Nửa đầu năm, 130 doanh nghiệp huy động hơn 156.300 tỷ đồng qua kênh trái phiếu

Bảo An | 14-07-2020 - 07:50 AM

(Tổ Quốc) - Nhìn lại, lượng trái phiếu doanh nghệp các tổ chức phi tín dụng và cá nhân nắm giữ đã tăng khoảng 153% trong năm 2019 và tăng khoảng 25% trong 6 tháng đầu năm 2020. Rõ ràng trái phiếu đang hút một lượng tiền đáng kể từ các kênh đầu tư khác trong đó trực tiếp nhất là kênh tiền gửi do có cùng tính chất là các khoản đầu tư có thu nhập cố định.

Theo thống kê của HNX, tháng 6 thị trường có 136 đợt phát hành trái phiếu trên tổng số 42.474 doanh nghiệp tham gia, tổng giá trị phát hành đạt 42,5 tỷ đồng. Trong đó tổ chức tín dụng dẫn đầu với tỷ trọng 48,35%, tương đương 20.536 tỷ đồng, đứng thứ hai là nhóm doanh nghiệp bất động sản với 10.905 tỷ - tương đương chiếm gần 26% toàn thị trường.

Nửa đầu năm, 130 doanh nghiệp huy động hơn 156.300 tỷ đồng qua kênh trái phiếu - Ảnh 1.

Luỹ kế nửa đầu năm, có 130 doanh nghiệp phát hành trái phiếu và huy động gần 156.328 tỷ đồng, kỳ hạn chủ yếu từ 2-5 năm. Trong đó, tổ chức tín dụng và nhóm bất động sản chiếm phần lớn thị trường với tỷ trọng tương đương nhau ở mức 30%, tương ứng tổng giá trị phát hành lần lượt 47.348 tỷ và 45.593 tỷ đồng.

Nửa đầu năm, 130 doanh nghiệp huy động hơn 156.300 tỷ đồng qua kênh trái phiếu - Ảnh 2.

Nói về thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN), liên tục tăng nóng những năm gần đây, tổng huy động so với các kênh khác đang tăng đáng kể. Ghi nhận tại báo cáo mới nhất từ SSI Research, tổng quy mô thị trường TPDN hiện tại tương đương khoảng 8,6% tổng tiền gửi toàn hệ thống ngân hàng - xấp xỉ quy mô tiền gửi của Vietinbank – ngân hàng có thị phần tiền gửi thứ 4 tại Việt Nam (sau BID, Agribank và Vietcombank), tương đương 9,3% dư nợ tín dụng và 19,5% tổng vốn hóa 3 sàn chứng khoán Việt Nam.

Theo báo cáo tài chính của các NHTM, số TPDN mà các ngân hàng đang nắm giữ tại 31/3/2020 là khoảng 398 nghìn tỷ đồng. Nếu loại trừ số này, lượng trái phiếu doanh nghiệp do các tổ chức phi tín dụng, cá nhân nắm giữ là khoảng 385 nghìn tỷ đồng, chiếm khoảng 4,2% tổng tiền gửi toàn hệ thống và gần bằng quy mô tiền gửi của Sacombank – ngân hàng có thị phần huy động xếp ngay sau Vietinbank.

Nhìn lại, lượng TPDN các tổ chức phi tín dụng và cá nhân nắm giữ đã tăng khoảng 153% trong năm 2019 và tăng khoảng 25% trong 6 tháng đầu năm 2020. Rõ ràng TPDN đang hút một lượng tiền đáng kể từ các kênh đầu tư khác trong đó trực tiếp nhất là kênh tiền gửi do có cùng tính chất là các khoản đầu tư có thu nhập cố định.

Bộ Tài chính mới đây tiếp tục phải cảnh báo rủi ro khi các công ty chứng khoán, ngân hàng có dấu hiệu chào mời nhà đầu tư cá nhân mua trái phiếu bằng mọi giá. Cảnh báo được đưa ra sau báo cáo của Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội về hoạt động phát hành trái phiếu doanh nghiệp (TPDN), đặc biệt các doanh nghiệp bất động sản gia tăng huy động vốn thông qua phát hành trái phiếu, nhà đầu tư cá nhân tiếp tục xu hướng tăng mua TPDN, công ty chứng khoán, ngân hàng thương mại đẩy mạnh việc phân phối TPDN cho nhà đầu tư cá nhân.

Đây là lần thứ hai trong chưa đầy 3 tháng Bộ lên tiếng khuyến cáo nhà đầu tư, doanh nghiệp và tổ chức phân phối về hoạt động phát hành và chào bán trái phiếu. Trước đó ngày 15/5/2020, Bộ Tài chính cũng đã phát đi thông tin báo chí về thị trường trái phiếu doanh nghiệp 4 tháng đầu năm 2020 và đưa ra những khuyến nghị đối với doanh nghiệp phát hành và nhà đầu tư trái phiếu doanh nghiệp.

CÙNG CHUYÊN MỤC
XEM

Techcombank và hành trình gần 1 thập kỷ cùng giải chạy biểu trưng thành phố

Đồng hành với Giải Marathon Quốc tế Thành phố Hồ Chí Minh Techcombank từ những mùa đầu tiên, Techcombank không ngừng lan tỏa tinh thần "Bước Chạy Vì Một Việt Nam Vượt Trội", cổ vũ ý chí kiên định, tinh thần bền bỉ, hướng đến mục tiêu kiến tạo lối sống khỏe trong cộng đồng.