Người Hà Nội thường nhắc về thời bao cấp như cách gợi nhớ lại quá khứ đầy gian khó, cái thời của tem phiếu, sổ gạo, với chiếc xe đạp "cà tàng", thời mà chỉ có thế hệ ông bà, cha mẹ đi qua, còn lớp trẻ thì chỉ được nghe qua lời kể.
Giữa nhịp sống hiện đại ngày nay, để tìm một hàng quán với phong vị xưa cũ ở Hà Nội không hề khó. Những không gian bao cấp được tái hiện giữa lòng Hà Nội là nơi để người ta tìm về miền ký ức, hoài niệm, là nơi cho những ai muốn được trải nghiệm cuộc sống những năm tháng gian khó đã qua của cha ông.
Căng tin 109
Nằm nép mình dưới chân một dãy nhà trong 1 khu tập thể, so với những quán cà phê mới nổi, hiện đại và trẻ trung thì Căng tin 109 mang vẻ đẹp lạ nhưng lại xưa cũ, với những món đồ mộc mạc, đơn sơ của những ngày rêu phong.
Với nền tường vàng đặc trưng của những khu tập thể cũ, biển hiệu chỉ là cái bảng gỗ, đề tên Căng tin một - linh - chín. Quán với không gian bé, nhưng được sống lại cái thời tờ 200 đồng, 500 đồng đã mua được hạnh phúc mà không phải đâu cũng có. Đến đây, bạn còn có thể tìm được những món ăn mì tôm trẻ em, ô mai hoa đào, hộp C trái tim,... khiến người ta không thể không nhớ về tuổi thơ.
Địa chỉ: ngõ 198 Xã Đàn, Q. Đống Đa
Giờ mở cửa: 08:00 – 22:30
Giá cả: 15.000 đồng - 40.000 đồng
Bao cấp Cafe
Nằm trong con ngõ nhỏ ở phố Giảng Võ, Bao Cấp Cafe gợi một cảm giác giản dị và cổ xưa. Quán cafe có diện tích khá hẹp trang trí theo tông màu vàng nhạt, bàn ghế gỗ nhỏ, đệm ghế được làm từ vỏ chăn con công, cánh cửa gỗ sờn màu, chiếc tivi huyền thoại,…
Đặt chân đến Bao cấp Cafe, tất nhiên những vị khách cũng sẽ được thưởng thức những món đồ uống quen thuộc một thời. Ngoài cà phê, thì còn có nước rau má và nước sắn dây., những món đồ uống mà bà và mẹ thường pha những ngày hè nóng của năm 80 và 90.
Địa chỉ: Số 1 ngõ 189 phố Giảng Võ, Đống Đa
Giờ mở cửa: 07:30 – 22:30
Giá cả: 25.000 đồng – 50.000 đồng
Zoom Bao Cấp
Từ ngoài cửa đi vào là không gian tái hiện lại phố phường Hà Nội xưa, với loa phường treo trên cột điện, với các con phố: Phố Hàng Bột, Phố Hàng Cháo, Phố Phát Lộc,… Những bức tường gạch vôi cũ lỗ chỗ cùng những câu nói hóm hỉnh… Tất cả đều được bài trí tỉ mỉ đến từng chi tiết để làm sống dậy những ký ức xưa cũ của một thời đã qua.
Địa chỉ: P110 C6 Vũ Ngọc Phan, Đống Đa
Giờ mở cửa: 07:00 – 22:30
Giá cả: 25.000 đồng – 55.000 đồng
Cửa hàng mậu dịch 46 An Dương
Cửa hàng Mậu Dịch 46 An Dương còn được gọi thân thương với cái tên Hợp tác xã ăn uống. Không gian ở đây rộng rãi, thoải mái, đối lập với sự chật hẹp quen thuộc của thời bao cấp, nhiều người còn ví nơi đây như “bảo tàng mini” về thời bao cấp giữa phố thị Hà thành hiện đại.
Đây là một nhà hàng phục vụ rất nhiều món, không riêng gì món Việt, nhưng vì lối thiết kế lấy cảm hứng từ thời bao cấp, nên nhiều người vẫn hay nhớ tới quán như một cửa hàng ăn uống thời mậu dịch. Ở đây, bạn cũng sẽ tìm thấy chiếc bóng đèn cổ treo lủng lẳng ở trần nhà, chiếc xe Simson, tem phiếu, cùng những dòng khẩu hiệu rất đặc biệt. Tất cả đồ vật trông có vẻ đơn giản, nhưng lại mang nhiều hoài niệm nhớ nhung cho người xem.
Địa chỉ: 46 An Dương, phường Yên Phụ, Tây Hồ
Giờ mở cửa: 07:00 – 21:30
Giá cả: 20.000 đồng – 120.000 đồng
Cửa hàng mậu dịch ăn uống số 37
Khác với cửa hàng số 46, hàng ăn uống mậu dịch số 37 thu hút thực khách bởi không gian đặc biệt ẩn giấu bên trong. Bước vào quán, bạn sẽ như được sống lại những năm tháng bao cấp của Hà Nội xưa, nơi đây tái hiện lại cả một “bầu trời” kỷ niệm với những tờ tem phiếu, sổ gạo, quạt tai voi, xe đạp Phượng Hoàng, cho đến chiếc tivi Nhật vỏ đỏ huyền thoại… Nhiều khách hàng tìm đến với quán không chỉ để được ăn cơm độn ngô, được xếp hàng theo tem phiếu mà còn đến để nhớ về một thời đã qua.
Không chỉ mong muốn đem lại hương vị của bữa cơm ngày xưa mà Cửa hàng ăn uống mậu dịch số 37 còn khơi gợi lại kí ức vào thời của ông bà, bố mẹ đã trải qua. Từng chiếc bát, chiếc đĩa sắt tráng men giống hệt như những đồ dùng trong thời bao cấp. Những chiếc bàn ăn của quán cũng được cải tạo từ bàn máy khâu cũ, mang đến cảm giác thích thú, mới mẻ cho khách.
Cửa hàng ăn uống mậu dịch số 37 cũng chính là hàng ăn gây ấn tượng đặc biệt với với truyền thông quốc tế. Vào khoảng cuối năm 2019, CNN đã có một bài viết về nhà hàng số 37.
Theo CNN: “Đây không phải là quán ăn bình thường. Nếu không có những bộ bàn ghế gỗ ngăn nắp, đống menu giấy nhàu nhĩ và mùi thơm nồng của mắm tỏi, bạn có thể suýt nhầm 37 Nam Tràng là một phòng trưng bày nghệ thuật hoặc bảo tàng. Hiện vật thời kỳ - những bức tranh cũ, cốc kim loại, mũ quân đội màu xanh lá cây ngụy trang. Có một chiếc radio cũ, một vài chiếc tivi cũ và một tủ trưng bày đựng những con tem dùng để mua khẩu phần thực phẩm.”
Ảnh: @Cửa hàng ăn uống mậu dịch số 37
Nơi đây đã trở thành địa chỉ được tìm kiếm với những người đã từng sống qua thời bao cấp, đông đảo giới trẻ và du khách nước ngoài. Hiện tại quán ăn này đã đổi địa điểm ra mặt đường số 158 Trấn Vũ với không gian rộng và thoáng hơn, tuy nhiên lối thiết kế cùng cách bài trí “ôm quá khứ”, hướng về thờ kỳ xưa vẫn được giữ vẹn nguyên.
Địa chỉ: Số 158 Trấn Vũ, phường Trúc Bạch, Ba Đình
Giờ mở cửa: 07:00 – 22:00
Giá cả: 50.000 đồng – 150.000 đồng