Penalty là những quả đá phạt dễ ăn điểm nhất trong bóng đá. Ở cự ly 9,15m và 1 chọi 1 trực tiếp với thủ môn, Penalty là cơ hội ghi bàn cao nhất trong bóng đá. Cũng vì cơ hội dễ dàng đến vậy, người hâm mộ có xu hướng chỉ trích nặng nề mỗi khi cầu thủ của họ để lỡ mất cơ hội ghi bàn từ chấm phạt đền.
Tuy nhiên, trên thực tế, nếu không phải là một cầu thủ chuyên nghiệp, cơ hội ghi bàn trên chấm phạt đền cách khung thành hơn 9m là rất khó. Chúng chỉ "dễ" khi được thực hiện bởi các cầu thủ chuyên nghiệp.
Nhưng vì những quả penalty trông quá dễ dàng, chúng tạo ra một ảo tưởng cho cổ động viên, những người chưa từng có cơ hội được đứng ở chấm phạt đền để dứt điểm. Ảo tưởng này khiến họ có xu hướng chỉ trích cầu thủ nặng nề hơn.
Khi người bình thường thử sức đá penalty
Cũng như những quả Penalty, các kỹ thuật thi đấu trên võ đài chuyên nghiệp đôi khi mang vẻ ngoài rất đơn giản. Nhiều kỹ thuật đơn giản này lại tạo ra một ảo tưởng về chiều sâu nghiên cứu và tập luyện các kỹ thuật ấy.
Nghịch lý của võ thuật: Càng đơn giản, càng phức tạp
Vì sao trong võ thuật lại có chuyện ngược đời như vậy. Lý do rất đơn giản, võ thuật càng hiệu quả càng trông đơn giản. Nhưng cũng chính vì vẻ "đơn giản" này mà nhiều người lại tự tin nghĩ rằng họ có thể hiểu được ngọn ngành của vấn đề. Có một điều mà họ quên mất: Để đơn giản hóa một vấn đề phức tạp, đòi hỏi bạn phải có một cái đầu tường tận ngọn ngành về vấn đề đó.
Nghịch lý ngược đời này của võ thuật đến từ mục đích ra đời của các kỹ thuật thi đấu. Kỹ thuật càng hiệu quả trông nó sẽ càng đơn giản. Cho đến khi được đưa lên võ đài thì nó đã hoàn toàn lược bỏ hết toàn bộ các chi tiết thừa thãi.
Có một điểm khá tức cười như sau về những bạn tập và cả những HLV học đòi theo võ sĩ Floyd Mayweather. Thay vì họ cố gắng nghiên cứu cách kiểm soát cự ly, triết lý thi đấu, huấn luyện của đội ngũ nhà Floyd Mayweather, họ lại học theo vẻ ngoài của Mayweather.
Điều này dẫn đến việc có rất nhiều HLV học theo cách đánh pad work biểu diễn của chú cháu nhà Mayweather, hay cách đánh tay sau ngửa cổ của huyền thoại Boxing thế giới. Tất cả những thứ được thể hiện bên ngoài ấy đều là những điều không ảnh hưởng đến kỹ thuật của các siêu sao nữa, họ mới không sửa chúng để có thời gian mà đầu tư cho các kỹ thuật khác.
Boxing giống một môn khoa học, càng về sau, các kỹ thuật, chiến thuật càng được tối ưu và tối giản hóa đến tối đa. Nhưng để đạt được sự tối giản đó, Boxing đã trải qua quãng thời gian phát triển rất dài. Mỗi thời kỳ đều xuất hiện một con người đặc biệt đóng góp một chút vào sự thay đổi của Boxing cho đến hiện nay.
Cũng như toán học, cội nguồn của toán học chỉ là các phép toán cộng trừ nhân chia, nhưng để cộng ở đâu, trừ ở đâu, hay nhân chia ở đâu để có thể giải được tích phân lại là một chuyện rất khác. Việc ghi nhớ định lý Py-ta-go là rất dễ, nhưng để giải thích được vì sao tổng bình phương của cạnh huyền bằng tổng các bình phương của hai cạnh góc vuông lại là một vấn đề khác.
Võ thuật cũng vậy, vài ba đòn đánh, vài ba đòn thủ, nhưng đánh ở đâu, thủ trong trường hợp nào là đã quá đủ để tạo thành một mệnh đề phức tạp. Boxing đã phát triển hai nắm đấm thành một chuỗi các hệ phương trình với đa biến số và đa ẩn số. Chỉ khác là các kỹ thuật ấy đã được tối giản khi đưa lên võ đài.