Chúng ta đang sống trong thế giới mà ai có vẻ cũng mất kiên nhẫn và dễ nổi nóng hơn bao giờ hết, đặc biệt trong thời điểm nhiều áp lực hội tụ như hiện tại. Một cuộc khảo sát của tạp chí Esquire và NBC News hỏi 3.257 người Mỹ rằng họ có cảm thấy tức giận hơn so với năm trước không, 49% nói có. Khi được hỏi về mức độ thường xuyên tức giận, 31% nói vài lần, 37% nói một lần mỗi ngày, tương đương hơn 2 trong số 3 người Mỹ tức giận vì điều gì đó ít nhất 1 lần/ngày.
Tức giận thì thể hiện, nhiều người coi đó là phản xạ tự nhiên. Nhưng có phải lúc nào mọi thứ cũng nên "thuận tự nhiên"?
Tại sao con người lại nổi nóng?
Mỗi người có một tính cách khác nhau, có người dễ nổi nóng, có người điềm đạm. Nhưng tại sao con người lại nổi nóng, một số nguyên nhân chủ yếu có thể chỉ ra bao gồm:
• Bị đối xử không công bằng và cảm thấy bất lực khi làm bất cứ điều gì
• Cảm thấy bị đe dọa hoặc bị tấn công
• Người khác không tôn trọng tiếng nói, cảm xúc hoặc tài sản của bạn
• Bị gián đoạn khi đang cố gắng đạt được mục tiêu
• Căng thẳng hàng ngày như thanh toán hóa đơn hoặc giao thông giờ cao điểm
Bản thân tức giận là một cảm xúc lành mạnh, bình thường. Tuy nhiên khi bùng phát hoặc mất kiểm soát tức giận sẽ trở nên nguy hiểm. Những cơn giận kinh niên, bùng nổ có thể dẫn đến hậu quả nghiêm trọng với các mối quan hệ, sức khỏe và trạng thái tâm lý của bạn.
Điều nguy hiểm hơn, hầu hết những người mắc phải các vấn đề về tức giận coi đó là những phản ứng tinh thần và không yêu cầu giúp đỡ hoặc ngần ngại việc tìm hỗ trợ. Trong cùng một khảo sát của Quỹ Sức khỏe Tâm thần, 58% người được hỏi cho biết họ không biết tìm sự giúp đỡ ở đâu.
Nổi nóng ảnh hưởng đến sự nghiệp bạn như thế nào?
Có thể bạn chưa biết, ngoài những ảnh hưởng đến sức khỏe như tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch, huyết áp, tiểu đường, dễ dẫn đến trầm cảm, căng thẳng mất ngủ hay ảnh hưởng đến các mối quan hệ cá nhân, đặc biệt ảnh hưởng đến trẻ nhỏ; nổi nóng cũng có ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự nghiệp của bạn nếu không được kiểm soát.
Việc phê bình mang tính xây dựng, tranh luận cởi mở là tốt nhưng chỉ trích hoặc giận dữ với đồng nghiệp, sếp hoặc khách hàng có thể làm xói mòn sự tôn trọng của họ. Khi nổi nóng, con người thường mất đi tính sáng suốt, dẫn đến ứng xử thiếu chuẩn mực, khiến vấn đề trở nên rắc rối, phức tạp thêm.
Những người có tính cách thường xuyên nóng nẩy giống như một quả bom nổ chậm, hễ động vào là bùng phát, gây ảnh hưởng trực tiếp đến những người xung quanh và dễ bị cảm xúc chi phối. Đặc biệt khi ở vị trí quản lý, mọi người có xu hướng cho phép bản thân có quyền tức giận và nổi nóng với cấp dưới.
Tuy nhiên, những điều này hoàn toàn không hề có lợi cho một nhân viên đang muốn nhận được sự ghi nhận của cấp trên hay của một lãnh đạo đang muốn vươn tới thành công. Bản lĩnh đến mấy mà không kiểm soát được cảm xúc của mình, ngược lại để cảm xúc kiểm soát bản thân thì khó có thể tiến xa trong bất cứ công việc gì. Tôi đã từng chứng kiến những lãnh đạo xuất sắc, những nhân viên tài năng nhưng chỉ vì không kiểm soát được cảm xúc của mình mà chưa thể phát triển như đúng khả năng.
Ngay cả Binh pháp Tôn Tử cũng viết: Chủ tướng không thể khởi binh khi đang tức giận và không thể chiến đấu khi lòng bực bội".
Nhưng việc kiểm soát cơn tức giận có khó để áp dụng? Tin tốt là việc kiểm soát cơn giận không khó như bạn nghĩ.
Làm sao để chuyển hóa cơn giận trong công việc?
Có những đúc kết đã không còn mới nhưng chưa bao giờ là cũ: Nếu bạn đúng, bạn không cần phải nổi nóng. Còn nếu bạn sai, bạn không có quyền nổi nóng. Nhưng không phải lúc nào khi lâm vào hoàn cảnh tức giận con người có thể dễ dàng áp dụng những đúc kết này.
Nhà văn, nhà thuyết trình người Mỹ Dale Carnegie từng nói: "Người không dám nổi giận là người nhu nhược, người chẳng buồn nổi giận mới là người thông minh".
Kinh doanh là một hành trình dài khó đoán, và theo đó bạn sẽ phải trải qua nhiều cung bậc cảm xúc khác nhau mỗi ngày. Những lúc khó khăn ập đến, áp lực càng trở nên dữ dội. Tuy nhiên, hãy luôn nhớ bạn đang ở trong môi trường công sở, đang là một người lãnh đạo, bạn cần kiềm chế được nỗi thất vọng của mình thay vì "giải tỏa" nó ra với đồng nghiệp hay nhân viên của mình.
Thêm vào đó, vấn đề cạnh tranh, "chơi xấu" giữa các doanh nghiệp là một quy luật trong kinh doanh, nhưng khi điều đó xảy ra nhiều chủ doanh nghiệp thường có cảm giác như họ đang bị "tấn công" hay bị xâm phạm. Tuy nhiên, cạnh tranh lại rất cần thiết góp phần thúc đẩy cho cả doanh nghiệp của bạn phát triển và thành công. Thay vì nóng giận, bạn có thể biến nó thành động lực để phấn đấu nhiều hơn và làm việc chăm chỉ hơn. Hãy chứng tỏ cho đồng nghiệp hay nhân viên thấy rằng không gì có thể hạ gục được bạn.
Đây cũng chính là bí quyết khôn ngoan dẫn lối cho sự thành công của tỷ phú Lý Gia Thành. Trong 78 năm làm việc, rất ít người có thể thấy ông bực bội, tức tối. Với ông muốn sinh mệnh cuộc đời trôi qua trong hòa thuận an khang thì tâm tính phải trường hòa an lành. Những người quen biết ông cũng nói rằng không hiểu sao lúc nào ông cũng có thể vui vẻ.
Vì vậy, mỗi khi bắt đầu nổi nóng, hãy nhớ đôi khi bạn không cần phải tức giận theo cách thông thường mà có thể lùi lại một bước để tự hỏi mình các câu hỏi sau:
Vấn đề bạn đang tức giận quan trọng thế nào?
Nó có đáng để giận?
Nó có đáng để phá vỡ cả ngày của bạn?
Phản ứng của bạn có phù hợp với tình huống?
Bạn có thể làm gì với nó?
Hành động có đáng để bạn dành thời gian?
Có thể sau khi đã cân nhắc thấu đáo, bạn sẽ vẫn thấy nổi điên nhưng vượt qua được. Hoặc bạn sẽ không còn thấy cần nối nóng, thay vào đó có nhiều cách hơn để xử lý để có cuộc sống vui vẻ, cân bằng hơn.
Và khi nhận ra, bạn đồng thời hiểu rằng:
Người thành công chính là người kiểm soát được sự tức giận của họ để tiến về phía trước.