Nếu như những năm trước, các nhà bán lẻ trên khắp Châu Âu thường có lượng khách hàng đông đảo trong đợt mua sắm lớn nhất năm mang tên Black Friday - ngày thứ Sáu đen tối, thì với mức giá tăng cao trong năm nay cùng với sự giảm sút của mức thu nhập đã khiến người tiêu dùng có xu hướng thận trọng hơn trong chi tiêu của mình.
Lily, một người tiêu dùng tại nước Anh đã nói với tờ Xinhua rằng cô phải giảm bớt kế hoạch mua sắm của mình do tỷ lệ lạm phát cao. Cô chia sẻ: “Mọi người giữ tiền kỹ hơn và thận trọng hơn với những gì mình mua, đặc biệt là khi Giáng sinh đang đến gần".
Lạm phát ở Anh đã tăng 11,1% trong tháng 10, đạt mức cao nhất trong vòng 41 năm qua. Cùng với đó, tiền lương trung bình đã giảm 2,7% chỉ trong vòng từ tháng 7 đến tháng 9, mức giảm lớn nhất nếu so sánh với các mức được ghi nhận từ năm 2001 bởi Văn phòng Thống kê Quốc gia (ONS).
Theo các cuộc khảo sát do Công ty nghiên cứu thị trường GfK thực hiện, trong bối cảnh các cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt ngày càng trầm trọng, niềm tin của người tiêu dùng Anh trong tháng 11 đang nằm ở mức gần như thấp nhất trong lịch sử.
Nhà phân tích Susannah Streeter tại công ty dịch vụ tài chính Hargreaves Lansdown cho biết: “Các nhà bán lẻ đang khao khát sức mua cao hơn nhưng có vẻ nó đang trở thành một ngày thứ Sáu ảm đạm”.
Mặc dù một số nhà nghiên cứu dự đoán mức chi tiêu ở Anh sẽ tăng khoảng 0,8% vào cuối tuần, nhưng con số này cũng đủ để thể hiện tác động của lạm phát đối với khối lượng mua sắm: “Giá cả leo thang khiến người mua hàng thận trọng hơn trong việc nhấn nút thêm sản phẩm vào giỏ".
Tính đến trưa thứ Sáu (25/11), số lượng người mua sắm tại các cửa hàng bán lẻ thấp hơn 22% so với mức trước đại dịch Covid-19 vào năm 2019, theo các nhà cung cấp dữ liệu Springboard.
Andrew Goodacre, giám đốc điều hành của British Independent Retailers Association (Hiệp hội các nhà bán lẻ độc lập Anh) đã nói với tờ Xinhua: “Tôi có thể nói rằng, tại thời điểm này, thách thức mà các nhà bán lẻ phải đối mặt có lẽ còn khó khăn hơn so với thời kỳ đại dịch". Tất cả là bởi niềm tin tiêu dùng và cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt đã in sâu trong đầu của người mua hàng.
Ông cũng cho biết thêm: “Chúng tôi đã chứng kiến doanh số bán lẻ giảm liên tục trong hai tháng 9 và 10, điều đó sẽ gây áp lực khiến cho Black Friday không còn thành công như những năm trước nữa. Vấn đề về nhu cầu tiêu dùng đang là mối đe dọa thực sự đối với các con phố lớn trên khắp cả nước".
Đó không chỉ là vấn đề riêng của nước Anh. Trên khắp Châu Âu, lạm phát đang tăng cao, cuộc khủng hoảng năng lượng có thể kéo dài suốt mùa đông, và suy thoái kinh tế đang đến gần. Tất cả những điều này đang đè nặng lên người tiêu dùng, giáng một đòn đau vào ngân sách chi tiêu của các hộ gia đình và làm lu mờ những sự kiện mua sắm lớn.
Trong một chia sẻ với Xinhua, Miha Drganec, giám đốc bán hàng tại Big Bang Electronic Store ở Ljubljana (thủ đô của Slovenia) cho hay: “Chúng tôi đã bắt đầu các chương trình khuyến mãi vào cuối tháng 10 và đầu tháng 11 vì cho rằng sự kiện mua sắm cần phải kéo dài hơn".
Nhà kinh tế cấp cao tại công ty tư vấn kinh tế Oxford Economics, Tomas Dvorak cũng cho rằng triển vọng doanh số bán hàng trong mùa đông năm nay ở khu vực đồng tiền chung Châu Âu sẽ giảm mạnh, và bất kỳ sự thúc đẩy nào cũng không đủ để ngăn chi tiêu giảm trong quý IV.
“Người tiêu dùng khó có thể vung tiền trong đợt giảm giá Giáng Sinh và có nhiều khả năng họ sẽ tiết kiệm hơn. Tương tự, đánh giá của các nhà bán lẻ về điều kiện kinh doanh hiện tại và trước mùa lễ hội cũng rất ảm đạm".
Điều đáng tiếc là hiện không có một biện pháp trước mắt nào để cải thiện tình trạng trên. Thống kê cho thấy lạm phát dự kiến sẽ giảm vào năm 2023 nhưng vẫn nằm tại mức cao là 7% ở Liên minh Châu Âu và 6,1% ở khu vực sử dụng đồng Euro.
Một khách hàng ở Copenhagen (thủ đô Đan Mạch) chia sẻ: “Tôi nghĩ điều quan trọng là vừa giữ cho cuộc sống tiếp diễn nhưng cũng vừa phải tiết kiệm trước những thứ không cần thiết hoặc không thực sự cần ngay. Hy vọng rằng lạm phát sẽ ngừng tăng, tất cả chúng ta có thể trở lại một cuộc sống bình thường”.
Nguồn: China Daily