Vốn là dòng nhạc xuất phát từ các đô thị của Nhật Bản thế nên khi Phùng Khánh Linh từ Việt Nam thử sức với city pop, gặt hái những thành công nhất định, phía truyền thông Nhật Bản cũng đã dành sự quan tâm đáng kể với album phòng thu thứ hai của nữ ca sĩ. The Japan Times là tờ báo tiếng Anh lớn nhất và lâu đời nhất tại Nhật Bản.
Phùng Khánh Linh và album city pop ấn tượng
Album CITOPIA là album phòng thu thứ 2 của Phùng Khánh Linh vừa ra mắt ngày 11/11 vừa qua, là album thuần city pop đầu tiên của Vpop mang về cho nữ ca sĩ những thành tích đáng khích lệ: vươn lên #2 Apple Music Vietnam, #6 Spotify Vietnam. Các track đến từ album CITOPIA cũng nhận về phản ứng tích cực từ công chúng, trở nên tương đối viral trên các nền tảng MXH như Quý cô say xỉn, Ngưu tầm ngưu mã tầm mã, Năm ngoái giờ này, Căn gác mùa hè, Em chỉ tạm vắng khi anh thức giấc,...
Bài viết của tác giả Patrick St. Michel cho biết cảm hứng album của Phùng Khánh Linh đến từ cái chết của chú mèo cưng trong đại dịch, và cô đã tìm thấy được sự chữa lành “tìm thấy niềm an ủi trong những âm thanh funk-pop hoài cổ của city pop Nhật Bản”. Tác giả nước ngoài cho biết dù sử dụng dòng nhạc đậm chất của Nhật Bản nhưng Phùng Khánh Linh vẫn tạo ra được những nét riêng của cô: “Chẳng mấy chốc, Linh say sưa với sự u sầu hào nhoáng của city pop, một thể loại tiêu biểu cho sự thoải mái và hoa lệ của kỷ nguyên bong bóng Nhật Bản (tức giai đoạn 1985 - 1990 - PV). Cuối cùng, cô ấy bắt đầu tạo ra âm thành city pop của riêng mình, được hướng dẫn bởi cả âm thanh và tính thẩm mỹ gắn liền với dòng nhạc xuất phát từ Nhật Bản này”.
Cách hát của Phùng Khánh Linh trong album cũng được miêu tả khá độc đáo: “sự lạc quan của đêm Thứ Sáu và nỗi buồn của sáng Thứ Hai”. Concept hình ảnh xuyên suốt của album CITOPIA cũng được The Japan Times đánh giá tích cực khi thể hiện được sự hoài niệm, phong cách Y2K, các ánh đèn neon,... gợi nhắc về “kỷ nguyên bong bóng” của Nhật Bản. Bài review cũng đặt album CITOPIA vào bối cảnh chung của việc nhiều nghệ sĩ đến từ các quốc gia khác nhau đang tìm về dòng nhạc city pop như một xu hướng mới của âm nhạc đương đại gồm The Weeknd, Harry Styles, R.M (BTS),...
Phùng Khánh Linh hóa ra từng là học trò Thu Phương, được Mỹ Tâm khen ngợi!
Phùng Khánh Linh sinh năm 1994, quê ở Bắc Giang. Cô bắt đầu gây chú ý với cộng đồng nghe nhạc indie với các ca khúc do cô tự sáng tác như Hôm nay tôi buồn, Chạy, Sáng tối,... vào khoảng năm 2015. Các sáng tác thuở ban đầu của Phùng Khánh Linh mang đậm chất tự sự, chủ yếu mang cảm xúc buồn bã, mất mát.
Tháng 5/2015, Phùng Khánh Linh xuất hiện tại chương trình Giọng Hát Việt mùa 3 với ca khúc Map (Maroon 5) tại Vòng Giấu mặt. Ngay khi cô vừa kết thúc câu hát đầu tiên, 2 HLV Mỹ Tâm và Tuấn Hưng đã ngay lập tức xoay ghế lại, chứng tỏ giọng hát của cô đã gây ấn tượng đến 2 vị HLV như thế nào. Sau đó, Phùng Khánh Linh cũng là một trong những thí sinh hiếm hoi nhận được cả 4 lượt xoay ghế của 4 HLV và được thuyết phục về đội của nữ ca sĩ Thu Phương.
Tuy nhiên bước ra từ chương trình, Phùng Khánh Linh không tiếp tục hoạt động nghệ thuật chuyên nghiệp mà quay lại trường học và hoàn tất chương trình Đại học trong 3 năm kế tiếp. Cô cũng chính là chủ nhân của bản hit đình đám 1 thời - Hôm Nay Tôi Buồn hiện đang được 72 triệu lượt xem. Ca khúc này mang về cho cô 2 đề cử giải Cống Hiến đầu tiên vào năm 2019.
Hôm Nay Tôi Buồn MV - Phùng Khánh Linh
Đầu năm 2020, cô đầu quân về Hãng đĩa Thời Đại và trở thành nghệ sĩ độc quyền ở đây, chính thức hoạt động chuyên nghiệp. Trong vòng 2 năm, Phùng Khánh Linh đã ra mắt 2 album phòng thu có chất lượng tốt, được giới chuyên môn đánh giá tích cực lẫn lượng tiêu thụ ổn định: Yesteryear và CITOPIA. Cả 2 album đều được thực hiện mix/ master tại các phòng thu ở Mỹ, làm việc cùng những nhà sản xuất âm nhạc từng đoạt giải Grammy.
Đến hiện tại, Phùng Khánh Linh dẫu chưa phải là một cái tên “bùng nổ”, đánh chiếm các BXH âm nhạc như nhiều tên tuổi khác nhưng vẫn là một màu sắc rất đặc biệt của làng nhạc Việt, có tệp khán giả riêng sẵn sàng chi tiền để mua đĩa vật lý, cũng như một ekip chỉn chu chuyên nghiệp.