Nhà vua Ngoại hạng Anh đã "lừa đảo" tài chính như thế nào (phần 1): Khi thành công được dựng xây bằng sự dối trá
Bài viết được dịch lại từ báo Der Spiegel (Đức) - nguồn gốc của cuộc điều tra được tiến hành bởi Liên đoàn bóng đá châu Âu (UEFA). Ngày 15/2 vừa qua, UEFA ban hành án cấm tham dự Champions League 2 năm, buộc Man City nộp phạt 30 triệu euro vì tội lừa đảo, phá vỡ luật Công bằng tài chính.
Năm đó (mùa 2018-2019) mọi thứ diễn ra không êm đẹp đối với nửa xanh thành Manchester. Họ mở màn "chiến dịch vĩ đại”, hướng đến chức vô địch Champions League bằng trận đấu đáng quên trên sân nhà trước Lyon.
Man City không bán được vé khu vực ghế VIP. Ngay cả khu vực vé thường cũng không có quá nhiều CĐV. Khoảng trống trên khán đài ngày một lớn hơn khi đồng hồ điểm phút thứ 80. Đội bóng của Pep Guardiola hôm đó chơi tệ trước Lyon, để thua muối mặt 1-2 ngay trên thánh địa Etihad.
Màn phơi áo trên sân nhà khiến nhiều fan trung lập rất bất ngờ. Mới vài tháng trước thôi đoàn quân áo xanh thiết lập vô số kỷ lục tại Premier League, trở thành đội ghi nhiều bàn nhất, thu về nhiều điểm số nhất, giành nhiều trận thắng nhất,... Ấy thế mà tại sân chơi tầm cỡ châu lục, họ bất ngờ đánh mất chính mình.
Man City "toang" trước Lyon trong chiến dịch Champions League mùa giải 2018-19.
Man City cần một chức vô địch Champions League, như một vị vua cần ấn soái, để tuyên thệ quyền uy của mình ở châu Âu. Điều này ai cũng biết, ngay cả ông Guardiola cũng thể hiện khát khao cháy bỏng với chiếc cúp bạc bằng việc nhắc đi nhắc lại rằng các học trò của ông cần dồn sức cho mặt trận này.
Nếu thành công, vị chiến lược gia người Tây Ban Nha sẽ bỏ túi 2 triệu bảng tiền thưởng nóng từ chính các ông chủ giàu có.
Nhưng thật đáng tiếc, mối quan hệ giữa Man City và UEFA (BTC giải đấu Champions League) không được tốt cho lắm. Trong nhiều năm trời, mỗi khi bản nhạc hùng tráng của sân chơi này được cất lên tại Etihad, các Citizens (fan Man City) lại la ó, chửi rủa. Họ luôn mồm khẳng định Man City là “nạn nhân” của UEFA, bị đối xử không công bằng, như con ghẻ. Ví dụ họ đưa ra là khi Man City phải móc hầu bao nộp phạt cho UEFA vì vi phạm luật công bằng tài chính năm 2014 (phạt 60 triệu euro tiền mặt, giảm danh sách cầu thủ thi đấu Champions League từ 25 xuống 21).
Việc CĐV không kéo đến sân xem Man City đá với Lyon không phải vì chán đội, mà là vì "ghét" UEFA.
Họ đâu biết rằng nếu chiếu theo thông tin của Football Leaks, UEFA đã phạt Man City một cách rất khoan dung. Quyết định lỏng tay khiến chúng ta phải tự đặt câu hỏi, UEFA có biết họ bị Man City qua mặt bao nhiêu lần kể từ khi ngài Sheikh Mansour quyền lực mua lại đội bóng này năm 2008 không nhỉ?
Cái ngày Mansour đến với City, đội bóng này đang trải qua cơn bĩ cực khủng khiếp. Hơn 40 năm trời Citizens không biết như nào gọi là “cạnh tranh danh hiệu vô địch” huống chi chạm tay vào chiếc cúp bạc danh giá. City tồn tại dưới cái bóng của hàng xóm Manchester United từng ấy năm trời, bị lôi ra làm trò đùa. Ở Manchester có 2 đội bóng mạnh, 1 là MU, 2 là đội trẻ của MU.
Tuy nhiên hiện thực tàn nhẫn đó không còn kể từ khi Sheikh Mansour quyết định đổ tiền vào đội bóng. Nhiệm vụ của ông vô cùng đơn giản: Đốt càng nhiều tiền càng tốt, đốt cho đến khi Man City đủ lực để tự cạnh tranh, để xưng bá. Trong 2 năm đầu tiên, Man City tiêu 300 triệu euro để mua cầu thủ. Người ta bắt đầu nhìn Man City bằng một ánh mắt dè chừng hơn khi liên tiếp những ngôi sao cập bến Etihad.
Man City lột xác với Tevez, David Silva.
Lúc đó bỗng nảy sinh một vấn đề nan giải: Luật công bằng tài chính của UEFA (FFP). Luật này như đã giải thích, cấm các đội bóng chi nhiều hơn số tiền họ thu về. Trong viễn cảnh tồi tệ nhất, đội bóng vi phạm FFP sẽ bị cấm tham dự các giải đấu của UEFA, gồm cả Champions League.
Chủ tịch UEFA thời đó, ông Michel Platini nhấn mạnh: “Chúng tôi tuyệt đối không nương tay với bất kỳ đội bóng nào vi phạm”.
Nghe vậy, BLĐ Man City cảm thấy vô cùng bất an. Từ lúc đón chủ mới đến giờ họ được hướng đi theo còn đường trở thành số một bằng cách dùng tiền, rất nhiều tiền. Họ đã quá quen với nụ cười của sheikh giàu có đến từ Abu Dhabi, người sở hữu du thuyền có giá 500 triệu euro, 2 máy bay trực thăng riêng và 5 chiếc Bugatti Veyron phiên bản giới hạn, siêu nhanh, siêu sang trọng. Nụ cười mà có thể giải quyết được mọi vấn đề đó, nhiều khả năng họ sẽ không được nhìn thấy nữa nếu Man City bị cấm dự Champions League.
FFP được trình làng vào tháng 1/2010 và ban hành năm 2013. Đó cũng là thời điểm mọi kế hoạch, nỗ lực tiêu tiền của Man City đổ xuống sông xuống bể. Cách tránh phạm luật của UEFA đơn giản lắm. Man City chỉ cần không dùng tiền của các sheikh giàu có nữa, cắt giảm một số chi phí và tạm thời ngừng tham vọng trở thành bá chủ.
Nhưng không, nếu muốn trở thành số một, những điều luật vớ vẩn như thế rõ ràng không làm khó họ được. Họ sẽ không ngồi yên, đương nhiên rồi.
Mùa hè năm 2010, Man City tiêu 140 triệu euro để mua cầu thủ. 1 năm sau, họ có thêm 90 triệu để tiếp tục đưa về những anh tài xuất sắc nhất thế giới bóng đá. Trước khi Sheikh Mansour xuất hiện, những Martin Petrov, Rolando Bianchi hay Georgios Samaras đều thuộc hàng sao của City. Nhưng rồi họ đều phải khăn gói rời Etihad, nhường chỗ cho Sergio Aguero, Mario Balotelli và Carlos Tevez.
Năm 2012, tức 12 tháng trước khi FFP có hiệu lực, nhân viên kế toán của Man City thông báo rõ ràng trong một buổi họp nội bộ: “Nếu không có thêm khoản lợi nhuận, chúng ta sẽ vi phạm luật của UEFA”. Để tránh bị phạt, họ cần “giám sát một cách chặt chẽ hơn”.
Từ thời điểm đó, các thành viên trong BLĐ Man City mới bắt đầu công cuộc tìm kiếm đồng minh để tránh thảm họa sắp ập tới. CEO của Man City, ông Ferran Soriano báo lại với BLĐ rằng sẽ tham dự một buổi họp với Hiệp hội các đội bóng châu Âu (ECA) - nhóm những nhân vật đại diện cho các CLB lớn để trình bày quan điểm về những điều luật chung. Khá đen cho ông Soriano, mọi người góp mặt trong buổi họp hôm đó đều ủng hộ FFP. "Tất cả mọi người đang thúc đẩy, ủng hộ FFP theo cách có thể làm mất mặt bất kỳ hiệp hội công nghiệp nào”, Soriano lên tiếng với báo chí.
Vị CEO này cũng lấp lửng về một số nhân vật phản đối ngầm FFP, không dám trình bày quan điểm. Thế này thì khó quá. “Chúng tôi sẽ cố gắng phản đối lại FFP”, Soriano tuyên bố. “Chúng tôi sẽ làm mọi thứ có thể, chỉ ra điều luật đó là kẻ thù toàn cầu của bóng đá”.
Nói cho sang miệng vậy thôi nhưng bên trong, BLĐ Man City chỉ làm đúng 1 thứ trong phát biểu của ông Soriano, “làm mọi thứ có thể”. Họ bắt đầu nảy sinh ra những ý tưởng đầy sáng tạo để lách luật, bắt đầu bàn bạc một cách nghiêm túc phải làm như thế nào để tiếp tục con đường đã chọn. Kết quả là dự án “Longbow” ra đời.
Ferran Soriano, vị CEO đưa ra dự án "Longbow" giúp Man City lách luật FFP.
Giải thích cho cái tên “Longbow”, Trưởng ban cố vấn pháp lý của Man City, ông Simon Cliff, viết trong một email nội bộ: “Vũ khí người Anh dùng để đánh bại người Pháp tại Crecy và Agincourt". Một màn giải thích ngắn gọn và đủ ý của ông Simon Cliff, chỉ ra kẻ thù của Man City rõ ràng là ngài Michel Platini, chủ tịch UEFA (người Pháp).
Các thành viên trong BLĐ Man City chỉ cần hiểu đơn thuần “Longbow” là phương pháp để họ đối đầu với FFP trong tương lai gần. Dưới sự chỉ đạo của CEo Soriano, Man City thành lập “mô hình trung tâm” cho phép “dòng chi phí vận hành được chuyển đổi hoàn toàn hoặc một phần khỏi CLB”.
Giải thích một cách dễ hiểu hơn nữa là cách làm này cho phép Man City vẫn tiêu tiền như bình thường nhưng vẫn che mắt được UEFA. Họ thành lập một công ty con để “hứng” một phần chi phí cho những hoạt động kinh doanh.
Ví dụ, Man City sẽ chuyển tiền bản quyền hình ảnh cầu thủ tới một công ty bên ngoài, do chính họ lập ra. Bình thường các CLB sẽ phải trả tiền cho các cầu thủ để được sử dụng hình ảnh của họ trong các chiến dịch quảng cáo. Nhưng Man City thì không, họ kiếm bên thứ 3 mua lại quyền hình ảnh đó - một kế hoạch thiên tài.
Đột nhiên Man City cắt giảm được khoản phí marketing đáng kể. Không những thế, nếu có bên khác mua trên danh nghĩa (thực tế là chính họ), nửa xanh thành Manchester lại thu về khoản lợi nhuận kha khá để trình cho cơ quan điều tra của UEFA xem, khoảng 30 triệu euro. Công ty do Man City thành lập ra lấy tên Fordham Sports Management, được Giám đốc tài chính Jorge Chumillas đánh giá là “tài sản vô cùng giá trị” giúp Man City lách luật FFP.
Nhưng Man City cũng hiểu rằng mọi thứ không dễ dàng như thế nên phải đưa về 2 chuyên gia đầu tư, đó là ông Jonathan Rowland và bố, David Rowland để xây dựng một màn kịch dối trá, siêu rắc rối.
Jonathan Rowland được đánh giá là những người có quan hệ khăng khít trong Đảng Bảo thủ của nước Anh. Ông từng quyên góp hàng triệu bảng rồi được bầu làm thủ quỹ của Đảng này. Sau khi thoái lui, Jonathan trở thành đồng minh thân cận của hoàng tử vương quốc Abu Dhabi, không phải trả bất kỳ thuế thu nhập nào cho chính phủ trong hàng thập kỷ qua.
Jonathan Rowland và ông David Rowland cùng nhau tiếp quản những gì còn lại của Ngân hàng Kaupthing ở Iceland sau khi nó sụp đổ trong cuộc khủng hoảng tài chính. Kết quả là công ty Banque Havilland, và một danh sách các chi nhánh của nó đọc lên như một quyển hướng dẫn du lịch cho các nhà đầu tư đang tìm cách tránh các nghi vấn phiền toái và trốn thuế: Luxembourg, Liechtenstein, Bahamas, Thụy Sĩ.
Chủ sở hữu của Fordham, công ty đã mua bản quyền marketing của các cầu thủ Manchester City, được giấu kín. Nhưng thực chất đây chỉ là một công ty bù nhìn tại Anh do nhiều nhánh khác nhau đứng ra cai quản. Đương nhiên mọi nhánh đều đi đến Quỹ tín thác gia đình Rowland, tổ chức được Sheikh Mansour lựa chọn.
Tại sao lại phải bí mật như vậy nhỉ?
Rất may là câu hỏi này đã được trả lời bằng các báo cáo tuyệt mật của Man City được Football Leaks tiết lộ. Fordham hóa ra chỉ là một thành viên trong vòng tuần hoàn thanh toán khép kín.
Cụ thể, Công ty của Sheikh Mansour, hay Tập đoàn Abu Dhabi, đã chuyển tiền cho Rowlands để mua lại bản quyền marketing. Fordham đơn thuần là một phương tiện cho việc bơm tiền đường vòng từ Abu Dhabi.
Chính Jonathan Rowland đã xác nhận điều này. "Chúng ta cần biết rằng Abu Dhabi hoàn toàn đứng sau nó”, ông viết trong mail ngày 4/4/2013 rồi gửi cho Simon Pearce, một Giám đốc của Man City đóng vai cố vấn cho những ông chủ giàu có. Ông Pearce dường như muốn Jonathan cảm thấy thoải mái nên đưa ra đề nghị khá xông xênh: “Chi phí hoạt động liên tục sẽ do chúng tôi lo. Mỗi năm chúng tôi sẽ gửi 11 triệu euro”.
"Chúng tôi" trong trường hợp này là công ty cổ phần mà Sheikh Mansour đã sử dụng để mua Manchester City: Tập đoàn Abu Dhabi United (ADUG). “Tôi suy cho cùng lại trở thành Giám đốc của ADUG mất rồi”, Pearce nói đùa trong đoạn email gửi cho đồng nghiệp.
Mọi thứ cứ mông lung như một trò đùa. Giám đốc CLB lại được quyền kiểm soát chi tiêu cho công ty của ông chủ. Tiền xuất phát từ công ty của ông chủ sẽ đi khắp thế giới trước khi lại đổ hết vào ngân quỹ mua sắm của Man City.
Khi bị sờ gáy, cả David và Jonathan Rowland đều không bình luận về thỏa thuận gây dựng lên Fordham.
Trong năm đầu tiên FFP có hiệu lực, Phòng điều tra của UEFA đã kiểm tra các báo cáo tài chính của Man City. Khi xem qua các tài liệu được đệ trình, họ xác nhận Man City vi phạm FFP. Phía Man City tỏ ra phẫn nộ và đe dọa sẽ kiện UEFA, các kiểm toán viên và những người khác liên quan đến công cuộc điều tra. Cuối cùng, Man City bằng cách nào đó đã xoay sở thành công. Họ đạt thỏa thuận với Tổng thư ký UEFA, Gianni Infantino, người từ trước đến nay luôn hướng đến một mục tiêu chính: Bảo vệ Man City bằng mọi giá.
Ngài Infantino cũng được coi là "đồng minh" của Man City.
Các cuộc đàm phán giữa ông Infantino và City lại không đề cập đến Fordham. Trọng tâm là giá trị của các hợp đồng tài trợ và các công ty khác được thuê ngoài.
Một năm sau, các kiểm toán viên của PricewaterhouseCoopers (PwC) đột nhiên đứng ra nhận trách nhiệm xem xét kỹ hơn về Fordham thay cho UEFA. "Đây là một thỏa thuận rất tốt cho Manchester City," một nhà phân tích của PwC cho hay. Ông này cũng nói thêm rằng việc phân tích cách "Fordham tạo ra sự quay vòng như thế nào" là một nhiệm vụ rất khó khăn.
Phản hồi sau đó của luật sư Simon Cliff được Man City thuê là đỉnh cao của sự hoài nghi. Ông Cliff thừa nhận mình không biết gì cả vì “Fordham đâu có đưa cho Man City kế hoạch kinh doanh của họ”. Đồng nghiệp của ông Cliff cũng giải thích một cách đơn giản vụ việc như sau: “Man City làm việc với Fordham vì họ đưa ra mức giá hợp lý”. Trên thực tế, giá này là do chính Man City quyết định.
Đương nhiên sau khi bị hỏi, BLĐ Man City không hé môi nửa lời. Thay vào đó, họ tố ngược: “Chúng tôi rõ ràng đang nhận phải những điều tra làm ảnh hưởng đến hình ảnh của CLB”.
UEFA bị Man City qua mặt dễ dàng như vậy đấy.