Khi tôi bắt đầu sự nghiệp giảng dạy những trẻ em đặc biệt, hầu hết học sinh của tôi đều sống trong cảnh nghèo đói, bị lạm dụng hoặc bị khiếm khuyết trong khả năng học tập, khuyết tật về cảm xúc hoặc thể chất. Tôi muốn tìm cách giúp chúng thành công.
Là một nhà tâm lý học giáo dục, tôi đã học được một bài học rất quan trọng: Sự phát triển khỏe mạnh là thứ được tạo ra chứ không phải do sinh ra. Trẻ em cần tuổi thơ an toàn và được yêu thương, nhưng chúng cũng cần quyền tự chủ, năng lực và quyền tự quyết để phát triển.
Sau khi trải qua rất nhiều nghiên cứu về những đặc điểm có liên quan nhiều nhất đến việc tối ưu hóa khả năng phát triển của trẻ, tôi đã xác định được 7 kỹ năng mà trẻ em cần để tăng cường sự dẻo dai về tinh thần, khả năng phục hồi, năng lực xã hội, nhận thức bản thân và sức mạnh đạo đức - và chúng là những gì phân biệt những đứa trẻ thành công và tỏa sáng với những đứa trẻ bình thường khác.
1. Sự tự tin
Hầu hết các bậc cha mẹ đều đánh đồng lòng tự trọng với sự tự tin. Họ nói với con mình rằng "Con thật đặc biệt" hoặc "Con có thể là bất cứ thứ gì con muốn".
Nhưng có rất ít bằng chứng cho thấy việc nâng cao lòng tự trọng sẽ làm tăng thành công trong học tập hay hạnh phúc đích thực. Tuy nhiên, các nghiên cứu đã chỉ ra rằng những đứa trẻ coi điểm số của mình là do nỗ lực và điểm mạnh của bản thân sẽ thành công hơn những đứa trẻ tin rằng chúng không kiểm soát được kết quả học tập của mình.
Sự tự tin thực sự là kết quả của việc bạn làm tốt, đối mặt với những trở ngại, tạo ra giải pháp và tự mình khắc phục. Việc khắc phục hộ con các vấn đề hay thực hiện các nhiệm vụ thay chúng sẽ chỉ khiến chúng nghĩ: "Chúng không tin rằng mình có thể làm được".
Những đứa trẻ có lòng tự tin biết rằng chúng có thể thất bại nhưng cũng có thể phục hồi và đó là lý do tại sao chúng phải giải phóng bản thân khỏi sự do dự hay sự phụ thuộc vào cha mẹ.
2. Đồng cảm
Sức mạnh của cảm xúc này được chia làm ba loại: sự đồng cảm về tình cảm, khi chúng ta chia sẻ với cảm xúc của người khác và cảm nhận được cảm xúc của họ; sự đồng cảm trong hành vi, khi mối quan tâm thấu cảm thúc đẩy chúng ta hành động với lòng trắc ẩn; và sự đồng cảm về nhận thức, khi chúng ta hiểu suy nghĩ của người khác hoặc biết đứng từ góc độ của họ để nhìn nhận vấn đề.
Trẻ em cần một vốn từ vựng về cảm xúc để phát triển sự đồng cảm. Dưới đây là những cách cha mẹ có thể dạy con điều đó:
Gắn nhãn cảm xúc: gọi tên cảm xúc theo ngữ cảnh một cách có chủ ý để giúp con xây dựng vốn từ vựng về cảm xúc: "Con đang hạnh phúc!" "Con trông có vẻ buồn bực."
Đặt câu hỏi: "Con cảm thấy thế nào về những gì vừa xảy ra?" "Trông con có vẻ sợ hãi. Ba/mẹ nói đúng chứ?" Hãy giúp con bạn nhận ra rằng mọi cảm giác mà con có đều là bình thường. Cách chúng ta chọn để thể hiện chúng là điều có thể khiến chúng ta gặp rắc rối.
Chia sẻ cảm xúc: Trẻ em cần có cơ hội để bày tỏ cảm xúc của mình một cách an toàn. Tạo không gian đó bằng cách chia sẻ cảm xúc của chính bạn: "Vì không ngủ nhiều nên mẹ có chút cáu kỉnh". "Mẹ cảm thấy hơi thất vọng với cuốn sách này."
Để ý tới người khác: Chỉ ra khuôn mặt và ngôn ngữ cơ thể của mọi người tại thư viện hoặc công viên: "Con nghĩ chú đó cảm thấy thế nào?" "Con đã bao giờ cảm thấy như thế này chưa?"
3. Tự chủ
Khả năng kiểm soát sự chú ý, cảm xúc, suy nghĩ, hành động và mong muốn là một trong những điểm mạnh có tương quan cao nhất đối với sự thành công - và là một bí mật đáng ngạc nhiên chưa được khai thác để giúp trẻ hồi phục và phát triển.
Một cách để dạy trẻ tính tự chủ là đưa ra các tín hiệu. Một số trẻ gặp khó khăn trong việc thay đổi sự tập trung giữa các hoạt động. Đó là lý do tại sao giáo viên sử dụng "tín hiệu chú ý", chẳng hạn như rung chuông hoặc các tín hiệu bằng lời nói: "Bỏ bút chì xuống, nhìn lên bảng nào!"
Phát triển một tín hiệu, thực hành cùng nhau và sau đó chờ đợi sự chú ý! "Mẹ cần sự chú ý của con trong một phút nữa", "Con sẵn sàng để nghe mẹ chưa?"
Một kỹ thuật khác là sử dụng các khoảng dừng căng thẳng. Chậm lại để cho chúng thời gian để suy nghĩ. Dạy con một "lời nhắc tạm dừng" để nhắc chúng dừng lại và suy nghĩ trước khi hành động:
"Nếu con đang tức giận, hãy đếm đến 10 trước khi con trả lời."
"Khi con không chắc chắn về điều gì đó: Dừng lại, suy nghĩ, và hãy bình tĩnh."
4. Chính trực
Chính trực là một tập hợp các niềm tin, năng lực, thái độ và kỹ năng đã học được nhằm tạo ra một la bàn đạo đức mà trẻ em có thể sử dụng để giúp chúng biết - và làm - điều gì là đúng.
Đặt ra những kỳ vọng của chính chúng ta là một phần rất lớn, nhưng điều quan trọng không kém là cho chúng không gian để phát triển bản sắc đạo đức của riêng mình bên cạnh (hoặc tách biệt khỏi) những kì vọng của chúng ta.
Thừa nhận và khen ngợi hành vi đạo đức khi con bạn thể hiện nó để chúng nhận ra rằng bạn coi trọng hành vi đó, cũng là điều quan trọng. Khen ngợi, sau đó mô tả hành động để con bạn biết chúng đã làm gì để có được công nhận.
Sử dụng từ "bởi vì" làm cho lời khen ngợi của bạn cụ thể hơn: "Con cho mẹ thấy sự chính trực ở mình bởi vì con đã không tham gia vào việc lan truyền những tin đồn đó." "Con đã cho mẹ thấy sự chính trực vì đã giữ lời hứa đi cùng bạn của mình cho dù phải từ bỏ giấc ngủ ngon lành của mình."
5. Tính tò mò
Sự tò mò là sự công nhận, theo đuổi và mong muốn khám phá những sự kiện mới lạ, đầy thử thách và không chắc chắn.
Để giúp trẻ hình thành tính tò mò, tôi thích sử dụng đồ chơi, tiện ích và những trò chơi mang tính mở. Cung cấp cho chúng màu, sợi chỉ và que tính để chúng tự tạo ra các công trình của riêng mình. Hoặc đưa ra những chiếc kẹp giấy và thanh uốn lông siêu mềm và thử thách con bạn xem chúng có thể sử dụng chúng theo bao nhiêu cách mới lạ.
Một phương pháp khác là mô hình hóa tính ham học hỏi. Thay vì nói "Chắc không được đâu", hãy thử "Hãy xem điều gì sẽ xảy ra!" Thay vì đưa ra câu trả lời, hãy hỏi: "Con nghĩ gì?" "Làm sao con biết?" "Làm thế nào con biết điều đó?"
Cuối cùng, khi bạn đọc sách, xem phim hay chỉ đơn giản là đi ngang qua ai đó, hãy sử dụng câu hỏi gợi tính tò mò kiểu như "Không biết là…": "Không biết là cô ấy đang đi đâu nhỉ?". "Tại sao họ lại làm như vậy nhỉ?" "Không biết là điều gì sẽ xảy ra tiếp theo nhỉ?"
6. Sự kiên trì
Sự kiên trì giúp trẻ tiếp tục khi mọi thứ khác khiến chúng ta dễ dàng từ bỏ hơn.
Sai lầm có thể khiến trẻ chệch hướng trên con đường hướng tới mục tiêu. Vì vậy, đừng để con bạn nghiêm trọng hóa vấn đề của chúng. Thay vào đó, hãy giúp chúng khắc phục và xác định những vấp ngã của chúng.
Một số trẻ bỏ cuộc vì cảm thấy quá tải với "tất cả các vấn đề" hoặc "tất cả các bài tập của chúng". Việc chia nhỏ các nhiệm vụ thành các phần nhỏ hơn sẽ giúp những trẻ gặp khó khăn trong việc học được cách tập trung hoặc bắt đầu.
Ví dụ, bạn có thể dạy con gái mình "chia nhỏ" bằng cách che tất cả các bài toán của con bằng một tờ giấy, ngoại trừ hàng trên cùng. Hạ dần tờ giấy xuống hàng tiếp theo khi câu hỏi ở mỗi hàng được hoàn thành.
Những đứa trẻ lớn hơn có thể viết mỗi bài tập vào một tờ giấy nhớ, theo thứ tự độ khó và làm một việc tại một thời điểm. Hãy khuyến khích chúng làm điều khó nhất trước để chúng không bị căng thẳng về việc đó cả buổi tối. Sự tự tin và tính kiên trì sẽ được xây dựng khi trẻ hoàn thành các phần khó nhằn hoặc quan trọng hơn một mình.
7. Lạc quan
Những đứa trẻ lạc quan coi những thách thức và trở ngại là tạm thời và có thể vượt qua được, vì vậy chúng có nhiều khả năng thành công hơn.
Nhưng có một quan điểm hoàn toàn trái ngược: chủ nghĩa bi quan. Những đứa trẻ bi quan coi những thử thách là vĩnh viễn, giống như những khối xi măng không thể di chuyển, và vì vậy chúng có nhiều khả năng bỏ cuộc.
Việc dạy trẻ lạc quan bắt đầu từ chúng ta. Trẻ em coi lời nói của chúng ta như tiếng nói bên trong của chúng, vì vậy trong vài ngày tới, hãy điều chỉnh các thông điệp điển hình của bạn và đánh giá những triển vọng mà bạn cung cấp cho trẻ.
Trung bình, bạn sẽ nói mình là người bi quan hay lạc quan nhiều hơn? Bạn thường mô tả mọi thứ theo hướng tích cực hay tiêu cực; tốt hay xấu; qua lăng kính màu hồng hay màu xám? Bạn bè và gia đình của bạn có nói như vậy về bạn không?
Nếu bạn thấy mình đang nghiêng sang bên tiêu cực nhiều hơn, hãy nhớ rằng sự thay đổi bắt đầu bằng cách nhìn vào gương. Nếu bạn thấy bi quan, viết về những lý do tại sao trở nên lạc quan hơn lại hữu ích.
Thay đổi là một việc khó, nhưng điều quan trọng là bạn phải là tấm gương cho những gì bạn muốn con mình học hỏi.
Tác giả của bài viết là Michele Borba, một nhà tâm lý học giáo dục, chuyên gia nuôi dạy con cái và là tác giả của cuốn sách "Thrivers: The Surprising Reasons Why Some Kids Struggle and Others Shine" và cuốn "UnSelfie: Why Empathetic Kids Succeed in Our All-About Me World."