Mẹ bầu 9X xinh đẹp xúc động vì chồng "soái ca" giúp gội đầu trong khu cách ly và nỗi lòng của người mẹ sinh con thời dịch

Ngọc Tú | 12-08-2020 - 16:21 PM

(Tổ Quốc) - Những ngày sống trong khu cách ly, bà mẹ bầu xinh đẹp này đã học được lối sống tích cực, ứng biến những khó khăn, thiếu thốn về vật chất trở thành nguồn động lực, kỉ niệm lưu giữ những khoảnh khắc có 1 không 2 trong đời.

Nguyễn Phương Anh (CEO của một công ty Xuất nhậu khẩu ở Cali – Mỹ) đang ở khu cách ly tại Khánh Hoà đã thấy mình thật hạnh phúc dù đang phải sống kham khổ ở nơi cách ly, khi mà cứ chiều chiều, cô lại được chồng đứng dội từng gáo nước giúp vợ gội đầu, tối tối, lại được chồng ngồi quạt cho vợ dễ ngủ. Không chỉ vậy, những ngày sống trong khu cách ly, cô đã học được lối sống tích cực, ứng biến những khó khăn, thiếu thốn về vật chất trở thành nguồn động lực, kỉ niệm lưu giữ những khoảnh khắc có 1 không 2 trong đời. Dưới đây là những chia sẻ đặc biệt của cô: 

Vợ chồng tôi vốn định cư ở Mỹ. Khi nhận được thông báo có tên trong danh sách về Việt Nam, hai vợ chồng tôi đang cắm trại trong một khu rừng cách nhà riêng 1000 cây số. Chúng tôi đã phải thay nhau lái xe liên tục 16 tiếng đồng hồ mới kịp về nhà, thu xếp hành lý và lên chuyến bay giải cứu. 

Về Việt Nam, chúng tôi được phân về cách ly ở một doanh trại quân đội ở Ninh Hoà, Khánh Hoà). Cả khu cách ly có 22 mẹ bầu, chỉ một mình tôi có chồng cách ly cùng. Âu cũng gọi là "may mắn". 

Mẹ bầu 9X xinh đẹp xúc động vì chồng soái ca giúp gội đầu trong khu cách ly và nỗi lòng của người mẹ sinh con thời dịch - Ảnh 1.

Không phải cứ mua kim cương tặng vợ mới , chỉ cần biết giúp vợ gội đầu cũng đã là soái ca rồi

Ngày đầu tiên cách ly, trời mưa, tôi loẹt quẹt dép lê bước qua khoảng sân đầy rêu và ngã sõng soài trước sự hốt hoảng của tất cả mọi người! Cú ngã khiến tôi bầm tím khắp người. Mẹ tôi nghe tin dữ, gọi từ Hà Nội vào, vừa khóc, vừa trách mắng tôi bất cẩn. 

Nếu bình thường mà gặp sự cố tương tự, chắc chắn tôi sẽ hớt hải đến gặp bác sĩ. Nhưng trong khu cách ly thì lấy đâu ra bác sĩ mà mơ? Tôi chỉ biết thì thầm với con "Mạnh mẽ nhé, con yêu!", vừa là động viên con, vừa là tự dặn mình phải vững lòng. 

Giải pháp duy nhất và tốt nhất mà tôi có là nhấc điện thoại lên và gọi video call cho bác sĩ gia đình bên Mỹ để khám bệnh online. Ơn trời! Sau khi hỏi triệu chứng, bác sĩ nói em bé trong bụng không sao. 

Trừ sóng gió đó là đáng kể ra, thì những khó khăn khác trong 14 ngày cách ly – dù không hề ít, nhưng tôi đều học cách chấp nhận. 

Ví dụ như tôi phải tắm tập thể với các chị em khác trong nhà tắm công cộng với 1 cái cửa kéo bằng nhựa mà chỉ cần một cơn gió mạnh cũng sẽ mở toang ra; sống trong cảnh không có điều hoà giữa cái nắng nghiệt ngã của vùng biển và thi thoảng lại thấy đôi ba con gián lổm ngổm bò loanh quanh giường – đó là những cái mà tôi chưa bao giờ phải đối diện trước kia. Nhưng cũng nhờ phải sống trong khu cách ly, tôi mới biết cảm giác ấm áp, hạnh phúc khi mỗi chiều, chồng tôi sẽ đứng bên bể nước, kiên nhẫn dội từng gáo nước cho tôi gội đầu, y hệt như một cặp vợ chồng thời ông bà, cha mẹ tôi. Hay tối tối, chồng tôi ngồi phe phẩy quạt canh cho tôi ngủ... 

Mẹ bầu 9X xinh đẹp xúc động vì chồng soái ca giúp gội đầu trong khu cách ly và nỗi lòng của người mẹ sinh con thời dịch - Ảnh 2.

Nguyễn Phương Anh và "anh chồng soái ca" Huy Nguyễn tươi rói trong khu cách ly tại Khánh Hoà

Hoá ra những cách bày tỏ tình yêu truyền thống như thế có thể khiến phụ nữ nức nở không kém gì khi nhận được một viên kim cương khổng lồ từ chồng. 

Trong hoàn cảnh cách ly, dịch bệnh như này, tôi không thể không mãn nguyện nghĩ rằng "chồng tôi đúng chuẩn soái ca". Hôm nay đã là ngày thứ 12 tôi ở khu cách ly. 

Tôi không biết những bà mẹ bầu khác phải đi cách ly tâm trạng có khổ sở, căng thẳng hay không, riêng tôi thì tôi lựa chọn sự vui vẻ: vui vẻ vì mỗi ngày cách ly đi qua, là ngày tôi được về nhà gặp cha mẹ sắp đến gần. 

Để giữ cho mình vui vẻ, tôi làm quen với tất cả mọi người, rồi nghĩ ra đủ việc để khiến mọi người khuây khoả. Tôi xin với chỉ huy đơn vị bộ đội để tổ chức một "lễ tốt nghiệp" tượng trưng cho các em du học sinh trong khu cách ly vào đúng ngày tôi hết hạn cách ly. Vì có những bạn du học sinh vì dịch bệnh mà không có cơ hội được trải qua thời khắc thiêng liêng nhất của đời sinh viên- lễ tốt nghiệp. 

Tôi bỏ tiền ra đặt mua phông trang trí sân khấu và 25 bộ quần áo cử nhân để tặng các em. Hoa tươi đặt mua ở Nha Trang gửi vào. Chúng tôi còn có cả DJ "cây nhà lá vườn". Loa đài đã có doanh trại quân đội cho mượn. Tất cả mọi người đều háo hức chuẩn bị cho sự kiện trọng đại này. Có thể nhiều người sẽ nghĩ tôi làm chuyện bao đồng. Nhưng 25 em sinh viên trong khu cách ly thì rất háo hức. Làm người xung quanh mình vui cũng là cách để tôi sống tính cực trong những ngày cách ly thiếu thốn vật chất. 

Ngày hôm qua, cả phòng tôi có 19 người đã cùng chọn cho con trai sắp chào đời của tôi một cái tên thật đẹp. Đỗ Nhật Nam – cậu bé thần đồng cũng tình cờ ở chung phòng với tôi, đã gọi cho mẹ để nhờ Con tôi sẽ mang tên Phúc Viên (nghĩa là Hạnh phúc trọn vẹn). Sau này con lớn lên, tôi nhất định sẽ kể con nghe con đã được đặt tên như nào. Mọi người trong gia đình hay trêu tôi là mang bầu không đúng thời điểm. Ai lại nhè đúng lúc dịch bệnh hoành hành để sinh con bao giờ! 

Nhưng tôi nghĩ khác. 

Thời chiến tranh mưa bom bão đạn, thiếu thốn trăm bề, ông bà mình vẫn đẻ 5-10 người con. Chiến tranh Thế giới thứ II, riêng Liên Xô mất 20 triệu người…. Vì sợ cuộc sống quá nhiều hiểm nguy (mà nhân loại thì luôn phải đối mặt với hết hiểm nguy này đến hiểm nguy khác) mà không để những đứa trẻ chào đời, là cưỡng lại tạo hoá. Mà tôi rất tin một điều: bản năng sinh tồn là thứ mạnh mẽ nhất trong ADN của con người. Con tôi sinh ra trong khó khăn, dịch bệnh, thì sẽ được tôi luyện về cả thể chất lẫn tinh thần để chống lại chúng. Vợ chồng tôi luôn dặn nhau phải sống tích cực những ngày này. Dù cho 4 tháng qua, công ty xuất nhập khẩu của chúng tôi bị thiệt hại kinh tế không hề ít do mọi hoạt động ngưng trệ. Chúng tôi còn chuẩn bị cho rủi ro bằng cách, nếu một trong hai hoặc cả hai vợ chồng bị nhiễm covid, thì chúng tôi sẽ phải làm gì để chống lại nó. 

Sinh ra trong thời dịch có thể không phải là một thời điểm thực sự tốt với đứa con bé nhỏ đang nằm trong bụng tôi, vì có thể nếu con chào đời đúng lúc dịch bệnh trầm trọng, thì cả mẹ con tôi đều phải đối mặt với nguy cơ không được chăm sóc y tế đầy đủ khi các bệnh viện quá tải. 

Nhưng tôi nghĩ, con tôi là một đứa trẻ may mắn, vì dù chào đời trong hoàn cảnh nào đi chăng nữa, kể cả là sinh ra trong thời dịch bệnh như này, thì con cũng được sinh ra trong sự yêu thương, mong chờ và che chở của bố mẹ. 

Có rất nhiều người phụ nữ đang bụng mang dạ chửa giống tôi giữa lúc dịch bệnh như này, không ít người trong số đó hẳn đang lo lắng bất an. Nên khi nhiều mẹ trên MXH tham gia chiến dịch "sinh ra trong thời dịch" để kể nỗi lòng của bậc cha mẹ sinh con và nuôi con thời này, tôi đã quyết định chia sẻ câu chuyện của mình. Chúc các mẹ đang mang bầu sẽ vượt cạn thành công. Chúc các mẹ đang nuôi con nhỏ sẽ thật vững vàng làm chỗ dựa cho con lúc dịch bệnh!

CÙNG CHUYÊN MỤC
XEM