Bác sĩ Trương Dương Tiển, Trưởng khoa Hồi sức cấp cứu, Trung tâm Ung bướu, Bệnh viện (BV) Chợ Rẫy (TP.HCM) cho biết, gần đây khoa đã tiếp nhận nhiều trường hợp bị tiểu đường biến chứng nặng, toan chuyển hoá lactic hôn mê nguy kịch.
Trường hợp đầu tiên là của ông Đ.H.L. (65 tuổi, ngụ Đồng Tháp). Nhiều năm nay ông bị đái tháo đường type 2, sức khoẻ suy kiệt và phải kiêng khem rất mệt mỏi.
Gần đây nghe lời hàng xóm quảng cáo, vợ ông sang An Giang tìm bằng được loại thuốc gia truyền với lời đồn thổi uống vào bệnh tiểu đường nặng cỡ nào cũng dứt, dù người sáng chế thuốc... đã mất.
Thời gian đầu uống thuốc, ông L. cảm thấy rất hài lòng vì đường trong máu giảm rõ rệt, ông ăn uống rất thoải mái.
Tuy nhiên theo thời gian, sức khỏe bệnh nhân dần đi xuống. Cách đây ít ngày khi vừa uống thuốc xong, bệnh nhân bất ngờ hôn mê.
Tại BV địa phương, bệnh nhân được sơ cứu rồi chuyển lên tuyến trên vì bệnh tình quá nặng.
Sau khi thăm khám, các bác sĩ tại BV Chợ Rẫy xác định ông L. bị nhiễm toan lactic nặng, tổn thương đa cơ quan, suy hô hấp, hoại tử đen, da nổi bông...
Sau thời gian điều trị, hiện bệnh nhân đã qua cơn nguy kịch nhưng vẫn còn phải hỗ trợ hô hấp bằng máy thở.
Trường hợp thứ hai là của ông N.A.T. (56 tuổi, quê Long An), cũng bị tiểu đường kéo dài. Nghe lời giới thiệu từ bạn bè khi có "người nhà uống rất tốt", ông nhờ gia đình từ quê chạy xuống tận Bến Tre để lấy về loại thuốc đông y với giá 260 ngàn đồng/gói.
Ngày xảy ra sự việc, sau khi uống thuốc ông T. bất ngờ nôn ói và đường huyết hạ xuống thấp kèm tiêu chảy. Gia đình tá hỏa đưa đi cấp cứu thì mới biết ông bị toan chuyển hóa nặng, nghi ngờ hoạt chất phenformin trong thuốc trị tiểu đường gây biến chứng.
Theo bác sĩ Tiển, các thuốc trị tiểu đường dưới mác viên "tiểu đường hoàn", thuốc đông y mà người dân mua thường được các thầy lang bào chế dưới dạng viên các viên nhỏ nhiều màu sắc.
Nhiều người đã lợi dụng trộn thêm thuốc tây vào để bán, mà trong đó có chứa phenformin và metformin.
Phenformin được thế giới đưa vào sử dụng vào những thập niên 50 của thế kỷ 20.
Đến năm 1963, người ta phát hiện loại thuốc này có khả năng gây biến chứng nhiễm toan chuyển hóa nặng rất cao. Do đó đến thập niên 80, thuốc bị cấm trên toàn cầu.
Tuy nhiên thực tế tại Việt Nam loại thuốc này vẫn được bày bán tràn lan. Nếu sử dụng không kiểm soát, biến chứng nặng, thậm chí đe dọa tính mạng có thể xảy ra.
Với metfphormin dù được cho phép sử dụng nhưng cũng có khả năng gây nhiễm toan chuyển hóa (tỉ lệ thấp hơn phenformin). Do đó, khi sử dụng cần tuân thủ chặt chẽ theo chỉ định bác sĩ.
"Bệnh nhân thường gặp những biến chứng nặng như da nổi bông, giảm tưới máu da, co mạch, hoại tử đen, nhiễm toan máu. Tại khoa Hồi sức cấp cứu, từng có trường hợp bệnh nhân tử vong vì trị tiểu đường bằng thuốc trên..." - bác sĩ Tiển nói.
Bác sĩ khuyên mọi người đừng tự ý chữa tiểu đường bằng các loại thuốc trôi nổi mà phải đến BV để được can thiệp và xử lý đúng cách, kiểm soát được quá trình điều trị và ít xảy ra biến chứng.