Elon Musk đầu tư vào ngành công nghiệp vũ trụ vì “thất vọng tràn trề” với NASA
Chuyện gì sẽ xảy ra nếu mặt trời tắt lịm? Hay một tiểu hành tinh va vào Trái đất? Đây là câu hỏi ám ảnh Elon Musk từ thời niên thiếu cho đến trước khi ông thực hiện phi vụ bán Pay-Pal cho Ebay và thu về 180 triệu đô-la trong tài khoản vào năm 31 tuổi.
Sau đó, Musk bắt đầu suy nghĩ nghiêm túc về câu hỏi ấy và xác suất của một “sự kiện tuyệt chủng cuối cùng” như cách ông gọi nó. Giải pháp ông nghĩ ra là: Tìm một hành tinh khác để định cư. Biến con người thành một giống loài có khả năng sống trên nhiều hành tinh, và tạo ra một ổ cứng lưu trữ phụ cho loài người, đề phòng trường hợp Trái đất ngừng hoạt động như một chiếc máy tính lỗi. Không khí ở sao Kim quá nhiều acid. Sao Thủy thì quá gần mặt trời. Ông nghĩ khả năng tốt nhất là chinh phục sao Hỏa.
Một đêm, sau một bữa tiệc ở Long Island, ông lái xe về New York với người bạn đồng nghiệp Adeo Ressi. Đêm đã khuya và mọi người ở ghế sau đều đã say ngủ. Nhưng hai người bạn vẫn trò chuyện say sưa và sôi nổi về chủ đề không gian. Đêm đó, Musk quay trở về khách sạn và đăng nhập vào trang web của NASA, tìm kiếm một kế hoạch để lên sao Hỏa, nhưng những gì ông thu được chỉ là một “cảm giác thất vọng tràn trề”.
Musk, một người đọc ngấu nghiến tiểu thuyết khoa học giả tưởng, đã trông đợi rằng đến thời điểm này trong cuộc đời ông, sẽ có một căn cứ trên Mặt trăng và các chuyến đi đến sao Hỏa được tiếp lửa bởi chương trình không gian mạnh mẽ xây dựng dựa trên những sứ mệnh Mặt trăng Apollo. Nếu như vào thập niên 1960, Mỹ có thể đưa một người lên Mặt trăng trong vòng chưa đến một thập kỷ, chắc chắn sẽ còn nhiều điều tốt đẹp hơn đang đến.
Dù đã thành công lớn trong việc đưa robot đến các góc của hệ mặt trời, nhưng chương trình con người trên không gian của NASA đang rơi vào bế tắc. Thiếu tiền tài trợ, bị lu mờ sau sự kiện 11 tháng 9 và hai cuộc chiến tranh theo sau đó, du hành vũ trụ đã trở thành một ý nghĩ đến sau. Kể từ khi Eugene Cernan trở thành người cuối cùng đặt chân lên Mặt trăng vào năm 1972, NASA chưa từng đưa một phi hành gia nào đi xa hơn nơi được biết đến là quỹ đạo Trái đất tầm thấp, nằm phía trên Trái đất vài trăm dặm.
Và đây chính là khởi nguồn của SpaceX và hành trình chinh phục không gian của vị doanh nhân được coi là mạnh mẽ táo bạo nhất hành tinh này.
Bezos đam mê không gian từ hồi 5 tuổi
Đam mê của Bezos với không gian bắt đầu từ khi cậu năm tuổi chứng kiến giây phút Neil Armstrong và Buzz Aldrin đặt chân lên Mặt trăng vào ngày 20 tháng 7 năm 1969. Dù còn nhỏ, nhưng cậu biết mình đang chứng kiến một sự kiện có tính lịch sử của nhân loại.
“Đó thực sự là giờ phút có tính quyết định đối với tôi,” Jeff nói. “Tôi nhớ đã xem nó qua chiếc tivi trong phòng khách, và nhớ rõ sự phấn khích của bố mẹ cùng ông bà tôi. Trẻ con cũng có thể hiểu sự phấn khích ấy. Chúng biết có điều gì đó rất phi thường đang xảy ra. Nó thực sự đã trở thành đam mê của tôi”.
Gia đình Bezos sống ở New Mexico và Texas, sau đó chuyển đến Florida. Nhưng sau khi năm học kết thúc, Bezos lại được gửi tới nông trại của ông ngoại, nơi cậu trải qua mỗi kỳ nghỉ hè từ năm bốn tuổi đến năm 16 tuổi.
Nông trại, nơi bầu trời rộng lớn trông tối hun hút và sâu thẳm, là nơi lý tưởng cho một cậu bé con nhiều mơ mộng mơ ước ngày nào đó sẽ trở thành một phi hành gia để đắm chìm trong những ảo mộng khoa học giả tưởng của mình.
Ở đó Bezos đã được ông dạy cách sống của một chủ nông trại với các công việc sửa cối xay gió, máy móc hỏng hóc, lắp đặt ống dẫn, tiêm vắc xin, thiến gia súc… đồng thời ông ngoại cũng là người thích trò chuyện thật lâu với Bezos về công nghệ và không gian hay bất cứ thứ gì Bezos quan tâm.
Ở nhà, Bezos cũng dành rất nhiều thời gian xem Star Trek, bộ phim yêu thích của cậu. Ông bà khuyến khích cậu chơi các trò chơi bàn (board games) và đọc sách, Bezos phát hiện ra thư viện của hạt, không lớn hơn một lớp học là bao, lại có một bộ sưu tập sách khoa học giả tưởng đồ sộ được các cư dân thị trấn hiến tặng.
Lên trung học, đam mê của Bezos với không gian đã hội tụ với trí tuệ và sự tò mò phi thường của cậu. Cũng trong thời gian này, cậu học sinh xuất sắc nhất của trường Trung học Miami Palmetto thời điểm đó đã viết một bài luận với tựa đề “Ảnh hưởng của trạng thái không trọng lượng tới tỷ lệ lão hóa của ruồi nhà”, bài luận đã giúp cậu giành được một chuyến tham quan Trung tâm Hàng không Vũ trụ Marshall của NASA ở Huntsville, Alabama.
Lúc ấy, Marshall chính là nơi hoàn hảo với một người vừa hăm hở vừa tò mò như Bezos. Chuyến đi đó càng củng cố thêm niềm đam mê không gian của cậu. Nếu cậu từng đều đặn trau dồi cho mình ảo tưởng khoa học viễn tưởng thông qua những cuốn sách cậu đọc ngấu nghiến khi còn nhỏ, thì giờ đây cậu được tiếp xúc với những thứ hiện hữu – thiết bị đã biến giấc mơ không gian thành hiện thực.
Là đại diện học sinh đọc diễn văn tốt nghiệp, bài diễn văn của cậu có chủ đề về không gian. Thậm chí đối với một chàng thiếu niên 18 tuổi xuất sắc, bài diễn văn ấy cũng cho thấy sự thông minh trước tuổi. Cậu đã nói về các kế hoạch thuộc địa hóa không gian, xây dựng các môi trường sống như khách sạn không gian, và ngày mà hàng triệu người sẽ sống giữa các vì sao. Tài nguyên trên Trái đất có giới hạn, vì vậy ý tưởng của cậu là đưa loài người ra khỏi Trái đất, tiến vào không gian để có thể bảo vệ hành tinh này. Cậu đã kết luận bằng câu nói: “Không gian, ranh giới cuối cùng, hãy gặp tôi ở đó!”
“Toàn bộ ý tưởng là để bảo vệ Trái đất,” cậu chia sẻ với tờ Miami Herald vào thời điểm đó, rằng Trái đất nên được lựa chọn trở thành một công viên bảo tồn. “Cậu ấy đã nói tương lai của loài người không phải là ở trên hành tinh này, bởi chúng ta có thể bị thứ gì đó tấn công, và tốt hơn là chúng ta nên chuẩn bị sẵn sàng cho cuộc sống ngoài không gian,” Rudolph Werner, bố của bạn gái thời phổ thông của Bezos, nói với tạp chí Wired.
Tỷ phú “huênh hoang” Richard Branson cũng có mặt trong cuộc đua này
Chương trình 60 Minutes của đài CBS đã gọi Richard Branson là “tỷ phú đóng thế”. New York Times gọi ông là “rạp xiếc giật gân một thành viên”. Tất cả đều do đế chế không ngừng phát triển gồm các công ty của ông thể hiện thông qua một danh mục đầu tư hỗn độn và điên rồ – Virgin Mobile, Virgin Money, Virgin Wines, Virgin Trains, Virgin Casino,
Virgin Books, Virgin Racing, Virgin Sport, Virgin Media, Virgin Hotels, Virgin Holiday Cruises, Virgin America, Virgin Australia – và tựu trung lại, chúng vừa là hiện thân của hội chứng rối loạn thiếu tập trung tập đoàn vừa là biểu hiện của tham vọng.
Tuy nhiên, sự điên rồ này ẩn chứa một phương pháp. Sợi chỉ đỏ xuyên suốt tất cả những công ty có vẻ không liên quan này: hiện thân của phong cách và sức hấp dẫn, của tư tưởng tự do “mặc kệ nó, làm tới đi” rất Branson, thận trọng bước đi dọc theo ranh giới mong manh ngăn cách sự liều lĩnh với sự lỗi lạc.
Nhưng không có bất cứ thứ gì trong đó – không phải những chiếc tàu cao tốc, chuyến bay bằng khinh khí cầu hay ban nhạc Rolling Stones – có thể cạnh tranh với công ty ông đang theo đuổi lúc này, một công ty với những tham vọng mà cuối cùng có thể ăn nhập với quảng cáo thổi phồng kiểu Branson.
Không có tên lửa, tàu không gian hay bất kỳ kiến thức thực tế nào về du hành không gian, nhưng Branson đã đăng ký tên công ty là “Virgin Galactic Airways” (Hãng hàng không Ngân hà Virgin), hy vọng một ngày nào đó ông có thể thành lập một công ty không gian.
(Còn tiếp)