Nhìn lại 2021: Có ước mơ như mầm xanh, chưa trổ cành đã bị cuốn phăng theo dòng nước lũ...

Quang Vũ | 09-11-2021 - 19:22 PM

(Tổ Quốc) - Khi tiếng pháo hoa hiếm hoi vang lên báo hiệu giao thừa, nhiều người đã hy vọng rằng, 2021 sẽ khởi sắc hơn so với 2020. Nhưng khi nhìn lại, ai cũng ngậm ngùi trước “một năm của những nốt trầm"...

Khi tiếng pháo hoa hiếm hoi vang lên báo hiệu giao thừa, nhiều người đã hy vọng rằng, 2021 sẽ khởi sắc hơn so với 2020. Nhưng khi nhìn lại, ai cũng ngậm ngùi trước "một năm của những nốt trầm"... nhưng không hề xao xuyến", năm của những trường đoạn đau thương khi TP.HCM và cả dải đất hình chữ S oằn mình trước sự càn quét của dịch. Cùng với đó, là âm hưởng của "đoạn nhạc buồn" đã ngân dài suốt bao năm qua: Những tháng lũ giông, những đợt thiên tai cuốn phăng mọi mơ ước dù là nhỏ nhoi nhất...  

Nhìn lại 2021: Có ước mơ như mầm xanh, chưa trổ cành đã bị cuốn phăng theo dòng nước lũ... - Ảnh 1.

Năm 2021, lũ chưa kinh hoàng như 2020, nhưng không vì thế mà nỗi buồn vơi bớt. Trong mường tượng của những người sống ở thành phố như chúng ta, bão lũ thường là những cơn mưa kéo dài, khiến ngày đi làm đôi chút khó khăn, và tâm trạng "ẩm ương" vài phần? Chúng ta chỉ biết đến bão qua những con số: Bão số 7 chưa qua, bão số 8 đã tới? Nhưng với người dân vùng lũ, mà nhất là ở miền Trung "khúc ruột" thân thương, mỗi cơn bão lũ, mỗi đợt thiên tai luôn đi cùng bao khó khăn, vất vả, với nỗi sợ nơm nớp, và bao cảnh đời đau thương.

Tháng 10/2021, mưa lớn kéo dài nhiều ngày, hơn 50 xã ở Quảng Nam, Quảng Ngãi, Quảng Trị ngập sâu trong biển nước. Cầu, cống, đường sá bị kéo sập, xói mòn, sạt lở khắp nơi, chia cắt con người và làm đứt gãy mọi nhịp sinh hoạt quen thuộc.  

Nhìn lại 2021: Có ước mơ như mầm xanh, chưa trổ cành đã bị cuốn phăng theo dòng nước lũ... - Ảnh 2.

Phố cổ Hội An hứng chịu 3 đợt lũ, khiến những tuyến đường chạy dọc sông Hoài ngập nặng, cuộc sống người dân bị ảnh hưởng nặng nề. Tôi thầm tự hỏi, không biết chị Sương - cô chủ homestay đáng yêu từng đón tôi ở phố Hội - đã xoay sở ra sao trong ngày tháng ấy… Tôi nhớ như in những ngày ở lại homestay, chơi đùa với hai đứa trẻ dễ thương nhà chị. Tiếng cười nói hồn nhiên, tiếng bé Na tập đọc chữ bi bô vang một góc phòng sinh hoạt chung. Chẳng biết các bạn nhỏ ấy sẽ học như thế nào khi sách bút tả tơi, mỗi nơi một món trôi theo dòng nước.

Trên báo chí, MXH, tôi cũng từng thấy rất nhiều hình ảnh những cô bé, cậu bé như con chị Sương, những đứa trẻ có ước mơ bị cuốn trôi giữa mùa bão lũ. Các con ngồi im một góc, nước ngập tới đầu gối. Ước mơ của con có khi rất giản đơn: Được đi học, gặp bạn bè, rồi vui đùa rôm rả dưới những tán cây vào giờ ra chơi... Nhưng đường đến trường vẫn còn xa lắm! Bấc giác, tôi còn nhận ra một điều: Năm 2021, trẻ con không còn được vui đùa dưới những tán cây, nhưng không chỉ vì dịch bệnh kéo dài, đường ngập, sạt lở mà còn bởi: "Những tán cây rợp bóng đã đi đâu mất rồi?".  

Nhìn lại 2021: Có ước mơ như mầm xanh, chưa trổ cành đã bị cuốn phăng theo dòng nước lũ... - Ảnh 3.

Vài năm trở lại đây, bức tranh toàn cảnh đang dần xấu đi, do những biến đổi khí hậu bất thường và nguyên do chính là sự biến mất của những hàng cây như thế! Bão về dồn dập, ngay cả giữa một mùa thu đang đẹp nức lòng. Và theo dự báo, bão và áp thấp nhiệt đới gây mưa giông trái mùa sẽ còn tiếp diễn tới tận những tháng đầu năm 2022!

Chính rừng cây là "màn chắn" bảo vệ chúng ta trước sự phẫn nộ của thiên nhiên như thế, bạn có thể nhìn vào những con số này để thấy sự khác biệt! Nếu nước mưa trực tiếp xối vào mặt đất thì mỗi năm một ha đất trồng hoa bị xói mòn 20 tấn, đất trồng cỏ bị xói mòn 1 tấn, trong khi đó đất trồng rừng chỉ bị xói mòn... 0,1 tấn! Rất đáng để suy nghĩ, phải không nào? Đó là bởi mặt đất trong rừng với nhiều cành và lá khô, giúp cản trở dòng xối thẳng cửa nước, khiến mạch ngầm chậm lại, mưa to nhưng không hình thành lũ lụt, bảo vệ ruộng đồng, nhà cửa, hoa màu của bà con! Ở những nơi gió cát, hạn hán, những hàng phi lao mọc lên cao vút không chỉ khiến cảnh quan đẹp như một bức tranh, mà còn giúp cải thiện đất đai nơi ấy.  

Nhìn lại 2021: Có ước mơ như mầm xanh, chưa trổ cành đã bị cuốn phăng theo dòng nước lũ... - Ảnh 4.

Và đừng nghĩ rằng, cây chỉ có lợi ích ở những vùng bão lũ, thiên tai. Giữa thành phố với các tòa nhà chọc trời đầy kính, vô vàn nhà máy, phương tiện thải ra khí độc, cây xanh còn có ý nghĩa gấp bội. Bạn có để ý, mỗi khi vào công viên, hay nơi nhiều cây xanh mát, tự dưng sẽ thấy thư thái, dễ thở lạ thường? Đúng vậy, ai cũng biết cây xanh có thể hấp thụ cacbonic độc hại! Nhưng bạn sẽ bất ngờ hơn khi biết rằng, trung bình 1ha cây tán lá rộng có thể hấp thụ được 1 tấn khí cacbonic/ngày và nhả ra 730kg khí oxy. Lượng khí cacbonic do một người thải ra trong 1 ngày sẽ được 10m2 cây xanh hút hết.

Cây xanh là "màn chắn" bền bỉ bảo vệ bạn, con cái bạn, chống gió, giữ nước, ngăn xói lở, chống ô nhiễm…, nhưng khả năng tự bảo vệ của chúng lại có hạn, có lẽ vì thế, cây đang dần mai một... Và nếu không sớm làm một điều gì đó, con người sẽ ngày càng trơ trọi trước bão giông!

Nhưng chúng ta có thể làm điều gì?  

Nhìn lại 2021: Có ước mơ như mầm xanh, chưa trổ cành đã bị cuốn phăng theo dòng nước lũ... - Ảnh 5.

Câu hỏi: "Làm thế nào?" vẫn cứ đau đáu, xoáy sâu bao lâu chưa dứt. Câu trả lời cho câu hỏi khó ấy - liệu chúng ta có thể là người đưa ra đáp án? Hãy tạm gác sang một bên những tin tức tiêu cực gần đây. Bạn đã bao giờ thực sự dành thời gian, tâm sức để suy nghĩ, tìm cách cải thiện câu chuyện về môi trường ấy, vì chính bản thân, gia đình và cả con cái mình?

Khi nói về "phát triển bền vững", rất nhiều người trong chúng ta vẫn đang nghĩ tới điều to tát, nhưng liệu có phải câu chuyện chỉ...vĩ mô và xa vời với mình như thế? Ai cũng biết là phải trồng cây, nhưng biết thôi thì chưa đủ mà còn phải thực sự trân trọng, và hành động nữa. Buồn thay là, rất nhiều người sống ở khu có rừng, lại mờ mắt trước giá trị vật chất hoặc phá rừng do không hiểu tác hại của việc mất đi "lá phổi xanh". Còn những người ở xa, như chúng ta, đôi khi lại nghĩ rằng mọi việc nằm ngoài tầm với, hay thấy hành động của mình không có nhiều ý nghĩa.

Chúng ta khó lòng đến tận khu rừng để chăm chút một cây xanh? Chúng ta cũng chưa chắc đã có cơ hội về địa phương để thăm hỏi người dân vùng thiên tai? Nhưng chúng ta hoàn toàn có thể bắt đầu từ những hành động nhỏ và thiết thực để thay đổi hoàn cảnh hiện tại! Và chỉ khi mỗi người tự ý thức về việc trồng ít nhất 1 cây quanh mình, chúng ta mới có thể tạo đủ được lượng oxy cực lớn để "phủ xanh" hành tinh này.  

Nhìn lại 2021: Có ước mơ như mầm xanh, chưa trổ cành đã bị cuốn phăng theo dòng nước lũ... - Ảnh 6.

1 cây xanh ư? Bạn nghĩ con số này thật quá nhỏ bé, đơn độc?

Tôi cũng đã cực kỳ bất ngờ khi biết rằng, trung bình cứ 1 cây xanh (dù được trồng ở đâu) cũng có thể cung cấp đủ lượng oxy cho 4 người, hấp thụ CO2, amoniac, SO2, Nox, bụi bẩn, từ đó làm giảm các khí thải độc hại ra môi trường, giúp không khí trở nên trong lành hơn. Thậm chí, theo một số nghiên cứu, nếu bạn trồng khoảng 3 cây quanh 1 ngôi nhà, bạn còn có thể cắt giảm tới... 50% nhu cầu sử dụng điều hòa, mỗi cây xanh có thể làm dịu mát tới 10 căn phòng.

Vậy là, chỉ cần dành đôi giờ vun trồng một mầm cây ngay trong nhà bạn hôm nay, hãy tin rằng một ngày nào đó, bạn sẽ được đứng trước một rừng cây - "màn chắn xanh" chặn đứng bão lũ! Bạn có thể tự hào thầm nhủ: "Một trong những cây xanh của tôi, cũng đang hiên ngang đứng ở đây!", và rằng: "Ở đâu đó nơi miền Trung xa xôi, có những giấc mơ đã trở về, và trẻ con sẽ lại được nô đùa dưới những bóng mát thân thương…".

Thế thì còn chờ gì nữa, mà không dành ra một chút thời gian trong ngày để "lấm bẩn với đất", vì niềm tin rằng, nụ cười và giấc mơ sẽ lại "tươi xanh"?  

CÙNG CHUYÊN MỤC
XEM