"Messi Thái" Chanathip tạo nên lịch sử tại Nhật Bản, chợt nhìn lại "Messi Việt" Công Phượng đã lãng phí thanh xuân của mình

Minh Huy | 07-04-2020 - 07:05 AM

(Tổ Quốc) - Trong khi Công Phượng đang cố gắng lấy lại hình ảnh của mình ngày xưa, thì Chanathip Songkrasin đã trở thành cầu thủ có giá trị chuyển nhượng cao nhất CLB Consadole Sapporo với 2.4 triệu USD. Đây là lần đầu tiên 1 cầu thủ Đông Nam Á trở thành người "đắt giá" nhất tại 1 đội bóng Nhật Bản.

Chanathip – Messi "còi cọc" viết nên lịch sử cho Đông Nam Á

Nếu như Chanathip có biệt danh "Messi Thái" (Messi Jay) thì bố của anh, ông Kongpob Songkrasin – một cầu thủ phong trào hâm mộ Diego Maradona được dân "phủi" ở địa phương gọi là "Maradona Thái Lan" (Maradona Jay).

"Maradona Thái" chính là người thầy đầu tiên của "Messi Thái". Khi Chanathip lên 4 tuổi, Kongpob Songkrasin đã bắt đầu dạy con những kỹ thuật và kỹ năng chơi bóng cơ bản. "Cha tuy chơi bóng tồi nhưng lại là người thầy vĩ đại nhất của tôi" – Messi Jay bộc bạch.

Với những bài học vỡ lòng từ người cha, cùng với năng khiếu bẩm sinh, Chanathip lớn lên và dần khẳng định được chỗ đứng trong giới bóng đá chuyên nghiệp của đất nước chùa vàng.

Messi Thái Chanathip tạo nên lịch sử  tại Nhật Bản, chợt nhìn lại Messi Việt Công Phượng đã lãng phí thanh xuân của mình - Ảnh 1.

Chanathip là ngôi sao số 1 đội tuyển Thái Lan. Ảnh: Sport5.vn

Sau này, khi được nhào nặn dưới bàn tay của huyền thoại Kiatisuk, Messi Jay đã vươn mình để trở thành ngôi sao sáng nhất của bóng đá Thái Lan. Chanathip đã thể hiện đầy ấn tượng tại AFF Cup 2014, SEA Games 2015, và đặc biệt là ASIAD 2014.

Với những màn trình diễn ấn tượng, 1 bản hợp đồng xuất ngoại là điều tất yếu xảy đến. Anh đã chọn Consadole Sapporo ở J.League 1 – đội bóng cũ của 1 huyền thoại Đông Nam Á khác là Lê Công Vinh.

Chanathip đến Nhật mang theo cả sự kì vọng của bóng đá Đông Nam Á, và anh đã làm rất tốt. Sang môi trường mới, tiền vệ Thái Lan như cá gặp nước. Mất một mùa giải đầu tiên khá khó khăn, bằng lối chơi đầy tinh quái và đậm chất kĩ thuật của mình, anh sớm trở thành đầu tàu và trái tim của đội bóng Nhật Bản ở mùa giải tiếp theo.

Messi Thái Chanathip tạo nên lịch sử  tại Nhật Bản, chợt nhìn lại Messi Việt Công Phượng đã lãng phí thanh xuân của mình - Ảnh 2.

"Messi Thái" là cầu thủ quan trọng của Sapporo. Ảnh: Pakawich Damrongkiattisak/Getty Images

Để rồi cho đến ngày hôm nay, Chanathip trở thành cầu thủ "đắt" nhất của Sapporo - một lời khẳng định đanh thép cho bản thân anh nói riêng, và cho cả Đông Nam Á nói chung. Cũng phải nhớ rằng, trước đó cầu thủ cao 1m58 này cũng từng lọt vào đội hình tiêu biểu của J.League 1 mùa giải 2018.

Đó là ở thời điểm hiện tại. Còn bây giờ, hãy cùng lật ngược lại quá khứ vào năm 2015, Chanathip khi đó không chỉ được ví với Messi, mà còn được so sánh với 1 tài năng khác trong khu vực. Người ấy là Nguyễn Công Phượng.

Công Phượng loay hoay lựa chọn hướng đi của mình

Nếu ai đó hỏi về cái tên được kì vọng nhất vào thời điểm trước khi bóng đá Việt Nam gây được tiếng vang ở châu Á, đó chắc chắn là Nguyễn Công Phượng.

Tiền đạo xứ Nghệ, cùng với Tuấn Anh, Xuân Trường… là những nhân vật gợi nhớ về 1 đội U19 những năm 2013-2014 đã làm say mê bao thế hệ NHM bóng đá nước nhà. Trong 1 thời kì đầy biến động với những kết quả tệ hại của cả đội U23 lẫn ĐTQG, thì lứa U19 với lối chơi đẹp mắt, uyển chuyển, chẳng khác gì chiếc phao cứu sinh khơi dậy lại tình yêu bóng đá của người dân Việt Nam.

Nền bóng đá Việt Nam khi ấy sống trên "hơi thở" của những đứa trẻ U19. Nhân vật đặc biệt nhất trong tập thể ấy là Nguyễn Công Phượng. Anh sở hữu những pha rê bóng, qua người "ngọt lịm". Để rồi đến khi Phượng có 1 pha độc diễn loại bỏ 5 hậu vệ Australia trong giải giao hữu U19 Quốc tế - Cúp Nutifood, cái tên "Messi Việt Nam" chính thức được khai sinh.

Messi Thái Chanathip tạo nên lịch sử  tại Nhật Bản, chợt nhìn lại Messi Việt Công Phượng đã lãng phí thanh xuân của mình - Ảnh 3.

Công Phượng từng là cầu thủ được kì vọng nhất của Việt Nam. Ảnh: Power Sport Images/Getty Images

Đáng tiếc thay, sự nghiệp của Phượng sau đó không lên thẳng như Chanathip. Nó là 1 đồ thị hình sin lượn sóng, với bao dấu mốc thăng trầm.

Sau giải đấu đó, Công Phượng cùng các đồng đội có khoảng thời gian thi đấu không tốt. Từ U19 Châu Á cho tới SEA Games, AFF Cup, hay kể cả là đấu trường V.League, các đội bóng có Phượng tham gia tuy không thể nói là thất bại, nhưng cũng không đạt được thành công như sự kì vọng.

Mãi cho đến khi HLV Park Hang Seo đến, tiền đạo xứ Nghệ mới được tận hưởng những vinh quang. "Thường Châu tuyết trắng" U23 Châu Á, "đệ tứ anh hào" ASIAD, Top 8 ASIAN Cup và chức vô địch AFF Cup, đó là tất cả những danh hiệu mà Phượng chinh phục được. Chỉ có điều, lúc này cậu không còn là ngôi sao sáng nhất nữa. Nhiều lúc, vị trí của cậu là từ băng ghế dự bị, chứ không phải 11 người xuất phát từ đầu trận.

Messi Thái Chanathip tạo nên lịch sử  tại Nhật Bản, chợt nhìn lại Messi Việt Công Phượng đã lãng phí thanh xuân của mình - Ảnh 4.

Thời gian xuất ngoại của Phượng không thành công. Ảnh: Smith Patrick

Giống như Chanathip, Phượng cũng lựa chọn con đường "du học". Điểm đến của cậu rất đa dạng: từ Nhật Bản, Hàn Quốc cho tới nước Bỉ xa xôi, và đặc điểm chung của những nơi ấy là đều không phải miền đất hứa dành cho Phượng. Tổng thời gian ở nước ngoài của Phượng là 2 năm, và 2 năm đó giống như thời gian mà "Messi Việt" đã lãng phí thanh xuân của mình.

Và rồi V.League 2020 khởi tranh, Phượng quyết định quay trở về Việt Nam. Cậu gia nhập CLB TP.HCM nhằm được ra sân nhiều hơn và tìm lại chính mình ngày xưa. May mắn là lần này, quyết định của cậu đã đúng đắn.

2 Messi – 2 số phận – 1 ước nguyện

Messi Thái Chanathip tạo nên lịch sử  tại Nhật Bản, chợt nhìn lại Messi Việt Công Phượng đã lãng phí thanh xuân của mình - Ảnh 5.

Chặng đường của 2 "Messi" Đông Nam Á, chỉ giao nhau ở duy nhất điểm khởi đầu, rồi sau đó tách ra thành 2 hướng khác nhau. Với Chanathip, anh sẽ còn mơ mộng, sẽ còn đặt ra những mục tiêu cao hơn trong tương lai như tuyên bố "muốn được chơi bóng ở trời Âu" của mình. 3 năm ở Nhật Bản đã cho Messi Jay 1 bệ phóng vững chắc, đủ để thuyết phục NHM tin vào lựa chọn của anh.

Ở chiều ngược lại, Công Phượng sau 1 thời gian dài mệt mỏi với những áp lực, chỉ trích, có lẽ "đi để trở về" là lựa chọn sáng suốt của cậu vào lúc này. CLB TP.HCM có thể không phải là 1 cái tên hào nhoáng, oai phong như Sint-Truidense hay Incheon United, nhưng ở đây Phượng được là chính mình, được cười đùa thoải mái. 

Quan trọng hơn, đội Á quân V.League giúp khơi gợi lại niềm vui chơi bóng trong Phượng, giống như cái cách mà Phượng cùng U19 đã làm sống lại tình yêu bóng đá của NHM Việt Nam trước kia.

Messi Thái Chanathip tạo nên lịch sử  tại Nhật Bản, chợt nhìn lại Messi Việt Công Phượng đã lãng phí thanh xuân của mình - Ảnh 6.

"Chúc cậu may mắn nhé Messi". Ảnh: Hiếu Lương/Sport5.vn

Làm "Messi" mệt không? Mệt lắm chứ. Bởi đã làm "Messi", tức là anh luôn phải tỏ ra mình thật đặc biệt để gánh vác sự kỳ vọng của người hâm mộ. Nếu hỏi cả 2 về ước muốn của mình lúc này, có lẽ họ sẽ cùng nói: "Đừng so sánh tôi với M10 hay bất cứ ai, vì chúng tôi chỉ muốn được là chính mình".

Khác nhau là vậy, nhưng điểm chung là họ đã đều xác định được lựa chọn phù hợp với mình, ít nhất là tính tới thời điểm hiện tại. Muốn đi tiếp những chặng đường tiếp theo, trước hết phải được là chính mình đã. Vì vậy, từ giờ sẽ không còn "Messi Thái", cũng chẳng còn "Messi Việt", chỉ có Chanathip và Công Phượng mà thôi.

Công Phượng và Chanathip Songkrasin thực hiện thử thách tâng cuộn giấy vệ sinh

Về khách sạn lúc 23h, Chanathip vẫn kiên nhẫn ký tặng cho fan đặc biệt này

Màn trình diễn đỉnh cao của Chanathip Songkrasin tại vòng 23 J League 1

CÙNG CHUYÊN MỤC
XEM