Đã gần 80 năm kể từ khi 2 quả bom hạt nhân 'Little Boy' và 'Fat Man' phát nổ ở hai thành phố Hiroshima và Nagasaki của Nhật Bản, khiến ít nhất 129.000 người tử vong và gây ra những ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe lâu dài.
Tính cho đến nay, việc Mỹ thả hai quả bom hạt nhân này xuống Nhật Bản năm 1945 là trường hợp vũ khí hạt nhân duy nhất được sử dụng cho chiến tranh.
Tara Drozdenko - Giám đốc Liên minh các nhà khoa học có quan tâm về Chương trình an ninh toàn cầu (UCSGSP) nói với Businessinsider rằng: "Vũ khí hạt nhân hiện đại mạnh gấp 20 đến 30 lần so với những quả bom ném xuống Hiroshima và Nagasaki".
Một minh họa về một quả bom hạt nhân phát nổ trong một thành phố. Ảnh: Shutterstock
Thực tế, theo Liên đoàn các nhà khoa học Mỹ (FAS), bất chấp những tiến bộ trong việc giảm kho vũ khí hạt nhân kể từ Chiến tranh Lạnh, kho vũ khí hạt nhân tổng hợp của thế giới vẫn ở mức rất cao: 9 quốc gia sở hữu khoảng 12.700 đầu đạn hạt nhân tính đến đầu năm 2022. Dữ liệu cập nhật ngày 23/2/2022.
Cũng theo Liên đoàn các nhà khoa học Mỹ, trong số 12.700 đầu đạn hạt nhân trên thế giới, hơn 9.400 đầu đạn đang nằm trong kho dự trữ quân sự để sử dụng cho tên lửa, máy bay, tàu chiến và tàu ngầm. Số đầu đạn còn lại tuy đã được nghỉ hưu nhưng còn tương đối nguyên vẹn và đang chờ tháo dỡ.
Trong số 9.440 đầu đạn hạt nhân có trong kho dự trữ của quân đội, khoảng 3.730 đầu đạn được triển khai cho các lực lượng tác chiến (trên tên lửa hoặc máy bay ném bom).
Liên đoàn các nhà khoa học Mỹ nhận định, số lượng vũ khí hạt nhân chính xác mà mỗi quốc gia sở hữu là bí mật quốc gia được giữ chặt chẽ, vì vậy các ước tính được trình bày ở đây là tương đối. Hầu hết các quốc gia trang bị vũ khí hạt nhân về cơ bản không cung cấp thông tin về quy mô của các kho dự trữ hạt nhân của họ.
ĐIỀU GÌ SẼ XẢY RA NẾU BOM HẠT NHÂN NỔ?
Đừng hoảng sợ - đây chỉ là giả thuyết!
Sau đây là những phát hiện thú vị mà ScienceAlert đăng tải dựa trên những nghiên cứu của AsapSCIENCE về giả thuyết của một vụ nổ bom hạt nhân.
Trước tiên, hãy nắm rõ vấn đề này - không có cách nào rõ ràng để ước tính tác động của một quả bom hạt nhân. Bởi vì nó phụ thuộc vào nhiều yếu tố, bao gồm thời tiết vào ngày nó được thả, thời gian trong ngày nó được kích nổ, bố cục địa lý của nơi nó tấn công và việc nó phát nổ trên mặt đất hay trên không.
Tuy nhiên, nói chung, có một số yếu tố có thể đoán trước được của một vụ nổ bom hạt nhân có thể ảnh hưởng đến khả năng sống sót/tử vong của một người.
Theo đó, khoảng 35% năng lượng của một vụ nổ hạt nhân được giải phóng dưới dạng bức xạ nhiệt. Vì bức xạ nhiệt truyền đi với tốc độ xấp xỉ tốc độ ánh sáng (Tốc độ ánh sáng truyền qua chân không chính xác là 299.792.458 mét trên giây, theo Space.com), nên điều đầu tiên đập vào mắt bạn là một tia sáng chói mắt và sức nóng khủng khiếp. Do đó, ít nhất điều đầu tiên bạn cần làm là nhắm ngay mắt lại và (nếu được) cố gắng tìm chỗ trú ẩn an toàn.
Bởi đây là 5 yếu tố đáng sợ có thể khiến 1 người tử vong/tổn thương vì bom hạt nhân:
(1) Bản thân ánh sáng từ vụ nổ bom hạt nhân cũng đủ để gây ra chứng mù lòa - một dạng mất thị lực thường tạm thời có thể kéo dài vài phút.
Lấy ví dụ trong trường hợp một quả bom nguyên tử phát nổ với sức công phá tương đương 1 megaton TNT - lớn gấp 80 lần quả bom 'Little Boy' được kích nổ ở Hiroshima, nhưng nhỏ hơn nhiều vũ khí hạt nhân hiện đại.
Đối với một quả bom có kích thước như vậy, những người ở cách xa 21 km sẽ bị mù tạm thời nếu thời điểm bom nổ là một ngày trời quang đãng; và những người ở cách xa 85 km cũng sẽ bị mù tạm thời nếu thời điểm bom nổ là vào một đêm trời quang, mây tạnh.
(2) Nhiệt là một vấn đề lớn đối với những người gần tâm vụ nổ. Bỏng cấp 1 có thể xảy ra với người ở cách xa tâm nổ từ 7-11 km; bỏng cấp độ 2 cách xa tới 6 km; và bỏng cấp độ 3 - loại gây phá hủy và phồng rộp mô da - có thể ảnh hưởng đến bất kỳ ai ở cách xa 5 km từ tâm nổ. Bỏng cấp độ 3 bao phủ hơn 24% cơ thể có khả năng gây tử vong nếu người đó không được chăm sóc y tế ngay lập tức.
(3) Màu quần áo: Tuy nhiên, mức độ tổn thương có thể thay đổi, bởi, nó không chỉ phụ thuộc vào thời tiết hay khoảng cách mà còn phụ thuộc vào những gì bạn đang mặc: Quần áo màu trắng có thể phản một phần năng lượng của một vụ nổ, trong khi quần áo tối màu sẽ hấp thụ nguồn năng lượng từ vụ nổ nhiều hơn.
Song, điều đó (màu quần áo) không có khả năng tạo ra nhiều khác biệt đối với những người không may ở gần trung tâm của vụ nổ.
Nhiệt độ gần nơi xảy ra vụ nổ bom 'Little Boy' ở Hiroshima (Nhật Bản) được ước tính là 300.000 độ C - nóng hơn khoảng 300 lần so với nhiệt độ bên trong lò hỏa táng. Bởi vậy, nhiệt độ nóng khủng khiếp này (300.000 độ C) có thể biến cơ thể người thành các nguyên tố cơ bản nhất, như carbon chẳng hạn.
(4) Đối với những thứ hơi xa tâm của vụ nổ, ngoài nhiệt còn có những tác động khác cần xem xét: Đó là áp suất. Sức mạnh của một vụ nổ hạt nhân cũng đẩy không khí ra khỏi nơi xảy ra vụ nổ, tạo ra những thay đổi đột ngột về áp suất không khí có thể nghiền nát các vật thể và đánh sập các tòa nhà.
Trong bán kính 6 km của quả bom 1 megaton, sóng nổ (blast wave) sẽ tạo ra lực 180 tấn lên các bức tường của tất cả các tòa nhà hai tầng và tốc độ gió là 255 km/giờ. Trong bán kính 1 km, áp suất gấp 4 lần lực đó và tốc độ gió có thể đạt đến 756 km/giờ!
Sóng nổ từ một vụ nổ bom hạt nhân có thể nghiền nát các vật thể và đánh sập các tòa nhà.
Về mặt kỹ thuật, con người có thể chịu được áp lực lớn như vậy, nhưng hầu hết mọi người sẽ thiệt mạng do các tòa nhà rơi xuống.
(5) Chất độc phóng xạ: Nếu bằng cách nào đó bạn sống sót sau tất cả những điều đó, vẫn còn chất độc phóng xạ cần phải xem xét - đó là bụi phóng xạ hạt nhân.
Các vụ nổ hạt nhân tạo ra các đám mây bụi và các hạt phóng xạ giống như cát phát tán vào khí quyển - được gọi là bụi phóng xạ hạt nhân. Tiếp xúc với bụi phóng xạ này có thể dẫn đến ngộ độc bức xạ, có thể làm hỏng các tế bào của cơ thể và gây tử vong.
Một nghiên cứu mô phỏng được công bố vào năm 2019 cho thấy một cuộc chiến tranh hạt nhân giữa Mỹ và Nga sẽ đẩy Trái Đất vào một 'mùa đông hạt nhân' trong vòng vài ngày, do mức độ khói và bồ hóng thải vào khí quyển khổng lồ.
Chưa hết, các hạt phóng xạ có thể di chuyển rất xa. Một nghiên cứu gần đây cho thấy tàn tích của carbon phóng xạ từ các vụ thử bom hạt nhân thời Chiến tranh Lạnh đã được tìm thấy ở tận rãnh Mariana, điểm sâu nhất của Trái Đất, nằm ở khu vực tây bắc Thái Bình Dương.
Cần phải nhắc lại một lần nữa, tất cả những điều này chỉ là giả thuyết - Bởi, thế giới đã có các hiệp ước quốc tế nhằm ngăn chặn việc phổ biến và sử dụng vũ khí hạt nhân, vì vậy những thông tin này đưa ra nhằm cung cấp những hiểu biết khoa học cho những người yêu thích khám phá.
Bài viết sử dụng nguồn: FAS, Science Alert, BI