Nghề PT và những góc khuất chưa từng được hé lộ: Bị khách hàng gạ gẫm; bị coi thường là nghề không cần học chỉ cần chân tay to

Bé Táo | 20-04-2020 - 08:18 AM

(Tổ Quốc) - Huấn luyện viên cá nhân (Personal Traning - PT) không còn là công việc xa lạ với nhiều bạn trẻ, nhưng những góc khuất trong nghề như bị cạnh tranh không lành mạnh, bị xã hội coi thường,… lại là điều ít ai biết đến.

Từ một bộ phận nhỏ tập hợp những người tự nguyện đứng ra chia sẻ kinh nghiệm, hướng dẫn tại các phòng tập thể hình, đến nay PT (Personal Training – huấn luyện viên cá nhân) đã trở thành một nghề được rất nhiều bạn trẻ theo đuổi, yêu cầu phải có kiến thức chuyên môn và được đào tạo một cách bài bản. 

Nguồn thu nhập ổn định, công việc không quá phức tạp và được sử dụng dịch vụ tập luyện miễn phí,… đó chính là những điều mà nhiều người đang nghĩ về nghề PT. Tuy nhiên, đằng sau những lợi ích mà ai ai cũng có thể nhìn thấy, công việc này cũng phải đối mặt với rất nhiều thử thách, thậm chí là sự nguy hiểm.

Lắng nghe chia sẻ từ những người hoạt động lâu năm trong lĩnh vực này, có thể nhận thấy đa số PT đều có xuất phát điểm là những người đam mê tập luyện, mong muốn cải thiện vóc dáng và sức khoẻ cho chính bản thân mình. Khi đạt được những thành quả nhất định và rút ra kinh nghiệm (cả đúng và sai) trong quá trình rèn luyện, họ mong muốn chia sẻ những điều đó cho tất cả mọi người, và trở thành PT chính là con đường ngắn nhất, dễ dàng nhất giúp họ thực hiện mong muốn đó.

Vũ Duy Anh đã có 7 năm tập luyện và hoạt động trong nghề PT. Cơ duyên đưa anh đến với nghề chính là từ đam mê cá nhân, và sự ngưỡng mộ đối với những người đàn anh trong nghề.

Vũ Duy Anh – một PT có 7 năm rèn luyện và hoạt động trong nghề cho biết: "Ngay từ ban đầu, mục đích của mình khi đến phòng tập chỉ là có được một thân hình khoẻ và đẹp. Sau đó, mình nhận thấy nhiều bạn bè xung quanh dù rất cố gắng rèn luyện nhưng không đạt được hiệu quả do không có phương pháp, mình sẵn sàng hỗ trợ họ và cảm thấy rất vui khi được làm điều đó. 4 năm tập luyện bộ môn Calisthenics và 3 năm tập Gym cộng với việc tự học và nghiên cứu thêm các tài liệu trên mạng cũng như trong sách vở đã giúp cho mình có thêm rất nhiều kiến thức. Từ đó, mình quyết định tham gia một khoá đào tạo chuyên nghiệp và chính thức gắn bó với nghề PT."

Cùng với đam mê cá nhân, nguồn cảm hứng cho các bạn trẻ quyết định lựa chọn công việc PT còn đến từ những "tiền bối" trong lĩnh vực này. Không ít người khi bước chân đến phòng tập, chỉ mong muốn bản thân mình có một sức khoẻ tốt, nhưng sự ngưỡng mộ dành cho những đàn anh từng chỉ dẫn họ tận tình và được tận mắt chứng kiến cơ thể mình hoàn thiện hơn mỗi ngày đã khiến họ quyết định dấn thân, trở thành một huấn luyện viên cá nhân chuyên nghiệp.

Chuyên môn nhiều khi không quan trọng bằng cách bạn … bán hàng!

Quyết định trở thành một PT, niềm vui và lợi ích chắc chắn sẽ đến, thậm chí là đến nhiều. Đó là chia sẻ của Nguyễn Quang Thắng, chàng trai có ước mơ trở thành huấn luyện viên cá nhân ngay từ khi còn ngồi trên giảng đường trung học.

"Công việc PT đã đem lại cho bản thân mình tất cả những gì mình mong muốn, đây vừa là đam mê, vừa là công việc mà xã hội cần bởi sức khoẻ và ngoại hình luôn là mối quan tâm của rất nhiều người. Nghề PT đã cho mình nguồn thu nhập ổn định, các mối quan hệ xã hội và đặc biệt là niềm vui khi được lắng nghe chia sẻ từ khách hàng, rằng cuộc sống của họ đã thay đổi như thế nào nhờ tập luyện, họ đã khỏe mạnh hơn, vui vẻ hơn, tự tin vượt qua những mặc cảm về ngoại hình. Đó là cảm giác hạnh phúc khi được thực hiện "chân mệnh" của cuộc đời mình.", Thắng cho biết.

Nghề PT và những góc khuất chưa từng được hé lộ: Bị khách hàng gạ gẫm; bị coi thường là nghề không cần học chỉ cần chân tay to - Ảnh 2.

Nguyễn Quang Thắng ngay từ những ngày học phổ thông đã mong muốn trở thành một PT, nhưng thực tế mà Thắng phải đối mặt lại không như những gì anh tưởng tượng: "chuyên môn nhiều khi không quan trọng bằng cách bạn … bán hàng!"

Nhưng chẳng có công việc nào là dễ dàng, để có được niềm vui đó, Thắng cũng như rất nhiều PT khác đều phải trải qua một thử thách đó là thuyết phục khách hàng đăng kí gói huấn luyện cá nhân. Thắng tâm sự: "Ban đầu thì mình nghĩ rất đơn giản, mình sẽ được phân công để giúp đỡ khách hàng, mình dạy họ thật tốt thì sẽ có thêm nhiều khách hàng nữa. Nhưng đến khi đi làm thực sự ở một phòng tập rồi, mình mới nhận ra một sự thật phũ phàng: ở đây, PT là công việc kiếm tiền, chuyên môn nhiều khi không quan trọng bằng cách bạn … bán hàng!

Những gì mình được phòng tập đào tạo là cách thuyết phục khách hàng mua gói PT, bắt chuyện thế nào, đánh vào tâm lý họ ra sao, chốt hợp đồng kiểu gì cho nhanh gọn. Giúp đỡ khách hàng là nhiệm vụ của PT, nhưng mang tiền về cho phòng tập mới là "sứ mệnh" cao cả nhất. Một PT chân chính phải là người biết kết hợp cả việc kinh doanh, bán gói tập, và việc mang lại giá trị thực sự cho khách hàng. Bên cạnh đó, trau dồi kiến thức chuyên môn, xây dựng hình ảnh cá nhân cũng là những kĩ năng của một PT, chứ không chỉ đơn giản là hướng dẫn khách hàng."

Khách hàng chủ động nhắn tin gạ gẫm, hẹn kèm cặp riêng tại nhà, bị PT khác bôi nhọ, nói xấu nhằm hạ thấp uy tín

Bất cứ ai bước chân vào nghề PT đều phải thực sự chuẩn bị cho mình một bản lĩnh vững vàng vì thử thách và cám dỗ là điều không thể tránh khỏi. Nhắc đến những khách hàng có suy nghĩ và hành động vượt quá giới hạn, PT Nguyễn Trung Kiên không ngần ngại chia sẻ: "Mình đã từng gặp phải rất nhiều trường hợp về vấn đề này, điển hình là có lần khách hàng gặp gỡ, hẹn mình đi cà phê và ngỏ lời huấn luyện riêng tại nhà cho họ, nhưng mình đều chủ động từ chối với lí do không đủ thời gian và bận việc ở phòng tập. Sau đó vị khách này đã chủ động nhắn tin, và yêu cầu những điều mà mình đã đoán được từ trước, nói thẳng ra là gạ gẫm! Nhưng mình đủ kinh nghiệm và khả năng để giải quyết những trường hợp này, không để mọi việc đi quá xa.

PT Nguyễn Trung Kiên cho biết đã từng bị khách hàng yêu cầu kèm cặp riêng tại nhà, thậm chí có đề nghị vượt quá giới hạn. Tuy nhiên, với khả năng của mình, anh đã khéo léo từ chối và không để mọi chuyện đi quá xa.

Người chọn nghề PT cũng phải đối mặt với vấn đề cạnh tranh không lành mạnh, đơn cử như các bạn không phải PT của phòng tập và đến phòng để chèo kéo/nói xấu PT với khách hàng. Vấn đề này thì dễ giải quyết hơn, mình đều chủ động thông báo với trung tâm những trường hợp này nhằm can thiệp sớm, tất nhiên với kiến thức và sự tận tình mà mình mang đến cho khách hàng, họ vẫn luôn luôn trung thành và tin tưởng ở mình mình, tránh được các tác động bên ngoài. Với mình, để bám trụ lâu với nghề và không bị sa vào những cám dỗ đó thì yêu cầu chính bản thân mỗi người PT phải có tiêu chuẩn đạo đức nghề nghiệp rõ ràng, có lập trường và chính kiến."

PT là nghề không cần học thức mà chỉ cần "chân tay to"?

Với đặc thù nghề nghiệp, các PT luôn sở hữu thân hình vạm vỡ, cường tráng, không chỉ để tạo hình ảnh, sự tin tưởng cho khách hàng mà còn liên quan đến quy trình tập luyện và giữ gìn sức khoẻ. Điều đó vô hình khiến cho rất nhiều người nghĩ rằng cứ lao đầu vào tâp, cứ tập thật nhiều, thật mạnh thì sẽ có thân hình đẹp, sẽ làm được PT mà chẳng cần tìm hiểu, học hành gì. Nhưng thực tế lại hoàn toàn ngược lại, các PT đều phải là người trải nghiệm, cả tự học và cả đào tạo bài bản, có kiến thức chuyên môn về sức khoẻ, về chế độ dinh dưỡng và là người trực tiếp tư vấn, xây dựng lộ trình tập luyện cho tiết cho khách hàng, việc học tập, trau dồi thậm chí diễn ra thường xuyên và đều đặn hơn nhiều công việc khác.

Từng trăn trở vì nghề PT bị coi là nghề không cần học thức, Thắng đã chứng minh bằng sự nghiệp và thành công của bản thân mình. Anh cũng thường xuyên chia sẻ về chế độ dinh dưỡng, các tips tập luyện trên mạng xã hội.

PT Nguyễn Quang Thắng chia sẻ: "Định kiến xã hội về nghề PT là một vấn đề khiến mình từng trăn trở, bởi hiện nay nó vẫn đang bị nhiều người coi là nghề "tay chân", không cần học thức mà chỉ cần "chân tay to" là được. Con người thì luôn như vậy, luôn dễ dàng phê phán, coi nhẹ những gì mình chưa hiểu rõ, đặc biệt là những con người từ thế hệ trước. Trước đây, không ít lần mình bị gia đình, họ hàng và những người xung quanh tỏ thái độ ngờ vực khi biết về định hướng sự nghiệp của mình. Họ cho rằng nó quá "không ổn định", "không đáng nể trọng".

Và mình hiểu rằng không có cách nào để thay đổi những suy nghĩ đó ngoại trừ việc chứng minh bằng thành quả của bản thân. Đến lúc tập luyện sai tư thế rồi chấn thương, họ mới biết kiến thức về cơ thể và tập luyện phức tạp như thế nào, mới biết PT cũng phải học giải phẫu, sinh lý,… Đến lúc họ thấy được sự nghiệp mà mình gây dựng nên, họ mới biết rằng chẳng có ngành nghề nào "thấp kém" cả, đơn giản là năng lực của từng cá nhân mà thôi."

Bất cứ ngành nghề và lĩnh vực nào cũng đều có những tiêu chuẩn và quy định riêng. Điều quan trọng là bạn có đủ đam mê để theo đuổi và đáp ứng được những yêu cầu của nghề hay không. Lời khuyên mà những PT mong muốn gửi đến những bạn trẻ, đang có ước mơ theo đuổi công việc này, chính là hãy học hỏi, hãy hành động bằng tất cả nhiệt huyết. Tập luyện chăm chỉ, tận tình hướng dẫn bạn bè, khách hàng, tập trung nghiên cứu kiến thức chuyên môn về cơ thể, sức khoẻ, dinh dưỡng và phát triển thương hiệu cá nhân thông qua mạng xã hội, chắc chắn nghề PT sẽ là một lựa chọn hấp dẫn và đúng đắn.

Nghề PT và những góc khuất chưa từng được hé lộ: Bị khách hàng gạ gẫm; bị coi thường là nghề không cần học chỉ cần chân tay to - Ảnh 5.

CÙNG CHUYÊN MỤC
XEM

Khám phá "Thế giới trang sức" lộng lẫy của Lộc Phúc tại triển lãm Jewelry Fair 2024

Sau 9 ngày diễn ra sôi nổi, Triển lãm Jewelry Fair 2024 với chủ đề "Tôn vinh phụ nữ - Tỏa sáng vẻ đẹp vượt thời gian" đã chính thức khép lại vào ngày 07/11/2024 tại Aeon Mall Tân Phú. Sự kiện do Lộc Phúc Fine Jewelry phối hợp cùng các đối tác uy tín tổ chức đã thực sự mang đến một không gian trang sức đầy màu sắc,