Giữa những ngày dịch COVID-19 bùng phát trở lại, bên cạnh những lo lắng về dịch bệnh, cuộc sống vẫn tiếp tục sinh sôi như quy luật vốn có của nó. Trong nhiều gia đình vẫn rộn rã tiếng ê a nói cười của trẻ thơ. Đó là những em bé lần đầu tiên được nuôi sống trong lịch sử sản khoa Việt Nam – những em bé được can thiệp y học từ khi còn là bào thai nằm trong bụng mẹ.
Đỉnh cao y học thế giới được thực hiện thành công tại Việt Nam
Trước đây, với thai nhi bất ổn, bác sĩ chỉ biết lắc đầu đứng nhìn em bé ra đi. Tuy nhiên, điều đáng buồn đó đã không còn tồn tại. Hiện nay, các bác sĩ sử dụng kỹ thuật Can thiệp bào thai (CTBT) là kỹ thuật đưa dụng cụ vào trong bụng thai phụ để can thiệp cứu sống em bé và sau đó đóng lại chờ thai tiếp tục phát triển đến lúc đủ tháng.
Trên thế giới em bé đầu tiên ra đời sau khi được cứu sống nhờ kỹ thuật can thiệp bào thai đã hơn 20 tuổi.
Sau rất nhiều nỗ lực, BV Phụ sản Hà Nội cũng đã triển khai thực hiện được kỹ thuật này và trở thành bệnh viện công đầu tiên thực thành công thực hiện kỹ thuật Can thiệp bào thai tại Việt Nam. Kỹ thuật này được thực hiện từ năm 2019. Hiện đã có gần 100 em bé được chào đời sau khi được cứu sống bằng kỹ thuật CTBT tại BV Phụ sản Hà Nội.
Hơn 20 bé được điều trị bằng phương pháp can thiệp bào thai được kiểm tra sức khỏe tổng quát tại BV Phụ sản Hà Nội 15/7/2020.
BS.CKI Nguyễn Thị Sim, Phó giám đốc Trung tâm Sàng lọc, chẩn đoán trước sinh và sơ sinh, BV Phụ sản Hà Nội là bác sĩ duy nhất được thành phố Hà Nội cử đi học tại BV Necker của Pháp Năm 2017, trong khuôn khổ hợp tác giữa Sở Y tế Hà Nội và Sở Y tế Paris. Nhớ lại những ngày đầu tiên thực hiện kỹ thuật CTBT, BS Sim vẫn còn giữ nguyên cảm xúc lo lắng hồi hộp. Đây là những ca mang tính chất lịch sử, quyết định việc can thiệp bào thai có đựơc tiếp tục triển khai thực hiện tại bệnh viện nữa hay không?
"Lần đầu tiên ấy, bệnh viện mời GS. Yves Ville về thực hiện. GS. Yves Ville cũng run khi thực hiện ca CTBT này bởi trước đó, giáo sư đã thực hiện 4 ca can thiệp bào thai tại một bệnh viện Phụ sản ở TP.HCM nhưng không thành công do công tác chuẩn bị về trang thiết bị chưa có sự đầu tư đồng bộ. GS. Yves Ville rất sợ lịch sử lặp lại" – BS Sim chia sẻ.
Tuy nhiên, do chuẩn bị rất bài bản từ nhân lực tới trang thiết bị: Phòng mổ để can thiệp bào thai của BV Phụ sản Hà Nội được xây dựng theo đúng tiêu chuẩn Châu Âu, các dụng cụ được đầu tư mới và hiện đại, kíp bác sĩ phẫu thuật được sang Pháp học kỹ thuật nên 2 ca đầu tiên can thiệp bào thai tại BV Phụ sản Hà Nội đều thành công.
Những em bé đầu tiên được cứu sống bằng kỹ thuật can thiệp bào thai đã hơn 1 tuổi
Trong những ngày giáp Tết Tân Sửu, gặp cặp sinh đôi nữ 13 tháng tuổi Nguyễn Tuệ Anh và Nguyễn Tú Anh, tôi đã không thể rời mắt bởi vẻ bụ bẫm, đáng yêu của 2 em bé. Cặp sinh đôi nữ đáng yêu này là, con của chị Vương Thị Linh (Hà Tây, Hà Nội).
Đây là một cặp trong những em bé đầu tiên được cứu sống bằng kỹ thuật can thiệp bào thai. Một cháu đã 10kg, và 1 cháu 9kg, đã biết ê a tập nói và đã biết đi vững. Các cháu nhanh nhẹn, nết ăn, ngủ rất ngoan. Với gia đình chị Linh, có được 2 con gái đáng yêu như bây giờ là một điều may mắn.
Cặp sinh đôi Nguyễn Tuệ Anh, Nguyễn Tú Anh, 2 trong những em bé đầu tiên được cứu sống bằng kỹ thuật can thiệp bào thai đã 13 tháng tuổi
Chị Linh vẫn nhớ như in quá trình mang thai đầy "kịch tính" của mình. 2 bé gái này là con thứ 2, thai tự nhiên, trước đó, chị đã có một bé trai 5 tuổi. Nhưng khi song thai tới tuần 18, chị Linh thấy chân phù, bụng căng tức. Các bác sĩ BV Phụ sản Hà Nội chẩn đoán, thai nhi bị truyền máu song thai. Khi đó, cân nặng 2 thai bằng nhau, mỗi em bé nặng 400 gam. Tuy nhiên một thai cạn ối còn 1 thai đa ối đứng trước nguy cơ có thể chỉ giữ được 1 thai nhi. Lúc ấy, chị Linh vô cùng hoang mang.
Nói về trường hợp của chị Linh, BS Sim cho biết, đây là một ca nhiều "cam go" nhưng điều tuyệt vời nhất là đã giữ được cả 2 thai. Ở tuần thai thứ 23, chị Linh được phẫu thuật can thiệp bào thai. Ca phẫu thuật diễn ra trong 1 giờ đồng hồ. Kíp phẫu thuật đã rất tỉ mỉ và vô cùng thận trọng để đóng hết các cầu nối truyền máu trên bánh rau, giúp 2 buồng ối cân bằng và 2 thai đều phát triển tốt trở lại.
Theo BS Sim, chữa bệnh cho thai nhi khác trẻ đã chào đời. Quá trình can thiệp đòi hỏi sự tinh tế. Với một camera siêu nhỏ đặt trong buồng ối, phải tránh để không xuyên những mũi kim vào em bé hay gây tổn thương các vùng như bánh rau, dây rốn. Quá trình dò từng mạch máu, cầu nối, tổn thương của thai như đi trong đám mây mù, phải từng bước cẩn trọng thì mới hiển thị được vùng cầu nối cần can thiệp trong khi phải đảm bảo không gây sang chấn.
Những em bé sinh ra nhờ Can thiệp bào thai
Hai bào thai của chị Linh có cuống rốn cách nhau chỉ 2cm. Phải đưa dụng cụ giải phẫu xuyên đúng vào mạch máu giữa hai cuống rốn đó, nếu lệch đường đi sẽ bị hỏng thai. Với điều kiện buồng ối rất khó quan sát, ống nội soi nhỏ xíu, cả kíp phẫu thuật gần như nín thở để rò mạch máu. "Có lúc chúng tôi vô vọng lắm, nhưng thật may mắn vẫn tìm được đúng đầu mối của dây rốn", BS Sim cho biết.
BS Sim cũng chính là người đỡ đẻ 2 thiên thần xinh xắn của chị Linh vào ngày 28/12/2019. Chị Linh chuyển dạ ở tuần thai thứ 34, sinh thường 2 bé Tú Anh và Tuệ Anh, mỗi bé nặng 1,7 và 1,8 kg.
Một gia đình nữa Tết năm nay cũng rộn rã tiếng nói cười của trẻ thơ là gia đình chị Nguyễn Thị Thanh (1993, Yên Phong, Bắc Ninh). Chị Thanh cũng là một trong những sản phụ đầu tiên được can thiệp bào thai tại BV Phụ sản Hà Nội. Con của chị Thanh là cháu Lê Đắc Gia Hưng (tên ở nhà là Tý) đã 10 tháng tuổi, một em bé nhanh nhẹn, bụ bẫm, nặng 9kg, đã biết vịn đứng tập đi.
BS Sim cùng mẹ con sản phụ Thanh (Bắc Ninh) can thiệp bào thai 2 lần do tiền sản giật.
Kể về những ngày chiến đấu để có được cháu Hưng, chị Thanh rất hồ hởi. Chị Thanh cho biết, ngày này năm ngoái, cũng dịp cuối năm Năm 2020, đúng ngày 20 tháng chạp âm lịch, chị Thanh và gia đình rất lo lắng bởi chị mang song thai tới tuần thứ 17, đi khám tại bệnh viện tại Bắc Ninh được chẩn đoán hội chứng truyền máu song thai giai đoạn 2. Đây là lần mang thai thứ 4 của chị. Trước đó chị Linh đã có 3 cháu khỏe mạnh. Ngay trong ngày 20 tháng chạp hôm ấy, chị Thanh về BV Phụ sản Hà Nội và được bác sĩ Sim thực hiện phẫu thuật.
Bs. Sim cho biết, khi tiếp nhận chị Thanh, hai thai nhi trong tình trạng một thai đa ối và một thai đã cạn ối. Bệnh nhân Linh phải trải qua 2 lần phẫu thuật một lần khi thai nhi 17 tuần và một lần khi thai nhi 22 tuần và giữ được một thai nhi. Tới tuần thứ 33, chị Thanh chuyển dạ, sinh thường tại BV Phụ sản Hà Nội vào ngày 19/4.
"Buồng ối không còn là nơi bất khả xâm phạm"
Câu chuyện kỳ diệu thứ 2 là câu chuyện vừa mới diễn ra trong những ngày giáp Tết Tân Sửu này. Đó là câu chuyện về bé Bơ vừa chào đời ngày 6/1/2021. Sự chào đời của bé Bơ thêm một minh chứng về việc "buồng ối không còn là nơi bất khả xâm phạm". Dù mới sinh được nửa tháng nhưng chị Yến không còn cảm thấy mệt nhọc, suốt cuộc nói chuyện với chị Yến, chị luôn rất hào hứng nói bé Bơ 2,2 kg kháu khỉnh. Em bé tự thở, sinh xong được về với mẹ, không phải chăm sóc đặc biệt.
Bé Bơ con của chị Yến vừa chào đời ngày 6/1/2021.
Với chị Yến, BS. Sim là người đã sinh ra bé Bơ một lần nữa. Chị Yến sống tại Thị trấn Cổ Phúc Chấn Yên (Yên Bái) đã có 1 con trai đầu và sau đó vô sinh nhiều năm. Bé Bơ là một trong hai bào thai sinh đôi sau khi chị Yến thụ tinh trong ống nghiệm nhưng một thai đã bị Sảy và tự teo. Trước khi mang thai bé Bơ, chị cũng thụ tinh ống nghiệm được thai đôi nhưng khi thai được 8 tuần thì bị sẩy thai.
Khi 23 tuần tuổi thai, siêu âm, bé Bơ được 600 gam và sau khi bị cạn ối, siêu âm lại còn 400 gam. "Qua hình siêu âm, em bé bị tử cung bóp chặt, đầu bé méo mó, thương lắm", chị Yến chia sẻ. Chị Yến đã tới những cơ sở y tế tuyến trung ương tại Hà Nội nhưng sau khi hội chẩn, các bác sĩ tại đây không tiếp nhận để truyền ối bởi thai nhi quá bé, ối đã cạn hết, nếu truyền ối mũi kim có thể chọc vào em bé; Nếu mổ lấy thai, thai nhi quá non, suy thai, không có khả năng nuôi sống.
Là người trực tiếp can thiệp bào thai cho bệnh nhân Yến, BS Sim cho biết, khi nhập viện, thai của chị Yến đã bị suy, tuần hoàn đảo ngược, nhịp tim thai rời rạc yếu ớt, nước ối cạn. Nhưng do chị Yến hiếm muộn nhiều năm nên chỉ cần một "cơ hội" để cứu thai nhi. BS Sim quyết định nhận truyền ối cho BN Yến. Tuy nhiên, BS cũng cảnh báo trước có thể không thành công do em bé quá yếu.
Ca truyền ối cho thai nhi của chị Yến là một ca rất "thót tim". Thai nhi đã cạn sạch nước ối, tử cung bó chặt khiến thai nhi trong tình trạng như bị "hút chân không", tưởng chừng như không còn 1mm nào để lách kim truyền ối. Tuy nhiên, bằng kinh nghiệm, chỗ nào còn vùng gấp khúc của cơ thể thai nhi như chân, tay thì vẫn còn vùng dây rốn nằm để lách kim tiêm. bơm nước ối. Những thao tác này không cho phép được sai sót. Nếu mũi kim chỉ cần đi sai hướng một 1mm, sẽ không thể giữ được em bé.
Điều kỳ diệu của ca truyền ối này là khi bơm vào được 500ml nước ối, tử cung của bệnh nhân Yến bắt đầu giãn nở, căng phồng như quả bóng, em bé được bồng bềnh, bơi lội trong tử cung. Được các bác sĩ cho xem lượng ối sau khi truyền, nhìn thấy em bé cử động trong bào thai, hai vợ chồng Yến rất mừng. Sau 1 ngày truyền ối, dây rốn trở về tuần hoàn tốt. Chị Yến chỉ phải truyền ối 1 lần và sau đó được theo dõi định kỳ. Tới tuần thứ 32, chị Yến cảm thấy rất thoải mái nên đã về quê Yên Bái và chuyển dạ sinh bé Bơ ở Yến Bái.
Theo PGS, TS Nguyễn Duy Ánh – Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Hà Nội, Y học bào thai mở ra cơ hội cứu sống và chữa bệnh cho nhiều thai nhi. Hiện nay chúng ta coi thai nhi như một bệnh nhân. Nếu phát hiện sớm các dị tật và bất thường của thai nhi, các nhân viên y tế có thể cứu chữa được các bệnh lý phức tạp, nguy hiểm với tỷ lệ thành công tới 90%, hạn chế các ca tử vong đáng tiếc, giúp trẻ sinh ra không còn bị dị tật, phát triển bình thường.
Thời gian tới, BV Phụ sản Hà Nội sẽ thực hiện các kỹ thuật CTBT khác đối với thai nhi mắc các bệnh lý như: thoát vị cơ hoành, ứ dịch màng phổi, ứ dịch thận, bệnh lý ở buồng tim và thoát vị não... Theo PGS.TS Ánh, việc chia sẻ những kỹ thuật mới mà bệnh viện tuyến trên đã thực hiện được để tuyến cơ sở biết, từ đó phối hợp với bệnh viện tuyến trên để điều trị cho bệnh nhân tốt nhất, vì vấn đề sàng lọc phải được phát hiện ngay từ tuyến cơ sở.
Ngoài kia, vẫn còn nhiều nỗi lo lắng nhưng bên trong những căn phòng của Trung tâm Sàng lọc, Chẩn đoán trước sinh và sơ sinh Bv Phụ sản Hà Nội, những người thầy thuốc vẫn miệt mài "xuyên từng mũi kim", "sửa chữa" tử cung cho các sản phụ để cứu sống từng mầm non sự sống, mang lại mùa xuân cho nhiều gia đình.