Được xây dựng vào cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20, ngôi nhà số 42 phố Hàng Cân tính đến nay đã hơn 130 tuổi. Kiến trúc độc đáo của ngôi nhà nổi bật giữa khu phố cổ Hà Nội. Người xây dựng căn nhà này là cụ Trần Hữu Lập (người gốc Hà Nội), người sáng lập ra cửa hiệu Ích - An nổi tiếng một thời. Cụ chính là thân phụ của Giáo sư Trần Hữu Tước.
Ngôi nhà được thiết kế theo phong cách “nhà hộp diêm”, một lối thiết kế đặc trưng của nhà cổ Hà Nội vào cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20, tổng diện tích là 108 m2, bao gồm 2 tầng và 5 khu vực sinh hoạt. Với kiểu thiết kế này, gia chủ có thể dùng ngôi nhà vừa để kinh doanh vừa để sinh hoạt hằng ngày.
Tầng 1 được dùng vừa để kinh doanh, vừa làm phòng khách. Hiện tại, biển hiệu Ích-An vẫn được treo ở vị trí cao nhất gần cửa ra vào. còn nguyên tầng 2 dùng làm khu vực chức năng phục vụ cả gia đình. Đặc biệt, các công trình trên tầng 2 như sàn nhà, cột gỗ, cửa sổ, cửa ngoài, hệ thống cầu thang... được làm gần như hoàn toàn bằng gỗ lim.
Ngôi nhà số 42 phố Hàng Cân hiện được biết đến là cửa hàng duy nhất bán giấy dó uy tín còn sót lại ở Hà Nội. Được biết, bà Lê Thị Thanh Tân (con dâu cụ Trần Hữu Lập, chị dâu Giáo sư Trần Hữu Tước), sau khi chồng mất, vào năm 1992, bà bắt đầu kinh doanh mặt hàng giấy dó tại đây.
Tuy trước cửa hàng không hề đặt bảng tên, biển hiệu nhưng rất nhiều vị khách ở cả trong nước và ở nước ngoài cũng tới căn nhà này để mua giấy dó - loại giấy được dùng để viết thư pháp, viết gia phả, làm giấy điệp vẽ tranh (Đông Hồ) và cả sắc phong của vua chúa ngày xưa.
Bà Tân còn lưu giữ cả giấy dó phiên bản "vô cùng hiếm", là loại giấy dó sắc phong màu vàng, vẽ thủ công hoa văn rồng chìm thời Nguyễn bằng tay. Ngoài ra, loại giấy bải (giấy loại 2) cũng được làm từ cây dó, được nhiều nhà ưa chuộng và mua về để lọc cua nấu canh mà không lo rách, bục.
Kinh doanh giấy dó tại cửa hàng 42 Hàng Cân, bà Tân cho biết mong muốn lớn nhất của bà là giữ được lại một nét văn hóa truyền thống đẹp đẽ của Việt Nam tới thế hệ con cháu sau này. Bà chia sẻ với Lao động: “Ít ai có thể sống tới hàng trăm năm, nhưng những gì viết trên giấy Dó vẫn cất lên tiếng nói dù chúng có già hơn thế”.
Ảnh: Lao động, Dân trí.