Nàng Tiên Cá: "Thay da nhưng không đổi thịt" so với bản hoạt hình

Phan Đạt | 23-05-2023 - 15:46 PM

(Tổ Quốc) - Phần phim Nàng Tiên Cá do Halle Bailey đóng chính hoàn thành nhiệm vụ biến bản hoạt hình thành người đóng nhưng vẫn chưa tạo ra sự đột phá về chất lượng.

The Little Mermaid (tựa Việt: Nàng Tiên Cá) là dự án mới nhất thuộc kế hoạch chuyển thể các tác phẩm hoạt hình kinh điển sang dạng người đóng của hãng Disney. Kịch bản lấy cảm hứng từ câu chuyện cổ tích cùng tên của tác giả Hans Christian Andersen. Trước khi ra rạp, ekip từng gây tranh cãi khi chọn ngôi sao da màu Halle Bailey cho vai chính, khác biệt tạo hình da trắng, tóc đỏ như bản hoạt hình. Một số thành viên đội ngũ sản xuất phản pháo lại chỉ trích, cho rằng những ý kiến đó mang tính phân biệt chủng tộc.

Nàng Tiên Cá: Tôn trọng nguyên tác, sáng tạo hợp lý nhưng khó vượt bản hoạt hình - Ảnh 1.


Tôn trọng nguyên tác, sáng tạo hợp lý

So sánh về kịch bản, hai phiên bản phim của Disney không có nhiều khác biệt về nội dung. Các tình tiết chính trong mạch chuyện vẫn được giữ nguyên vẹn. Ekip thậm chí cố gắng tái hiện nhiều phân cảnh kinh điển của bản hoạt hình để chuyển thể thành người đóng. Hướng đi này phần nào giúp bộ phim giữ được những điểm tốt của phần cũ, khơi gợi nhiều hoài niệm cho khán giả.

Những tình tiết được thay đổi chỉ là ngoại hình, tính cách của một số nhân vật và cách họ giải quyết vấn đề khi gặp thử thách. Ariel của Halle Bailey vẫn là cô công chúa bướng bỉnh, hiếu kỳ và khao khát tìm hiểu về thế giới loài người mặc sự ngăn cấm của vua cha. Tuy nhiên, nhân vật được xây dựng có phần hiện đại, tự chủ và đôi khi có những cách giải quyết tình huống thông minh hơn bản hoạt hình. Hoàng tử Eric giữ nguyên tính cách hào hoa, thân thiện. Anh thích đi đây đó để tìm hiểu những nền văn hóa mới lạ nhưng bị mẹ căn ngăn cấm vì biển xanh nguy hiểm.

Nàng Tiên Cá: Tôn trọng nguyên tác, sáng tạo hợp lý nhưng khó vượt bản hoạt hình - Ảnh 2.

Nàng Tiên Cá: Tôn trọng nguyên tác, sáng tạo hợp lý nhưng khó vượt bản hoạt hình - Ảnh 3.

Ekip khéo léo cài cắm thêm những điều mới mẻ trong mối tình giữa Ariel và Eric, từ câu chuyện "yêu từ cái nhìn đầu tiên" trong bản hoạt hình trở thành hai con người đồng điệu về tâm hồn, cùng bị gia đình ngăn cấm thực hiện giấc mơ của bản thân. Họ có điểm chung là đều ngưỡng mộ nền văn hóa của nhau, không tin vào những lời đồn thất thiệt. Suy nghĩ đó dần nảy sinh sự ngưỡng mộ, thiện cảm, tình yêu và cuối cùng trở thành cây cầu nối đưa hai thế giới đến với nhau.

Yếu tố sắc tộc được ekip giải thích nhanh chóng và hợp lý từ đầu phim. Trong thế giới kỳ ảo của The Little Mermaid, Ariel là một trong những con gái đến từ bảy đại dương cùng thuộc quyền trị vì của vua Triton. Vương quốc dưới đáy biển cũng đa dạng hơn, với đủ những nhân vật mang nguồn gốc khác nhau. Đạo diễn Rob Marshall như biến bộ phim trở thành một phiên bản điện ảnh của series Bridgerton, kể về một thế giới giả tưởng gần như không có định nghĩa hay định kiến về màu da.

Âm nhạc cũng là điểm khác biệt của phần người đóng so với bản cũ. Ekip tăng thời lượng thêm gần 50 phút, dựng thêm nhiều phân đoạn cho các phần múa hát của các nhân vật. Bốn ca khúc mới được thêm vào phim, khiến phần âm nhạc đa dạng về thể loại hơn trước. Màn đọc rap của cô chim ó biển Scuttle và cua Sebastian là phân đoạn thú vị bậc nhất của Nàng Tiên Cá.

Chất lượng chưa vượt bản hoạt hình

Nhiều khán giả từng bày tỏ sự chán nản với những bộ phim remake dạng live-action của Disney. Nàng Tiên Cá có thể xem như một trong những dự án tốt nhất được nhà Chuột thực hiện trong mảng này. Về mặt nội dung, các tình tiết, nút thắt chính của Nàng Tiên Cá được lấy nguyên từ nguyên tác. Điều này khiến phim không tạo ra được nhiều điều bất ngờ với đối tượng khán giả cũ đã từng xem phần hoạt hình.

Nàng Tiên Cá: Tôn trọng nguyên tác, sáng tạo hợp lý nhưng khó vượt bản hoạt hình - Ảnh 4.

Diễn xuất của diễn viên luôn là vấn đề đau đầu với các ekip thực hiện live-action. Dàn sao trong phim cố gắng đưa những biểu cảm của các nhân vật hoạt hình lên màn ảnh. Tuy nhiên, cách thể hiện này tạo cảm giác rất kịch và không tự nhiên. Lời thoại cũng không được thay đổi nhiều, khiến nhiều phân đoạn khán giả cảm thấy giống như đang xem nhạc kịch hơn một bộ phim điện ảnh.

Tương tác giữa các diễn viên cũng chưa tạo ra được những "phản ứng hóa học" cần thiết. Halle Bailey là người có nhiều đất diễn nhất trong phim. Nữ diễn viên thể hiện tốt nhiệm vụ do đạo diễn và biên kịch giao phó. Tuy nhiên, cô gặp khó khăn để hòa hợp những nhân vật xung quanh như hoàng tử Eric, vua cha Triton.

Một yếu tố giúp các bộ phim hoạt hình của Disney thành công là những nhân vật động vật được nhân hóa với tính cách thú vị. Ở Nàng Tiên Cá, khán giả được gặp lại chú cua hài hước Sebastian, người bạn cá nhút nhát Flounder. Ó biển Scuttle được biến đổi giới tính thành nữ, nhí nhảnh và cũng "tưng tửng" hơn bản cũ.

Dù tính cách của dàn nhân vật phụ này được xây dựng khá tốt, Disney vẫn khó khăn để mang thần thái của họ từ bản hoạt hình sang live-action. Biểu cảm các loài động vật trong phim khá cứng và vô hồn. Đặc biệt là trường hợp của chú cá Flounder. Nhân vật gần như vô tri trong mọi tình huống phim với khuôn mặt không cảm xúc của loài cá. 

Vấn đề này từng tồn tại trong nhiều dự án remake gần đây của nhà Chuột như các cá thể sư tử trong The Lion King hay vẹt Iago ở Aladdin. Khi làm Mulan, ekip thậm chí bỏ luôn nhân vật rồng Mushu - phụ tá đắc lực của nữ chính - ở bản người đóng.

Chấm điểm: 3/5

Với những khán giả không đặt nặng chuyện tạo hình nhân vật phải gần với nguyên tác, Nàng Tiên Cá nhìn chung là một bản remake tốt của Disney. Bộ phim sẽ khó thay thế được vị trí bản hoạt hình cũ nhưng mang đến một món ăn tinh thần thú vị cho thế hệ người xem mới. Tuy nhiên, nhiều người có thể vẫn sẽ đặt câu hỏi tại sao hãng vẫn muốn làm lại những tác phẩm kinh điển dù không thể vượt qua chất lượng của phần cũ.

Nàng Tiên Cá: Tôn trọng nguyên tác, sáng tạo hợp lý nhưng khó vượt bản hoạt hình - Ảnh 5.

 Nguồn ảnh: Disney

CÙNG CHUYÊN MỤC
XEM