Người phụ nữ giấu hàng nghìn đứa trẻ trong vali, quan tài, đến khi bị bắt mới vỡ lẽ ra đó chính là hành động cứu mạng các em

Imacho | 10-07-2020 - 23:34 PM

(Tổ Quốc) - Trong suốt thời gian chiến tranh nổ ra, bà Irena đã cứu sống được hàng nghìn đứa trẻ, xứng đáng được tôn vinh là một nữ anh hùng.

Irena Sendler sinh ngày 15/2/1910 tại Warsaw, Ba Lan. Cha là người đã dạy cho bà nhiều bài học và lời dặn dò đi theo bà cả cuộc đời này là luôn giúp đỡ người gặp hoạn nạn. Khi bà Irena lên 7 tuổi, cha bà qua đời sau cơn sốt bang đỏ nhưng nhờ những năm tháng đầu đời được ở cùng cha nên bà đã nhận được nhiều ảnh hưởng tích cực từ người đàn ông vĩ đại này.

Sau này khi trưởng thành, bà Irena nối nghiệp cha, người từng là bác sĩ, để làm y tá trước khi trở thành nhân viên xã hội làm việc tại Cục phúc lợi xã hội Warsaw, nơi cung cấp thức ăn và quần áo cho những gia đình có hoàn cảnh khó khăn. Thời điểm đó, phong trào của người Do Thái diễn ra khắp nơi trên châu Âu.

Trong thời gian Thế chiến II diễn ra, Đức Quốc Xã đã thành lập một trại tập trung để giam giữ người Do Thái, có khi số lượng lên đến 400 nghìn người. Cuộc sống tại đây được miêu tả là chật chội, đói khát, không ổn định và đầy bệnh tật.

Irena cũng nhận biết được điều này nên quyết định tham gia giúp đỡ. Thế là bà gia nhập Zegota, một tổ chức kháng chiến ngầm ở Ba Lan do Đức chiếm đóng được lập ra để cứu giúp người Do Thái. Irena nhận ra rằng bà cần phải làm điều gì đó để giúp đỡ những con người đang gặp nạn, dù điều đó có nghĩa là tính mạng của bà có thể sẽ bị đe dọa.

Nghĩ là làm, cùng với sự trợ giúp của các đồng nghiệp, Irena bắt đầu giúp những đứa trẻ người Do Thái trốn thoát khỏi khu vực giam giữ một cách bí mật. Irena đã tìm đến nhà của rất nhiều gia đình Do Thái nhưng các bà mẹ nơi đây không đồng ý giao con của mình cho người lạ, dù Irena nói rõ ý định tốt đẹp của mình cũng như kế hoạch giúp những đứa trẻ được tự do. Thế nhưng, những bà mẹ này cũng thừa biết, ở lại đồng nghĩa với việc sẽ chết hoặc bị trục xuất đến các trại tập trung khác.

Người phụ nữ giấu hàng nghìn đứa trẻ trong vali,  quan tài, đến khi bị bắt mới vỡ lẽ ra đó chính là hành động cứu mạng các em - Ảnh 2.

Người phụ nữ giấu hàng nghìn đứa trẻ trong vali,  quan tài, đến khi bị bắt mới vỡ lẽ ra đó chính là hành động cứu mạng các em - Ảnh 3.

Vì sự giám sát gắt gao của Đức Quốc Xã, Irena buộc phải nghĩ ra một cách đặc biệt để giấu những đứa trẻ và đưa chúng ra ngoài, đó chính là giả vờ chẩn đoán những đứa trẻ mắc bệnh hiểm nghèo rồi đưa chúng đến bệnh viện. Rồi khi Đức Quốc Xã siết chặt an ninh ở khu vực này, Irena không còn cách nào khác phải giấu bọn trẻ trong vali, túi rác và thậm chí là cho chúng vào nằm trong quan tài như thể chúng đã chết để di chuyển từ trong trại giam giữ ra bên ngoài.

Một trong những đứa trẻ được Irena cứu sống có tên là Eluzina. Irena đã giấu bé gái 5 tháng tuổi này trong một chiếc hộp gỗ vốn được cho là chứa gạch. Thời điểm được đưa ra bên ngoài, Eluzina không mang theo bất cứ thứ gì ngoài chiếc thìa nhỏ bằng bạc mà mẹ đã nhét vào quần áo của em.

Người phụ nữ giấu hàng nghìn đứa trẻ trong vali,  quan tài, đến khi bị bắt mới vỡ lẽ ra đó chính là hành động cứu mạng các em - Ảnh 4.

Bằng cách này, Irena đã cứu được 2.500 đứa trẻ. Nữ y tá ghi lại danh tính của tất cả những đứa bé bà cứu được và nhét vào trong chiếc lon chôn tại khu vườn của nhà hàng xóm. Kế hoạch của Irena diễn ra vô cùng suôn sẻ cho đến một ngày nọ, quân đội của Đức Quốc Xã phát hiện việc làm của bà và tiến hành bắt giữ nữ y tá.

Irena được đưa đến nhà tù nơi bà bị hành hạ đến nỗi gãy cả hai tay. Bất chấp nỗi đau thân xác ấy, bà chưa từng khuất phục và từ chối tiết lộ bất kỳ thông tin nào liên quan đến những đứa trẻ và gia đình chúng.

Sau đó, Đức Quốc Xã quyết định tử hình Irena nhưng số phận của bà đến đây chưa kết thúc. Một vài phụ tá của Irena đã bỏ tiền mua chuộc một người lính canh gác nhà tù để giúp bà trốn thoát. Từ ngày hôm đó cho đến tận lúc chết đi, Irena buộc phải sống dưới một thân phận giả nhưng điều duy nhất không thay đổi là bà vẫn tiếp tục giúp đỡ mọi người.

"Sự căm thù của tôi đối với Đức Quốc Xã lớn hơn nhiều so với nỗi sợ của tôi. Bố tôi đã dạy tôi rằng nếu có nhìn thấy một người đang vùng vẫy dưới nước, tôi phải làm mọi cách để cứu người đó dù bản thân tôi có biết bơi hay không. Năm đó, Ba Lan đang ở thế đuối nước" - Irena nói trong một cuộc phỏng vấn với tờ báo Thụy Điển Sydsvenskan. 

Người phụ nữ giấu hàng nghìn đứa trẻ trong vali,  quan tài, đến khi bị bắt mới vỡ lẽ ra đó chính là hành động cứu mạng các em - Ảnh 5.

Sau khi chiến tranh kết thúc, Irena đã giao danh sách những đứa trẻ ấy mà bà cứu sống cho một tổ chức ứng cứu để giúp chúng tìm lại gia đình mình. 

Irena sau này lấy chồng và sinh ra 3 người con. Bà sống một cuộc đời hạnh phúc bởi vì biết bản thân mình đã làm nhiều điều đúng đắn.

"Lý do tôi cứu những đứa trẻ ấy đơn giản là bởi vì cách tôi được nuôi nấng. Tôi được bố dạy rằng một người đang đuối nước cần phải được cứu bất kể họ là ai, đến từ đâu" - Irena chia sẻ.

Irena qua đời ở tuổi 98. Năm 1964, bà nhận được danh hiệu danh dự của Israel và thậm chí bà còn được đề cử giải Nobel Hòa Bình vào năm 1997. Dù không giành được giải thưởng này nhưng những đóng góp của bà giúp cứu sống hàng nghìn tính mạng đã biến bà trở thành một nữ anh hùng thực thụ.

Người phụ nữ giấu hàng nghìn đứa trẻ trong vali,  quan tài, đến khi bị bắt mới vỡ lẽ ra đó chính là hành động cứu mạng các em - Ảnh 6.

(Nguồn: Newsner)

CÙNG CHUYÊN MỤC
XEM