Ấy chính là dư vị của Nếp đục – thứ thức uống lên men truyền thống đặc biệt của người dân xứ Quảng.
Ngọt lành từ tay mẹ
Nhắc đến các sản vật xứ Quảng Nam, nhiều người nhớ ngay đến Mỳ Quảng, Cao Lầu, Bánh tráng… hay thức uống đã đi vào ca dao "Đất Quảng Nam chưa mưa đã thấm/ Rượu hồng đào chưa nhắm đã say".
Tuy nhiên vùng đất này còn có một thứ thức uống lên men thuần Việt, được truyền lại từ bao đời, với tên gọi dân dã: Nếp đục. Không ai nhớ Nếp đục ra đời từ khi nào, chỉ là trong trí nhớ của rất nhiều người xứ Quảng, từ đời cha ông họ, Nếp đục đã là một phần không thể thiếu trong những dịp đặc biệt.
Từ xa xưa, Nếp đục được làm hoàn toàn thủ công
Tại Quảng Nam, với nhiều thế hệ, Nếp đục quen thuộc tựa như dòng sữa ngọt ngào ấm nóng của mẹ, thuần chất được làm nên chỉ từ nếp cái hoa vàng và men thảo mộc.
Thứ men đặc biệt làm nên chất riêng chỉ vùng đất Quảng Nam mới có
Từ thời gian khó, những người phụ nữ trong gia đình luôn dành dụm phần nếp ngon nhất, hạt đều chằn chặn, mẩy tròn căng bóng, thơm nức, để cuối năm ủ chum nếp đục đặc biệt.
Thứ men dùng là các loại thảo dược được thu hái vào ngày Đoan Ngọ 5/5 hàng năm, nhằm đúng giờ chính Ngọ, khi dược tính lên cao nhất, sau đó được phơi, xay kỹ lưỡng và phối trộn theo bí quyết riêng của mỗi nhà. Chum ủ cũng phải là loại sành không tráng men thuần chất giúp khử các chất độc hại, góp phần làm nên chất, vị và hương thơm đặc biệt cho Nếp đục.
Chum ủ cũng phải là loại sành không tráng men thuần chất
Cách làm Nếp đục xứ Quảng, thoáng qua tưởng giống như cách làm rượu nếp quen thuộc ở nhiều miền quê trên khắp Việt Nam, nhưng lại không phải vậy. Nếp đục không đòi hỏi phải chưng cất, thêm nếm cầu kỳ nhưng để có được vị ngọt hoàn toàn tự nhiên, hương nếp nồng nàn , đủ vị chua ngọt, cay chát hài hòa mà vẫn giữ được nguồn men lành bổ dưỡng tốt cho sức khỏe thì đòi hỏi công phu và sự tinh tế riêng của người nấu.
Không phải người nấu nào cũng có thể "Nghe", "Hiểu", "Thấu", "Cảm" nỗi niềm riêng của từng chum như trong câu ca "Nếp đục ngâm ủ đến tầm / Căng tai nghe tiếng thì thầm của men".
Ủ Nếp đục đòi hỏi công phu và sự tinh tế của người nấu để "Nghe", "Hiểu", "Thấu", "Cảm" nỗi niềm riêng của từng chum
Với mỗi một chum Nếp đục được ngâm ủ công phu, kỹ càng như vậy, những người bà, người mẹ trong gia đình đã đặt bao tâm huyết đó như một cách thể hiện âm thầm mà mãnh liệt tình yêu cho chồng, cho con và cũng cho chính bản thân mình nữa.
Nếp đục vì chứa đựng nguồn men lành từ các thảo mộc quý, lại gần như không có nồng độ cồn nên từ xưa đến nay thường được dành để bồi bổ sức khỏe cho người yếu mệt…
Nếp đục đượm vị quê, gợi nhớ về quê hương nguồn cội
Nhấp một ngụm nếp đục mà hương nếp nồng nàn lan tỏa tưởng như đang giữa cánh đồng trong mùa gặt. Chút cay nhè nhẹ râm ran đầu lưỡi đi xuống cổ họng dẫn theo vị chua ngọt, chan chát, êm mà sâu tràn khoang miệng. Cơ thể chợt nóng lên và một cảm giác thân thuộc nhắc nhớ những điều xưa cũ tưởng chừng đã lãng quên vụt thức dậy mạnh mẽ.
Đó là cảm giác êm ái, no đủ, là sự thương nhớ, niềm hân hoan được làm người lớn khi cha cho nếm chút men thơm của thứ đồ uống chỉ dành cho dịp Tết của một thời nghèo khó.
Nếp đục là món quà được trao truyền qua bao thế hệ
Thức lại vị xưa trong nề nếp mỗi nhà
Anh Lê Nguyễn Quốc Việt – Người khôi phục lại Nếp đục truyền thống
Theo nhiều nghiên cứu văn hóa, Nếp đục được sinh ra từ những tinh hoa cổ xưa nhất, là một đại diện âm thầm của sự giao thoa lịch sử, văn hóa Đại Việt - Chăm pa qua bao thế kỷ.
Một trong những nơi còn giữ được cách làm nếp đục truyền thống, nguyên vẹn nhất là vùng đất Quế Sơn – Quảng Nam. Là một người con của quê hương Quế Sơn, nhận thấy giá trị đặc biệt của thức uống lên men này, anh Lê Nguyễn Quốc Việt, chủ thương hiệu Đà Tửu, là một trong những thương hiệu tiêu biểu nhiều năm của Đà Nẵng, một người giàu kinh nghiệm nghiên cứu về đồ uống thủ công truyền thống xứ Quảng Đà đã quyết định về quê, đầu tư cho bà con nơi đây sản xuất Nếp đục để có thể giới thiệu thức uống này ra thị trường.
Nếp đục giữ nguyên những giá trị truyền thống trong một diện mạo mới
Nếu như xưa kia, nếp đục là thứ đồ uống chỉ dành cho dịp tết, hay phụ nữ mới sinh gọi sữa về thì nay, nếp đục xuất hiện trong bữa cơm của người Việt cùng những tâm tình. Và cũng trở thành một món quà sức khỏe đậm vị truyền thống.
Khi quyết tâm khôi phục lại dòng thức uống này, anh Việt cũng muốn gửi gửi gắm, trao truyền một cách thưởng thức đồ uống từ xa xưa, uống đấy, mà như tâm tình đấy, như nhắc lại, như khơi lên những yêu thương trong mỗi nếp nhà. Hơn tất cả Nếp đục chính là đại diện của tình yêu thương giản dị mà đủ đầy được trao tặng và nhân lên không dứt qua nhiều thế hệ.
Nếp đục có mặt trong đời sống của những gia đình hiện đại
Giữa muôn vàn sự mỹ miều, hào nhoáng của những tên gọi thời đại, cái tên Nếp đục dân dã như là lời nhắc nhớ nguồn cội, tình quê, nghĩa nhà. Và cũng tên gọi này, anh Lê Nguyễn Quốc Việt cùng những người tâm huyết đầy tin tưởng Nếp đục sẽ trở thành một đại diện cho tinh hoa ẩm thực của người dân xứ Quảng.
Để mỗi khi nhắc tới Quảng Nam, bên cạnh những những di sản văn hóa đặc sắc, những sản vật đặc trưng, người ta sẽ nhớ, mảnh đất này còn có một Nếp đục Đà Tửu đượm tình như người dân xứ Quảng.
Một đại diện cho tinh hoa ẩm thực của người dân xứ Quảng.
Nếp Đục là thức uống có vị dễ đưa, dễ đắm, càng uống lại càng thấy thơm ngon vừa miệng, bởi thế, khi thưởng thức nếp Đục cần lưu ý uống có chừng mực để đảm bảo sức khỏe và đặc biệt không tham gia giao thông sau khi sử dụng rượu bia.