Hành tinh hệ đất đá là là các hành tinh có cấu trúc và các tính chất giống các hành tinh vòng trong của Hệ Mặt Trời (như Sao Kim, Trái Đất, Sao Hỏa): có bề mặt chắc cứng, khối lượng khá thấp, trọng lượng riêng cao, chứa nhiều sắt và các kim loại nặng. Sao Thổ, Sao Mộc, Sao Thiên Vương và Sao Hải Vương trong Hệ Mặt Trời thuộc về những hành tinh giống Sao Mộc, những hành tinh này chủ yếu được cấu tạo bởi các nguyên tố nhẹ như hydro và heli, có kích thước khổng lồ nên còn được gọi là hành tinh khí khổng lồ.
Nói một cách đơn giản, siêu Trái Đất hay siêu hành tinh giống Trái Đất là một hành tinh quay quanh một ngôi sao chủ, có khối lượng lớn hơn Trái Đất và có vật liệu cấu thành tương tự như Trái Đất. Siêu Trái Đất cũng sẽ có kiến tạo mảng tương tự như Trái Đất, và chúng có cấu trúc gần giống nhau: một lõi kim loại chủ yếu là sắt ở trung tâm, được bao quanh bởi đá.
Ngoài ra còn có những ngoại hành tinh có khối lượng nhỏ hơn Trái Đất, nhưng hầu như rất khó tìm thấy chúng với phương pháp quan sát của con người hiện nay, thay vào đó, ở thời điểm hiện tại chúng ta chỉ có thể tìm thấy những hành tinh lớn hơn so với hành tinh xanh của chúng ta.
Vào tháng 6 năm 2022, NASA đã công bố một khám phá mới, thông qua Chương trình Tìm kiếm Hành tinh Ngoài hành tinh, các nhà khoa học vũ trụ đã phát hiện ra hai siêu Trái Đất hoàn toàn mới.
Điều thú vị là hai siêu Trái Đất này chỉ cách Trái đất khoảng 33 năm ánh sáng! Đây là một trong những hệ hành tinh gần nhất từng được con người khám phá.
Còn đối với hành tinh gần nhất mà con người phát hiện ra, thì đó là Proxima b, được các nhà thiên văn học phát hiện vào năm 2016, chỉ cách Trái Đất khoảng 4 năm ánh sáng.
Vậy có khả năng sự sống ngoài hành tinh tồn tại trên hai siêu Trái Đất này? Liệu con người có thể nhập cư vào hai hành tinh này trong tương lai?
Cả hai siêu Trái đất đều quay quanh ngôi sao lùn đỏ HD 260655. Theo quan sát sơ bộ về hai hành tinh của các nhà khoa học, khối lượng của hành tinh HD 260655 b gấp đôi Trái Đất, thể tích gấp 1,2 lần Trái Đất, chu kỳ quay 2,8 ngày và nhiệt độ bề mặt là 435 độ C; khối lượng của hành tinh HD 260655 c gấp 3 lần hành tinh của chúng ta, thể tích của nó gấp 1,5 lần Trái Đất, chu kỳ quay vòng của nó là 5,7 ngày và nhiệt độ bề mặt của nó là 284 độ C.
Từ những dữ liệu này, có thể thấy rằng hai siêu Trái Đất rất gần với ngôi sao chủ HD 260655, và nhiệt độ bề mặt là hàng trăm độ C. Nếu ngôi sao này không phải là một ngôi sao lùn đỏ, năng lượng phát sáng và sưởi ấm của nó yếu hơn nhiều so với Mặt Trời của chúng ta, thì nhiệt độ bề mặt của hai siêu Trái Đất này chắc chắn cao hơn rất nhiều so với dữ liệu quan sát được hiện nay. Tất nhiên, sao lùn đỏ cũng có những ưu điểm nhất định khi so sánh với Mặt Trời của chúng ta, đó là chúng có tuổi thọ ổn định lâu dài và có thể tiếp tục cháy trong hàng nghìn tỷ năm.
Các sao lùn đỏ là những ngôi sao có khối lượng rất thấp chưa bằng 40% khối lượng Mặt Trời. Vì thế chúng có nhiệt độ lõi thấp và năng lượng được tạo ra ở tỷ lệ thấp bằng phản ứng tổng hợp hạt nhân của hydro thành heli qua cơ cấu dãy proton-proton (PP). Vì thế những ngôi sao đó phát ra lượng ánh sáng thấp, chỉ bằng 1/10.000 lượng ánh sáng Mặt Trời. Thậm chí những ngôi sao lùn đỏ lớn nhất cũng chỉ có độ sáng bằng 10% của Mặt Trời.
Nhiệt độ cao như vậy có nghĩa là sẽ không có nước lỏng trên bề mặt của hai siêu Trái Đất này. Trong nhận thức hiện có của con người, điều đó cũng có nghĩa là gần như không thể có sự sống ngoài Trái Đất tồn tại trên hai hành tinh này. Môi trường này khắc nghiệt gần như tương đương với Sao Kim trong Hệ Mặt Trời của chúng ta, do đó hiển nhiên hai siêu Trái Đất này không hề thích hợp để con người thực hiện những cuộc di cư giữa các vì sao trong tương lai.
Với khoảng cách 33 năm ánh sáng khi ở điểm gần nhất trên quy mô của toàn vũ trụ, đối với con người ngày nay, đó vẫn là một khoảng cách quá xa và gần như không thể tiếp cận đối với những chuyến bay có người lái và cả không người lái.
Tàu thăm dò xa nhất do con người phóng lên không gian là Voyager 1, có thể bay 17 km mỗi giây, nhưng nó mới chỉ bay được hơn 20 tỷ km trong nhiều thập kỷ. Bán kính của Hệ Mặt Trời là khoảng 1 năm ánh sáng, hay 9,46 nghìn tỷ km và quãng đường di chuyển của tàu thăm dò Voyager 1 chỉ bằng một phần nhỏ của 1 năm ánh sáng đó. Và theo những tính toán hiện tại, để tàu Voyager 1 thực sự có thể bay ra khỏi Hệ Mặt Trời, nó sẽ mất khoảng 17.000 năm.
Ngay cả khi con người có thể di chuyển với tốc độ ánh sáng, thì cũng phải mất 33 năm để đến được hai siêu Trái Đất này. Tuy nhiên, con người khó có thể vượt qua những giới hạn kỹ thuật trong một khoảng thời gian ngắn. Do đó, ngay cả khi hai siêu Trái Đất này thích hợp cho con người sinh sống và là một Vườn Địa Đàng khác bên cạnh Trái Đất, con người cũng khó có thể tìm ra cách tiếp cận chúng trong thời gian ngắn. Trên thực tế, Trái Đất vẫn sẽ phù hợp hơn cho sự sinh sống của con người trong một thời gian dài trong tương lai.
Tham khảo: Sina; Zhihu; Baijiaohao