Mẹ tâm thần, bà đau ốm, cô bé 10 tuổi luôn nỗ lực không ngừng vượt qua nghịch cảnh

Trang Trần – Đặng Long | 12-05-2022 - 14:13 PM

(Tổ Quốc) - Em Lê Khánh Thi không được hưởng trọn niềm yêu thương của bố mẹ. Gia đình không còn ai có khả năng kiếm tiền, Thi có nguy cơ bị dang dở con đường học tập dù mới học lớp 4.

Nhìn vào đôi mắt buồn bã của em Lê Khánh Thi (HS lớp 4A3, Trường Tiểu học Tứ Liên, Q. Tây Hồ), thật không khó đoán hoàn cảnh trớ trêu của cô gái nhỏ…

Nằm sâu trong ngách 57 đường Âu Cơ, phường Quảng An (Q. Tây Hồ, Hà Nội), giữa không khí sinh hoạt nhộn nhịp của cả xóm, căn nhà nhỏ số 21 hiện lên một vẻ ảm đạm. Nơi đó có mẹ của Khánh Thi là chị Nguyễn Huyền Anh (SN 1983) bị tái bệnh tâm thần đã gần 7 năm. Ngồi cạnh là bà ngoại Nguyễn Thị Tám (SN 1957) sức khỏe yếu, trí nhớ kém do bệnh Alzheimer và đôi tay lúc nào cũng run lẩy bẩy do bệnh Parkinson.

Mẹ tâm thần, bà đau ốm, cô bé 10 tuổi luôn nỗ lực không ngừng vượt qua nghịch cảnh - Ảnh 1.

Em Lê Khánh Thi

Gia đình có… "2 đứa trẻ"

Hỏi thăm về bé Khánh Thi, hàng xóm ai cũng thương cảm và xót xa. "Hoàn cảnh gia đình cháu rất là khổ. Mẹ Thi tâm thần như thế này thì cháu cũng buồn chứ. Cháu không được như những bạn bè đồng trang lứa khác. Tính Thi cũng lủi thủi một mình. Chúng tôi rất là thương…", cô Trương Thị Thảo (trưởng ngách) chia sẻ.

Câu chuyện bắt đầu khi chị Huyền Anh (mẹ Khánh Thi) đang trong giai đoạn ôn thi hết cấp ba thì bỗng phát bệnh. Thấy con gái tự nhiên nói linh tinh, không ăn, không ngủ, bà Tám phải đưa chị đến bệnh viện Bạch Mai thăm khám và chữa trị.

Bà Tám đau lòng vì những sóng gió gia đình.

Hồi phục được vài năm, chị Huyền Anh đi làm và nên duyên với người chồng cũ. Bé Khánh Thi sinh ra tưởng rằng sẽ nối dài được hạnh phúc vợ chồng, song cuộc hôn nhân đã chóng vánh đổ vỡ khi bố của Thi lao vào con đường cờ bạc, nợ nần vào năm 2015.

Khủng hoảng hậu ly hôn rồi liên tục bị đòi nợ (khoản nợ của người chồng cũ - pv), chị Huyền Anh tái phát bệnh với những triệu chứng tâm thần nặng hơn trước. Cũng từ đây, gia đình bé Thi rơi vào bế tắc.

Suốt giai đoạn bị bệnh, chị Huyền Anh không có khả năng lao động, tâm trí lúc nào cũng như đứa trẻ. Gia đình bỗng có thêm một "đứa con nít", bà Tám bất lực và từng phút lo lắng.

Đã mấy năm nay, mẹ của Thi ngày nào cũng trong tình trạng bất ổn khi về đêm. Cô Trương thị Thảo kể lại: "Suốt ngày cháu gào thét, chẳng ai ngủ được đâu. Cứ làm ầm ĩ hết cả đêm. Chỉ lúc đi bệnh viện mới không nghe thấy thôi, chứ ở nhà là lúc nào cũng nghe thấy."

"Tôi không dám tiếp xúc gần, chỉ có cắn rồi đánh mẹ, cháu Thi cũng phải tạm lánh. Nhiều hôm bà Tám bị đánh, khóc ở trong nhà mà không ai dám vào…", cô Hồng (hàng xóm) tâm sự.

Mới gần một tháng nay, những lúc con gái chưa lên cơn, bà Tám mới tranh thủ ra gần nhà văn hóa bán nước để kiếm chút đỉnh. Song, căn bệnh parkinson chẳng để cho người bà 65 tuổi thuận lợi mưu sinh. Với đôi bàn tay run rẩy không thể làm chủ, bà từng bị bỏng mấy lần do nước nóng đổ vào.

10 năm nay, bé Thi sống dưới sự bao bọc của người bà, họ hàng, hàng xóm và các nhà hảo tâm.

Chị Nguyễn Thùy Anh (dì của bé Thi) thật lòng chia sẻ: "Lúc chưa lấy chồng thì mình là trụ cột chính trong nhà. Còn bây giờ mình đi lấy chồng ở Phú Thọ, vài tháng mới về được một lần. Lúc có tiền thì mình có trợ giúp, còn những lúc không có thì cũng áy náy lắm."

Tương lai em nhỏ trông cậy các nhà hảo tâm…

Soạn đủ hết tất cả giấy tờ, tay run, bà Tám lại bất lực bởi tờ đơn xin hỗ trợ viết mãi chưa xong. Thi ngơ ngác nhìn đủ loại thứ giấy tờ trước mặt. Em không hiểu rõ lắm, nhưng cô gái nhỏ 10 tuổi biết những loại giấy tờ đó có khả năng giúp em tiếp tục được học thêm một năm.

Được tổ dân phố chỉ dẫn, bà Tám ngày ngày gom đủ thứ loại giấy tờ để tìm kiếm cơ hội miễn giảm học phí cho đứa cháu nhỏ.

Mẹ tâm thần, bà đau ốm, cô bé 10 tuổi luôn nỗ lực không ngừng vượt qua nghịch cảnh - Ảnh 4.

Bà Tám soạn đầy đủ hết giấy tờ, làm đơn xin miễn giảm học phí cho em Thi.

Từ lớp 1 đến lớp 3, em Thi trên lớp luôn nỗ lực và đạt được danh hiệu học sinh tiên tiến. Với thành tích tốt, tiếp thu kiến thức nhanh, cô gái nhỏ càng ao ước được tiếp tục con đường học tập. Bên cạnh đó, em còn có sở thích vẽ và ước mơ trở thành nhà thiết kế thời trang.

Nhận thức được hoàn cảnh gia đình, Khánh Thi cố gắng từng ngày, nỗ lực học tập và giúp đỡ bà từ những việc nhỏ nhất phù hợp với độ tuổi như quét nhà, nấu cơm rồi cho mẹ ăn. Trải qua những năm tháng khó khăn, cô bé lớp 4 chỉ mong ước mẹ khỏe; Mẹ khỏe rồi có thể kiếm tiền đỡ bà.

Không chỉ có thành tích học tập tốt, Khánh Thi còn có năng khiếu vẽ và ước mơ trở thành nhà thiết kế thời trang.

Trong không gian sinh hoạt của gia đình, đâu đâu cũng hiện hữu những tình thương từ người trao tặng, giúp đỡ. Gánh nước của bà Tám, từ chiếc xe đẩy, ghế ngồi đến nguyên liệu như chè, nước ngọt cũng đều của khu phố, họ hàng góp mỗi người một ít gom góp lại. Xuất phát từ sự cảm thương, người dân nơi đây ai cũng nhiệt tình giúp đỡ, mong gia đình bé Thi bớt khó khăn.

"Ở đây hàng xóm giúp đỡ nhiều, có gạo cho gạo, có tiền cho tiền. Có cái gì giúp cái đấy, nhưng ở đây cũng toàn người hoàn cảnh thôi chứ không ai giàu có. Giúp được phần nào thì hay phần ấy thôi chứ cũng không giúp được hoàn toàn", cô Hồng tâm sự.

Mẹ tâm thần, bà đau ốm, cô bé 10 tuổi luôn nỗ lực không ngừng vượt qua nghịch cảnh - Ảnh 6.

Cô Hồng, cô Thảo (lần lượt từ bên trái) là những người chứng kiến và thường xuyên giúp đỡ hoàn cảnh gia đình em Thi.

Thấy hoàn cảnh ba người cơ cực, tổ trưởng và tổ phó dân phố phường Quảng An vẫn luôn tạo điều kiện và ra sức tuyên truyền, kêu gọi mạnh thường quân giúp đỡ.

Là người luôn nỗ lực tìm cách giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn, cô Thanh Vân (tổ phó tổ dân phố) đặc biệt lưu tâm đến trường hợp của gia đình em Thi: "Chúng tôi thường xuyên huy động bà con mỗi người giúp một ít, người đóng cho cái xe, người giúp cho tí vốn để có mua chè, đồ để bán hàng để có đồng rau, đồng cháo..."

Đến nay, mọi cái ăn, cái mặc của gia đình bà Tám đều phải nhờ đến sự trợ giúp của các nhà hảo tâm. Song, để nuôi được em nên người, đó là cả một quá trình dài và chông gai phía trước…

CÙNG CHUYÊN MỤC
XEM