Một cái bắt tay giữa Viettel và Vsmart sẽ là cái kết cho smartphone Trung Quốc giá rẻ?

Lê Hoàng | 27-02-2020 - 19:54 PM

(Tổ Quốc) - Trong lịch sử của ngành công nghiệp viễn thông, việc nhà mạng và nhà sản xuất điện thoại bắt tay với nhau là gần như tất yếu. Ngay cả những chiếc smartphone làm nên lịch sử cũng không phải là ngoại lệ.

Bất chấp những lo ngại liên quan đến dịch Covid-19, 2 tháng đầu năm 2020 vẫn đã kết thúc với những tín hiệu đáng mừng dành cho smartphone Việt. Theo số liệu của các chuỗi bán lẻ lớn như Thế Giới Di động hay CellphoneS, smartphone Vsmart đang có phần lấn lướt các đối thủ Trung Quốc. Cụ thể hơn, Vsmart chiếm 3 trong 10 vị trí trên bảng xếp hạng smartphone dưới 5 triệu đồng tại TGDĐ. Tại CellphoneS, Vsmart cũng đang đứng đầu phân khúc giá này về doanh số với thị phần 30%. 

Không khó để nhận ra vì sao Vsmart lại thành công đến vậy. Kể từ sau thành công bất ngờ của Vsmart Live vào cuối năm ngoái, thương hiệu điện thoại của VinGroup đã chuyển hướng sang chiến lược "phá giá cấu hình". Cùng một mức giá, smartphone Vsmart có cấu hình vượt trội hơn hẳn điện thoại Trung Quốc. Ví dụ điển hình nhất là chiếc Joy 3 mới ra mắt được trang bị chip Snapdragon 632, trong khi tất cả các mẫu Xiaomi, Realme hay OPPO đều dùng Snapdragon 4xx hoặc Helio "dưới tầm". Nếu như cấu hình/giá bán từng là tiêu chí số 1 giúp cho smartphone Trung Quốc thành công tại Việt Nam, nay vũ khí ấy đã thuộc về Vsmart. 

Một cái bắt tay giữa Viettel và Vsmart sẽ là cái kết cho smartphone Trung Quốc giá rẻ? - Ảnh 1.

Vsmart Joy 3 - cú hit doanh số của Vsmart đầu 2020

Hai người "bạn thân" 

Nhưng đáng chú ý hơn cả là Vsmart rất có thể sẽ còn tung ra những cú đấm mạnh mẽ hơn nữa vào phân khúc giá rẻ. Gần đây, Viettel, nhà mạng số 1 tại Việt Nam đã công bố sẽ bán smartphone dưới 1,5 triệu đồng, feature phone giá dưới 400 nghìn để phổ cập 4G. Tham vọng của Viettel có đề cập tới 2 mục tiêu: tăng thêm 10 triệu người dùng 4G và tăng lợi nhuận viễn thông thêm 4,3%. Viettel không hề nhắc đến tên một thương hiệu điện thoại 4G cụ thể nào, thay vào đó chỉ nói "phối hợp cùng các nhà cung cấp Việt Nam". 

Một cái bắt tay giữa Viettel và Vsmart sẽ là cái kết cho smartphone Trung Quốc giá rẻ? - Ảnh 2.

Viettel sẽ có thêm 10 triệu người dùng 4G, và 10 triệu người đó đều sẽ dùng Vsmart?

Vậy thì tại sao Viettel lại có chỗ trong câu chuyện về Vsmart? Câu trả lời rất đơn giản: cái tên sáng giá nhất làm gì còn ai ngoài Vsmart? Sau khi Mobiistar "biến mất", Việt Nam chỉ còn lại 2 thương hiệu smartphone là Bphone và Vsmart. Bphone vốn chỉ tập trung vào phân khúc tầm trung trở lên và có lẽ cũng chẳng đủ tiềm lực để chạy đua trong mức giá 1,5 triệu đồng. Vsmart thì ngược lại: ngay từ bây giờ, chiếc Joy 3 đã tiệm cận khung giá mà Viettel nhắc đến. Không kém phần quan trọng, Viettel và Vingroup đã trở thành "bạn thân" từ lâu. 

Ngay từ tháng 5/2019, 2 tập đoàn này đã công bố hợp tác chặt chẽ để cùng xây dựng hệ sinh thái sản phẩm cho hai bên. Nội dung hợp tác có điểm quan trọng: Viettel cũng sẽ nghiên cứu để các điểm giao dịch viễn thông, cửa hàng bán lẻ, bưu cục chuyển phát nhanh sẽ trở thành nơi phân phối, bán các sản phẩm công nghệ của VinSmart. Cần nhớ rằng đây là thời điểm 6 tháng trước khi VinGroup công bố bán VinMart hay giải thể VinPro: từ rất lâu rồi, VinGroup đã coi Viettel là một phần quan trọng trong chiến lược phổ cập sản phẩm công nghệ trong tương lai. 

"Hợp tác chặt chẽ 

Trong lịch sử của ngành công nghiệp viễn thông, việc nhà mạng và nhà sản xuất điện thoại bắt tay với nhau là gần như tất yếu. Ngay cả những chiếc smartphone làm nên lịch sử cũng không phải là ngoại lệ. Khi phát triển chiếc iPhone đầu tiên, một trong những điều đầu tiên Steve Jobs phải làm là đi tìm nhà mạng "đỡ đầu". Đối tác của Apple khi đó là nhà mạng Cingular (nay thuộc AT&T) cũng đang tìm một chiếc điện thoại có khả năng thúc đẩy doanh thu từ 3G. Nếu không có Cingular, tầm nhìn về một "thiết bị liên lạc Internet" gói bên trong chiếc điện thoại của smartphone có lẽ đã chẳng thể thành công. 

Hay, chiếc Android đầu tiên trong lịch sử là HTC Dream khi ra mắt cũng phải mang tên của nhà mạng tại Mỹ (T-Mobile G1). Khi Galaxy S ra đời, Samsung cũng đã tạo ra nhiều bản khác nhau cho các nhà mạng. Mối quan hệ cộng sinh giữa nhà mạng và nhà sản xuất thiết bị sẽ đem lại lợi ích cho cả hai, và điều này vẫn sẽ đúng với thị trường Việt Nam. Khi hai bên cùng phát triển và bán smartphone giá rẻ, Viettel sẽ phổ cập được 4G, còn Vsmart sẽ gây dựng được một cộng đồng người dùng đông đảo. Tuyên bố của Viettel có thể được hiểu rằng, smartphone giá rẻ sẽ là chìa khóa để phổ cập 4G. 

Một cái bắt tay giữa Viettel và Vsmart sẽ là cái kết cho smartphone Trung Quốc giá rẻ? - Ảnh 3.

Chính cuộc bắt tay với nhà mạng Cingular đã mở đầu cho thành công của iPhone.

Nhìn về tương lai, Viettel có lẽ sẽ còn bắt tay với VinGroup để phổ cập 5G nữa. Trong tầm nhìn ấy, việc Viettel trợ lực cho VinGroup trong các khâu phân phối hay thậm chí là doanh thu/lợi nhuận là hoàn toàn có thể nghĩ đến. Nếu có sự trợ giúp, Vsmart sẽ tự tin để tranh đấu với smartphone Trung Quốc về giá cả và cấu hình. Một kịch bản bất lợi cho smartphone "Made in China" giá rẻ sẽ mở ra. Nếu smartphone Việt bán giá rẻ hơn cả smartphone Trung Quốc, lại được phân phối rộng khắp qua mạng lưới của nhà mạng đã góp phần "bình dân hóa" kết nối di động, người Việt có còn lý do gì để mua smartphone Trung Quốc? 

Điều cuối cùng mà chúng ta chờ đợi có lẽ chỉ là một tuyên bố chính thức từ cả hai bên, nhưng xét tới tất cả những gì Viettel công bố tại thời điểm này, việc smartphone Vsmart giá rẻ ồ ạt ra thị trường để phổ cập 4G/5G chỉ là chuyện sớm hay muộn mà thôi.

CÙNG CHUYÊN MỤC
XEM