Những năm gần đây, cả thế giới đang quay cuồng trong cuộc đua về trí tuệ nhân tạo. Tom Cruise cùng các đồng nghiệp của mình cũng không đứng ngoài xu thế đó khi chọn đây là chủ đề cho phần 7 của thương hiệu hành động tỷ đô Mission: Impossible (Nhiệm Vụ Bất Khả Thi). Lần này, anh tiếp tục vào vai chàng điệp viên tài hoa Ethan Hunt với ngoại hình đã già đi khá nhiều so với phần trước nhưng khát khao giải cứu thế giới vẫn chưa hề giảm nhiệt.
Trong thế giới của Mission: Impossible – Dead Reckoning Part One (Nhiệm vụ bất khả thi: Nghiệp báo – Phần 1), nhân loại tiếp tục rơi vào mối đe dọa khi một hệ thống trí tuệ nhân tạo được gọi là Thực Thể đã dần phát triển đến mức kinh ngạc, có nhận thức và muốn trở thành một thế lực lật đổ loài người. Hy vọng duy nhất để điều khiển hoặc tiêu diệt AI này là hai mảnh chìa khóa chứa một đoạn mã nguồn đang bị thất lạc.
Ethan Hunt và đội IMF được giao nhiệm vụ tìm lại chiếc chìa khóa cho chính phủ Mỹ. Các nguồn tin cho biết một người bạn cũ của anh là Ilsa Faust (Rebecca Ferguson) đang giữ một trong hai mảnh. Hunt lần theo dấu vết của Ilsa, Hunt phát hiện bí mật khủng khiếp đằng sau nhiệm vụ lần này. Tất cả các quốc gia đều muốn sở hữu Thực Thể, biến nó thành món vũ khí hủy diệt trong tay mình. Ngược lại, chính hệ thống AI này cũng chiêu mộ những thuộc hạ dưới trướng mình để nuôi khát vọng lật đổ loài người.
Bộ phim hay nhất của thương hiệu Mission: Impossible
Tom Cruise thường được khen là "gừng càng già càng cay". Là sao hạng A tại Hollywood, anh không chỉ giữ được chỗ đứng vững chắc tại kinh đô điện ảnh thế giới suốt 4 thập kỷ qua mà sự nghiệp còn ngày càng thăng tiến. Tương tự, thương hiệu hành động gắn liền với tên tuổi của nam diễn viên cũng có xu hướng chất lượng đi lên từng tập. Sau ba phần đầu không được đánh giá quá cao, Mission: Impossible nay đã trở thành một trong những bom tấn được trông đợi nhất đối với khán giả toàn cầu với điểm rating tăng liên tục đi lên.
Sau những buổi công chiếu đầu tiên, khán giả và giới phê bình đón nhận Mission: Impossible – Dead Reckoning Part One rất tích cực. Tác phẩm hiện đạt điểm tươi 99% trên Rotten Tomatoes trên tổng 148 bài đánh giá. Đây cũng là thành tích cao nhất của thương hiệu sau hơn 25 năm.
Một đặc điểm quen thuộc của Mission: Impossible là thường đổi đạo diễn sau các phần, dẫn đến những làn gió mới lạ cho mỗi tập phim. Tuy nhiên, sau Ghost Protocol (2011), Tom Cruise dường như đã tìm thấy người đồng đội đắc lực là đạo diễn Christopher McQuarrie. Ông trở thành người đầu tiên chỉ đạo hai dự án liên tiếp của thương hiệu là Rogue Nation và Fallout. Đồng thời, McQuarrie cũng sẽ đồng hành Tom Cruise trong hai phần có thể là cuối cùng của Nhiệm Vụ Bất Khả Thi.
Christopher McQuarrie được biết là một trong những biên kịch xuất sắc nhất trong thể loại hình sự - hành động tại Hollywood. Ông đứng sau thành công của nhiều bộ phim kinh được yêu thích như The Usual Suspects (1995), Jack Reacher (2012) hay Top Gun: Maverick (2022). Vì vậy, dễ hiểu khi Mission: Impossible – Dead Reckoning Part One sở hữu một kịch bản tương đối kín kẽ, mang đậm phong cách của thể loại phim điệp viên.
Đạo diễn đẩy Ethan Hunt vào một tình huống cực kỳ căng thẳng khi anh phải phản bội lại chính IMF vì không muốn tiếp tay giúp chính phủ sở hữu Thực Thể và biến nó thành thứ vũ khí tối thượng. Anh trở thành mục tiêu bị chính những người từng giúp đỡ mình truy đuổi. Đồng thời, chính Thực Thể này cũng đang xây dựng một đội quân riêng để bảo vệ phần cứng của mình. Trong thời đại công nghệ thông tin, mọi hành động của Ethan Hunt đều bị hệ thống trí tuệ nhân tạo này kiểm soát, nắm trong lòng bàn tay.
Suốt bộ phim, các tình tiết được móc nối rất tốt để khán giả dễ dàng nắm bắt được mạch truyện. Hồi đầu và hồi cuối mang đến nhiều nút thắt bất ngờ cho khán giả cùng hàng loạt phân đoạn hành động mãn nhãn. Trong khi đó, hồi giữa của phim phần nào khá dài dòng và xuất hiện một số tình tiết được giải quyết khá sơ sài, bất hợp lý. Tuy nhiên, về tổng thể, ekip thành công khi giữ được tiết tấu nhanh và hấp dẫn.
Hành động vẫn là đặc sản của Mission: Impossible
Như thường lệ, điểm hấp dẫn nhất của Mission: Impossible vẫn là những màn hành động độc đáo, giàu tính sáng tạo. Với ngân sách lên đến 290 triệu đồng, đây là dự án tầm cỡ bậc nhất của Tom Cruise. Nhờ đó, ekip đủ điều kiện để biến những ý tưởng điên rồ nhất của mình thành hiện thực.
Trong hồi đầu, Tom Cruise đã chiêu đãi người xem với hàng loạt màn cháy nổ, chiến đấu ấn tượng. Mở màn là cảnh con tàu ngầm khổng lồ bị Thực Thể chiếm quyền kiểm soát, kết cục là tất cả chìm đắm xuống đáy đại dương. Ngay sau đó, Ethan Hunt nhận nhiệm vụ đến vùng sa mạc để tìm kiếm người bạn Ilsa Faust - vốn đang bị hàng loạt thợ săn tiền truy sát để cướp lại mảnh chìa khóa.
Càng về cuối phim, các phân cảnh hành động càng được tăng mức độ đầu tư. Để giới thiệu nhân vật nữ chính mới - siêu trộm Grace (Hayley Atwell thủ vai), ekip đem đến một màn rượt đuổi cực kỳ mãn nhãn trên những con đường cổ kính của Venice. Phân đoạn hành động đáng chú ý thứ hai là màn hỗn chiến trên chuyến tàu hỏa huyền thoại Orient Express.
Thêm vào đó, việc Tom Cruise tự đóng phần lớn những cảnh quay mạo hiểm mà không cần đóng thế cũng giúp tác phẩm trở nên khác biệt so với những đối thủ khác trên thị trường. Các phân đoạn này được dàn dựng với tính chân thực cao, không sử dụng quá nhiều thủ thuật về kỹ xảo, dựng phim để trở nên mượt mà hơn. Dù không quá ấn tượng trong các phân đoạn phải diễn thoại hay bộc lộ cảm xúc, Tom Cruise luôn biết cách hớp hồn người xem với những pha hành động táo bạo của mình.
Chấm điểm: 4,5/5
Đối với những bom tấn thuần giải trí, khán giả khó có thể đòi hỏi thêm điều gì ở Mission: Impossible – Dead Reckoning Part One. Bộ phim hội tụ đầy đủ những yếu tố cần có ở một siêu phẩm hành động - điệp viên của Hollywood.