Những vụ kiện tụng lùm xùm
Sau khi phóng thành công tàu vũ trụ Dragon, năm 2013, Musk đã để mắt đến việc giành được Bệ phóng 39A, và có vẻ như ông sẽ đưa thêm bệ phóng đáng tôn kính nhất trên thế giới vào chiếc hộp đựng cúp đang ngày càng đầy lên của mình.
Lãnh đạo của NASA tin rằng cơ quan nên ký kết chuyển nhượng lại bệ phóng cho SpaceX, miễn bình luận, và nên biết ơn có người sẵn lòng tiếp quản nó. Nhưng những người khác biết điều đó sẽ gây ra vấn đề. Họ cần phải đấu thầu cho nó, dù chỉ là cho có thủ tục. Họ đã nghĩ dĩ nhiên, không ai khác muốn có nó. Ai lại muốn một bệ phóng đã qua sử dụng cần hàng triệu USD để trùng tu?
Bezos muốn bệ phóng 39A cho tên lửa mới mà công ty đang phát triển bí mật với biệt danh “Anh Cả”. Địa điểm phóng 39A là một kho báu quốc gia, một nơi đã cuốn hút ông kể từ khi ông còn là một đứa trẻ năm tuổi xem phi hành đoàn của chuyến bay Apollo 11 cất cánh, một “khoảnh khắc ảnh hưởng sâu sắc đến tôi,” như ông sau này nhận xét. Nếu Musk giành được độc quyền đối với nó, chẳng khác nào NASA đang nói rằng họ đã lựa chọn SpaceX làm người thừa kế hợp pháp của Apollo.
Blue Origin vẫn hài lòng với việc đứng bên lề trong hầu hết cả thập kỷ. Nhưng giờ đây, họ không còn thế nữa. Sự im lặng đó sẽ chấm dứt. Bệ phóng 39A, và tất cả những gì nó đại diện, là một giải thưởng quá lớn. Nếu NASA tự nguyện từ bỏ nó, thì Bezos sẽ đấu thầu.
Đội ngũ của Bezos đã cố gắng để giành được quyền sử dụng Bệ phóng 39A bằng cách tranh luận vào năm 2013 rằng bệ phóng đáng tôn kính ấy không nên được sử dụng độc quyền bởi bất cứ công ty nào. Không giống như SpaceX, Blue Origin hứa sẽ chia sẻ nó với các công ty khác, ví dụ như Boeing, Lockheed Martin và thậm chí cả SpaceX.
NASA xem xét cả hai đề xuất, và nghiên cứu những ưu nhược điểm. Musk và NASA đã có mối quan hệ lâu dài. NASA đang đầu tư hàng tỷ USD vào SpaceX. Thậm chí cả Tổng thống Obama cũng ủng hộ công ty, dù cho chỉ là gián tiếp, bằng việc đến thăm Bệ phóng 40,một vài năm trước đó.
Sự thật là, Blue Origin vẫn chưa có một tên lửa có khả năng phóng từ Bệ phóng 39A. Con thỏ (Elons Musk) đã chạy nước rút rất xa, rất xa phía trước. Cách tiếp cận chậm rãi, cẩn trọng của con rùa (Jeff Bezos), một ngày nào đó, có thể cho phép nó bắt kịp con thỏ. Nhưng giờ thì nó đã bị bỏ xa. Các đối thủ cạnh tranh khác cũng đều ở quá xa. Musk đã dễ dàng giành được chiến thắng, đưa thêm bệ phóng đầy tính biểu tượng vào một danh sách dài gồm những chiến công, mà giờ đây còn bao gồm cả việc đánh bại Bezos trong cuộc đối đầu một chọi một đầy cam go đầu tiên của họ.
Chuyện đã có thể kết thúc ở đó, nhưng Bezos sẽ không bỏ cuộc. Blue Origin đã tìm cách đảo ngược lại quyết định bằng cách gửi một kháng nghị pháp lý, tranh luận rằng những tiêu chuẩn mà NASA đã dùng để đi đến quyết định có nhiều thiếu sót. Blue cho rằng bệ phóng nên là một “cảng không gian thương mại” mà nhiều công ty có thể sử dụng.
Rồi để hỗ trợ vụ kiện, Blue Origin đã tranh thủ được sự ủng hộ của United Launch Alliance, doanh nghiệp liên doanh của Lockheed Martin và Boeing – các đối thủ cạnh tranh chính của SpaceX, hăm hở xuất trận trong một động thái mà họ biết rằng sẽ khiến Musk phản kháng.
Alliance hoàn toàn gia nhập một liên minh thuận tiện và dễ chịu với Blue, một cuộc hôn phối kết hợp tài sản kế thừa của một nhà thầu lâu năm, với sự tiến bộ của một công ty khởi nghiệp mới – và khỏi nói đây là một công ty do một trong những người giàu nhất trên thế giới hậu thuẫn.
Trong một lời tuyên bố với tạp chí SpaceNews, Alliance nói sẽ “tiếp tục chia sẻ chuyên môn kỹ thuật của chúng tôi về cơ sở hạ tầng phóng tên lửa với Blue Origin,” và ngược lại, Blue sẽ cho phép nhiều người có thể thuê Bệ phóng 39A.
Họ đã tranh thủ sự ủng hộ của các nghị sĩ thân thiện, những người mà trong một lá thư gửi tới Bolden, lãnh đạo NASA, đã viết rằng “việc cho phép chỉ một công ty sử dụng bệ phóng và giới hạn tất cả các công ty còn lại, về cơ bản sẽ cho công ty đó một sự độc quyền, cản trở sự cạnh tranh trong các chuyến bay không gian, từ đó làm tăng chi phí.”
“Kháng nghị pháp lý đó là một trường hợp “ghen tị về địa điểm phóng. Chuyện đó thật đáng bực mình,” Musk nói sau đó. “Đệ một đơn kiện về Bệ phóng 39A khi họ vẫn chưa đưa được gì nhiều hơn một cái tăm lên quỹ đạo... Vì thế, thật vô lý khi [Bezos] khẳng định rằng Blue Origin nên có được Bệ phóng 39A.”
Sự kháng nghị, hoạt động vận động hành lang ở Washington, và sự kết hợp bất ngờ, phi chính thức giữa Alliance và Blue khiến Musk, người cũng đã trở nên kích động khi Blue Origin bắt đầu giành lấy một số nhân viên của ông, tức điên lên. Trong cuốn tiểu sử về Musk, tác giả Ashlee Vance đã kể lại rằng SpaceX thậm chí còn thiết kế cả một chức năng lọc e-mail được dùng để tìm kiếm thư của các nhân viên gửi cho “Blue Origin”.
Cuộc đấu tranh giành giật Bệ phóng 39A không phải là vụ lùm xùm đầu tiên của họ. Vào năm 2008, SpaceX đã kiện Matthew Lehman, một trong những nhân viên đầu tiên, buộc tội ông vi phạm hợp đồng – rằng Blue Origin đã sử dụng thông tin mà ông ấy cung cấp để “nỗ lực tuyển dụng rất nhiều nhân viên SpaceX với kiến thức cụ thể và chi tiết về các nỗ lực thiết kế của SpaceX cũng như thông tin tuyệt mật của SpaceX liên quan đến những nỗ lực thiết kế đó,” hồ sơ kiện khẳng định. “Blue Origin đã sử dụng những biện pháp cực đoan để lôi kéo nhân viên SpaceX gia nhập Blue Origin.”
Cuối cùng, đơn kiện đã bị bác bỏ. Nhưng sự căng thẳng thì vẫn còn đó. Và giờ đây cuộc chiến đấu giành giật Bệ phóng 39A càng đổ thêm dầu vào lửa. Musk đã gửi một e-mail đến tạp chí SpaceNews vào tháng 9 với một sự sỉ nhục mang tính lịch sử với đối thủ cạnh tranh mới, chế nhạo đơn kháng nghị là một “mánh phản đòn giả tạo.” Dù Blue Origin đã tồn tại trong suốt một thập kỷ, nhưng họ “vẫn chưa thành công trong việc tạo ra một tàu không gian dưới quỹ đạo đáng tin cậy,” ông viết.
“Vì vậy, họ khó có thể phát triển thành công một thiết bị quỹ đạo sẽ đáp ứng được các tiêu chuẩn chính xác của NASA trong vòng 5 năm tới, và đó cũng chính là thời hạn của hợp đồng thuê. Như vậy, tôi không biết liệu hành động [của Blue Origin] có xuất phát từ ác ý hay không. Tôi không có bất cứ nghi ngờ nào giống như vậy đối với động cơ của ULA.”
Có một ẩn ý tinh tế đan xen trong đó, một ẩn ý mà hầu như mọi người đều sẽ không nhận ra nhưng nó lại vô cùng quan trọng đối với Musk. Như ông vẫn chỉ ra trong suốt nhiều năm, tên lửa New Shepard của Blue sẽ bay dưới quỹ đạo, vì vậy nó không thể mạnh như các động cơ đẩy mà ông đang chế tạo với khả năng đạt được vận tốc cần thiết để phá bỏ lực hấp dẫn của Trái đất và trôi nổi trong quỹ đạo. Trái lại, tên lửa New Shepard của Blue sẽ bay lên, sau đó bay thẳng xuống, như một quả bóng được tung lên trời.
“Tuy nhiên, thay vì đấu đá về vấn đề này, có một cách dễ dàng hơn để xác định sự thật, đơn giản là chỉ rõ sự lừa bịp của họ,” Musk tiếp tục. “Nếu bằng cách nào đó mà trong 5 năm tới họ thực sự đưa ra một thiết bị đạt được các tiêu chuẩn đánh giá của NASA với khả năng đáp vào trạm không gian, được coi là mục tiêu của Bệ phóng 39A, thì chúng tôi rất vui lòng đáp ứng các yêu cầu của họ. Thành thực mà nói, tôi nghĩ khả năng chúng ta tìm thấy những con kỳ lân nhảy múa trong ống dẫn lửa còn cao hơn.”
Những con kỳ lân trong ống dẫn lửa. Dù Musk thực sự có ý đó hay không, thì đây cũng là một lời cổ động cho đội nhóm ở SpaceX, những người thích sự táo bạo mà lãnh đạo của mình có. Tuy nhiên, trớ trêu thay: Musk đang đối xử với Blue giống hệt như cách mà Boeing và Lockheed đã đối xử với SpaceX một thập kỷ trước, khi nó đệ hết đơn kiện này đến đơn kiện khác, cố gắng để tiến vào thị trường. Những nhà thầu lâu năm đã chế nhạo SpaceX, gọi họ là một “đứa trẻ”, nói rằng họ không phải là một người thách đấu nghiêm túc bởi họ chưa có một tên lửa đã được kiểm nghiệm.
Và cuốn sách The space barons - Những bá chủ không gian
Tranh cãi, kiện tụng giữa Elons Musk/ SpaceX với Jeff Bezos/ Blue Origin là một phần nội dung trong cuốn sách The space barons - Những bá chủ không gian ngồn ngộn sự kiện được kể một cách hấp dẫn và tài tình của Christian Davenport. Là cây viết chính của tờ Washington Post từ năm 2000, hiện đang phụ trách mảng các ngành công nghiệp vũ trụ và quốc phòng của tờ báo này và có đặc quyền được tiếp cận những tỷ phú hàng đầu trên thế giới, trong cuốn sách Davenport đã cung cấp cho độc giả rất nhiều điều chưa được hé lộ về thế hệ doanh nhân mới đang xoay vần chuyển đổi ngành công nghiệp không gian, với những bí mật, những câu chuyện hậu trường chưa từng được “bật mí” về cuộc chiến tranh giành quyền kiểm soát ngành công nghiệp mới nổi này.
Trong đó MUSK VÀ BEZOS, hai tỷ phú với hai phong cách và tính khí vô cùng khác biệt, chính là những người đi đầu trong việc làm sống lại chương trình không gian Mỹ. Đầy táo bạo, Musk luôn tiến về phía trước, những thành công và thất bại của ông luôn là tâm điểm của sự chú ý. Ngược lại, Bezos luôn kín kẽ và thận trọng, dự án tên lửa của ông luôn phủ một lớp màn bí mật.
Nhưng vẫn còn những người khác nữa. Giống như Bezos, Richard Branson hứa hẹn sẽ đưa các du khách vượt qua tận cùng của không gian để có thể nhìn thấy Trái Đất từ trên cao và trải nghiệm vài phút không trọng lượng. Paul Allen, nhà đồng sáng lập Microsoft, người đứng sau thiết bị vũ trụ thương mại đầu tiên bay ra ngoài không gian, hiện đang sản xuất chiếc máy bay lớn nhất từng thấy trên thế giới. Lớn hơn chiếc Spruce Goose (Con ngỗng Bảnh bao) của Howard Hughes, nó có khả năng “phóng tên lửa trên không” từ độ cao gần 11.000m – và cả một chiếc tàu con thoi mới, có tên là “Black Ice” (Băng Đen), cũng đang được bí mật phát triển.
Và khám phá cuốn sách The space barons - Những bá chủ không gian bạn sẽ được trải nghiệm một câu chuyện thú vị, đầy ắp thông tin về trí tưởng tượng và nỗ lực của con người lẫn dòng chảy không ngừng của ngành công nghiệp vũ trụ, với lối kể chuyện sắc sảo và lôi cuốn của Davenport. Để biết rằng tương lai ngoài vũ trụ bao la đang trở nên gần hơn trong tầm với của chúng ta.