Cởi mở là chìa khóa quan trọng khi nuôi con bằng sữa mẹ
Trao đổi, chia sẻ kiến thức và thời gian chăm con sau sinh là điều vô cùng quan trọng, nhất là với những người lần đầu làm mẹ.
Thông qua việc chia sẻ, mẹ có thể học hỏi và trao đổi về các kỹ năng cho con bú, phương pháp cho bé bú đúng cách, số cữ bú trong ngày, lượng sữa mỗi cữ bú của trẻ theo tháng tuổi…
Ngoài ra, mẹ cũng được hiểu hơn về các vấn đề liên quan đến con như trớ sữa, ọc sữa, cặn sữa. Và các vấn đề của mẹ như tắc tia sữa, cương tức tuyến sữa, ít sữa v.v…
Mẹ đang cho con bú cần được chăm sóc cả về thể chất và tinh thần
Bên cạnh đó, trong quá trình nuôi con bằng sữa mẹ, người mẹ cần được chia sẻ, quan tâm và giúp đỡ từ gia đình để được:
- Hỗ trợ chăm sóc em bé và hướng dẫn chăm sóc em bé tránh trầm cảm có thể gây mất sữa sau sinh;
- Chuẩn bị những bữa ăn ngon, đủ dinh dưỡng và giấc ngủ trọn vẹn hơn để kích thích sữa đều và chất lượng;
- Giảm đau sau sinh nhanh chóng hồi phục sức khỏe;
- Được tâm tình những chuyện vui về cuộc sống xung quanh, chia sẻ kinh nghiệm nuôi con tạo cho người mẹ có những hứng thú với việc nuôi con bằng sữa mẹ;
- Chia sẻ cùng chồng buồn vui cuộc sống, được chồng quan tâm chăm sóc giúp mẹ thoải mái, vui vẻ. Điều này có lợi cho sức khỏe và tinh thần của người mẹ khi nuôi con bằng sữa mẹ.
Chế độ dinh dưỡng cho mẹ đang cho con bú
Nuôi con bằng sữa mẹ cần nhiều năng lượng và chất dinh dưỡng. Điều quan trọng là chế độ ăn uống phải cung cấp các chất dinh dưỡng cần thiết trong thời kỳ cho con bú, bao gồm:
Carbohydrate: Từ rau, trái cây và ngũ cốc nguyên có vai trò cung cấp năng lượng hỗ trợ quá trình tăng trưởng và phát triển của bé.
Axit folic giúp bà mẹ đang cho con bú tránh nguy cơ phát triển bệnh thiếu máu. Các nguồn thực phẩm giàu axit folic bao gồm rau lá xanh, măng tây, bơ, cam và các loại hạt.
Axit folic giúp bà mẹ đang cho con bú tránh nguy cơ thiếu máu
Chất béo không bão hòa (chất béo lành mạnh) có vai trò quan trọng trong sự phát triển của não bộ và hệ thần kinh của bé. Chúng có trong các loại thực phẩm như bơ, cá hồi và dầu hạt cải.
Sắt có thể ngăn ngừa và giảm nguy cơ phát triển bệnh thiếu máu. Một số nguồn cung cấp chất sắt tốt cho bà mẹ cho con bú bao gồm thịt nạc, rau lá xanh, hải sản và các loại hạt.
Chất đạm là một chất dinh dưỡng cho các bà mẹ đang cho con bú để hỗ trợ quá trình sản xuất sữa mẹ. Một số nguồn protein có thể được sử dụng làm lựa chọn cho các bà mẹ đang cho con bú, bao gồm thịt nạc, trứng, các loại hạt và hải sản có hàm lượng thủy ngân thấp nhất.
Vitamin D có thể giúp cơ thể hấp thụ canxi để có xương và răng khỏe mạnh. Thực phẩm có hàm lượng vitamin D tốt cho bà mẹ đang cho con bú như lòng đỏ trứng gà, dầu cá, cá hồi, sữa tách béo, một số loại nấm.
Vitamin C thường được tìm thấy trong các loại thực phẩm như cam, bông cải xanh và cà chua, vitamin C có vai trò quan trọng trong sự phát triển và sửa chữa các mô, cũng như sự phát triển của xương và răng của trẻ. Ngoài ra, vitamin C còn hỗ trợ quá trình hấp thụ sắt của cơ thể.
Vitamin C có vai trò quan trọng trong sự phát triển của xương và răng của trẻ
Vitamin B6 có thể được tìm thấy trong các loại thực phẩm như đậu, quả hạch, cá, thịt gia cầm, khoai tây, chuối và trái cây khô. Vitamin này rất hữu ích để giúp hình thành các tế bào hồng cầu ở trẻ sơ sinh và cần thiết cho sự phát triển và chức năng của não bé hoạt động bình thường.
Vitamin B12 có vai trò quan trọng trong việc sản xuất các tế bào hồng cầu và phát triển chức năng não bộ của bé. Những chất dinh dưỡng này có thể được tìm thấy trong các sản phẩm động vật như sữa nạc, cá, thịt nạc, thịt gia cầm, động vật có vỏ, gan, sữa chua, trứng, cua, tôm.
Những thức ăn, đồ uống bà mẹ đang cho con bú nên tránh là cá có hàm lượng thủy ngân cao, rượu, caffeine và sữa bò (nếu trẻ bị dị ứng với sữa bò vì đạm sữa bò được hấp thu vào sữa mẹ).
Tìm hiểu các tư thế cho con bú cách
Lựa chọn tư thế cho trẻ bú đúng cách là một trong yếu tố quan trọng giúp bé bú mẹ dễ dàng hơn, không bị sặc đồng thời hạn chế được tình trạng nôn trớ sau khi bú.
Tư thế bú đúng là:
- Phần đầu và thân trẻ phải nằm trên cùng một đường thẳng.
- Bụng trẻ áp sát vào bụng mẹ.
- Mặt trẻ quay vào vú mẹ, mũi trẻ đối diện với núm vú.
- Với trẻ sơ sinh, bên cạnh việc đỡ đầu và mông, mẹ cũng cần phải đỡ mông trẻ.
Ngoài ra, mẹ có thể bú bé theo các tư thế:
- Tư thế ngồi
- Tư thế ôm nôi
- Tư thế ôm bóng
- Tư thế giữ Koala
- Tư thế nằm cho con bú
- Tư thế cho bé bú song sinh
Tư thế cho con bú đúng cách (tư thế ôm bóng)
Trong quá trình đó, mẹ tìm các dấu hiệu nhận biết cách bé ngậm bắt vú đúng để bé ti đúng cách và được nhiều sữa:
- Miệng trẻ mở rộng, ngậm sâu quầng vú và cả các mô ở phía dưới vì các ống dẫn sữa lớn nằm trong các mô ở phía dưới quầng vú.
- Cằm chạm vào vú mẹ.
- Môi dưới của trẻ hướng ra ngoài.
- Quầng vú phía trên miệng trẻ nhiều hơn ở phía dưới.
- Lưỡi bé chìa ra ngoài, trên môi dưới và dưới núm vú.
- Trẻ ngậm bắt vú đúng thì miệng và lưỡi không cọ xát vào da vú và núm vú, không gây tổn thương vùng da và núm vú của mẹ.
Hy vọng rằng với 3 nguyên tắc trên, các mẹ sẽ có một khởi đầu hoàn hảo trên hành trình nuôi con bằng sữa mẹ, để trẻ nhận được hưởng nguồn dinh dưỡng quý giá nhất trong những năm tháng đầu đời.