Lễ "độc lập" đang đến ngày một gần và ắt hẳn mỗi chúng ta đều đã lựa chọn được điểm đến cho 4 ngày xả hơi sắp tới. Tất nhiên, những bờ biển đầy cát trắng, nắng vàng vẫn luôn là những lựa chọn sáng suốt.
Đi biển trong 4 ngày lễ không phải là một lựa chọn tồi tí nào
Dù cho có quyết định xuất phát một mình hay cùng với bạn bè, thì bạn chắc chắn không cô đơn khi luôn có chiếc smartphone của mình làm bạn đồng hành. Nhưng ai cũng biết, nước biển và thiết bị điện tử chưa bao giờ "hoà hợp" với nhau. Do đó, việc chuẩn bị những phụ kiện để bảo vệ chiếc điện thoại của mình khỏi "kẻ thù" đó gần như là điều phải làm. Nhưng nước biển là kẻ thù lớn nhất, chứ không phải duy nhất.
Và dưới đây là danh sách những ứng cử viên sáng giá.
Túi chống nước
Phải rồi, túi chống nước, thế mà cũng nghĩ không ra. Nhưng mà từ từ đã, nếu bạn nghĩ đây đã là một lựa chọn tối ưu rồi thì có lẽ đây là sai lầm lớn nhất mùa lễ này rồi đấy.
Túi chống nước đúng là một món phụ kiện vừa rẻ, vừa dễ mua, đã thế lại còn nhiều lựa chọn trải dài khắp các khoảng giá khác nhau. Tuy nhiên chọn được một chiếc túi có thể bảo vệ chiếc smartphone của bạn khi rơi tõm xuống nước là một câu chuyện phức tạp hơn đôi chút.
Những chiếc túi zip này thực sự có khả năng chống nước nhưng chỉ khi được kéo kín thôi
Đầu tiên hãy tránh xa các loại túi có phần nắp là khóa zip. Bởi lẽ, phần khóa này nếu không zip hoặc khóa lại đủ kín, nước biển vẫn có thể tràn đầy vào trong túi, thế thì hỏng hẳn rồi. Điện thoại mà hỏng thì lại vừa không có gì dùng, lẫn ảnh đẹp đâu để mà đăng sống ảo đây?
Những chiếc túi 2 lớp và có phần khóa chắc chắn thế này thì hợp lý này!
Tiếp theo là đừng ham rẻ. Những chiếc túi chống nước có mức giá khoảng vài chục ngàn đồng sẽ có chất lượng gia công không đủ chắc chắn, nó dễ dàng bị rách, bị bung ở các mép nối nếu như được sắp xếp không cẩn thận vào hành lý, vết rách có thể nhỏ nhưng hậu quả thì vô cùng lớn.
Một sản phẩm túi chống nước đến từ UAG, một hãng sản phẩm phụ kiện chống chịu thời tiết, va đập nổi tiếng đến từ Mỹ
Hoặc túi chống nước Anker cũng là một lựa chọn đáng tin cậy
Sau tất cả, hãy chọn cho mình một chiếc túi zip có phần nắp cuộn, được gia công ít nhất là 2 lớp để có được hiệu quả tối ưu nhất nhé, mức giá dành cho những sản phẩm chất lượng chỉ khoảng 150 nghìn đồng mà thôi.
Ốp lưng chống nước
Đây được xem là phụ kiện chống nước cho smartphone tối ưu nhất ở thời điểm hiện tại. Có thể nghe hơi lạ lẫm, những những chiếc ốp lưng chống nước có hiệu quả hơn nhiều so với những chiếc túi chống nước.
Một sản phẩm ốp lưng chống nước đến từ Catalyst
Ngoài ra, vì là ốp lưng, những sản phẩm này vẫn cho phép người dùng thao tác trên điện thoại một cách hoàn toàn bình thường, thậm chí là đi lặn biển ngắm san hô vẫn không hề gì.
Một chiếc ốp lưng đến từ hãng HITCASE, sản phẩm này giúp cho chiếc điện thoại của bạn có khả năng đi lặn luôn
Nhược điểm duy nhất của những chiếc ốp lưng chống nước đó là chúng có giá thành đắt hơn khá nhiều nếu so với túi chống nước, khoảng từ 3-500 nghìn đồng, do đó, người dùng cần cân nhắc giữa việc đảm bảo chiếc smartphone của mình "sống khoẻ" suốt hành trình hay chỉ muốn đầu tư một khoản tiền nhỏ và chấp nhận rủi ro?
Dán màn hình
Như đã nói ở trên, nước biển là kẻ thù lớn nhất nhưng không phải duy nhất của các thiết bị smartphone. Khi đi biển, ngoài thứ nước mặn chát ra, ánh sáng mặt trời gay gắt cũng có thể khiến điện thoại của chúng ta "lăn ra chết", trong đó phần dễ tổn thương nhất là màn hình.
Màn hình OLED, AMOLED... nói chung đều dễ bị hư hỏng nếu tiếp xúc thời gian dài với ánh sáng Mặt Trời
Ánh nắng chiếu trực tiếp vào màn hình, nhất là những loại màn hình OLED, AMOLED hiện tại trên các sản phẩm flagship Samsung, Apple, Xiaomi... với sức nóng của mình dễ dàng để lại những tổn thương vĩnh viễn cho thiết bị của bạn. Nó có thể là hiện tượng bóng mờ, một điểm chết, thậm chí là "giết chết" phần màn hình.
Cách giải quyết thì lại đơn giản bất ngờ, lựa chọn một miếng dán màn hình chất lượng. Trên thị trường hiện nay có rất nhiều loại miếng dán có khả năng chống tia độc hại chiếu từ màn hình đến mắt người dùng và đúng rồi, chúng có khả năng làm cả điều ngược lại, bảo vệ màn hình khỏi tia cực tím và nhiệt lượng khủng khiếp từ Mặt Trời.
Miếng dán màn hình sẽ giải quyết vấn đề kể trên
Những miếng dán kiểu này thường làm giảm độ sáng tối đa của màn hình đôi chút, tuy nhiên không hề tác động đến trải nghiệm sử dụng của người dùng. Mức giá của những miếng dán bảo vệ này cũng không hề rẻ, chúng dao động từ 3-500 nghìn đồng tùy vào công năng. Vì vậy đừng sắm những miếng dán chỉ vài chục nghìn trên Shopee để mà ôm hận nhé.
Bonus: Sắm hẳn một chiếc điện thoại chống nước
Tuy biện pháp này chỉ có thể áp dụng đối với những người chơi hệ "nhiều tiền", nhưng nó thật sự khá hiệu quả nếu đem so sánh với combo túi chống nước hàng "lởm" và một chiếc điện thoại thông thường đấy nhé.
Hầu hết các mẫu flagship đang tồn tại trên thị trường đều sở hữu cho mình khả năng chống nước.
Đa số những chiếc smartphone có tầm giá từ 8 triệu đồng trở lên hiện tại đều đã được trang bị khả năng kháng nước. Chúng cho phép thiết bị tồn tại trong một khoảng thời gian ở một độ sâu nhất định, tùy sản phẩm mà bạn đang sở hữu.
Chuẩn kháng nước cao nhất trên smartphone hiện tại là IP68 được trang bị trên iPhone 12 Series, Samsung Galaxy S21 Series... Chuẩn này cho phép những chiếc smartphone này tồn tại tối đa 30 phút dưới độ sâu 1,5m. Nhưng thông qua những câu chuyện về những chiếc iPhone có thể tồn tại dưới đáy hồ hàng tháng trời, thì khả năng chiếc điện thoại của bạn vẫn hoạt động bình thường sau khi bị rơi xuống nước trong tích tắc là điều hoàn toàn có thể xảy ra.
IP68 là chuẩn kháng nước tiên tiến nhất ở thời điểm hiện tại
Tuy nhiên, nước biển còn có chứa muối hòa tan, có khả năng ăn mòn cực kỳ khó chịu, do đó, nếu đang sở hữu hoặc quyết định xuống tiền để sắm một chiếc smartphone có khả năng kháng nước, cũng đừng ỷ lại vào nó quá nhé.
Ảnh: Internet