Trước đây, khi cuộc sống còn khó khăn thì ông bà, cha mẹ của chúng ta chỉ có những món ăn đơn giản để chống đói. Cũng vì vậy mà nhiều món ăn bình dân, không cầu kỳ đã được ra đời.
Thời thế đã thay đổi nhưng hiện nay, những món ăn mộc mạc ấy vẫn còn lưu truyền theo thời gian. Không chỉ hương vị không hề tàn phai mà nay được nhiều người mở ra buôn bán, có món còn trở thành đặc sản đắt đỏ được nhà nhà lùng mua.
Bún sung
Được lọt vào trong danh sách những món bún không thể đơn giản hơn của đất nước hình chữ S, món bún này không hề có thịt hay tôm cá, chỉ phủ vài nguyên liệu ăn kèm bình dân là tóp mỡ và sung. Nhưng bún sung (bún tóp mỡ) vẫn đủ sức hấp dẫn cả người già lẫn trẻ em suốt vài thập kỷ. Không những thế, thời tuổi thơ khốn khó của những người co vùng quê lại được dịp ùa về khi thưởng thức tô bún sung đơn giản.
Ảnh: Dung Nguyễn, @eactwtharo
Sung khi đó là thức quà ăn ngon lành mà chẳng mất tiền mua, nên người dân cũng tận dụng sung để làm thành món ăn cứu đói mỗi khi cần. Bề ngoài gần với món bún riêu cua trứ danh, nhưng bún sung lại không hề cầu kỳ về nguyên liệu và cách chế biến. Nhưng món ăn này vẫn chiếm trọn tình yêu của thực khách bằng vẻ dân dã và hương vị truyền thống, đậm chất miền quê.
Tóp mỡ
Những năm qua, món tóp mỡ được nhắc đến như cái tên cộm cán trong làng ăn vặt khi ai ai cũng bán món ăn dân dã này. Chỉ đơn giản là mỡ lợn được rán giòn, thời xưa mà có được chút tóp mỡ trên mâm cơm thì đã rất quý. Ngày đó, những nhà không mấy khá giả sẽ thường rim với mắm mặn, sốt cà chua hoặc xào cùng dưa chua để ăn dần.
Nhưng vài năm trở lại đây, tóp mỡ bỗng nhiên được nâng tầm lên thành đặc sản. Món ăn thôn quê ngày nào được lên kệ ở các siêu thị, cửa hàng, được kinh doanh online hoành tráng. Với giá bán từ 400 – 500 nghìn đồng/ kg, tóp mỡ không còn là món ăn bình dân ngày nào. Thậm chí, tại nhiều nơi, khách muốn mua phải đặt trước từ 2-3 tuần mới có hàng. Cũng từ món ăn dân dã, chống đói này mà có thêm nhiều biến tấu khiến không thể dừng ăn như tóp mỡ rim mắm tỏi, tóp mỡ cháy tỏi, rim me, lá chanh,....
Cơm tấm nhuyễn
Không chỉ âm thanh mà hình ảnh, hương vị, mùi thơm của món ăn đậm đà của TP.HCM vẫn được bao người nhớ đến. Thậm chí, có những ai dù đi ngược về xuôi thì họ vẫn luôn ao ước được một lần thưởng thức món cơm tấm thơm ngon. Đối với những người dân tại đây khi xưa, cơm tấm trong kí ức của họ lại không hề "lộng lẫy" như bây giờ.
Bởi lẽ trước kia, cơm tấm trước đây chỉ đơn thuần là chút cơm hạt bể, không còn nguyên vẹn được rưới thêm mỡ hành và nước mắm. Một món ăn bình dân vậy thôi nhưng lại là niềm khao khát của biết bao người. Chẳng ai dám mơ đến miếng sườn, bì chả hay trứng ốp la béo ngậy như ngày nay. Chỉ cần được nếm một muỗng cơm tấm nhuyễn mặn ngọt thôi cũng đủ khiến những đứa trẻ hạnh phục cả ngày.
Cà dầm tương
Gắn liền với câu ca dao nổi tiếng: "Anh đi anh nhớ quê nhà. Nhớ canh rau muống, nhờ cà dầm tương". Đây là món ăn mà hễ khi nhà hết món là lại xuất hiện, trở thành món chủ lực giúp đưa trong nhiều gia đình nông thôn khi xưa. Ngày nay, cà dầm tương trở thành món ăn phụ kèm cơm được nhiều người yêu thích. Từng là món ăn dân dã, gắn bó với người nghèo thì cà dầm bỗng trở thành đặc sản nổi tiếng, được nhiều người tìm mua với giá đắt đỏ.
Cà dầm tương được người dân ở huyện Phúc Thọ gìn giữ sản xuất theo công thức gia truyền, đều đặn thu về cả trăm triệu đồng một năm. Người đến mua cà thường mang về làm quà biếu, thậm chí nhiều người sống ở nước ngoài cũng mang thức quà quê hương để thưởng thức khi thèm.
Những món ăn kể trên từng là ký ức tuổi thơ của biết bao người và tuy đã trải qua nhiều biến cố thời gian. Nhưng may mắn rằng ngày nay, những thức quà khi còn khó khăn ấy lại trở thành những món đặc sản khiến biết bao người thế hệ sau này đem lòng say mê.