bị hoãn lại hoặc huỷ bỏ".

Giáo sư Maldonado, chuyên gia hàng đầu về y học dịch tễ của Đại học Stanford, nhận định: "Rất nhiều người trên thế giới quy tụ về Nhật Bản rồi lại bủa ra khắp toàn cầu. Không có con đường lây lan nào hoàn hảo hơn thế".

Thậm chí, một thành viên của IOC còn tuyên bố: "Tổ chức Olympic Tokyo 2020 như dự kiến là vô cảm và thiếu trách nhiệm với thế giới trong thời điểm này".

Những người giữ lửa Olympic ở đỉnh Olympia (Hy Lạp) đã khẩn khoản kêu gọi IOC và Nhật Bản tạm dừng việc lấy lửa. Ngoài yếu tố dịch bệnh toàn cầu, họ cho rằng quá ít người tới chứng kiến (cấm tụ tập đông người vì dịch bệnh) sẽ làm mất đi sự linh thiêng của nghi lễ. Lễ rước đuốc cũng không đi qua nhiều nơi trên thế giới và đến thẳng Nhật Bản sẽ phá huỷ truyền thống và tôn nghiêm.

Olympic Tokyo 2020 đã nhận nhiều chỉ trích từ trước cả khi tiến hành nghi lễ lấy lửa từ đỉnh Olympia (Hy Lạp). 4 tháng rưỡi là được khẳng định không đủ để thế giới dập dịch thành công. Ảnh: AFP - Getty Images.

Không chỉ lãnh đạo chóp bu của IOC chịu chỉ trích, chính Uỷ ban Olympic Nhật Bản, lãnh đạo Chính phủ và cả những người kiên định với kế hoạch tổ chức nhận cũng phải nhận bình luận tương tự khi cho rằng "còn 4 tháng rưỡi nữa sự kiện mới diễn ra".

Chính phủ và Uỷ ban Olympic Nhật Bản bị tố ích kỷ. Nhiều người Nhật Bản vẫn đồng hành cùng lễ rước đuốc vấp phải phản ứng tiêu cực từ chính những người thân và bạn bè đang ra sức kêu gọi hoãn Thế vận hội tại quê nhà. Đó cũng là lần hiếm hoi người dân trên thế giới nói điều không hay về một sự kiện lớn do Nhật Bản tổ chức.

Huỷ một sự kiện lớn như Olympic có thể khiến nước chủ nhà thiệt hại hàng tỷ USD. Nhiều ý kiến trên thế giới tỏ ra thông cảm với sự khó khăn trong đưa ra quyết định của Nhật Bản và IOC. Thế nhưng, thiệt hại có thể còn gia tăng cho toàn cầu gấp bội nếu Olympic vẫn được tổ chức. Quyết định hoãn vì thế nhận được nhiều sự đồng thuận.

Sau cùng, dù rất khó khăn nhưng Olympic đã tạm dừng, một quyết định dũng cảm và đúng đắn ở thời điểm hiện tại.

Olympic Tokyo bị hoãn: Thành trì cuối cùng của thể thao thế giới sụp đổ trước Covid-19 và lần hiếm hoi người Nhật bị chỉ trích - Ảnh 4.

Trước năm 2020, Olympic từng bị huỷ bỏ 3 lần vì Chiến tranh thế giới lần 1 và 2. Ảnh: AFP.

Thế vận hội mùa hè đã bị huỷ hoặc trì hoãn bao nhiêu lần?

Trước Olympic Tokyo 2020, Thế vận hội mùa hè tổ chức tại Berlin (Đức) năm 1916 đã phải huỷ bỏ vì Chiến tranh thế giới thứ nhất bùng nổ (1914).

26 năm sau, Nhật Bản lần đầu tiên được chọn làm nơi tổ chức Olympic. Thế nhưng, năm 1937, Nhật Bản tuyên bố rút lui để tập trung cho cuộc chiến với Trung Quốc. Giải pháp được đưa ra là chuyển địa điểm tổ chức sang thủ đô Helsinki (Phần Lan). Thế nhưng, Chiến tranh thế giới thứ hai bùng nổ năm 1939 khiến Olympic 1940 buộc phải huỷ bỏ.  

Với việc Chiến tranh thế giới thứ hai kéo dài tới năm 1945, Olympic 1944 dự kiến tổ chức ở London (Anh) cũng phải huỷ bỏ. 76 năm sau, sự kiện ở Tokyo là lần đầu tiên một kỳ Olympic phải tạm hoãn hoặc bị huỷ bỏ.

Olympic Tokyo bị hoãn: Thành trì cuối cùng của thể thao thế giới sụp đổ trước Covid-19 và lần hiếm hoi người Nhật bị chỉ trích - Ảnh 6.

CÙNG CHUYÊN MỤC
XEM