Nỗi đau của người mẹ dành 40 năm nuôi con lớn tâm thần, con út 20 năm biệt tích

Đặng Long - Cẩm Tú | 10-05-2022 - 15:45 PM

(Tổ Quốc) - Năm nay đã 85 tuổi nhưng bà Nga vẫn ngày ngày đi bán rau để nuôi người con bị tâm thần 40 năm, cùng với đó là nỗi nhớ người con út đã không liên lạc hơn 20 năm.

Ở con ngõ 63 Trần Quốc Vượng (Hà Nội), nhiều người dân nơi đây đã quá quen thuộc với hàng rau của bà Trịnh Thị Nga (1937). Dù đã năm nay đã 85 tuổi, bà Nga vẫn hằng ngày tự mình mang rau củ ra bán.

Cuộc đời vất vả của một của một người mẹ

Sinh ra trong một gia đình yêu nước tại làng Đa Sỹ, Hà Đông, bà Nga nung nấu cho mình ước mơ mãnh liệt được phục vụ cho Tổ quốc. Từng nuôi giấu cán bộ Việt Minh trong nhà, gia đình bà không hề có chút lo sợ mà đối với bà đó là cả một niềm tự hào lớn lao: "Ngày xưa ấy, có lúc nhà bà nuôi một lần tám chú bộ đội ở dưới hầm. Khi ấy mà bị địch biết là đi cả nhà luôn đấy. Nhưng mình cứ làm thôi, việc gì phải sợ."

Nỗi đau của người mẹ dành 40 năm nuôi con lớn tâm thần, con út 20 năm biệt tích - Ảnh 1.

Bà Nga kể với cuộc đời của mình

Năm 20 tuổi, cô gái tên Nga khi ấy đã khiến biết bao nhiêu chàng trai làng si mê vì vẻ đẹp cùng tài đánh đàn ghita. Thế nhưng một lần tình cờ, bà đã nên duyên với một cán bộ miền Nam. Với mong mỏi được cống hiến cho đất nước, bà Nga được tạo điều kiện để trở thành nhân viên một đơn vị nhà nước hồi bao cấp.

Sức trẻ sẵn có, bà luôn nỗ lực hết sức mình. Mặc dù công việc vất vả, bà Nga chẳng ngại gì vì được cống hiến sức lực cho đất nước là ước mơ của cả cuộc đời mình. Vợ chồng bà có hai người con trai, cứ tưởng như vậy là viên mãn nhưng cuộc đời không hề dễ dàng với bà.

Năm 1975, hòa bình lập lại, chồng bà muốn quay về miền Nam nhưng bà Nga không theo. Một phần vì đã quen với cuộc sống ở Hà Nội, một phần bà muốn tiếp tục công việc của mình. Không thể thống nhất quan điểm với nhau, cả hai quyết định ly hôn, mỗi người sẽ nuôi một người con. Sự vất vả, gian truân đời bà có lẽ bắt đầu từ lúc này.

Một thời gian sau, hay tin chồng cũ vì bạo bệnh mà ra đi sớm, người con út được gửi gắm nuôi tận ở trong Cần Thơ xa xôi. Che giấu nỗi nhớ đứa con trai út, bà Nga ở vậy, tự tay một mình nuôi nấng người con cả. Không phụ lòng chăm sóc, anh cố gắng học hành chăm chỉ, thành tài, đỗ vào trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp, thậm chí còn được mời vào làm việc tại Viện Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam.

Khi có tuổi, được nhận 3 triệu tiền lương hưu, bà lại kiếm thêm từ việc buôn bán hàng ngày. Gia cảnh bấy giờ không khấm khá gì nhưng vì thương con, bà quyết định bán hết nhà cửa lấy tiền cho con bảo vệ luận án tốt nghiệp. Bà kể rằng: "Lúc đó thuê cho nó được 5 người mẫu, may được 5 bộ quần áo, nghiên cứu hơn 3 tháng trời để bảo vệ luận án. Nó học ngày học đêm, cố gắng lắm. Cơ mà…"

Nói đến đây, bà Nga nghẹn lại. Cứ nghĩ cuộc đời sẽ không phụ sự nỗ lực của hai mẹ con bà, nhưng người con trai bỗng dưng phát bệnh tâm thần. Không có tiền chạy chữa, bà Nga đành chấp nhận số phận. Không còn một ai để nương tựa, hằng ngày bà Nga vẫn phải nuôi con, chăm sóc con một mình.

Nỗi đau của người mẹ dành 40 năm nuôi con lớn tâm thần, con út 20 năm biệt tích - Ảnh 3.

Người con trai cả của bà Nga năm nay đã hơn 60 tuổi

Đau lòng hơn, gần hai chục năm nay, bà Nga không được gặp mặt người con út. Lúc trước, thi thoảng bà còn nhận được một cuộc điện thoại hỏi thăm nhưng từ lúc bị trộm vào phòng lấy mất chiếc điện thoại duy nhất bà chẳng còn thông tin gì nữa. 

"Bà nhớ nó lắm chứ. Chẳng biết nó giờ ra sao, có khỏe mạnh hay ốm đau như nào, cuộc sống có ổn hay không. Cái lần bán nhà bà mất hết cả địa chỉ liên lạc lẫn bức ảnh hồi bé của nó mất rồi. Giờ đến hình dáng của nó, cũng dần mờ đi mất rồi." – Bà Nga thở dài.

Nỗi cô đơn ở tuổi xế chiều

Ở ngưỡng 85 tuổi, lưng đã còng, mắt đã mờ, bà Nga vẫn phải chống gậy ra dọn hàng bán, cố trang trải từng bữa cơm hàng ngày. Ngày hai lần, người con trai cứ ra hàng rau của mẹ mình để đòi tiền mua thức ăn chứ chẳng hề giúp bà dọn hàng hay một lời hỏi thăm nào cả. 

Bà kể: "Từ khi phát điên, nó chẳng gọi bà là mẹ nữa. Bao nhiêu năm nay rồi nó toàn tự nấu tự ăn, chẳng bao giờ mời mẹ ăn cơm một tiếng. Lâu rồi bà cũng ăn ở ngoài luôn, mỗi bữa 20 nghìn cơm, hoặc ai cho miếng bánh cũng là đủ rồi."

Người con trai lớn của bà.

Nằm trong dãy trọ tít sâu trong ngõ, ngôi nhà của bà chỉ vỏn vẹn 10m2 đã xuống cấp, chất đầy đồ đạc cũ kỹ, bức tường đã hoen ố nhuốm màu thời gian. Không có lấy một tấm nệm, nơi bà Nga ngả lưng nghỉ ngơi chỉ là tấm ván mỏng mà thôi. Tuy cùng sống dưới một mái nhà nhưng người con trai cứ lủi thủi một mình, không quan tâm, đoái hoài gì đến người mẹ già.

Có những lần vì kiệt sức, bà Nga bị ngất giữa đường, cũng may có người chạy lại đỡ bà dậy. Mọi người xung quanh đều biết đến hoàn cảnh của bà nên thi thoảng cho bà chút bánh trái hoặc mua giúp bà bó rau. 

Cô Hà (46 tuổi) sống ở gần đây nói: "Bà bán ở đây lâu lắm rồi, kể cả trời mưa rét hay nắng gắt như thế nào bà vẫn ra đây ngồi bán để nuôi con. Dân xung quanh người ta biết nên thương bà lắm. Lúc thì cho bà chút quà bánh hoặc bìa giấy, chai lọ để bà bán đồng nát kiếm thêm."

Tuổi đã cao, không thường xuyên lấy thêm được rau củ tươi như những quầy hàng khác nên cũng nhiều khi vắng khách. Bà bảo, ngày thường cũng được 20-30 nghìn đồng nhưng không thiếu những ngày chẳng bán được gì cả. Lương hưu của bà chỉ được 3 triệu, một nửa đã phải chi trả cho tiền thuê phòng chưa kể tiền điện nước. Để trang trải tiền thuốc men, sinh hoạt hằng ngày, dù mệt bà cũng cố ra bán, được đồng nào vẫn hay đồng đấy.

Đã ở tuổi xế chiều, bà Nga chỉ mong có người nói chuyện cùng. Cứ mỗi lần có ai đến hỏi thăm, bà đều quyến luyến không muốn rời. Bà Nga thường thủ thỉ: "Ngày mai lại ra đây chơi với bà nhé!"

Trời chập tối, bà Nga đứng dậy lúi húi dọn hàng. Giữa phố xá tấp nập người qua lại, bà vẫn cô đơn, từng bước chống gậy đi về một mình.

CÙNG CHUYÊN MỤC
XEM